Vì sao các văn nghệ sĩ "im hơi lặng tiếng"?

03:17 CH @ Thứ Tư - 25 Tháng Năm, 2016

Ở bất cứ thời điểm nào, hoàn cảnh nào thì văn nghệ sĩ cũng là những người quan tâm đến thời cuộc, cất lên tiếng nói của thời đại mình, nhân dân mình, hướng tới những giá trị thẩm mĩ và nhân văn cao đẹp. Trước đây, trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, văn nghệ sĩ đã lên tiếng và tiếng nói của họ đã hoà nhịp với tiếng nói, nguyện vọng chung của dân tộc.

Ngày nay, trong công cuộc xây dựng đất nước, văn học - nghệ thuật cũng là một mặt trận không kém phần cam go, quyết liệt. Với thiên chức của mình, văn nghệ sĩ phải là người thể hiện được thái độ, trách nhiệm, tình cảm, trí tuệ trước những vấn đề lớn của dân tộc và thời đại thông qua văn học - nghệ thuật.

Thế nhưng trong suốt một thời gian dài, đặc biệt là sau đổi mới, nhiều lĩnh vực văn học - nghệ thuật chưa có những bước đột phá, chưa đáp ứng được đòi hỏi của người thưởng thức là phải có các tác phẩm hay, xứng tầm thời đại, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân. Dường như hiện nay, khá nhiều văn nghệ sĩ đang “im hơi lặng tiếng”, bầu không khí sáng tạo khá trầm lắng trong lúc cuộc sống đầy sôi động với rất nhiều vấn đề nóng bỏng đang được đặt ra. Vì sao?

VietNamNet mở diễn đàn "Vì sao các văn nghệ sĩ 'im hơi lặng tiếng'?" với mong muốn các văn nghệ sĩ chia sẻ, trao đổi, bày tỏ ý kiến của mình trước những vấn đề cấp thiết của văn học - nghệ thuật hiện nay cùng trách nhiệm của những người hoạt động trong lĩnh vực văn hoá - nghệ thuật trước những vấn đề lớn của đất nước, làm sao để chúng ta có những tác phẩm hay, tương xứng với tầm vóc của dân tộc và thời đại. Rất mong nhận được sử hưởng ứng của bạn đọc.


Sự im lặng là một dấu hiệu không ra làm sao!

Nhà văn lên tiếng bằng tác phẩm, người nghệ sỹ múa nói bằng ngôn ngữ hình thể và vũ điệu, nhạc sỹ nói bằng giai điệu và tiết tấu. Nói một cách khác, con công thì múa, con nghê thì chầu. Cuộc sống sinh động và sâu sắc hơn chính nhờ các ngôn ngữ như thế.

Tuy nhiên, văn nghệ sỹ nhiều khi lên tiếng trực ngôn và trực diện về một vấn đề sinh tử hay nóng bỏng của cuộc sống. Khi đó, anh ta nói tiếng nói của cộng đồng và nếu được lắng nghe, nó sẽ rất hữu ích; nó thúc đẩy cuộc sống đi nhanh, đi đúng hướng hơn.

Hồi chúng ta đánh Mỹ, nhà văn Pháp Giăng Pôn Sác đã lên tiếng đòi đưa đế quốc Mỹ ra toà; ca sỹ Mỹ Giên Phônđa đã đi đầu đoàn phản chiến và hát; nhà báo Úc Bớcsét đi khắp thế giới “gõ chiêng” về tội ác chiến tranh…Tiếng nói của họ khi đó là rất hiệu quả, họ đã được thiên lương của cả loài người lắng nghe và sự lên tiếng đã thắng.

Đến đây cần chia sự lên tiếng của văn nghệ sỹ ra làm hai. Một là người lên tiếng đã nổi tiếng, chính sự nổi tiếng đã tạo hiệu ứng nhanh và tức thì cho lời nói/cho người phát ngôn. Nhưng cũng có khi “nói phải củ cải cũng nghe”.

Ngày chúng ta đánh Mỹ, chỉ cần gõ kẻng thôi đã có hàng vạn người nghe, huống chi đó lại là thơ Phạm Tiến Duật, là tiếng hát của ca sỹ Giên Phônđa? Ở đây, vào lúc tâm thế xã hội sẵn sàng lắng nghe, những chân lý giản đơn của người nói dễ khiến anh ta trở nên nổi tiếng. Khi xã hội phân tâm, lời nói muốn được lắng nghe thì cần hai yếu tố: Ai đang nói? Anh ta nói cái gì và nói như thế nào?

Mươi năm trước, ở Pháp đã có cuộc triển lãm tranh tượng làm bằng toàn đồ phế thải, một trong các tác phẩm là chính gã hoạ sỹ khoác lên người loẻng xoẻng vỏ đồ hộp. Hoạ sỹ ấy không nổi tiếng, nhưng cái cách anh ta nói đã nhanh chóng đi vào lòng mọi người để đạt hiệu ứng xã hội.

Quan sát tiếng nói trực ngôn của văn nghệ sỹ mươi năm qua, ngoại trừ một số nhà văn như Thanh Thảo, Nguyễn Quang Thiều… tôi thấy có hiện tượng “gì cũng nói” và “ai cũng nói” khiến cho tiếng nói của họ tạo hiệu ứng tiếng ồn. Nó lẫn vào với dư luận, vào “vấn đề & dư luận” của các tờ báo hôm nào cũng phải có bài. Ai cũng nói và gì cũng nói khiến cho lời nói dễ đổ lá khoai.

Vì quả thực, tại mỗi thời điểm, có khi chúng ta chỉ có thể giải quyết rốt ráo nhiều lắm là một vấn đề. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời là Phó Thủ tướng phụ trách khoa học kỹ thuật có lần nói vui rằng, nghe các nhà KHKT nói về cái mũi nhọn của ngành mình, đâu cũng mũi nhọn nên người ta dễ hình dung ra nền KHKT nước nhà như quả mít!

Tôi có một vài kinh nghiệm phát ngôn. Năm 1993, tôi viết bài “Cần coi giỗ tổ Hùng Vương là quốc lễ”; tôi nói rằng Quốc khánh 2-9 là rất quan trọng, Quốc tế lao động 1-5 cũng rất quan trọng nhưng cả dân tộc có một ngày giỗ tổ, có một ngôi đền chung lại chỉ để cho mấy ông bà xã hương trông nom là chưa ổn...

Vài năm trước tôi đã lý sự, trong khi toán học người ta kỵ đề thi ra giống bài tập ở sách giáo khoa thì môn văn lại chỉ quanh đi quẩn lại có Chữ người tử tù với Vợ nhặt trẻ đã thuộc làu làu là cớ làm sao?

Tôi không rõ tiếng nói của mình có được những người mang trọng trách xã hội bỏ vào tai không và, suy cho cùng cái đó có hay không cũng không quan trọng. Tôi cảm thấy là tiếng nói của mình là một đòi hỏi chung và chính đáng.

Nhà văn nói riêng, văn nghệ sỹ nói chung là phải lên tiếng về cái đòi hỏi của xã hội, của tiến bộ và cái đẹp.

Nhưng lâu nay nhiều người trong số chúng tôi đã im lặng trước một số vấn đề gây xôn xao trên các phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí cả những vấn đề trọng đại của đất nước. Vì tôi cảm thấy đã có nhiều người nói và trong trường hợp này, hẳn có người sẽ hỏi, ví dụ, anh là ai mà dám nói đến sự to tát của quốc kế dân sinh?

Cho nên, suy cho cùng, sự im lặng ấy của chúng tôi không phải là thượng sách; nếu không nói đó là một dấu hiệu không ra làm sao!

Nhà văn Văn Chinh


Tôi trăn trở nhất hiện nay là luân thường đạo lý ở đời

Mở đầu, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của NSND Lê Hùng, giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam kiêm giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ.

Chúng tôi nói lên tiếng nói của mình bằng tác phẩm

Tôi không nghĩ rằng văn nghệ sĩ chúng tôi hiện nay đang im lặng hay thờ ơ với những vấn đề trọng đại của đất nước. Chúng tôi thể hiện sự quan tâm của mình, nói lên tiếng nói của mình thông qua những tác phẩm.

Rất có thể hiện nay, chưa xuất hiện những tác phẩm kinh điển, để đời ở mọi lĩnh vực của văn học nghệ thuật. Những tác phẩm đó không phải lúc nào cũng ra được. Nó cần phải được đầu tư, cần thời gian để thai nghén bởi nó không phải là hàng hóa tiêu dùng hàng ngày để sản xuất dễ dàng.

Nhưng chúng tôi vẫn có những tác phẩm phản ánh mặt này hay mặt khác của đời sống, nó đáp ứng được tinh thần thời sự, thậm chí tính nhân văn vẫn rất cao nhưng nó chưa thể nổi tiếng được như những tác phẩm đã được khẳng định giá trị.

Như trong lĩnh vực sân khấu, từ năm 1990 đến nay, chúng tôi vẫn liên tục dựng những vở diễn phản ánh sự biến động của tình hình đất nước.

Có thể kể ra như “Người lang thang không cô đơn” năm 1990; “Người không thể chết” ca ngợi các chiến sĩ thanh niên xung phong và các chiến sĩ Trường Sơn đã đổ xương máu giành lại độc lập cho Tổ quốc; “Bản thông điệp từ Điện Biên” năm 2000; “Những quân bài định mệnh” nói về công cuộc chống tham nhũng và tới đây sẽ là vở “Sự hi sinh thầm lặng” về các chiến sĩ ngày xưa nhưng lại để nói câu chuyện của ngày hôm nay.

Trong mỗi vở diễn, chúng tôi đều hướng thiện, đều có những bài học hết sức cụ thể cho khán giả để họ suy ngẫm.

Tất cả những băn khoăn, trăn trở, những sự quan tâm của văn nghệ sĩ chúng tôi đều được thể hiện qua những tác phẩm của mình. Đó cũng là nhiệm vụ của người nghệ sĩ – những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Tôi thấy rằng, nghệ sĩ chúng tôi vẫn đang làm và làm rất tích cực đấy chứ. Chúng tôi đâu có im lặng?

Với tư cách cá nhân của một nghệ sĩ, tôi cũng còn nhiều trăn trở với những vấn đề lớn của đất nước, nhiều lắm chứ. Tại sao những người nông dân trên mảnh đất này còn nghèo, còn khổ khi kinh tế phát triển mạnh như thế? Tại sao giới trẻ hiện nay lại sống ích kỷ, vô nghĩa và quên dần quá khứ? Tại sao vẫn còn nạn tham nhũng? Tại sao văn hóa xã hội lại đi xuống như vậy?…

Đấy là những vấn đề lớn của xã hội, bằng khía cạnh này hay khía cạnh khác chúng tôi vẫn báo động những điều đó. Những sự trăn trở ấy rất nhiều, và tôi gửi vào trong tác phẩm để góp một phần tiếng nói làm cho đất nước mình ngày càng tốt lên.


NSND Lê Hùng

Mỗi thời, văn nghệ sĩ có một cách thức riêng để thể hiện sự quan tâm tới xã hội

Nhiều người thường so sánh giai đoạn hiện nay với quãng thời gian sau đổi mới. Phải nói rằng, thời gian đó sân khấu kịch nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung có rất nhiều tác phẩm lớn, có tiếng nói đóng góp vào sự vận động và phát triển của xã hội. Trong lĩnh vực sân khấu có thể kể ra đây như các vở “Nhân danh công lý”, “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “1000 ngày kháng án”…

Ở thời điểm đó, báo chí và các loại phương tiện truyền thông khác chưa phát triển như hiện nay nên khi sân khấu kịch nói đúng vào những vấn đề bức xúc của xã hội thì được khán giả rất hưởng ứng và đón nhận. Cái đó góp phần tạo nên tiếng nói riêng của nó. Thế nhưng hiện nay, tất cả những vấn đề của xã hội đã được nói trên báo chí, truyền hình, trên phim ảnh chứ không còn là đặc quyền riêng của sân khấu nữa.

Nhiệm vụ của sân khấu bây giờ đã khác trước, không chỉ đơn thuần là phản ánh những cái đó. Sân khấu vẫn phải nói ra những thói hư tật xấu, để đưa được tính nhân văn của vở diễn lên cao, nhưng làm thế nào phải gần gũi với công chúng chứ bây giờ nói là đáp ứng tình hình phát triển của đất nước mà dựng những vấn đề mà báo chí đã nói hết cả rồi thì khán giả không xem. Không thể cứ nói mạnh mẽ trong khi khán giả không đến rạp để xem kịch.

Hơn thế nữa, sân khấu cũng chỉ là một tiếng nói thôi chứ không thể bao trùm các tiếng nói khác được. Chúng tôi là một kênh để nói lên những vấn đề lớn, những vấn đề còn đang bức xúc của xã hội thôi. Ngày xưa báo chí chưa nói thì sân khấu nói nên khán giả đến xem, sức mạnh tác động lớn hơn so với hiện nay khi đã có rất nhiều nguồn thông tin hấp dẫn khác.

Sân khấu không nên nói lại những gì các phương tiện khác đã nói mà nó gửi gắm đến khán giả những thông điệp có ý nghĩa bằng cách thức và ngôn ngữ của chính mình. Ví dụ bây giờ nói về chuyện giới trẻ sống thế nào thì sân khấu có cách thức riêng của nó. Chúng tôi cho họ xem lại quá khứ thông qua những vở kịch để họ nhận thấy họ đang phung phí tuổi trẻ của mình như thế nào.

Không phải cứ hô khẩu hiệu mới là lên tiếng

Sân khấu nói riêng và nghệ thuật nói chung là loại hình sáng tạo, nó có đặc thù riêng nên không nên áp đặt cho nó bất kỳ một đề tài nào cả. Hiện nay, vào những dịp kỷ niệm lớn, nếu Nhà nước muốn phát động phong trào thì có thể đặt hàng.

Có những hình ảnh rất lãng mạn, có những lớp kịch rất lãng mạn mà có khi khiến cho người ta nhớ nó cả cuộc đời và nhờ nó mà người ta sống tốt hơn lên. Một người lính khi ra trận có thể mang mãi hình ảnh Romeo và Juliet hôn nhau bên cửa sổ nhưng khi vào trận chiến họ vẫn hết mình chứ không phải vì một lớp kịch hô khẩu hiệu chúng tôi vì đất nước.

Nên làm gì và làm như thế nào thì việc ấy giao lại quyền cho các nghệ sĩ, cho văn nghệ sĩ miễn mục đích cuối cùng là để cuộc sống tốt hơn lên, người dân mình thương yêu nhau hơn lên và xây dựng đất nước ngày càng mạnh hơn bằng tiếng nói của riêng họ chứ không nên chỉ họ, áp đặt họ phải làm cái nó làm cái kia. Tự thân người nghệ sĩ bao giờ cũng muốn làm những thứ mà họ trăn trở nhất chứ không nhất thiết phải nói về những sự kiện thời sự nóng hổi.

Vấn đề mà tôi trăn trở nhất hiện nay là luân thường đạo lý ở đời. Nó bắt đầu bị phá vỡ, người ta (nhất là giới trẻ) đang dần quên, không còn nhớ đến quá khứ nữa. Họ không biết rằng để họ được sống như ngày hôm nay thì đã có bao nhiêu người hy sinh. Cha ông của chúng ta cũng muốn sống lắm, họ cũng muốn hưởng hạnh phúc lắm nhưng họ đã hy sinh hạnh phúc riêng tư của mình cho đất nước có ngày hôm nay.

Thanh niên bây giờ phải soi mình vào quá khứ, quá khứ như thế bây giờ mình sống đã được chưa? Những người từ quá khứ sống lại và chất vấn những người hiện tại, họ đã sống xứng đáng với tiền nhân ngã xuống chưa? Cái đó có sức tác động lớn hơn nhiều so với việc hô khẩu hiệu suông, dạy thanh niên bây giờ phải làm cái gì.

Cần phải có sự đầu tư để văn hóa phát triển tương xứng với kinh tế

Kinh tế của chúng ta hiện nay đã phát triển hơn rất nhiều rồi nhưng văn hóa thì chưa phát triển tương xứng. Văn hóa có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội cũng như sự phát triển của đất nước. Nếu không chú ý để làm sao cho văn hóa phát triển bắt kịp với đời sống kinh tế thì sẽ hết sức nguy hiểm.

Tại sao những nước phát triển khác, họ đã quá giàu có về kinh tế rồi nhưng đời sống tinh thần vẫn bị khủng hoảng, đạo đức xã hội vẫn xuống cấp đến mức báo động? Đó không phải là tình trạng chỉ có ở nước họ mà còn là bài học cho chúng ta.

Nếu không phát triển văn hóa cho tương xứng với sự phát triển của nền kinh tế thì những thứ đó sớm muộn sẽ xảy ra. Hiện nay, xã hội Việt Nam đã manh nha những điều đó khi đạo đức xã hội đang xuống cấp, tôn ti trật tự trong gia đình đảo lộn và nó chuẩn bị đến những bước “nặng” hơn. Rõ ràng đời sống đầy đủ tiện nghi nhưng họ bế tắc, do văn hóa không phát triển ngang bằng với kinh tế.

Tấm gương tày liếp chính là các nước tiên tiến, các siêu cường kinh tế đang phải trả giá. Hy vọng rằng những điều đó sẽ không xảy ra ở Việt Nam hoặc chúng ta phải nhìn ra để ngăn chặn được nó. Tôi cũng đã nói sự lo lắng của mình trên rất nhiều diễn đàn rằng khi tình hình kinh tế phát triển nhanh mà đời sống tinh thần không bắt kịp sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề.

Văn nghệ sĩ mong muốn Đảng và Nhà nước đầu tư một cách dài hạn và triệt để, cũng như phải mạnh tay thì văn hóa văn nghệ mới phát triển. Muốn thế, nhà nước cần đầu tư những thứ thiết thực như cơ sở hạ tầng phục vụ cho văn hóa, chăm lo cho đời sống anh chị em nghệ sĩ để họ có thể dành toàn bộ tâm sức cho công việc sáng tạo tác phẩm, không bị phân tâm trước những mối lo cơm áo gạo tiền.

Để có những tác phẩm kinh điển thì chúng tôi cần được nhà nước đầu tư nhiều hơn nữa. Đầu tư không phải là cho một tác phẩm cụ thể nào đó mà phải đầu tư cho cả cuộc đời, để chúng tôi có thể sáng tạo. Ngay cả tài năng của các nghệ sĩ cũng có hạn, Nhà nước cũng phải có chính sách để bồi dưỡng tài năng của họ.

Ở thời nào cũng thế, văn nghệ sĩ luôn luôn quan tâm đến những vấn đề lớn của đất nước. Sự quan tâm đó thể hiện bằng công việc sáng tạo, bằng tác phẩm để cùng với những lĩnh vực khác làm cho đất nước chúng ta ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.

NSND Lê Hùng (Tuấn Hải ghi)


Cái sự 'im hơi lặng tiếng' có lỗi ở cả môi trường

Người nói ắt phải có người nghe với sự cầu thị và thiện chí. Lên tiếng là một thái độ, im lặng cũng là một thái độ. Đôi khi sự "im hơi lặng tiếng" của người nghệ sĩ còn có duyên do từ môi trường văn hóa - xã hội xung quanh. Để văn nghệ sĩ hào hứng sáng tạo rất cần một môi trường có hào khí, minh bạch, tin cậy và liên tài. Chúng tôi xin giới thiệu cuộc trò chuyện của VietNamNet với đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh tham gia vào diễn đàn ’Vì sao văn nghệ sĩ "im hơi lặng tiếng"?’

Chất lượng sáng tác không ra đời trong những phòng hội thảo có gắn máy lạnh

- Nhìn vào nhiều lĩnh vực văn học - nghệ thuật trong thời gian dài qua thấy ít có những sự đột phá, chưa đáp ứng được đòi hỏi của người thưởng thức là phải có các tác phẩm hay, xứng tầm thời đại, theo ông thì lý do gốc rễ bắt nguồn từ đâu?

- Hàng chục năm nay, trong các cuộc gặp gỡ của lãnh đạo cấp trên với văn nghệ sỹ, tôi thường nghe một điệp khúc được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần: Anh chị em văn nghệ sỹ không thiếu tài, chỉ thiếu phương tiện, thiếu sự đầu tư quan tâm thích đáng của Đảng, Nhà nước… nên chưa có những tác phẩm lớn, xứng đáng với dân tộc, với thời đại… Để rồi cuối cùng đi đến kết luận: muốn có những tác phẩm lớn thì Nhà nước phải chi nhiều tiền hơn nữa. Tóm lại tiền là vấn đề hàng đầu, là lý do của mọi lý do.


NSND Đặng Nhật Minh

Gần đây được đọc trên báo tường thuật cuộc gặp gỡ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết với đại diện các hội VHNT tại trụ sở 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, ngày 22/7 vừa qua, cái điệp khúc trên lại được nhắc lại… và rồi lại kiến nghị nhà nước tăng thêm kinh phí cho các Hội VHNT. Tóm lại: Có tiền thì sẽ có những tác phẩm lớn.

Là người làm trong lĩnh vực điện ảnh, tôi không phải là người coi nhẹ tác dụng của đồng tiền, của những phương tiện kỹ thuật tốn kém… nhưng nghe mãi cái điệp khúc trên tôi chợt nghĩ không biết đến bao giờ chúng ta mới nhìn thẳng vào sự thật để nói với nhau rằng: Cái thiếu nhất của chúng ta hiện nay là thiếu TÀI NĂNG. Thiếu tài thì sẽ không có gì cả cho dù tiền bạc, phương tiện kỹ thuật có dư thừa. Đó lẽ ra phải là mối quan tâm hàng đầu của các Hội VHNT.

Với bộ máy văn nghệ công chức thư lại như hiện nay thì mối quan tâm hàng đầu là kinh phí (để nuôi dưỡng guồng máy đó) là những cuộc hội thảo vô bổ, những lễ lạt phù phiếm nhằm cốt để tiêu tiền nhà nước một cách hợp pháp. Nếu ví văn nghệ như một cánh đồng thì người lao động miệt mài trên đồng ruộng để làm ra thóc gạo thì ít mà những kẻ chạy lăng xăng trên bờ để giám sát, hô hào, cờ dong trống mở thì nhiều. Chi phí của nhà nước để nuôi đội quân trên bờ đó, để tổ chức những hội thảo, lễ hội phù phiếm đó là rất lớn, trong khi những người làm việc trên đồng ruộng thì ít được quan tâm (nó cũng như bức tranh nông thôn hiện nay vậy).

Hàng năm có hàng chục cuộc hội thảo nâng cao chất lượng sáng tác nhưng tôi chưa bao giờ được nghe người ta bàn về chuyện làm sao để có được những tài năng trong lĩnh vực văn nghệ. Mà muốn có những tài năng đó thì phải bàn đến chuyện đào tạo, đến toàn bộ nền giáo dục nữa. Muốn có người tài thì phải làm sao tạo ra trong đời sống văn nghệ một môi trường không bị ô nhiễm để cho những tài năng được nẩy mầm, hoặc không bị thui chột. Biết bao nhiêu vấn đề được đặt ra xung quanh vấn đề cốt lõi này nhưng vì tế nhị nên ít ai muốn bàn đến. Có điều chắc chắn rằng: chất lượng sáng tác không ra đời trong những phòng hội thảo có gắn máy lạnh và có phong bì.

Môi trường văn hóa của chúng ta hiện nay bị ô nhiễm trầm trọng!

- Thực tế là khá nhiều văn nghệ sĩ đang “im hơi lặng tiếng” trước cuộc sống sôi động với rất nhiều vấn đề nóng đang được đặt ra, tức là họ xa rời, dửng dưng với những vấn đề hiện tại, ý kiến của đạo diễn thế nào?

- Tôi không nghĩ tất cả các văn nghệ sỹ đều dửng dưng trước những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, trừ một số người vì đồng tiền chạy theo guồng máy của nền văn hoá tiêu thụ đang ngự trị. Việc chưa có tác phẩm hay như chúng ta mong đợi có thể vì người nghệ sỹ lực bất tòng tâm, chưa có đủ tài, đủ kiên trì để theo đuổi đến cùng điều mình ấp ủ, nung nấu.

Nhưng thử đặt câu hỏi ngược lại: nếu có những tác phẩm đạt được những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống liệu nó có được đón nhận hay bị công kích, phê phán, đánh đòn hội chợ như đã từng thấy trong sinh hoạt văn học và điện ảnh nước nhà? Cái sự "im hơi lặng tiếng" này có lỗi của người sáng tác một phần và có lỗi của cả môi trường xung quanh nữa. Có thể nói môi trường văn hoá của chúng ta hiện nay bị ô nhiễm trầm trọng.

- Trước đây, trong những giai đoạn khốc liệt nhất của chiến tranh, người nghệ sĩ lại càng hăng sáng tác, và thực tế là trong hoàn cảnh khó khăn, lại có nhiều tác phẩm để đời, từ điện ảnh đến văn học đều "sôi sục" khí thế. Nhưng hiện tại, rất nhiều lĩnh vực nghệ thuật đang bị cơn lốc thị trường, giải trí cuốn theo. Vì sao trong bộn bề những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, nghệ thuật hay nói cách khác những người sáng tác lại thiếu đi sự quyết liệt, thưa ông?

- Trước đây làm phim được coi là một công việc thiêng liêng. Ngày ấy không có khái niệm làm phim là để kiếm tiền, làm phim cốt để giải trí và phải được khán giả tuổi teen chấp nhận. Thời đó không ai lấy thị hiếu của tuổi teen làm định hướng cho sáng tác của mình. Tôi lấy làm lạ, cứ giở báo nào ra đọc mục điện ảnh là thấy nói đến tuổi teen, cứ như đối tượng phục vụ của điện ảnh bây giờ không có ai khác ngoài tuổi teen.

Có một thời làm phim cốt để được lãnh đạo khen, bây giờ làm phim cốt để được tuổi teen, con cái nhà giàu chấp nhận. Có một thời những phim lên gân, hô hào khẩu hiệu được cổ suý, bây giờ những phim giải trí có nhiều cảnh "hot" lại được đề cao. Trong cái bối cảnh nhiễu nhương như vậy thử hỏi những bộ phim đề cập đến những vấn đề nghiêm chỉnh của đời sống liệu có đến được với đông đảo người xem?

Có người nói rằng định hướng cho phim truyền hình trên màn ảnh nhỏ bây giờ là những ông chủ cho quảng cáo và định hướng cho nền điện ảnh bây giờ là những ông chủ các rạp xi-nê. Ấy là chưa kể từ khi mở cửa không hạn chế về số lượng và thời lượng cho phim của Hollywood, đã hình thành một lớp khán giả trẻ chỉ biết xem phim hành động của Mỹ, ngoài ra không biết thưởng thức phim ảnh của nước nào khác kể cả của nước mình (trừ những phim bắt chước theo Hollywood).

- Có thể thấy thực tế đáng buồn hiện nay là nhiều nghệ sĩ chỉ lo làm sao để kiếm được nhiều tiền, làm sao để nổi tiếng, dễ dãi hơn với những sáng tác của mình và thờ ơ với những vấn đề lớn của đất nước. Theo đạo diễn, muốn cho người nghệ sĩ hào hứng sáng tạo trở lại, máu lửa hơn với thời đại thì cần phải có những điều kiện gì? Môi trường xã hội phải có hào khí, minh bạch có quyết định nhiều tới việc kích thích người nghệ sĩ hay không thưa ông?

- Có thể nói so với lĩnh vực kinh tế thì trong giai đoạn Đổi mới, lĩnh vực văn hoá chuyển biến chậm nhất, chưa có gì thật nổi bật ngoài việc người dân bây giờ được tiếp cận dễ dàng hơn với lối sống, văn hoá từ bên ngoài du nhập một cách ồ ạt và sự xuất hiện một thứ văn hoá phục vụ cho xã hội tiêu thụ. Không những thế, lĩnh vực này cũng bị chi phối bởi tâm lý chạy theo theo đồng tiền rất mạnh và ngộ nhận rằng đó là xu hướng tất yếu của một xã hội dựa trên nền tảng của nền kinh tế thị trường.

Chính xu hướng này đã tác động không nhỏ đến sáng tác, đặc biệt trong lĩnh vực điện ảnh, tiểu thuyết, ca nhạc. Do điều kiện và hoàn cảnh lịch sử, một thời gian dài các văn nghệ sĩ đã được nuôi dưỡng trong môi trường bao cấp như những cán bộ viên chức. Chính sự "ưu ái" này đã hình thành nên một đội ngũ "văn nghệ sỹ công chức". Văn hóa phục vụ tiêu dùng đã dần dần làm cho nhiều "văn nghệ sĩ công chức" biến chất, trái tim trở nên khô cứng không còn đủ sức cảm thông với đời sống dẫn đến tình trạng như nhà văn Nguyễn Minh Châu đã nhận xét không lâu trước khi qua đời:

"Cái lỗi lớn nhất của mỗi chúng ta là đã khiếp hãi trước cái ác. Và lâu dần, dường như không làm gì được thì chúng ta coi như không có nó - cuộc đời không có cái xấu và cái ác đang hoành hành, đang chi phối số phận con người, coi như cuộc đời không có oan khiên, oan khuất…".

Bích Hạnh (thực hiện)


Sẽ là sai lầm lớn nếu lấy văn hóa làm 'chân ga'

Vị khách mời tiếp theo tham gia diễn đàn ’Vì sao văn nghệ sĩ "im hơi lặng tiếng"?’ cho biết, nên đặt thêm câu hỏi: vì sao văn học nghệ thuật chưa giúp được cho xã hội, cho con người, nâng cao đạo đức và chất người trong mỗi chúng ta. Và ông đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của văn hóa. Xin giới thiệu ý kiến của nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyên Ngọc.


Nhà văn Nguyên Ngọc

Cần phải chắc chân phanh khi vào cua hoặc đang tăng tốc

Theo tôi, có rất nhiều nguyên nhân vì sao văn nghệ sĩ “im hơi lặng tiếng”.

Còn nhớ trước Đại hội Nhà văn lần thứ IV, ông Đào Duy Tùng mời tôi lên gặp để trao đổi về tình hình đại hội và Hội Nhà văn. Hồi ấy tôi mới bị kỷ luật, thôi không làm Báo Văn Nghệ nữa. Có thể ông ngại là trong đại hội mình sẽ làm gì chăng?

Tôi nói với ông Tùng: Chúng ta không nên đánh giá thấp Hội Nhà văn, mà cũng đừng đề cao Hội quá. Không phải cứ có tổ chức Hội tốt thì sinh ra thiên tài đâu. Thời cụ Nguyễn Du, xã hội bi đát thế, mà vẫn có thiên tài đấy thôi. Văn học, nghệ thuật có những quy luật riêng, lúc thời thế suy tàn nhân tài vẫn có thể xuất hiện. Hội tốt chưa chắc đã có thiên tài, mà nếu Hội có kém thì cũng không vì thế mà lại không có tài năng văn học nổi lên. Nên không có gì phải quá lo lắng.

Có hai lúc con người cô đơn nhất, đó là trước cái chết và trước trang giấy, bởi vì không ai có thể viết thay anh và cũng không ai chết thay anh được.

Ví như nếu tôi viết kém không thể đổ tại ông Nguyễn Đình Thi (cố Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam - PV) lãnh đạo kém. Nguyễn Huy Thiệp viết hay, không phải nhờ có Nguyên Ngọc (nguyên TBT báo Văn Nghệ - PV) mà hay. Cái chính vẫn là lúc mình ngồi trước trang giấy.

Có lần tôi cũng đã nói với ông Lê Đức Thọ (khi ấy là Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng - PV), đời sống văn học sở dĩ tồn tại là do các nhóm chơi với nhau. Trong chiến tranh người cầm bút của chúng ta ra trận vì lòng yêu nước, văn nghệ sĩ trở thành một binh chủng chiến đấu, theo tôi thời ấy văn học của chúng ta đã làm tròn nhiệm vụ của mình đối với dân tộc, và tổ chức văn học nghệ thuật như một binh chủng chiến đấu lúc bấy giờ là thích hợp.

Nhưng hết chiến tranh thì nên để các tổ chức văn học tồn tại theo đúng quy luật của nó, nghĩa là theo nhóm của những người hoạt động nghề nghiệp. Tự Lực văn đoàn chỉ là một tổ chức văn học tư nhân, mà tạo ra cả một thời kỳ văn học đấy thôi. HNV chưa chắc đã tạo ra được một thời kỳ văn học như Tự Lực văn đoàn.

Với tư cách của một nhà văn, một công dân, một người làm văn hóa, anh phải có tiếng nói trung thực, thẳng thắn về các vấn đề xã hội, chống lại những cái sai phạm. Rồi anh phải góp phần xây dựng cho con người những phẩm chất để họ tự làm được điều đó.

Lại có lần tôi trò chuyện cùng một anh bạn người Philippines, từng tốt nghiệp tiến sĩ ở ĐH Havard, từng làm cho một tổ chức LHQ ở Paris. Được khoảng hơn 10 năm, anh bỏ công việc của LHQ, về đi làm văn hóa, làm phim, nghiên cứu. Chúng tôi nói đến các nước còn chậm phát triển như Philippines, Việt Nam đang phải ráng sức đuổi kịp các nước phát triển khác về kinh tế, xã hội, chính trị… thì vai trò của văn hóa ở đâu?

Anh hỏi tôi: “Ông có lái xe không? Vì lái xe quan trọng nhất là hai cái chân, chân ga và chân phanh. Kinh tế, chính trị giống như cái chân ga, bao giờ cũng phải đạp ga, lao tới phía trước. Văn hóa là chân phanh, người ta luôn phải giữ chân phanh cho tốt, đặc biệt là khi tăng tốc, hoặc khi vào cua".

Nhớ lại câu chuyện ấy, tôi thấy bây giờ chúng ta đang tăng tốc để đuổi kịp các nước khác về nhiều mặt, sẽ là sai lầm lớn nếu mình lấy cả văn hóa làm chân ga. Thấy kinh tế, chính trị lao lên, thì văn hóa cũng lao tới.

Văn hóa cần phải giữ cái sự bình tĩnh cho xã hội, cho con người. Truyện Cánh đồng bất tận (của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tư) có nói gì về chính trị, kinh tế đâu, nó nói về chất người, và đi tìm kiếm chất người. Thành công là ở chỗ đó, chứ không phải là dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực đâu.

So với chính trị, kinh tế thì văn học là cái lâu dài, cái mãi mãi của con người.

Nền tảng văn hóa cơ bản là vấn đề lớn nhất của văn học.

Cuộc sống có biết bao nhiêu cái để viết, nhưng nền tảng của anh kém quá thì anh có đủ sức, tài năng, tầm vóc để xử lý vấn đề ở tầm nhân loại hay không?

Vì sao chúng ta chưa có những tác phẩm đỉnh cao, tương xứng với tầm vóc thời đại và dân tộc?

Chúng ta biết, trí thức Việt Nam là trí thức yêu nước, văn nghệ sĩ Việt Nam là bộ phận của giới này. Cuộc cách mạng của chúng ta là cách mạng dân tộc, kháng chiến và chiến tranh của chúng ta về cơ bản cũng là giải phóng dân tộc, nên hầu như tất cả trí thức đi theo kháng chiến.

Có điều trí thức của ta cơ bản là trí thức nhỏ. Về cơ bản, văn học nước ta khi có kích thích gì đó thì sôi nổi lên, nhưng cái sôi nổi ấy lại không phải là… cơ bản. Một vài người có tài thì vượt lên, làm được một cái gì đó, nhưng có hiện tượng đặc biệt là tài năng của mình không lâu dài. Nhiều tài năng văn học của chúng ta xuất hiện từ rất sớm, nhưng rồi cũng chỉ đến thế.

Cho nên nếu mình chưa có tác phẩm lớn xứng với tầm thời đại thì cũng là điều bình thường. Chỉ có những đại trí thức thì mới trở thành nhà văn lớn của nền văn học lớn. Lev Tolstoi chẳng hạn, ông là một đại trí thức, thậm chí được coi là bộ óc lớn nhất của thời đại mình.

Đổi mới sinh ra một động lực, là một cú hích mở ra cho những tài năng phát triển nên mới sinh ra lớp những Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài… Nhưng đến một lúc nào đó cú hích này hết đà thì nó sẽ từ từ dừng lại. Và khi ấy nó trở lại vấn đề cơ bản ban đầu là nền tảng văn hóa. Nếu có nền tảng tốt thì anh tự đi được xa, không có thì sẽ dừng lại. Tôi nhận thấy trường hợp Bảo Ninh dường như tiêu hết vốn rồi thì thôi...

Văn nghệ phải lo cho cái lâu dài của con người. Gorky nói, không được phép ngây thơ tin rằng cách mạng chữa hết bệnh cho con người. Những căn bệnh ngoài da chỉ lặn sâu vào trong nội tạng, vì vậy chữa bệnh lâu dài cho nước Nga là văn hóa, văn học và giáo dục. Văn học có chức năng lo cái lâu dài đó.

Ngoài ra, văn học của chúng ta còn xoàng vì sa vào hai thứ: thứ nhất là đấu tranh chống tiêu cực một cách "báo chí"; thứ hai là ám chỉ. Những cái đó, theo tôi không phải văn học.

Văn học lo đến những cái dài hơn, mang chất người.

Đặt câu hỏi vì sao các văn nghệ sĩ im hơi lặng tiếng, vì sao bây giờ văn học nó không sôi nổi như trước kia cũng là một cách. Nhưng nên đặt thêm câu hỏi: vì sao văn học nghệ thuật chưa giúp được cho xã hội, cho con người, nâng cao đạo đức và chất người trong mỗi chúng ta. Hay nói như Gorky là chỉ có văn hóa và giáo dục mới có thể “chữa bệnh lâu dài” cho nước Nga.

Cần phải nói thêm thế này, nếu tạo được sự đồng thuận thì chúng ta mới đối phó được với những thách thức, với kẻ thù. Đồng thuận ở đây nên hiểu theo nghĩa là người trên lắng nghe, và đồng thuận với những gì người dưới nói đúng; người dưới là chấp hành, là tham mưu cho người trên chứ làm sao mà đồng thuận “ngược” lên trên được?

Cách dấn thân của một nhà văn không giống cách dấn thân như một nhà chính trị. Trách nhiệm của anh là giữa đường thấy việc bất bình chẳng tha. Nhưng sứ mệnh của anh là phải giải quyết những vấn đề của con người, nghĩa là anh phải chiến đấu cho cả những mục tiêu trước mắt và lâu dài.

Trong điều kiện như vậy thì nhà văn viết cái gì? Không phải ngẫu nhiên sinh ra cái gọi văn học ám chỉ thời gian gần đây. Phải chăng vì nó bí, hay là vì cực chẳng đã phải chọn cách làm như vậy?

Những nhà văn thực sự giỏi sẽ vượt qua được sự ám chỉ để nói những vấn đề lớn hơn của con người, của kiếp người. Theo tôi Cánh đồng bất tận đã vượt qua và làm được điều đó. Tại sao con người lại đau khổ, kiếp người lại bi đát thế? Chính cái đó nó giữ cái chất người cho xã hội.

Xã hội giống như một cái hộp vuông. Nhà nước giống như một khối tròn bên trong hộp vuông ấy. Về nguyên tắc, khối tròn có lớn cỡ nào thì cũng không thể lấp đầy cái hộp vuông. Bao giờ cũng còn những cái góc. Cái góc ấy để xã hội làm, xã hội càng tốt thì khối tròn nhà nước càng nhỏ. Còn khối tròn mà lớn, nghĩa là mọi việc nhà nước làm hết, thì xã hội sẽ nghèo nàn, cằn cỗi.

Những nhà văn cần phải tự phấn đấu trong điều kiện của mình. Những người có tài phải kiên trì nâng tầm văn hóa lên, tự mình vượt lên, để có thể làm chức năng cải tạo, chữa bệnh, làm lại con người.

Hữu Việt (thực hiện)

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Văn hóa là sống, vun đắp và tôn vinh

    04/08/2019G.S Tương LaiThế hệ trẻ hiện nay đang cần những dưỡng chất đến từ một nền văn hóa mà trong đó, những tinh boa của truyền thống dân tộc được thăng hoa trong quá trình chọn lựa và tiếp thu những thành tựu của văn hóa và văn minh của thời đại để tăng thêm sức đề kháng chống trả những cặn bã của nền văn minh ấy. Thế hệ trẻ nói chung đã vậy, thế hệ trẻ Thủ đô càng phải như vậy.
  • Tính lạc hậu tương đối của Văn hoá

    25/05/2016Nguyễn Trần BạtTrong số những cuộc xung đột, những xung đột về văn hóa tuy không phải luôn hữu hình và quyết liệt, nhưng âm thầm, bền bỉ, dai dẳng và có sức cản rất lớn đối với tiến trình phát triển chung của nhân loại. Nghiên cứu về tính lạc hậu tương đối của văn hóa với tư cách một thuộc tính tự nhiên của văn hóa và ảnh hưởng của nó đối với tiến trình phát triển và toàn cầu hóa là việc làm rất quan trọng, bởi nó sẽ giúp các dân tộc hạn chế khả năng xảy ra xung đột trên cơ sở đó, khai thác những ảnh hưởng tích cực của văn hóa...
  • Văn hóa và đô thị hóa

    27/03/2016GS. Tương LaiPhải huy động ở mức cao nhất sức mạnh văn hóa, xác định rõ văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp phát triển đất nước. Bằng sức mạnh văn hóa ấy mà đến với thế giới, mà hội nhập quốc tế...
  • Văn học và tác dụng chiều sâu trong việc xây dựng nhân cách văn hóa con người

    16/03/2016Hoàng Ngọc HiếnTrước khi bàn về tác dụng chiều sâu của văn học trong xây dựng nhân cách văn hoá, tôi muốn nêu mấy suy nghĩ về vị thế của văn học đương cố cơ bị nghiêng ngả và có chiều sút kém trong đời sống văn hoá hiện đại. Văn học trước hết là sách, là hình ảnh ngôn từ, là ngôn từ mực đen trên giấy trắng. Mấy thập kỉ nay, văn học phải cạnh tranh với một đối thủ ghê gớm mà sự lớn mạnh ngày càng hùng hậu, càng tăng sức áp đảo: đó là truyền hình...
  • Văn hóa và giao lưu

    08/01/2015Đặng Nhật MinhGiao lưu văn hóa là một hành xử hai chiều: Đem tinh hoa văn hóa của mình giới thiệu với người nước ngoài và ngược lại đem những tinh hoa văn hóa từ bên ngoài để giới thiệu với người trong nước, qua đó học hỏi làm giàu thêm cho văn hóa của nước mình. Vế thứ nhất chúng ta đã làm và làm tốt...
  • Bản năng, văn hóa và nhân cách

    19/09/2013TS. Hồ Bá ThâmBản năng và văn hóa là một vấn đề rất quan trọng, như một cặp phạm trù, một quan hệ tất yếu phổ biến trong quá trình tiến hóa, tha hóa và phát triển của con ngừời, của nhân cách có ý nghĩa phương pháp luận triết học nhân văn rất sâu sắc còn ít được nghiên cứu sâu, có hệ thống...
  • Văn hóa, triết lý và triết học

    11/12/2008Lương Việt HảiBài viết góp phần luận giải mối quan hệ giữa văn hóa, triết lý và triết học. Văn hóa là nguồn nuôi dưỡng các triết lý, các tư tưởng và hệ thống triết học, là điều kiện tất yếu cho sự tồn tại và phát triển các hệ thống triết học. Các triết lý, các hệ thống triết học lại là những bộ phận cốt lõi nhất trong nền văn hóa của một dân tộc...
  • Giao lưu văn hóa trong thời hội nhập

    12/08/2008GS. TS Hồ Sĩ VịnhGiao lưu văn hóa (GLVH) trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa đòi hỏi bản lĩnh văn hóa Việt Nam. Bản lĩnh, bản sắc dân tộc là cội rễ của GLVH. Trong mọi hoạt động văn hóa, Đảng và Nhà nước ta bao giờ cũng nêu cao định đề biện chứng: Kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại...
  • Cải cách văn hóa như thế nào?

    13/04/2008Nguyễn Trần BạtVăn hóa hình thành một cách khách quan, tự nhiên và mang trong mình tính lạc hậu tương đối. Cải cách văn hóa là giải pháp duy nhất để ngăn chặn những yếu tố lạc hậu tương đối của văn hóa xâm nhập và ảnh hưởng tiêu cực đến mọi lĩnh vực của đời sống.
  • Thế động của văn hóa

    12/01/2008Trần Kiêm ĐoànKhi nói đến văn hóa Việt Nam, phần lớn những nhà nghiên cứu thuộc thế hệ đàn anh thường nói lên một khái niệm ước lệ như "Nước Việt ta có bốn nghìn năm văn hiến". Đó là cách nói ở "thế tĩnh". Coi văn hóa là một gia tài quá khứ mang một giá trị tượng trưng và mơ hồ cần được chưng trong tủ kiếng hay cất kỹ trong cái tráp sơn son thếp vàng của lòng tự hào dân tộc...
  • Một cách nghĩ về văn hóa

    06/11/2006Vũ Duy ThôngĐã có một thời gian khá dài tồn tại cách nghĩ văn hóa như một thành quả của quá trình lao động sản xuất. Với quan niệm đó, hưởng thụ văn hóa là sự đãi ngộ cho những nỗ lực của con người trong lao động.
  • Văn hóa Việt Nam, nhìn từ mẫu người văn hóa

    07/08/2006Song ThủyNhìn văn hóa Việt Nam từ mẫu người văn hóa, tôi tránh được một cái nhìn tuyến tính của sự biến thiên. Hơn nữa, lối tiếp cận này còn trình ra một cách hiểu khác về văn hóa. Văn hóa, tôi nghĩ, không chỉ là những gì bày ra trên mặt đất, mà quan trọng hơn, còn là những trầm tích trong lòng đất. Và trong lòng người.
  • Đối thoại văn hóa hay đụng độ văn minh

    23/07/2006PGS. TS. Hồ Sĩ QuýSự đối thoại giữa các nền văn hóa là phương thức tối ưu cho sự lựa chọn của con người, là quy luật khách quan của sự phát triển bền vững. Sự đối thoại giữa các nền văn hóa là giá trị định hướng an toàn đối với tiến bộ xã hội...
  • xem toàn bộ