Người trẻ và những thách thức trong thời đại toàn cầu hóa
Hỏi: Ông nhận định như thế nào về giới trẻ (những sinh viên mới vào đời và những người trẻ tham gia vào hoạt động kinh doanh) trong giai đoạn hiện nay? Theo ông, trong giai đoạn khó khăn này, đâu là thách thức của người trẻ và họ phải làm gì?
Trả lời: Khi thế giới khó khăn thì đất nước đương nhiên cũng khó khăn, đấy là đặc trưng rất rõ ràng của thời đại toàn cầu hoá. Những giai đoạn khó khăn như vậy xuất hiện theo chu kỳ. Mỗi chu kỳ có thể dài ngắn khác nhau, nhưng nói chung, càng ngày chu kỳ của khủng hoảng kinh tế thế giới và khủng hoảng kinh tế của các quốc gia càng ngắn lại. Tại sao các chu kỳ lại ngắn lại? Là vì chúng ta đang sống trong một thời đại mà tốc độ phát triển là rất nhanh, và bất kỳ một yếu tố ngẫu nhiên nào cũng dẫn đến sự ùn tắc của một dòng chảy nhanh và đông đúc như vậy. Do đó, điểm thứ nhất mà những người trẻ cần phải ý thức là khủng hoảng là hiện tượng có thật và thường xuyên có theo những chu kỳ dài, ngắn khác nhau, cho nên, phải xây dựng cho mình một thái độ luôn luôn chuẩn bị cho những tình huống như vậy.
Khi kinh tế thế giới khó khăn, kinh tế quốc gia khó khăn, thì lớp trẻ là lớp người phải chịu áp lực nặng nề, nếu không nói là nặng nề nhất, bởi vì lớp trẻ có những đặc điểm như sau: Thứ nhất là họ ít kinh nghiệm. Đấy là đặc trưng của lớp trẻ, bởi vì quá khứ của họ chưa đủ dày để có được các lớp kinh nghiệm. Cái sự nhiều ảo tưởng, nhiều tưởng tượng, nhiều lãng mạn vẫn còn, cho nên lớp trẻ thường nhìn các cuộc khủng hoảng như những thách thức với khả năng của mình hơn là những tai họa. Do đó, rất khó cho lớp trẻ để ứng xử trên thực tế vì thiếu kinh nghiệm. Thứ hai, vì họ còn trẻ cho nên độ dài hoạt động trong thực tiễn ngắn và do đó, họ thuộc về tầng lớp người nghèo nếu đem so với những người đã trưởng thành hơn về lượng tích lũy vật chất mà họ làm ra trong cuộc đời. Thứ ba, lớp trẻ ít kiên định đối với những tình trạng đảo lộn của cuộc sống, và vì thế dễ dao động trong những lúc khó khăn. Thứ tư, mặc dù lớp trẻ không có những ràng buộc trách nhiệm thật sự gay gắt, thực sự thường xuyên đối với các đối tượng khác nhau, nhưng họ có một phổ rất rộng các mối quan hệ buộc phải thoả mãn. Những lời hứa với bạn gái chẳng hạn, những dự định cho tương lai của mình hay những ý đồ kinh doanh chẳng hạn. Lớp trẻ luôn luôn là cái kho chứa các cam kết mà một người bắt đầu vào đời thường có và có khá nhiều. Với những đặc điểm như vậy, lớp trẻ rất dễ trở thành nạn nhân của các cuộc khủng hoảng, trong đó một nửa là do những tham vọng chủ quan, còn nửa kia là do sự bất tương xứng giữa các điều kiện của mình với tham vọng của mình. Đấy là những cái khó của lớp trẻ.
Tuy nhiên lớp trẻ có một ưu thế mà chúng tôi không có được, đó là sức khoẻ, sức chịu đựng trên thực tế và sự "bất cần" vốn có. Trong khủng hoảng thì ngay cả những nhược điểm hàng ngày cũng có thể trở thành ưu điểm. Sự bất cần trong đời sống ổn định là một nhược điểm, nhưng trong những lúc khủng hoảng nó có thể trở thành ưu điểm. Tức là, lớp trẻ có thể hủy bỏ những ý định, những cam kết một cách dễ dàng hơn lớp già. Hơn nữa, khủng hoảng còn đem lại cho lớp trẻ một cơ hội là thử thách bản thân và kích thích sự sáng tạo. Cái khó làm xuất hiện sự khôn ngoan. Lớp trẻ do sức trẻ, do kiến thức còn mới và đang ở độ chín tới, cho nên khủng hoảng là một cơ hội để họ thể hiện bản thân mình. Và do đó, nhiều bạn trẻ có thể tìm ra những lối thoát rất bất ngờ, nhưng nhiều khi cũng tìm kiếm những tai hoạ bất ngờ không kém. Quan sát những người được gọi là nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tôi thấy đại bộ phận phải đến 60 - 70% là anh em trẻ. Mà tỉ lệ đấy là tỉ lệ của toàn cầu chứ không phải chỉ riêng Việt Nam. Hầu hết những người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh tài chính trên thế giới này đều là những người trẻ cả. Chính năng lực phiêu lưu, sự liều mạng có thể có của lớp trẻ, sự tương đối tự do đối với những trách nhiệm và tham vọng tạo ra sự năng động của lớp trẻ. Cho nên, khủng hoảng cũng có những tác dụng nào đó. Tuy nhiên trong thực tế đời sống, đại bộ phận lớp trẻ, nhất là những người không đủ điều kiện để đào tạo mình, không đủ điều kiện để tổ chức cuộc sống của mình sẽ khá khó khăn. Hay nói cách khác, đó là những người gặp nhiều khó khăn nhất trong số các lớp người được phân loại theo lứa tuổi, trừ trẻ con.
Hỏi: Nếu đặt vị trí mình là một người trẻ mới bước vào đời, ông sẽ hành xử như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
Trả lời: Ai cũng từng có một thời làm người trẻ. Tuổi trẻ của tôi cũng đi qua khủng hoảng. Cuộc chiến tranh lâu dài của đất nước chúng ta là một cuộc khủng hoảng và tôi đã đi qua cuộc khủng hoảng ấy. Bây giờ, các bạn trẻ cùng thế hệ với con tôi phải đi qua các khủng hoảng kinh tế còn tôi thì đi qua khủng hoảng chính trị. Tất cả chúng ta đều phải trải qua cả, và việc tạo ra cuộc sống cho mình trong điều kiện khủng hoảng ấy là bất ngờ lắm đối với rất nhiều người. Không có công thức nào đúng cho từng người một và phổ biến cho tất cả mọi người. Mỗi một người tìm cách để thích ứng trong những điều kiện khủng hoảng như vậy một cách rất khác nhau. Khai thác những quan hệ vốn có, tìm kiếm những mối quan hệ bè bạn vốn có, liên kết lại với nhau như một tập thể có thể cùng nhau chia sẻ, ít nhất là chia sẻ cảm giác có thể an ủi nhau được, v.v... Tất cả mọi người đều có thể tìm ra những cách khác nhau, nhưng có cái chung là nếu chúng ta liên kết được với nhau trong xã hội thì sức chịu đựng của chúng ta đối với những trạng thái khó khăn sẽ tốt hơn. Ví dụ những bạn trẻ đã có việc làm rồi thì trong những lúc khó khăn như thế này phải chung thuỷ với những tổ chức mà bạn đang tham gia. Nói chung là trời mưa thì không ra đường vội, đấy cũng là một sự chín chắn cần có. Nhưng có thể có người thấy rằng bây giờ ngoài đường mọi người dát, không ai dám ra mà nếu mình ra, mình có cái nhìn đặc biệt, có phương thức đặc biệt thì mình có thể kiếm được nhiều thứ mà người khác vì dát cho nên không kiếm được. Tất cả những chuyện như vậy không có công thức chung cho lớp trẻ. Ở đây có một việc mà tôi muốn nhắc là, không được mất ý chí, không được mất các liên lạc xã hội, không được mất các liên lạc bè bạn. Càng khó khăn bao nhiêu, chất lượng liên minh của một cá thể đối với xã hội càng đòi hỏi phải lớn bấy nhiêu. Liên minh chặt chẽ với xã hội là một trong những yếu tố quan trọng một cách phổ biến đối với tất cả các cá thể, nhất là các cá thể trẻ. Và điều quan trọng nhất mà tôi muốn nói là, khủng hoảng là một cơ hội, nhưng là một cơ hội cho nhiều tính xấu, và chúng ta không được phép để cho những tình huống xấu của cuộc sống bẻ gẫy sự lương thiện vốn có của mình.
Tôi xin kể một ví dụ. Tôi có một người bạn, trong những lúc khó khăn thời bao cấp, tôi nhận thầu mấy công trình nhỏ và tôi rủ một người bạn nữa của tôi cùng làm. Đến khi tôi có khủng hoảng riêng, con tôi ốm và tôi cũng không tập trung được sự chú ý vào công trình ấy thì anh bạn tôi đến nói với tôi thế này: "Bây giờ cậu bận, cậu khó thì cậu nhường việc này cho mình làm". Tôi nghĩ rằng khi tôi khó thì đáng ra bạn tôi phải bảo rằng, cậu cứ nghỉ đi để tớ làm hộ để chúng mình cùng sống, nhưng anh ta lại bảo nhường cái việc ấy luôn cho anh ấy. Đương nhiên một khi người ta nói ra thì tôi nể và tôi đành phải đồng ý. Nhiều năm sau, tôi trở thành một người kinh doanh khá thành đạt, cuộc sống của tôi rất sung túc, chính người bạn đó đến bảo tôi là tại sao cậu làm ăn giỏi thế, cậu thành công thế mà cậu không gọi tớ? Tôi nói thế này: "Cậu là một người bạn rất tốt nếu cách tiền 1 cây số, cậu là người bạn bình thường nếu cách tiền 100m, còn cậu là một người bạn rất xấu nếu cách tiền 1m. Để giữ được tình bạn của chúng mình, tốt nhất chúng mình không nên làm ăn với nhau". Những ví dụ như vậy xuất hiện trong cuộc sống rất nhiều. Khủng hoảng là một môi trường mà trong đó những người chưa đủ bản lĩnh về đức hạnh thường dễ chọn những giải pháp xấu, những giải pháp không còn giữ được bản thân. Cho nên, nếu có thông điệp nào đó cần tư vấn cho giới trẻ thì đó chính là: "không được để sự khó khăn đốn ngã mình với tư cách là một con người".
Hỏi: Vậy theo ông, người trẻ phải chuẩn bị gì để không bị đốn ngã?
Trả lời: Người trẻ vẫn phải tích cực chuẩn bị giống như lúc bình thường. Phải giữ bằng được nhịp điệu của tất cả những công việc của mình: học tập, trau dồi đức hạnh, mở rộng trí tuệ, củng cố quan hệ, xây dựng các liên minh của cá nhân mình với các lực lượng khác nhau của đời sống. Phải sống một cách bình tĩnh. Hay nói cách khác là, giữ được nhịp điệu ổn định của đời sống của mình là đòi hỏi quan trọng nhất của thế hệ trẻ trong những giai đoạn khó khăn.
Hỏi: Với riêng năm 2009, ông có nhận định gì?
Trả lời: Năm 2009 chắc chắn là một năm khó. Tuy nhiên, sự khó khăn thật sự của người Việt Nam nói chung chưa qua lâu lắm, mới qua được khoảng 15-17 năm nay thôi. Những người trẻ bây giờ bắt đầu làm ăn, kinh doanh thì cũng đang ở độ tuổi khoảng 25-30, tức là họ đã có một giai đoạn sống trong những điều kiện khó khăn chung của xã hội. Thỉnh thoảng chúng ta ôn lại những kinh nghiệm của giai đoạn khó khăn ấy và mỉm cười rằng dù sao những khó khăn bây giờ vẫn chưa bằng thời ấy. Đấy là liều thuốc an thần tối thiểu cho tất cả mọi người chứ không chỉ cho lớp trẻ. Tuy nhiên, chúng ta không thể thoả mãn với liều thuốc an thần như vậy mà phải đi tìm những lối thoát cho mình, đi tìm những năng lực mới cho mình. Chắc chắn là thế giới không những khó khăn mà thế giới sẽ còn có những thay đổi. Năm 2009 sẽ là một năm mà thế giới có rất nhiều thay đổi, giống năm 1989, thế giới đã có những thay đổi chóng mặt vì những khái niệm, những lực lượng, những quốc gia như Liên Xô bỗng nhiên biến mất. Năm 2009 chúng ta cũng sẽ thấy rằng những nghề nghiệp, những kinh nghiệm, những thần tượng tưởng như rất ổn định, tưởng như là chân lý cũng sẽ thay đổi. Chúng ta phải ý thức rằng từ năm 2009 trở đi, nhiều khái niệm, nhiều tiêu chuẩn phổ biến, nhiều chân lý phổ biến sẽ thay đổi. Năm 2009 là năm chúng ta sẽ ngỡ ngàng trước sự thay đổi của thế giới, nhất là với nền văn hoá kinh doanh. Mà không chỉ có văn hoá kinh doanh, tôi cho rằng văn hoá chính trị cũng sẽ thay đổi. Đây là cơ hội để chúng ta quan sát.
Hỏi: Ông có nói rằng người trẻ cần phải đi tìm cho mình những năng lực mới. Vậy họ có thể tìm ở đâu?
Trả lời: Tôi vừa mới xuất bản một quyển sách, có tên là "Cội nguồn cảm hứng", trong đó tôi đã phân tích rất kỹ vấn đề mà bạn vừa hỏi, đó là khái niệm tương lai và miền triển vọng. Trong cuốn sách đó, tôi đã lý thuyết hoá việc chúng ta phải chuẩn bị như thế nào cho tương lai của mình, kể cả tương lai bình thường cũng như tương lai khủng hoảng. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta xem cuộc sống là sự thay đổi liên tục thì chúng ta không có gì phải ngỡ ngàng cả. Mỗi một khái niệm là một hàm số mà nội hàm của nó thay đổi theo thời gian. Hay nói cách khác, chúng ta không được quên rằng mỗi khái niệm là một hàm số, trong đó biến số bắt buộc phải có là thời gian. Chúng ta không việc gì phải lo sợ, bởi vì những người dốt trong giai đoạn cũ hoàn toàn có thể trở thành người xuất sắc trong giai đoạn mới nếu họ tiếp cận giai đoạn mới này một cách đúng đắn. Một người lành nghề trong giai đoạn cũ chưa chắc đã trở thành chuyên gia trong giai đoạn mới.
Hỏi: Điều đấy gắn chặt với khả năng dự báo và sự chuẩn bị cho tương lai. Nhưng người trẻ lại thiếu cả kiến thức và kinh nghiệm để có thể dự báo. Vậy thì phải làm thế nào?
Trả lời: Người trẻ tuy thiếu kinh nghiệm nhưng lại có lòng dũng cảm và có trí tưởng tượng. Tôi nghĩ rằng trong việc nâng cao năng lực thì kinh nghiệm không quan trọng bằng trí tưởng tượng. Kinh nghiệm là kết quả của quá khứ, còn óc tưởng tượng là công cụ để tạo ra tương lai. Vì thế cho nên, lớp trẻ phải dùng cái mạnh nhất của mình là lòng dũng cảm và trí tưởng tượng chứ không phải dùng cái mạnh nhất của lớp già là kinh nghiệm. Tôi không phải là người hoan nghênh và thích thú đối với hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, nhưng quan sát một số bạn trẻ tham gia vào hoạt động này, tôi thấy rằng có những người trẻ tuổi kiếm được tiền một cách rất ngoạn mục. Tuy nhiên, cái mà họ thiếu là sử dụng tiền như thế nào. Sử dụng tiền thì rất cần kinh nghiệm, cần sự chín chắn của người già, nhưng kiếm tiền thì người già không phải là người có ưu thế hoàn toàn, nhất là ở những nước mới trỗi dậy.
Hỏi: Lúc đầu, ông có nói rằng với nhiều người trời mưa thì không nên ra đường vội, nhưng cũng có người thấy rằng mọi người không ra đường mà mình ra đường thì có thể có cơ hội gặt hái. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể ra đường được. Theo ông, trong tình hình khó khăn hiện nay, ai là người có khả năng ra đường?
Trả lời: Đó là những người có đủ ý chí, đủ sức chịu đựng, đủ trí tuệ, đủ sức tưởng tượng và dám đánh đổi, nhưng tôi xin mở ngoặc là trừ đánh đổi phẩm hạnh, tôi không khuyến khích theo hướng ấy. Còn với những người khác, tôi không khuyên nên ở nhà mà tôi khuyên nên thận trọng, lượng sức. Tất nhiên, cái khó với người trẻ là họ có nhiều ảo tưởng, giàu ước mơ, giàu trí tưởng tượng, do đó không có kinh nghiệm trong việc ước lượng sức lực của mình. Họ phải chấp nhận rủi ro, tức là phải "dám". Nếu sợ rủi ro thì không thể trở thành nhà kinh doanh được. Một người thiếu óc tưởng tượng và lòng dũng cảm vẫn có thể trở thành một anh lính lành nghề, nhưng không thể trở thành một viên tướng được. Napoleon Bonaparte vẫn hay khích lệ quân của mình rằng "đằng sau bộ áo tầm thường của ngươi là một trái tim của vị nguyên soái". Tôi thấy rằng, quả thật mỗi một người đều có thể trở thành nguyên soái, nhưng trên thực tế không phải ai cũng làm nguyên soái được, sẽ có rất nhiều người phải hy sinh. Nhưng cái hy sinh ấy không phải là không có giá. Tôi cho rằng ngay cả sự thua thiệt cũng có giá trị của nó. Cái giá trị tối thiểu của sự thua thiệt là anh nhận ra giới hạn của khả năng của mình. Con người khi không dám chịu thua thiệt thì cũng không lượng được sức mình. Lượng được sức mình là một giá trị rất ghê gớm, và đôi khi phải "phiêu lưu" một chút mới làm được điều đó.
Hỏi: Vậy phải chăng thời điểm khó khăn này là thời điểm tốt để người trẻ lượng được sức mình?
Trả lời: Đúng thế! Nhưng không phải chỉ có họ đo được chính họ mà xã hội cũng đo được họ. Người ta có câu nói rằng "gia bần tri hiếu tử, quốc loạn thức trung thần". Trong những điều kiện như thế này, xã hội phải phát hiện được tài năng trong từng con người một, đánh dấu những cá nhân, cá thể có tài năng thật và phải xếp nó vào đội ngũ những tiềm năng, đội ngũ có chất lượng nguyên khí để phát triển quốc gia. Chúng ta không được quên rằng lớp trẻ là tài sản của một quốc gia và quốc gia có nghĩa vụ, có trách nhiệm phải đo tài năng thật của họ. Lúc này là lúc mà quốc gia phải nhìn vào tất cả những sự vượt ngưỡng ngoạn mục của lớp trẻ để biết chắc chắn rằng mình có gì và không có gì. Nếu không có ai trong lớp trẻ ấy có thể đi qua những khó khăn này một cách xuất chúng thì chúng ta phải đau buồn nói rằng, cái ngưỡng của đất nước chúng ta ngang mặt đất. Đây là một vấn đề cực kỳ quan trọng, không phải dành cho giới trẻ mà dành cho những người lãnh đạo Những lúc như thế này, các nhà lãnh đạo phải đếm được tài năng của quốc gia và nuôi dưỡng nó.
Hỏi: Với kinh nghiệm của một người đã làm kinh doanh lâu năm và đã trải qua nhiều thăng trầm của nền kinh tế, ông có lời khuyên nào với giới kinh doanh trẻ hiện nay không?
Trả lời: Có. Phải luôn luôn kết hợp được hai thứ, thận trọng và dũng cảm. Càng khó khăn càng đòi hỏi sự dũng cảm, càng khó khăn càng đòi hỏi sự thận trọng. Kết hợp nhuần nhuyễn hai phẩm chất này chính là chìa khoá để tìm ra giải pháp hợp lý cho mỗi một số phận. Nếu thận trọng chui vào trong nhà thì anh không chết, nhưng anh tồn tại như một kẻ hèn. Còn nếu liều mạng ra đường rồi chết thì không phải chỉ anh chết không thôi mà anh chứng minh rằng dân tộc anh bất hạnh, gia đình anh bất hạnh vì có những đứa con liều mạng. Cho nên, ngay cả khi hành động dũng cảm, thế hệ trẻ cũng phải nhớ một điều rằng, sự an toàn, sự thận trọng không phải chỉ để giữ gìn cho mình không thất bại mà còn giữ gìn để gia đình mình, để đất nước mình không phải kết luận rằng, chúng ta có một thế hệ trẻ ngốc nghếch và liều mạng.
Hỏi: Ông có tin rằng thế hệ trẻ Việt Nam có thể làm được điều ấy không?
Trả lời: Dân tộc chúng ta tồn tại mấy nghìn năm rồi. Một dân tộc mà không có một thế hệ trẻ đủ để thế hệ già tin rằng họ làm được thì làm sao mà dân tộc ấy tồn tại được cho đến bây giờ? Tôi không thích nói chuyện chúng ta là rồng là phượng, nhưng chúng ta tồn tại cũng chẳng đến nỗi nào như thế này thì đấy là một thành tựu có chất lượng lịch sử, vì nếu không thì không có dân tộc chúng ta.
Hỏi: Việt Nam chuẩn bị mở cửa thị trường hoàn toàn, khi đấy, áp lực với người trẻ về công việc rất nhiều vì luồng lao động nước ngoài có thể tự do vào Việt Nam, vậy người trẻ chuẩn bị những gì để sẵn sàng cho những áp lực cạnh tranh từ bên ngoài?
Trả lời: Năm 1990 tôi có nói chuyện với một số luật sư rất có địa vị ở New York rằng: "Tôi chưa học luật, nhưng tôi sẽ xây dựng một công ty Luật để cạnh tranh với các bạn. Nếu như người ta không muốn chết trên đường phố New York thì người ta phải trả 1.000 đô la một giờ cho các luật sư New York. Và người ta cũng phải trả cho chúng tôi một nửa số tiền đó nếu không muốn mất tiền ở một khu rừng rậm nhiệt đới như Việt Nam". Chúng ta là người Việt, chúng ta hành động trên lãnh thổ Việt, chúng ta có các cơ hội, các ưu thế của người Việt, chúng ta phải ý thức được chuyện ấy. Rất nhiều người bắt chước Tây. Nói tiếng Tây đã đành rồi, vì không nói được tiếng Tây thì không giao tiếp được trong kinh doanh quốc tế. Nhưng diễn cho giống người phương Tây thì ngốc. Có một nhân viên cũ đến chơi với tôi than phiền rằng, vợ chồng cô ấy đang có vấn đề bất đồng quan điểm, anh ấy làm cho tổ chức quốc tế lâu rồi nên hơi coi thường (look down) người Việt. Tôi bảo cô ấy rằng, anh ấy nói với cô như thế nhưng không phải thế đâu, đấy là sự tự ti của những người không dám xem mình ngang bằng với người khác. Tôi cho rằng chúng ta cần phải tự tin, mà muốn tự tin thì chúng ta phải có tất cả những kiến thức cần có để sống. Ở mức tối thiểu, ở mức tiên tiến, tiên tiến ở khu vực này hay tiên tiến của thế giới, cái đó tuỳ thuộc sức lực và mức độ phấn đấu của mỗi người. Tôi nghĩ rằng phải phấn đấu, không có cách nào khác. Chúng ta, mỗi một cá nhân, phải khẳng định một điều là không cho phép ai coi thường mình.
Hỏi:Vậy trong bối cảnh hiện nay, liệu ai sẽ là người bị loại ra khỏi vòng quay của lịch sử?
Trả lời: Tất cả những người kém và người yếu sẽ bị loại ra khỏi vòng quay và sẽ sống trong sự quan tâm có chất lượng từ thiện và nhân đạo của những người còn lại. Nếu chúng ta không muốn trở thành những đối tượng của các hoạt động từ thiện, nhân đạo trên thế giới thì chúng ta phải phấn đấu. Không có cách nào khác, không ai nâng đỡ chúng ta cả, và nếu có thì kẻ nâng đỡ chúng ta sẽ trở thành kẻ đầu tiên coi thường chúng ta. Các bạn thấy rằng các bậc cha mẹ bao giờ cũng xem con mình là trẻ con, và từ thiện đối với con cái như là một trách nhiệm của họ. Nhưng người đầu tiên coi thường con cái cũng chính là cha mẹ. Vì sao? Vì họ luôn coi con mình là trẻ con. Nếu phân tích tâm lý lo lắng của cha mẹ đối với con cái thì trong đó, yếu tố coi thường là một trong những yếu tố khá đậm đặc. Nếu không muốn bị người khác coi thường thì chúng ta phải phấn đấu, chúng ta phải làm người lớn sớm hơn, chúng ta phải làm người tốt hơn, chúng ta phải làm người lao động vất vả hơn, chúng ta buộc phải cạnh tranh. Phụ nữ Việt Nam đẹp, nếu các công ty lớn như Walmart vào đây bán hàng thì chắc chắn là người ta sẽ tuyển các cô gái người Việt. Nếu có một đám người Malaysia sang đây thì tôi không tin rằng họ hấp dẫn hơn người Việt. Chúng ta đừng nhầm lẫn rằng, các công ty Việt Nam thua các công ty nước ngoài trong cạnh tranh thì tức là người Việt thua người nước ngoài trong cạnh tranh. Không phải vậy. Các công ty có thể thua nhưng người Việt không thua. Rất nhiều người cứ nghĩ rằng trong cạnh tranh kinh tế, các công ty Việt Nam thua thì tức là người Việt thua. Người Việt có thể thua trong khía cạnh tổ chức một công ty, nhưng người Việt chưa chắc đã thua trong những khía cạnh khác. Người Việt có thể thua trong khía cạnh tổ chức một bệnh viện, nhưng bác sỹ Việt Nam thì chưa chắc đã thua một bác sỹ nước ngoài. Nếu chúng ta chưa có tài năng để tổ chức những bệnh viện tốt thì ít nhất chúng ta phải củng cố một thực tế, một ưu thế là chúng ta có những bác sỹ tốt. Khi nào chúng ta có nhiều bác sỹ tốt thì sẽ xuất hiện những người có năng lực tổ chức các bệnh viện tốt. Tôi xin nhắc lại là, không được nhầm lẫn giữa việc thua trong cạnh tranh của một công ty Việt Nam với việc thua của người Việt Nam trong lao động.
Hỏi: Hiện nay, khi đang khủng hoảng thì người ta nói nhiều đến chuyện thế giới phải hợp tác để vượt qua khủng hoảng, nhưng người ta quên mất một điều là vậy các nước sẽ cạnh tranh trong khủng hoảng như thế nào khi mà nhìn vào các gói giải pháp của các nước đều thấy có những điểm giống nhau là tập trung cho thị trường nội địa để chiếm lĩnh thị trường nội địa, đồng thời vươn ra tìm thị trường mới. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Trả lời: Đó là vì chúng ta cứ quan niệm cạnh tranh là chỉ có ở khía cạnh chất lượng hàng hoá và độ rộng của thị trường. Không phải. Thế giới đang cạnh tranh trong việc tạo ra các giải pháp thông minh để khắc phục hậu quả của khủng hoảng kinh tế, ít nhất là trong thời điểm hiện nay. Ví dụ, trong khi người Mỹ tập trung cứu các công ty tài chính, thì người Trung Quốc bỏ ra một số tiền cũng tương đương để kích cầu nội địa, tức là đây là cơ hội để người Trung Quốc xây dựng thị trường nội địa, hay nói cách khác, thị trường nội địa như là một yếu tố dự phòng trong quá trình phát triển ra bên ngoài. Tôi thấy rằng, thế giới đang thi nhau tỏ ra mình là người thông minh trong việc xử lý khủng hoảng và thế giới cũng thi nhau tỏ ra mình là người tốt trong giai đoạn khủng hoảng. Sự tốt đẹp của các giải pháp đối với khủng hoảng cũng có giá trị làm PR cho sự đáng tôn trọng của một nền kinh tế. Những việc làm ngớ ngẩn, những việc làm cầu lợi trông thấy tưởng rằng khôn ngoan trong cái bị của mình, nhưng đồng thời tố giác với thế giới về chất lượng đạo đức của một nền kinh tế. Bây giờ khi để ý đến một nền kinh tế, người ta không chỉ để ý đến chất lượng của nó trên những khía cạnh thông thường mà còn để ý đến chất lượng tinh thần của nó nữa. Những giải pháp thông minh quảng bá cho chất lượng của chính phủ, chất lượng của hệ thống chính trị. Nhiều khi chúng ta nhìn những lợi ích trước mắt mà quên mất rằng, lợi ích lâu dài của quốc gia chính là thiện chí chính trị của nhà cầm quyền. Thế giới đang thi nhau tỏ ra thông minh trong chuyện chống khủng hoảng và phải nói rằng, thế giới buộc phải hợp tác với nhau chứ không phải thế giới thích hợp tác với nhau. Cần phải hiểu hợp tác và cạnh tranh là hai mặt của đời sống và hai mặt ấy là bắt buộc phải có.
Hỏi: Với tư cách một nước nhỏ, thông thường anh không thể áp đặt luật chơi cho thế giới mà anh phải chấp nhận quy chuẩn của thế giới, và anh cũng là người đi cóp nhặt những kinh nghiệm của thế giới, xem cái gì có thể áp dụng cho mình. Trong cuộc cạnh tranh này, các giải pháp thông minh thì chắc là Việt Nam không thể đưa ra, vậy chúng ta có thể làm gì?
Trả lời: Tôi hiểu vấn đề mà bạn hỏi, tại sao một đối tượng buộc phải chấp nhận mức này lại đòi hỏi mức kia. Chúng ta vừa phân tích với giới trẻ rằng, đo được khả năng của mình là một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất xét về mặt trí tuệ. Chúng ta không đòi gì ở thế giới được, chúng ta không áp đặt gì được cả, chúng ta cũng không đua với họ được. Nếu thấy người ta bỏ ra 600 tỷ mà mình cũng bỏ ra 6 tỷ thì đấy là không thực tế. Chúng ta chưa xây dựng được một nền kinh tế mà tất cả các khái niệm chuyên nghiệp có thể áp dụng được một cách có hiệu quả. Cho nên, không phải chúng ta có kích cầu hay không mà chúng ta có muốn cũng không làm được trong điều kiện thể chế kinh tế như hiện nay. Kích cầu là phải tăng lương, nhưng liệu chúng ta có thể tăng lương không? Chúng ta chưa giải quyết được cải cách hành chính, chưa giảm được biên chế mà chúng ta tăng lương thì có đủ tiền để làm không? Gần đây, các bạn thấy rằng ở bên Mỹ người ta ra điều kiện sẽ cho các công ty ô tô vay tiền nếu chấp nhận hạ mức lương của công nhân ở các công ty Mỹ ngang bằng với công nhân ở các công ty ôtô của Nhật. Có nghĩa là gì? Có nghĩa là tôi bớt đi cái phần giá trị ảo của anh, tôi trả anh đúng giá mà những giá trị xác nhận là lương của các công ty ô tô của Nhật. Chúng ta chưa xây dựng được nền kinh tế, vậy chúng ta kích cầu vào đâu? Tất cả công ty tư nhân là không tham gia nổi, không có thể chế, không có cơ chế để tham gia vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, vậy làm sao mà kích cầu vào khu vực cơ sở hạ tầng được. Cuối cùng, chúng ta có một tỷ trọng tiền lương trong các sản phẩm xã hội chỉ khoảng 10%. Với một cơ cấu tiền lương trong các sản phẩm xã hội như vậy thì không kích cầu được. Độ văn minh của một xã hội, độ phát triển của một nền kinh tế chính là tỷ trọng tiền lương trong tất cả các sản phẩm. Tỷ trọng tiền lương cao thì anh mới dùng được biện pháp kích cầu. Bây giờ chúng ta lấy tiền ở đâu? Thậm chí có người còn bảo bây giờ phát hành công trái. Phát hành công trái là thu tiền về, mà thu tiền về thì không còn ý nghĩa kích cầu nữa. Vấn đề kích cầu mà chúng ta đang định đưa ra là một vấn đề chính trị khổng lồ của đất nước và chúng ta phải bàn luận rất cẩn thận.
Tôi đang có ý định viết một bài phân tích về gói kích cầu mấy tỷ và các tập đoàn kinh tế. Nhìn vào hiện tượng đấy, tôi thấy rằng đấy là một nguy cơ có thật của đất nước. Có một thời gian rất dài mọi tiềm lực của đất nước chúng ta được dồn vào các tập đoàn kinh tế. Những lúc như thế này, nếu Thủ tướng triệu tập các tập đoàn đến và nói rằng đất nước khó khăn, đất nước ưu ái các anh lâu rồi và bây giờ là lúc mà các anh trả cho đất nước một ít, thì mới là hợp lý. Nhưng bây giờ, trong khi khó khăn mà lại gọi các tập đoàn đến để chia cái phần vốn liếng còm cõi còn lại của một quốc gia có dự trữ ngoại tệ 20 tỷ USD thì tôi không hiểu. Tôi xin nhắc lại rằng, với lớp trẻ, không có con đường nào khác ngoài cố gắng lao động. Nếu chúng ta chưa có được những công ty "xịn" thì chúng ta phải có những người lao động "xịn", những người lao động vừa đủ kỹ năng, vừa đủ năng lực, vừa đủ phẩm hạnh để hấp dẫn được nhân loại. Thế kỷ này là thế kỷ người Việt Nam phấn đấu trở thành những người lao động chân chính trước đã, chưa nói đến chuyện có những công ty lớn hay những tập đoàn gì cả. Chúng ta đều đã thấy, chỉ một đêm là Lehman Brothers biến mất. Bây giờ kể cả Morgan Stanley cũng đang ở trạng thái báo động, tất cả những tên tuổi lớn đều đang chết dần chết mòn. Nhà thơ Chế Lan Viên có một câu rất hay rằng "Chớ hư danh! Cho đến sao Bắc đẩu vạn năm sau rồi cũng méo".
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh