Từ “phiên bản” chuyện Con cá và cần câu nghĩ đến thái độ sống của teen
Câu chuyện Con cá và cần câu là câu chuyện ngụ ngôn xưa, tùy từng giai đoạn nó được chế tác thành “phiên bản” mới, mang ý nghĩa của thời đại đó. Từ “phiên bản” cũ đề cao công cụ, rồi đề cao phương pháp, nay tôi giới thiệu thêm “phiên bản” mới đề cao thái độ sống.
Chuyện kể rằng, A đi câu cá, trên đường trở về, gặp một người ăn xin sắp chết đói. A thương tình nên bắt trong giỏ cá của mình vừa đi câu về cho người ăn xin một con cá. Người ăn xin đã nướng ăn và thoát được cơn đói. A về rất vui, gặp bạn mình là B, kể lại chuyện mình đã làm được một việc thiện. B lắc đầu bảo rằng A làm như vậy là không chắc tốt. “Không chỉ cho cá, cậu nên cho người ăn xin cần câu để anh ta có thể tự mình đi câu kiếm sống. Không tin ngày mai cậu đi qua sẽ thấy người ăn xin đó vẫn bị cơn đói hành hạ” – B nói.
Ngày hôm sau A rủ B cùng đi câu. Khi trở về, quả đúng như lời B nói, hai anh em gặp lại người ăn xin đang nằm lả bên vệ đường. A lại cho người ăn xin cá và B cho người ăn xin cần câu. A và B trở về nhà trong tâm trạng vui vẻ vì đã làm được việc thiện. Trên đường về A và B gặp bạn là C. Cả A và B hào hứng kể cho C nghe chuyện vừa xảy ra. C lắc đầu nói: “Các cậu làm như vậy chưa chắc đủ. Cho người ăn xin cần rồi nếu không chỉ cho anh ta phương pháp câu thì chưa chắc anh ta đã câu được cá. Có thể ngày mai trở lại các cậu sẽ thấy người ăn xin vẫn bị đói”.
Ngày hôm sau A và B rủ C cùng đi câu. Khi trở về, quả đúng như lời C nói, ba anh em gặp lại người ăn xin đang nằm còng queo, quắp chiếc cần câu lả đi bên vệ đường. Thế là A lại cho cá, B sửa lại cần, C giảng giải tỉ mỉ phương pháp câu cá, từ ngoắc mồi câu đến phương pháp câu từng loại cá, v.v… Thế rồi cả ba ra về trong tâm trạng đầy hưng phấn, tin chắc từ nay người ăn xin sẽ không sợ đói nữa. Khi ba người về gặp D, cả ba lại hào hứng kể lại chuyện người ăn xin. D ngẫm nghĩ một lát rồi lắc đầu nghi hoặc: “Các cậu đã làm đúng, thế nhưng tớ nghĩ chưa đủ. Tớ chỉ sợ thiếu một điều có lẽ còn quan trọng hơn đó là các cậu chưa chỉ cho anh ta thái độ sống tích cực, phù hợp. Chỉ e rằng anh ta sẽ chỉ lo bản thân trước mắt, không lo đến lâu dài, “tích cốc phòng cơ” khi mùa hạn tới không có cá để câu; thậm chí có khi anh ta còn có thái độ tiêu cực, không chịu đi câu, lại trở lại với nghề ăn xin”.
Cả A, B và C không tin lắm vào lời D, nhưng để kiểm tra, ngày hôm sau nữa, A, B và C rủ D cùng đi câu. Không ngờ rằng, trên đường về nhà, cả bốn anh em lại gặp người ăn xin ngày nọ trở về với nghề cũ của mình. A, B và C kéo D lại bảo D chỉ cho người ăn xin thái độ sống. D ngần ngại: “Thái độ sống phải được tự đào luyện thường xuyên nhờ sự định hướng, tác động của gia đình, nhà trường và xã hội, không thể ngày một ngày hai mà có được”…
Câu chuyện giản dị nhưng cốt yếu đem lại một sự khẳng định về tầm quan trọng của thái độ sống. Gần đây, báo chí truyền thông đưa tin nhiều về thái độ sống của tuổi teen, thế hệ 9x, đặc biệt là những vụ nữ sinh đánh nhau liên tiếp, nó phản ánh một hiện tượng suy thoái về thái độ sống. Chưa phải là tất cả nhưng nó là một cảnh báo đáng lo ngại.
Người viết bài này, không dưới một lần đi ăn sáng, gặp cảnh những cậu con mang trên mình đồng phục học sinh của trường trung học phổ thông chúi mũi vào truyện tranh, trong khi bố gọi phở lên, ngắt lá rau, vắt chanh, phụ tương ớt, v.v… đầy đủ “thủ tục” rồi… năn nỉ con ăn nhanh kẻo muộn giờ. Rồi chuyện gia đình cùng xóm của tôi, gia cảnh cũng không lấy gì gọi là khá giả, nhưng vì thương con nên anh chị vẫn dốc hết sức mình để nuôi con ăn học. Để con bằng bạn bằng bè, anh chị thường nhờ tôi hỏi dùm có ai có thể dạy kèm hoặc dạy thêm chất lượng để mời về hoặc gửi cho con đến học. Trong cuộc sống hàng ngày, cô con gái lớn của anh chị đã học lớp chín nhưng chị không hề cho con đụng chân, đụng tay. Quả là Sinh con ai nỡ sinh lòng/ Sinh con ai cũng vun trồng cho con. Một lần tôi đến nhà, bố nhờ con gái pha ấm trà, cô bé đã phụng phịu đổ cả nửa gói trà vào tách khiến cho anh phải phát ngượng với khách…
Những câu chuyện trên về thái độ sống là có thực, nó chưa phải là tất cả nhưng nó đang cảnh báo, đòi hỏi đến sự kết hợp giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Phiên bản tân trang câu chuyện ngụ ngôn trên nghe có vẻ giản dị nhưng thật sâu sắc. Hóa ra công cụ, phương pháp quan trọng nhưng thái độ sống là điều quan trọng hơn cả. Có khi thái độ sống là khởi điểm cho châm ngôn của người xưa: Thái độ (sống) thúc đẩy suy nghĩ; suy nghĩ thúc đẩy hành động; hành động tạo nên thói quen; thói quen tạo nên tính cách; tính cách tạo nên số phận…
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh