Hợp với nhân sinh
Sáu phép đó chỉ có 24 chữ, nếu không nhớ được hết, chỉ cần nhớ câu đầu là “Khí vận sinh động” hàm ý nghệ thuật phải đạt đến sức sống của tự nhiên.
Như vậy lý luận không cần dài, mà cần khái quát đưa nó đến gần trời đất và con người. Nhìn lại nền lý luận của chúng ta, chưa được kiểm nghiệm nhiều xem có tác động thế nào đến thực tế và có được nghệ sĩ sử dụng trong sáng tác hay không.
Với cá nhân tôi là một nghệ sĩ, những lý luận đó phần nhiều là vô bổ, và phải tự hình thành lý luận riêng khi sáng tác. Và nhiều nghệ sĩ khác cũng như vậy. Tại sao? Bởi vì những lý luận đó đòi hỏi nghệ thuật trình bày trên những hiện thực không tưởng và xa lạ với đời sống nhân sinh, ngay khi cả nền kinh tế cũng từng phát triển trái với quy luật tự nhiên.
Từ lý luận xem vào thực tế là cả một khoảng cách. Khi câu chuyện Tấm Cám được hiểu là cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác thì không có gì phải bàn nhiều, nhưng nếu ta nhìn nó là cuộc đấu tranh giữa hai cái ác thì vấn đề khác hẳn. Tấm và Cám đều chỉ có một mục đích là giành lấy ông vua. Một cái ác thông minh, nhưng hành động không triệt để. Một cái ác ngu đần, nhưng trưởng thành dần trong sinh tử thfi khôn ngoan không ai bằng và khi hạ thủ thì đối phương không còn đường sống. Bài học này không phải là không còn giá trị mà còn diễn ra sôi động hơn.
Khi Nguyễn Tư Nghiêm vẽ bức “Con nghé quả thực”, lý luận của ta chỉ nêu được một chiều là niềm vui của người nông dân trong cải cách ruộng đất. Tuy nhiên trong bức tranh còn vẽ một em bé rất buồn, nó chính là chủ nhân của con nghé. Vậy thì một sự kiện xảy ra đem lại niềm vui cho người này, đem lại nỗi buồn cho kẻ khác. Nghệ thuật là như vậy, nó trình bày nhiều chiều của cuộc sống nhân văn, còn đúng hay sai là tùy từng người xem, người đọc. Nếu lý luận nghệ thuật không nhiều chiều, không thấu tình đạt lý, mà chỉ đóng vai trò hướng dẫn, chỉ trích, thì nó bị đặt ra ngoài từ đầu trên các giá sách ế.
Con nghé quả thực - Sơn mài- Nguyễn Tư Nghiêm
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng cho rằng dân tộc ta đang ở trong tình trạng thảm hại. Đó là một ý kiến đáng lưu ý. Nhiều nhà kinh tế nước ngoài, ngay từ thời đầu đổi mới đã nêu ra rằng cần phải tính cái giá cho sự phát triển bằng mọi cách khi phá hủy môi trường sống. ý kiến này đang được thực tế chứng minh. Người ta có hai môi trường để sống: đó là môi trường sinh thái và môi trường nhân văn. Nguy cơ là chúng ta làm hỏng cả hai. Nói như vậy không phải để đưa ra một nhận định bi quan mà là tìm cách thức tốt hơn cho cuộc sống.
Văn học nghệ thuật có khả năng tiên liệu. Nam Cao trong “Đôi mắt” đã từng nói đến những người lãnh đạo mà không có tri thức thì hậu quả như thế nào. Vũ Trọng Phụng trong “Số đỏ” đã nhắc nhở về đám lưu manh len lỏi trong đời sống thượng tầng xã hội. Nếu chúng ta tỉnh táo tiếp nhận những điều đó từ nửa thế kỷ trước thì ngày nay những cán bộ không có trình độ và những Xuân tóc đỏ đã không nhiều như vậy. Văn hóa nghệ thuật không đơn thuần là trang sức và trò tiêu khiển xã hội. Nó phải là quyết sách của nhà nước trong quá trình phát triển, để trở thành một nhà nước văn hóa, là một bánh xe chạy song song với bánh xe kinh tế, trong đó lý luận nghệ thuật phân tích các vấn đề của văn nghệ giúp cho mặt nhân văn của hoạt động kinh tế. Và đất nước chỉ có thể được gọi là phát triển khi người dân thực sự có nhu cầu văn hóa nghệ thuật.
Nghệ thuật ngày nay nằm kẹp giữa cơ chế bao cấp tinh thần vẫn chưa thực sự thay đổi và nền kinh tế thị trường đã mở rộng. Nó đòi hỏi một đời sống dân chủ hơn cho sáng tạo và xây dựng thị trường nghệ thuật để chuyên nghiệp hóa. Trong quá trình hội nhập, vai trò của văn hóa nghệ thuật yếu ớt như hiện nay thì không những bản sắc có nguy cơ bị phai mờ mà sự hội nhập của dân tộc có thể là thụ động.
Bức tranh đầu người mình chim. (Phan Cẩm Thượng). |
2. Nghệ thuật sinh ra để bù đắp cái chưa hoàn thiện của con người. Khi xã hội có điều bất cập thì nó lên tiếng, khi xã hội thiếu thốn thì nó vẽ ra những viễn cảnh tương lai. Vì thế cái mới là mục đích, tự do là phương tiện của nghệ thuật – một hoạt động có tính điều chỉnh và tự điều chỉnh cơ chế hoạt động của mình. Điều này phụ thuộc vào ba mặt: hành nghề ở mức độ chuyên nghiệp hóa, yêu cầu một thiết chế nghề nghiệp (luật nghệ thuật) và tự do sáng tạo. Ba mặt trên không đầy đủ, dù tài khéo đến đâu, những sản phẩm nghệ thuật chỉ là nghiệp dư, không có giá trị xác lập nền văn hóa, không trở thành các biểu tượng xã hội.
Trong kinh tế thị trường, sự chuyên nghiệp hóa xác định nghệ thuật là một bộ phận của nền kinh tế, cũng sản xuất ra giá trị kinh tế, tỷ lệ đó càng lớn so với các ngành sản xuất khác, càng chứng tỏ một xã hội phát triển. Một mặt là người nghệ sĩ chỉ có lao động sáng tạo nghệ thuật, hoặc là hoàn toàn, hoặc là chủ yếu, mặt khác là cơ chế xã hội có tính chuyên nghiệp. Khi cơ chế bao cấp được dỡ bỏ trong phần lớn hoạt động sản xuất, thì riêng khu vực nghệ thuật mới phần nào. Vì thế rất nhiều nghệ sĩ đã sáng tác chuyên nghiệp, những tổ chức xã hội cho nghệ thuật lại không chuyên nghiệp, khiến nghệ sĩ không có đất trình bày, tiền đầu tư của Nhà nước (hữu hiệu nhất) là bj chia nhỏ theo kiểu công đoàn, mà không đến tay những người thực sự lao động. Cũng bởi vì người tự chuyên nghiệp hóa thường đứng ngoài biên chế và công sở. Nghệ sĩ không đòi hỏi đặc quyền về tự do dân chủ, mà chỉ cần hưởng mức độ này như người dân thường, tức là mọi hoạt động nghệ thuật nếu không được phép, cần được giải thích trên cơ sở của luật pháp xã hội, không có những cấm kỵ từ bên trong. Chúng ta chưa có luật nghệ thuật, còn các quy định, quy chế hoàn toàn có tính tạm thời. Vì thế không biết giới hạn của sáng tạo là ở đâu, tại sao lại có những khu vực kỵ húy, và vừa có những sáng tác quá trớn với truyền thống đạo đức, lại nhiều người cảm thấy hạn chế khi sáng tác. Ví dụ trong vấn đề xin giấy phép và các công trình đầu tư của nhà nước, trong đó những người biết việc (nghệ sĩ) lại phải hỏi những người không biết việc (người xét duyệt, hội đồng giám khảo). Kết quả là những nghệ sĩ có sĩ diện thì đứng ra ngoài lề, những người cốt đạt hợp đồng thì hỏng về nhân cách ngay từ đầu. Do vậy mà những công trình văn hóa nghệ thuật của chúng ta mấy chục năm qua, hoặc yếu kém, hoặc không có tầm cỡ của dân tộc.
Bức tranh rắn trong bộ 12 con Giáp. (Phan Cẩm Thượng)
Lấy Hà Nội làm ví dụ, một Thủ đô văn hóa, mà những công trình đẹp nhất vẫn do người Pháp để lại. Đến Hà Nội, người ta vào bảo tàng nào, có lẽ chỉ có Bảo tàng Dân tộc học là tạm ổn vì phương pháp trưng bày ở đó là tiên tiến, cộng với một vị giám đốc sáng sủa. Ở khu vực nông thôn những công trình đẹp đẽ nhất vẫn là những đình, đền, chùa thời phong kiến. Trong nước hiện có từ hàng chục đến hàng trăm họa sĩ điêu khắc sáng tạo rất chuyên nghiệp, nhưng triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2005 rất nghiệp dư. Song vấn đề không phải là thay kiến trúc sư thì có tòa nhà tốt hơn, thay nhà điêu khắc thì có tượng đài đẹp hơn mà là cả cách quản lý văn hóa không có khả năng chấp nhận nghệ thuật đỉnh cao, cuối cùng không khuyến khích được tự do sáng tạo. Chương trình giáo dục của các trường nghệ thuật hàng nửa thế kỷ qua không thay đổi và không gắn bó với sự phát triển của nghệ thuật nhân loại. Các hội, vụ, viện tiêu tiền đều của Nhà nước mà hiệu quả công việc thấp hơn nhiều so với các hoạt động cá nhân. Sự quản lý hiện tại chỉ chăm sóc được các khu vực nghiệp dư mà bỏ qua khu vực chuyên nghiệp. Nghệ thuật vẫn tự nó vận hành khi những điều kiện xã hội không tương thích, thì các cá nhân vẫn tìm cách hoàn thiện và đi đến cái mới. Sự thiệt hại thuộc về nhân dân và Nhà nước khi không tiếp nhận được những thành quả lao động sáng tạo và những hoạt động sản xuất kinh tế thiếu một bộ mặt văn hóa. Chúng tôi mong rằng trong đường lối văn hóa nghệ thuật của Đảng và Nhà nước trong thời gian tới cần xét đến cơ chế tự điều chỉnh của văn hóa nghệ thuật, vì không một nghệ thuật nào gọi là có giá trị mà phát triển lại đi ngược bản chất nhân văn.
Nguồn:
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá