Lười đọc - căn bệnh của giới trẻ
Những bài văn kinh hoàng” hay “áng văn bất hủ” là cụm từ được nhắc đến khá nhiều trong mùa tuyển sinh. Mặc dùchưa đến mức báo động, bởi những bài văn này chỉ chiếm số ít trong số hàng trăm ngàn bài thi mỗi năm, nhưng nó cũng khiến người ta băn khoăn. Phải chăng, tình trạng trên bắt nguồn từ việc giới trẻ mắc “căn bệnh” lười đọc tác phẩm văn học ?
Giới trẻ thờ ơ với văn học?
Không ít giáo viên dạy môn văn sắp tới được huy động làm giám khảo chấm bài thi ĐH tỏ vẻ ngại ngần vì sẽ phải đọc những bài văn bị xuyên tạc thê thảm dưới ngòi bút của thí sinh. Lưu Hiền, giảng viên khoa ngữ văn trường ĐH Sư phạm I cho biết: “Có những thí sinh kiến thức về môn văn hầu như không có. Đọc bài thi mà “cười ra nước mắt” khithí sinh cho nhân vật từ tác phẩm này “giao lưu” với tác phẩm khác”.
Trong kì thi tốt nghiệp PTTH vừa qua, đề thi hỏi: Suy nghĩ của anh/chị về nhan đề tác phẩm Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu, có thí sinh đã “múa” bút bình luận về nhân vật chính: Nguyệt là trăng, trăng là nguyệt, nguyệt cam tâm tình nguyện đến cởi trói cho... A Phủ ! Thí sinh khác khi phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân, vì chỉ nhớ láng máng trong tác phẩm có chi tiết đố nhau ăn 4 bát bánh đúc rồi sau đó trở thành vợ chồng, nên đã viết: cặp trai gái này đố nhau ăn uống và đã làm một lúc 4 bát... bánh trôi tàu.
Những kiến thức văn học trên đều rất đơn giản nhưng có thí sinh vẫn lơ mơ, thậm chí là mù tịt. Tại sao vậy? Có một nguyên nhân chính: Các em không chịu đọc tác phẩm văn học. Trong bài viết “Giới trẻ đang lạnh lòng với văn chương”, TS. Nguyễn Thị Minh Thái khẳng định: “Việc thờ ơ với sách văn học của người trẻ tuổi hiện nay, hóa ra không hoàn toàn như người ta tưởng là do các thầy cô giảng dạy môn văn học ở bậc phổ thông và bậc đại học đã không biết cách giảng dạy cho học sinh, sinh viên thấy cái hay, cái đẹp của văn chương, mà phần lớn là do chính bản thân những người đọc trẻ tuổi đã lạnh lòng, đã cứng lòng trước tác phẩm văn chương, nên đã vô cảm, thậm chí “dị ứng” với văn chương”.
Cô Phương Hạ, giáo viên dạy văn trường THCS Quang Trung (HN) bày tỏ: “Học sinh bây giờ rất lười đọc. Đến một trích đoạn tác phẩm trong sách giáo khoa các em cũng không đọc trọn vẹn, giáo viên đành phải dành ra ít phút gọi một học sinh lên đọc to cho cả lớp nghe hết trích đoạn đó”. Còn sinh viên cũng đọc sách theo cách thụ động và đối phó, chỉ đến kì thi họ mới hối hả lên thư viện tìm sách, do đó kiến thức đọng lại không nhiều. Nếu bây giờ hỏi lớp trẻ về công nghệ thông tin, hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên bởi sự am hiểu của họ về lĩnh vực này. Nhưng hỏi họ về các tác phẩm văn học nổi tiếng thì có khi họ mù tịt.
Khơi niềm đam mê
Nguyên nhân lười đọc tác phẩm văn học của giới trẻ đã được bàn nhiều và được “vạch mặt chỉ tên”: Văn hóa nghe nhìn phát triển mạnh(qua internet, truyền hình...), quá nhiều loại hình giải trí, sự xâm lấn của manga (truyện tranh Nhật Bản)...Các nhà chuyên môn đãnhận định, nguyên nhân trên là do sự thay đổi tất yếu của xã hội.
Nhà văn Vũ Đảm, người đầu tiên làm luận văn thạc sĩ “Về văn hóa đọc trong thanh niên, học sinh Hà Nội” cho biết, học sinh lạnh nhạt với sách văn học vì: Họ học, họ đọc những tác phẩm văn học không phải với sự đam mê, tìm kiếm cái hay cái đẹp trong đó mà chủ yếu học thuộc lòng, học theo đề cương để thi. Hơn nữa, chương trình học quá tải, áp lực phải thi đỗ đại họccũng khiến cho học sinh mệt nhoài, nên không còn thời gian và hứng thú để nghiền ngẫm cái hay trong văn chương. Cũng theo nhà văn, giới trẻ tìm đến sách báo giải trí nhiều hơn đọc sách, nhất là sách văn học, sách lịch sử. Nếu nói họ “mù” văn học thì nặng nề quá, nhưng sự thật, giới trẻ đã và đang vơi cạn sựham mê văn chương.
Để khơi lại sự đam mê đọc sách trong giới trẻ, các nhà quản lí và nhà xuất bản đã tổ chức nhiều chương trình như: Ngày hội đọc sách, giảm giá sách. Vài năm gần đây, các quán cà phê sách nở rộ thu hút được sự quan tâm của bạn trẻ. Nhưng theo nhà văn Vũ Đảm, cần phải có những giải pháp đồng bộ : tạo ra nhiều sách hay, hấp dẫn phù hợp với giới trẻ; đổi mới chương trình, nội dung dạy và học văn học trong nhà trường để kích thích khả năng tư duy, sáng tạo cho học sinh; tổ chức những cuộc thi sáng tác văn học và bình phẩm văn học mà đối tượng tham gia là giới trẻ; phát triển hệ thống thư viện trường học; tạo niềm đam mê đọc sách cho thiếu nhi; cha mẹ phải là tấm gương, không những đọc sách để con mình noi theo mà còn phải biết mua sách có nội dung giáo dục, phù hợp với lứa tuổi các em. Những giải pháp lớn ấy đều rất đúng nhưng khơi niềm đam mê đọc sách cho trẻ có khi chỉ cần bắt đầu bằng những việc làm rất nhỏ như xây dựng tủ sách gia đình, trong đó dành riêng cho các em một vài ngăn sách xinh xắn hay trong các phần thưởng trao tặng cho học sinh giỏi, xuất sắc cần có những tác phẩm văn học hay, có giá trị...
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015