"Biểu tượng" của giới trẻ Việt Nam
Danh từ “8X” và “9X” (từ dùng để gọi thế hệ sinh ra trong những năm 80 và 90 của thế kỷ) đã trở thành một “thương hiệu” được sử dụng phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đến bây giờ, những từ ngữ này đã có tính chất phổ cập toàn dân và trở thành “biểu tượng” cho giới trẻ Việt Nam với hình ảnh một lớp người năng động, cá tính, sành điệu và… chịu chơi.
1. Sản phẩm “sành điệu và chịu chơi” của truyền thông
Chúng ta luôn tự hào vì có những 8X, 9X đầy trí tuệ và bản lĩnh như - chàng trai đạt giải Nhất cuộc thi Trí tuệ Việt Nam 2006; Tổng Giám đốc Lenovo Trần Hải Linh - vị CEO trẻ nhất Việt Nam hiện nay; hay cậu bé thần đồng tin học Nguyễn Khánh Ánh Hoàng, kiện tướng cờ vua Nguyễn Ngọc Trường Sơn… cùng bao bạn trẻ đang lặng lẽ cống hiến tuổi thanh xuân và công sức của mình trên những miền đất xa xôi trong màu áo xanh tình nguyện; những tấm gương âm thầm vượt qua sự nghiệt ngã của số phận…
Nhưng buồn thay, hình ảnh của họ được giới truyền thông tôn vinh và đánh giá chưa đúng mức.
Trong khi một số báo chí đã khai thác đủ loại “dân chơi” với những đêm đốt tiền và lắc “hết mình” trong vũ trường, quán bar; các trò ăn chơi thác loạn, nghiện ngập, “khoe hàng”… Chương trình “Nhật ký Vàng Anh” của VTV3 — Đài THVN xây dựng một serie về các cô cậu học sinh thời đại @ lúc nào cũng “băn khoăn”, “lo lắng” với các tình huống đi chơi nên mặc bộ cánh nào, phụ huynh đòi đi kèm thì ứng xử ra sao, thích — không thích cô/cậu này nọ… Trong khi bài hát của phim nói về cô bé học trò áo trắng tung bay, “sách luôn giữ chặt trong tay” nhưng hầu hết các cảnh quay đều là Vàng Anh học bài… trên giường, rồi đi chơi nhóm với những suy nghĩ “ngây thơ” một cách giả tạo. Có thể nói, chương trình này rất giàu… tính kịch!
Một loạt các show của đài đều sử dụng… kỹ thuật số với tần suất từ ngữ “số hoá” chóng mặt: Hội tụ số, Hành tinh số, Chat với 8X, Giải trí @, Thú chơi @, Sự lựa chọn @, Café @... có khi còn xây dựng các “tượng đài” 8X, 9X ăn chơi sành điệu với… tuyên ngôn bất hủ họ tự “sắc phong”: “Chúng tôi là đại diện tiêu biểu của giới trẻ Việt Nam”!
Các báo thường tràn ngập thông tin về các ngôi sao âm nhạc - điện ảnh, phong cách style, hàng hiệu…, còn vấn đề giáo dục việc học hành, thi cử; định hướng nghề nghiệp cho các học sinh thì hơi... mờ nhạt!
Chúng ta không thể phủ nhận là hiện nay các phương tiện truyền thông đang chạy theo nhu cầu giải trí của một bộ phận độc giả rất nhỏ vẫn được quen gọi là “thế hệ @”. Thế hệ này chưa tự mình làm được ra tiền, nhưng lại rất rành để“ thể hiện “đẳng cấp @”.
Theo tôi, một số chương trình, chuyên đề báo chí vô tình đã tạo ra sự phân biệt đối xử giữa thanh thiếu niên thành thị với nông thôn; khiến xã hội Việt Nam cũng như người nước ngoài nhìn nhận thế hệ thanh niên nghiêng về ăn chơi, hưởng thụ (thời báo The Straight của Singapore ngày 26/03/2007 đã tung ra một loạt bài phóng sự có tiêu đề “Giới trẻ Việt Nam với cơn ghiền mua sắm”)…
Trong khi đó, các bạn trẻ đi tiếp sức mùa thi, hiến máu nhân đạo, chăm sóc thương bệnh binh, trẻ em khuyết tật, người già neo đơn; các phong trào sinh viên tình nguyện dạy chữ, lao động giúp đồng bào vùng sâu vùng xa; những gương mặt ưu tú trong hầu hết các lĩnh vực học tập, kinh doanh, văn hoá - nghệ thuật… mới thực sự là “những đại diện của thế hệ trẻ, những đại diện cho trí tuệ của con người Việt Nam, những người phấn đấu cho một Việt Nam trí tuệ, sánh vai cùng các cường quốc năm châu” (Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng) thì theo tôi chưa tuyên truyền sâu đậm lắm!
2. Văn hóa của người Việt trẻ và bản sắc dân tộc
Tuy vậy, một thực tế mà chúng ta phải nhìn nhận và đánh giá khách quan là thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay thiếu hụt rất nhiều kiến thức. Một số các 8X, 9X còn mắc bệnh thờ ơ, quay lưng lại với truyền thống dân tộc. Khi người già, phụ nữ có thai lên xe bus, các bạn nam tự giác đứng lên nhường chỗ chỉ chiếm tỉ lệ khoảng 1/10. Nhiều bạn không thể phân biệt nổi chức năng, các chức vụ trong hệ thống chính trị của Đảng và Nhà nước. Chuyên môn của SV khối tự nhiên, kỹ thuật thiếu hụt kiến thức văn hóa - xã hội trầm trọng. Còn các bạn SV chuyên ngành xã hội - nhân văn thì còn yếu về tư duy logic, khả năng khai thác Internet, tiếp cận CNTT…
Trong khi báo, đài ngày nào cũng ra sức tuyên truyền “giữ gìn nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” , nhưng có mấy khi các bác, các chú bên VHTT giảng giải cho lớp trẻ hiểu thế nào là “bản sắc dân tộc”? Để rồi, thịt gà KFC, trà sữa trân châu, mì spaghetti, các món ăn nhanh… ngày càng chiếm thị phần lớn ở Việt Nam.
Và..., nhiều 8X, 9X nữ thổi được cơm bằng nồi điện đã là một thành tích vẻ vang chứ chưa dám nói đến việc nấu nướng các món ăn truyền thống của nền ẩm thực dân tộc độc đáo và tinh túy!
Lý do chủ yếu có thể là vì giới trẻ Việt Nam hiện nay bị cuốn vào guồng quay và chịu áp lực học hành, thi cử nặng tính lý thuyết: Học chính, học thêm, học tại nhà để nỗ lực vào trường điểm, tìm học bổng, thực hiện mục tiêu đậu ĐH…
Mặt khác, tôi nghĩ, các kênh thông tin, các cơ quan chức năng cũng phải góp phần định hướng, quảng bá văn hóa dân tộc để tạo nên niềm đam mê, khát khao đền đáp - tiếp nối cho thế hệ trẻ. Thí dụ một chút, chúng ta có thể thấy ngay sự hiện đại, tính nhân văn của các Trung tâm Văn hóa Pháp, Mĩ, Hàn Quốc… tại Hà Nội thường xuyên tổ chức triển lãm, chiếu phim miễn phí, tuyên truyền phong tục, lễ hội… nước họ nhằm quảng bá, xây dựng hình ảnh dân tộc mình…
Không ai có thể phủ nhận được các 8X, 9X ngày càng thông minh, trí tuệ, bản lĩnh hơn, đầy hoài bão và niềm lạc quan hoà chung với nhịp thở sôi động của thế giới khi đất nước bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Nhưng, để có những bước tiến vững vàng, giới trẻ Việt Nam cần được trang bị hành trang văn hoá, kiến thức đầy đủ mà gia đình — nhà trường — xã hội, và đặc biệt là các phương tiện thông tin đại chúng là nhịp nối vô cùng cần thiết.
Cái quan trọng là, mỗi người đứng ở vị trí “hậu phương” đó phải có trách nhiệm định hướng đúng đắn để xây dựng nên thương hiệu, hình ảnh thiết thực về giới trẻ như “ngọn đèn hướng thiện” cho những người trẻ mang trong tay mầm hy vọng của cả dân tộc.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường