Tấu hài “Công danh”

01:07 SA @ Thứ Tư - 21 Tháng Giêng, 2009

Hinh:(ra) Cha chả! Khổ ơi là khổ! Nghèo ơi là nghèo!
Đế: Nghèo thế nào?
Hinh: Nghèo lắm! Nghèo đến nỗi cả nhà không có một cái hố xí. Hình như tôi còn mỗi cách lao ra ngoài đường!
Đế: Ỉa ngoài đường à?
Hinh: Ừ, ỉa ngoài đường, ỉa vào thiên hạ!
Đế: Nghèo thế nào nữa?
Hinh: Nghèo đến nỗi khi nào ăn thì phải ăn giấu ăn giếm trong nhà, ăn trong xó tối!
Đế: Sao phải làm thế?
Hinh: Vì cơm ăn nào có gì đâu!

Quanh đi quẩn lại:
Toàn mấy món rau
Ngày đứt bữa, tháng đứt cơm.
Năm thì mười họa mới được bữa tươm tươm dạ dày!
Nói ra thì thật xấu hổ!

Đế: Thế sao không ra thiên hạ tìm công danh?
Hinh: Ừ nhỉ! Đi tìm công danh! Đi tìm công danh!

Ta đi ra chốn thị thành,
Nào ta bỏ quê, sang song, ra chốn thị thành, kiếm chút công danh
Ối giời ơi!
Công danh là món rất hay
Phen này ta quyết ra tay hái về!

(đi, vấp phải sư phụ)

Sư phụ: Này anh kia!

Đi đâ mà vội mà vàng,
Mà vấp phải đá mà quàng phải dây?
Sao không trông thấy sư phụ ta đây?

Hinh: Lạy sư phụ, lạy sư phụ!

Con đây có mắt như mù,
Kiếp này con vụng đường tu.
Tiền nong chẳng có, tướng mạo lù đù…
Đường đi lối lại tù mù chẳng biết đi đâu…
Con xin sư phụ dạy bảo đôi câu,
Cho con làm vốn để mua cái vé tàu đến bến công danh!

Ôi ông Nguyễn Nhật Ánh1 ơi, cho tôi mua một cái vé đi về tuổi thơ nào! Cho tôi một cái vé đi tìm công danh nào!

Sư phụ: Thế chú quyết bỏ quê ra ngoài thành phố để làm ăn à?
Hinh: Dạ phải!
Sư phụ: Thế chú định làm chính trị, làm kinh tế hay làm văn hóa?
Hinh: Thưa sư phụ, thế nào là làm văn hóa?
Sư phụ:

Học hành chữ nghĩa bề bề
Bác cổ thông kim chẳng ai chê
Làm văn, làm báo… văn tải đạo
Dạy thuê, viết mướn… cà khịa thuê!

Ta hỏi chú: bụng chú có tí chữ nghĩa nào không mà làm văn hóa?

Hinh: Dạ không có gì. Bụng con không có chữ nghĩa. Con không làm văn hóa được. Bạch sư phụ cho con làm kinh tế.
Sư phụ:

Kinh tế là kinh bang tế thế
Buôn ngược bán xuôi, thạo bách nghề
Một vốn bốn lời, chuyên thủ lợi,
Mua bán giang sơn… một vấn đề!

Ta hỏi chú: chú có ít lưng vốn nào không mà làm kinh tế?

Hinh: Dạ không có! Con không giỏi đánh đề, con không làm kinh tế được! Dạ cho con làm chính trị!
Sư phụ: Làm chính trị cần giỏi hai việc. Thế chú có biết thế nào là phép cưa mũi tên với phép hàn nối của ông Lý Tôn Ngô2 học giả ở bên Trung Quốc hay không?
Hinh: Dạ con không biết!
Sư phụ: Vậy lại gần đây ta bảo! (lấy một mũi tên đâm vào vai Hinh)
Hinh: Ôi đau quá, đau quá! Sư phụ ơi cứu con!
Sư phụ: Lại đây để ta cưa mũi tên cho! (lấy cưa, cưa mũi tên)
Hinh: Sư phụ ơi, sư phụ chỉ cưa bên ngoài mũi tên, còn đầu mũi tên vẫn cắm trong da thịt của con! Sư phụ chữa trị như thế thì ăn thua gì!
Sư phụ:(cười) Đấy là phương thức gọi là cưa mũi tên. Việc của ngươi đến ta giải quyết thì ta thông cảm, ta an ủi, nhưng đầu mũi tên ở trong da thịt của ngươi thì đấy là việc của người khác, ta không biết, ngươi đã hiểu chưa?
Hinh: Dạ con chưa hiểu!
Sư phụ: Chưa hiểu thì ta lại dạy ngươi một cách khác nữa. Vào trong mang cái nồi đồng ra đây!

Hinh:(lấy nồi đồng) Thưa sư phụ, nồi đồng này có thủng mấy nốt trôn kim, phải mang đi hàn chứ không đựng nước, không nấu cơm được!
Sư phụ: Ngươi có biết làm không?
Hinh: Dạ, con không làm được. Con nhờ sư phụ giúp cho! (đưa nồi)
Sư phụ:(xem nồi) Được rồi! Đi lấy cho ta cái ghế vào đây! (Hinh quay đi lấy ghế, trong khi đó sư phụ lấy dùi, dùi thêm vào nồi)
Hinh:(xem nồi) Chết! Sao con vừa quay đi thì sư phụ lại dùi thêm vào đít nồi cho nó loanh toanh bành ra thế này!
Sư phụ:(cười) Đây là phương thức gọi là hàn nồi. Phải làm loanh toanh bành ra thì mới có cái mà xơi chứ!
Hinh: Thôi thôi, con hiểu ra rồi! Giống như con mất chứng minh thư thì thày hỏi con hộ khẩu. Tìm được hộ khẩu thì thày hỏi giấy kết hôn. Tìm được giấy kết hôn thì thày hỏi sổ đỏ. Cứ thế mãi đến khi xuống hố, con chẳng biết đằng nào mà lần!
Sư phụ: Đúng rồi! Đúng là như thế!
Hinh: Bạch sư phụ, vậy con không làm chính trị được!
Sư phụ: Văn hóa không làm được! Kinh tế không làm được! Chính trị không làm được! Thế ngươi mơ tưởng công danh làm gì! Thật đúng là:

Trâu gày đòi trèo tường dốc,
Méo miệng lại muốn xôi vò!
Phận hèn lại muốn nôi to,
Xấu giai lại muốn mong sờ vú tiên!

(cầm phất trần đuổi đánh) Vậy chó nuôi mày! Vậy chó nuôi mày!
Hinh:(chạy) Ối ối! Sư phụ đánh con! Sư phụ đánh con!
Sư phụ:(đuổi) Vậy chó nuôi mày! Vậy chó nuôi mày!
Hinh: Ối ối! Sư phụ đánh con! Sư phụ đánh con! (chạy vào hậu đài)
Sư phụ:(hát)

Đời vương vấn chữ danh chữ lợi,
Cuộc đua tranh sôi nổi làm sao!
Dở hay ai biết thế nào,
Được thua còn mất ồn ào ngoài kia.
Ai ngập trong sông mê biển lú,
Có tỉnh chăng về với chữ tình.
Chữ tình là chữ xinh xinh
Người xinh, cái tỉnh tình tinh cũng giòn!

Hinh: (ra, quần áo khác)

Chó nuôi mày! Chó nuôi mày!
Ơn sư phụ như trời như biển,
Chỉ một câu mà có tương lai!

Tôi làm nghề nuôi chó, chó nuôi tôi, nay đã thành tài! Nay nhà cao cửa rộng, công danh vẹn toàn, nở nang mặt mũi!

Bạch sư phụ! Cám ơn sư phụ, cám ơn sư phụ!

Sư phụ: Cái anh kia! Thế anh nuôi chó thế nào?
Hinh: Bạch sư phụ, người có cái gì chó có cái ấy! Chó có karaoke, chó có hotel, chó có nhà nghỉ, chó có bệnh viện, chó có sân chơi, chó có đài hóa thân Hoàn vũ! Thực ra con làm nghề mãi dâm cho chó… Đúng là cho nó nuôi con! Còn con nuôi chó…
Sư phụ: Hay! Cũng hay!
Hinh: Bạch sư phụ chó nuôi con, con nuôi chó! Nay con đã công thành danh toại. Vậy con có thơ rằng:

Công danh thanh trọc khôn lường
Quanh đi quẩn lại vấn vương chữ tình
Chúng ta phấn đấu hết mình,
Không bằng con chó xuất tinh một lần!

Bạch sư phụ, chuyện công danh ở đời nó là như thế!

Sư phụ: Thôi thôi, thôi thôi. Ngươi đã công thành danh toại… Thế trước kia ngươi nghèo khổ sở, nay ngươi giàu có vậy ngươi thấy có khác gì nhau?
Hinh: Bạch sư phụ! Cũng chẳng khác gì! Trước kia con nghèo, con ăn trong nhà, còn ỉa ngoài đường! Nay con giàu có, bạch sư phụ, con ăn ngoài dường, còn ỉa trong nhà, chỉ có thế thôi!
Sư phụ, Hinh:(cùng cười và hát)

Nay xuân đã về, Tết đã về!
Cuối năm khăn áo về quê…
Công danh lưu lạc trên thành phố
Hay dở ngược xuôi luống bộn bề!
Đã vào đến chốn công danh,
Không thành ra bã cũng thành ra khuôn!3
Bao nhiêu là thứ bùa mê,
Cũng không bằng được nhà quê của mình!4
Ta về giếng nước sân đình,
Ta về ta giữ chữ tình với nhau!
Nào ta lên tàu đi về quê nào!

Hạ màn

1 Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
2 Học giả Trung Quốc những năm 1930, nổi tiếng với sách “Hậu Hắc học” với thuyết “tâm đen, mặt dày”
3 Thơ Nguyễn Bảo Sinh
4 Thơ Đồng Đức Bốn

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Danh lợi

    20/08/2010Nghiêm Lương ThànhĐọc sách xưa, thấy các cụ hay nói đến cụm chữ “công danh”. Phải chăng các cụ nhà mình cũng lại rất háo danh? Nếu để ý một chút, thấy trước chữ "danh" bao giờ cũng là chữ "công"...
  • Khoa học "rởm" và căn bệnh hiếu danh

    17/03/2008Trần Ngọc TrungChức danh giáo sư là một danh hiệu cao quý, do nhà nước phong tặng, thể hiện sự ghi nhận những thành quả và cống hiến to lớn đối với nhà khoa học nào đó trên từng lĩnh vực cụ thể. Người được phong chức danh giáo sư cũng thường được xã hội đề cao, coi trọng. Trong các hội thảo, trên giảng đường..., sự xuất hiện của một giáo sư luôn được đón nhận với niềm hứng khởi và lòng kính trọng...
  • Danh và Thực

    06/12/2007Giáo sư Phong LêQuan sát cuộc sống quanh ta, quả không khó thấy có những người suốt đời không thể sống mà không có danh. Bởi chỉ với cái danh mới phát ra được các tín hiệu của quyền lửa và với cái danh, họ thu được rất lắm quyền lợi; Cả một đời sống với danh và vì danh, cho đến khi có cơ hết; và hết đối với họ là mất quyền lợi, nên họ phải bằng mọi cách níu giữ cho được cái danh, ở bất cứ dạng thái nào...
  • Những ngộ nhận danh xưng tốn kém

    25/08/2005Nguyễn Văn TuấnTrong vòng vài năm trở lại đây, có nhiều nhà khoa học hoặc được kết nạp vào New York Academy of Science (Viện hàn lâm khoa học New York), hoặc đề cử có tên trong các từ điển danh nhân loại “Who is Who”. Cố nhiên các nhà khoa học này có ít nhiều đóng góp quan trọng cho khoa học, nhưng việc họ có tên trong các từ điển danh nhân hay được phong tặng những danh hiệu to lớn như thế có thực sự là một vinh dự, hay phản ánh tầm cỡ vĩ đại của nhà khoa học, hay là nạn nhân của những chiêu thức tiếp thị tinh vi của các công ti chuyên kinh doanh tiểu sử? Đây là một vấn đề cần xem lại cẩn thận. Trong bài viết này, tôi sẽ trình bày một số thông tin liên quan để bạn đọc lượng xét.