Viết văn đừng nghĩ đến tiền
Đó là câu dặn dò, dạy bảo của nhiều nhà văn bậc cha chú đối với con cháu. Câu nói đó hàm chứa hai ý: một là, đã theo con đường sáng tác, chỉ chăm chăm nghĩ đến lợi danh, tiền bạc thì khó có tác phẩm hay; hai là: đừng coi chuyện viết văn đồng nghĩa với việc kiếm tiền.
Khi “văn chương hạ giới rẻ như bèo”
“Rẻ bèo” nhất là các tác phẩm thơ. Muốn ra sách, các nhà thơ phải tự bỏ tiền từ A đến Z. Sách phát hành rồi, khó nghĩ đến chuyện bán, thường là cho không. Thơ của các tác giả được nằm trên quầy sách như Nguyễn Thế Hoàng Linh, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Thúy Hằng... là chuyện hiếm. Với Vi Thùy Linh, cô từng phải bán xe máy của mình để lấy tiền in thơ, và tiêu thụ bằng cách tự mình đi bán từng quyển. Còn nhà thơ Bảo Sinh, tính bài toán kinh tế cũng như đỡ nhọc sức hơn, ông in và photo từng tập thơ bé xíu trong lòng bàn tay để tiện phân phát, cho không. Nhuận bút in báo thơ thì tệ... khỏi bàn. Thông thường là 30.000 một bài. Trang Thơ chọn của TT&VH Cuối tuần dù chỉ trả 200.000 đồng/bài thơ hay mà đã bị xem là “phá giá”.
Thứ đến là tiểu thuyết. “Tiểu thuyết không cắt ngắn ra mà in báo được”, một nhà văn đã trả lời như vậy khi được hỏi tại sao chị không viết tiểu thuyết. Một cuốn tiểu thuyết, thời gian viết mất một năm đến năm năm hoặc hơn thế. Trừ các trường hợp tác giả tự bỏ tiền ra in toàn bộ hay chịu 50% tổng số chi phí, với các cuốn sách được dự báo có khả năng bán được, thông thường tác giả sẽ được trả 10% - 12% trên tổng doanh thu. Giả dụ một cuốn tiểu thuyết bán với giá 35.000 đồng, in 1.000 cuốn (số lượng in phổ biến hiện nay), đồng nghĩa với tác giả có nhuận bút tròm trèm ba triệu rưỡi, chưa kể đến chuyện số tiền đó sẽ “mất đứt” 10% đến 20% cho việc đóng thuế thu nhập cá nhân.
Trường hợp bất đắc dĩ phải đi bán sách như nhà văn Trần Thu Trang đã trở thành câu chuyện được nhiều người nhắc đến. Tiểu thuyết Phải lấy người như anh ban đầu Trang có gửi đến một số NXB nhưng không nhận được phản hồi. Sau đó, theo quan hệ trên mạng, cô quen biết giám đốc của một công ty truyền thông. Khi bàn việc, người này bảo, công ty không làm sách văn học nhiều nên Phải lấy người như anh làm theo kiểu dịch vụ. Trần Thu Trang đưa tiền cho công ty để xin giấy phép và in. Hợp đồng ban đầu là 500 cuốn. Sau khi đọc bản thảo, thấy có khả năng bán chạy, công ty in lên 1.000 cuốn, trong đó 500 cuốn in thêm, Trần Thu Trang không phải trả tiền. Khi sách ra, công ty giữ lại 500 cuốn và không trả cho Trần Thu Trang bất cứ đồng nhuận bút nào. 500 cuốn còn lại, Trần Thu Trang mang về nhà cất và tự tìm cách bán. Để sách của mình trở nên nổi bật hơn, Trang thêm chữ ký, dấu triện tác giả và đánh dấu sách kèm theo và gọi đó là “Quà tặng của Trang”. Ngày ấy, Trần Thu Trang không mang tiểu thuyết đến cửa hàng sách mà bán tại các quán cà phê, ký gửi ở cửa hàng lưu niệm, thậm chí, bán trực tiếp cho từng người một. Sau nửa năm, Phải lấy người như anh mới bán hết 500 cuốn.
Viết truyện ngắn quả tình đỡ hơn, sau khi đăng báo, có thể in tuyển tập chung, rồi tuyển tập riêng. Một truyện ngắn in báo, sẽ có nhuận bút từ 500.000 đến 2.000.000 đồng. Báo in truyện trả 500.000 thì phổ biến, báo rộng rãi trả 2.000.000 thì chỉ đôi tờ. Không thể tuần nào, tháng nào cũng có mặt trên một tờ báo, vòng quay của việc xuất hiện được ấn định “ngầm” là 3-6 tháng/lần. Thế nên, một số nhà văn “am hiểu thị trường” đã có bài tính cho một tác phẩm của mình như sau: in báo “địa phương” lấy năm trăm ngàn; in báo ngành, kiếm thêm năm trăm, sau đó, in báo “trung ương” lấy một đến hai triệu. “Như thế mới đỡ nhọc cái công viết lách”, họ giải thích. Tuy nhiên, sáng tác không phải theo kiểu sản xuất... vật dụng, cứ đều đều như vắt chanh là có tác phẩm đạt khả năng... in báo.
Tất cả còn chưa kể đến việc nhà văn bị “cắt” số tiền nhuận bút ít ỏi từ việc nối bản hay sách lậu. Thông thường, nhà văn chỉ được tiền nhuận bút ở 1.000 bản in đầu. Có in sau thì không thể biết hoặc biết lại không tiện hỏi vì... sĩ diện. Ai lại đem văn chương mà suy bì với... tiền bao giờ. Vì thế, duy chỉ sáng tác thì nhà văn khó sống, thế nên mới có...
Nghề của nhà văn
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp |
Trẻ hơn nữa, là nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ. Những truyện ngắn của chị đến nay vẫn tìm thấy dễ dàng tại các hiệu sách. Không thể biết được các tập truyện của chị bán được bao nhiêu bản, nhưng chị chưa từng nghĩ sống bằng nghề văn. Một thời gian dài, thu nhập chính của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ là từ việc viết và biên tập kịch bản các bộ phim truyền hình. Giờ đây, sau khi rời vị trí trưởng phòng nội dung 2 - trung tâm sản xuất phim truyền hình - đài Truyền hình Việt Nam, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ hiện là Giám đốc kênh truyền hình Let’s Việt (VTC9).
Với nhà văn Võ Thị Hảo, vào những năm 1980, ngoài viết báo là công việc chính, chị có việc làm thêm ở NXB Văn hóa, công việc khi đó là bồi lịch và tô màu lên những tờ in sẵn. Để nuôi con, chị còn đi tô mắt, mày, vẽ áo cho tượng đất nung... Bây giờ thì mở công ty truyền thông riêng, lúc rảnh thì viết và vẽ.
Ở “khu vực” các nhà văn 7x viết khỏe, viết đều tay, mặc dầu hiện tại chỉ viết văn để sống (tằn tiện), nhà văn Cẩn Vân Khánh bắt đầu phải tìm “một công việc ổn định” sau khi tốt nghiệp Khoa Lý luận sáng tác - trường ĐH Văn hóa. Nhà văn Đặng Thiều Quang hết mở cửa hàng giải khát lại xoay sang viết báo và hành nghề tay phải là kiến trúc sư. Nhà văn DiLi thì kiêm đủ nghề: từ giáo viên, nhà báo, đến PR, hướng dẫn viên du lịch...
Nhà văn Trần Thu Trang đang hành nghề... chụp ảnh |
Sang nhà văn 8x, khác với các bạn viết đồng lứa lấy nghề chính là làm báo để mưu sinh, Trần Thu Trang chọn nghề chụp ảnh. Cô kể, sau cuốn Phải lấy người như anh ra mắt, ai muốn chụp chân dung lại nhờ cô. Có một độc giả hâm mộ trên mạng từng giúp cô rất nhiều, không biết phải cảm ơn bằng gì, nghĩ mãi, Trần Thu Trang quyết định tặng bạn bộ ảnh cưới do chính tay mình chụp. Bộ ảnh cưới ra đời, không đẹp lắm nhưng được cái tự nhiên. Sau đó là một loạt các lời “nhờ cậy”, thế là Trần Thu Trang “bập” vào nghề. Trước khi chụp ảnh cho khách, Trang thường vạch ra trước các ý tưởng, thảo luận, thống nhất với khách hàng xong là tiến hành. Ngày trước, Trang làm một mình, công cụ duy nhất là chiếc máy ảnh cũ mèm, nặng trịch. Sau khi thấy lượng công việc ngày càng tăng, nhu cầu khách hàng mỗi ngày thêm lớn, Trần Thu Trang lên mạng tìm người hợp tác. Cuối cùng cũng tìm được. Nhóm chụp ảnh cưới của Trần Thu Trang gọn nhẹ hai người, còn việc trang điểm, quần áo, váy cưới, cô dâu chú rể tự lo lấy.
Nhà văn Bảo Ninh có lần tâm sự: “Danh tiếng, tiền bạc? Văn chương và nhà văn mà như vậy và chỉ vậy thì thật phù phiếm và đáng trách. Nếu quả thật tôi chỉ thế thì đấy là nỗi buồn lớn nhất của tôi”. Hiện nay, đa phần các nhà văn đều có “nghề phụ” nhưng là “nguồn chính” để nuôi “giấc mộng văn chương”. Khi theo nghề văn, nhiều người xác định, không thể sống được bằng nghề, song bảo bỏ nghề thì không ai muốn. Đó là cái nghề “giời đày”, sẽ còn đeo đẳng mãi số phận của người viết văn.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành