Giới trẻ Hà Nội và vòng vây giải trí

04:55 CH @ Thứ Sáu - 19 Tháng Bảy, 2019

Nhân dịp ngày kỷ niệm quốc tế Phụ nữ 8/3, bà chị tôi được cơ quan cho một vé xem kịch, vé lẻ nên không đi được, mà lại bận con mọn. Vé xem biểu diễn nghệ thuật ở Nhà hát Lớn, giá 70.000 đồng, cũng không rẻ, nên tôi cũng cố gắng đi để khỏi phí. Mà là vở Vòng vây cô đơn của Hữu Ước, vốn được quảng cáo nhiều trên báo An ninh thế giới, lại có nội dung "bám sát thực tiễn" chuyện vụ án liên quan cái chết của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trọng Thanh. Mới nghe đến cả đống lý do rất khủng khỉnh, vậy thì đi không nào? Thì đi, và trong lòng hi vọng sẽ được "thưởng thức" một cái gì đó hấp dẫn. Cứ nhìn vào tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ... thì không phải là xoàng.

Hoá ra chỗ ngồi ở một lô trên tầng 3, hơi chếch, cũng không sao, nhưng sao âm thanh cứ lẹt phẹt thế nhỉ? Mà lại có cái cột ngay kế, không che khuất tầm nhìn nhưng vương vướng như thể mắt bị "lên lẹo"... Một hai lần trước được ngồi tầng trệt đâu biết cơ sự này, cứ về khen nhà hát mới đẹp quá âm thanh không tuyệt hảo như trước khi sửa vào năm 1996 (tự trách mình: hay là cái bệnh khó tính hay chê bai, lúc nào cũng không như ngày xưa, rất hãm) nhưng cũng hỉ hả ở Thủ đô có "Thánh đường văn hoá". Thôi, không cằn nhằn nữa, kịch mở màn rỏi, trong tiếng lách cách va đập ghế của người đi xem muộn và tiếng vài đứa trẻ con quấy bố mẹ. Đi xem mà để phân tán tư tưởng vào tiểu tiết thì làm sao cảm thụ cho hay được?

Hơn một nửa thời lượng trôi qua mà vở kịch cứ loanh quanh chuyện gia cảnh của ông hoạ sĩ Văn Bảo, chuyện mấy cô cậu thanh niên tập làm người lớn. Đại khái một môtíp đã quá nhàm chán: nghệ sĩ có tuổi độc thân khao khát sáng tạo, sợ hãi năng lực không theo kịp tham vọng, chuyện ngộ nhận tình yêu của hai thế hệ, người lớn yêu nhau thời trẻ không lấy nhau thì con cái lại loanh quanh với nhau, để rồi trò yêu thầy, con người yêu cũ yêu bác/chú, người trẻ thì lấc cấc, dại dột và xốc nổi, người già thì mở miệng ra là triết lý, là hận đời và tính toán. Rồi rên rỉ đổ lỗi cho định mệnh!

Ông hoạ sĩ trong kịch nói quá nhiều, chẳng thấy một ánh sáng trí tuệ hay tài hoa nhỏ toát lên để khán giả cảm thấy có thể yêu được, say mê được, huống hồ ở địa vị cô gái học trò trẻ trung xinh đẹp kia, lao đầu vào chỉ vì thấy bạn gái mình - tức là con thầy để thầy sống một mình ăn uống thất thường thì "thương quá", rồi mong mình sẽ là điểm tựa để nghệ sĩ lấy lại cảm hứng sáng tạo đã bị mất. Hình như tác giả không biết làm thế nào để định nghĩa được cá tính nhân vật hay là không thể "lạ hoá" được hình tượng ấy. Hay là cái sắc thái tình yêu được tác giả diễn tả cứ ngô nghê và sượng sùng làm sao. Nghệ sĩ Lan Hương - diễn viên xuất sắc Liên hoan phim Quốc tế Singapore không có đất để mà kịp định dạng vai người mẹ đau khổ. Có cảm giác đáng buồn là nhiệm vụ của vai này rất mờ nhạt, không có cũng chẳng thành vấn đề, chẳng tạo ra biến cố hay xung đột kịch nào, trừ có việc hấm hứ mấy câu, khóc lóc một tí, nói mấy câu kể lể có thể đoán trước nội dung. Còn cậu thanh niên trí thức có bằng thạc sĩ kia, hiện ra lôm côm và ổn ào cãi cọ như lưu manh vỉa hè. Nhưng chỉ thấy quen quen mà không gai người tí nào cả, vì hình như lũ trẻ như mình cũng hay nói năng như thế.

Ai cũng biết chuyện nguyên mẫu, và đều thấy lờ mờ một cảm giác lạnh lưng như nghe những câu chuyện về vụ tiến sĩ A thuê thạc sĩ B tạt axit nhà hàng xóm vì mâu thuẫn, chuyện phó tiến sĩ X ruồng rẫy mẹ đẻ. Chẳng lẽ tác giả làm báo An ninh mà lại không biết khai thác "chuyện vụ án". Lạnh lùng và sắc bén là thái độ của bị cáo Vũ Trường Giang trước toà, hay là chuyện khó lý giải trước dư luận về sự can dự của các bên trong cái chết của nghệ sĩ. Trong vở kịch thì không có cái kết như ngoài đời nhưng không thể chỉ loăng quăng chuyện ghen tuông tranh khoả thân với chuyện quá khứ yêu đương vớ vẩn mà đến vật lộn nhau được. Một vở kịch vì thời gian của nó thì cần phải có những xung đột cao trào như thế nào để khán giả chấp nhận được, thay vì bê nguyên si cuộc sống lên.

Thật ra nguyên si cuộc sống đã tốt, ở đây tác giả phác phác mấy nét gọi là, rồi đến chỗ đó, đoạn đó, đạo diễn và diễn viên tuỳ theo năng lực diễn tả mà làm. À, ở đây chỉ thấy nghệ sĩ A, B hay diễn viên X, Y diễn như trên mấy phim truyền hình, mà không thấy có gì làm khán giả "choáng váng" cả? Hay là vì họ hay đóng phim truyền hình quá, toàn giọng họ lồng tiếng các phim trên đó mà. Đại khái cũng chỉ đọng lại cái màn đóng vai ông hành khất mù hát rong tầm phào của Xuân Bắc - gương mặt ăn khách của chuyên mục hài Gặp nhau cuối tuần của VTV3, cù cho khán giả cười một tí. Thành thật mà nói thì là như vậy, thế thì khả năng thưởng thức nghệ thuật của tôi có vấn đề?

Xem vở kịch xong thấy một cảm giác mà tôi gọi là "lổn nhổn", không có hình thù gì rõ nét, hay là thất vọng. Cách đây một năm, cũng với Nhà hát kịch danh tiếng này, cũng ở Nhà hát Lớn, bằng vé mời của anh họa sĩ thiết kế, một vở kịch mà tôi không còn nhớ nổi tên, của cặp đạo diễn - tác giả đình đám nhất bấy giờ là Doãn Hoàng Giang - Nguyễn Khắc Phục, cũng chuyện thế hệ trẻ thế này thế kia, cảm giác của tôi y như bây giờ. Tôi chán cho nhà hát kịch ấy, đội ngũ diễn viên ấy, các tác giả ấy, nền nghệ thuật ấy một thì chán cho lối tư duy của những "nghệ sĩ" ấy mười. Làm sao mà khi họ sung sức, họ viết và diễn kịch hăng thế không biết, khi ấy thì tôi lại còn nhỏ, cũng chả biết gì, nghe thấy toàn là "đỉnh cao mơ ước" (tên một vở kịch hồi bao cấp). Bây giờ họ luôn coi mình là đỉnh cao (theo như những bài trả lời phỏng vấn trên báo), nhưng sao kịch của họ nhạt thế. Đến nỗi tôi không thể nào đồng cảm được với những gì họ bắt những diễn viên trê nói trên sân khấu để gọi là phát ngôn cho thế hệ trẻ. Hôm đấy, vì lịch sự với anh bạn, tôi và người bạn đi cùng kiên nhẫn ngồi cho đến hạ màn.

Những vở kịch có vẻ hay trong thú pháp phân tích tâm lý, kiểu Bến bờ xa lắc, Khoảng trống,… thì thế hệ trẻ vẫn chỉ được vẽ ra như là một đám đông ồn ào và vô vị, lác đác nổi lên một cô bé xinh đẹp toàn đi yêu các bậc cha chú??? Đọc giới thiệu của mấy kịch khác, thấy sao mà giống nhau đến thế. Tức là có thể thấy kiểu này: bố mẹ không hạnh phúc, thuở trẻ lấy nhau không vì yêu, rồi đến lúc vào cái tuổi "hồi xuân" thì cũng gọi là "tìm lại khát vọng tuổi trẻ", con cái thì cũng nảy nòi "khám phá", rồi "hạ bệ", rồi dám "phang" hay yêu cả cha chú... Kết thúc thì 100% tan nát. Cô Thúy (Bến bờ xa lắc) yên phận chăm lo gia đình mẫu mực của mình. Một ngày kia vào lễ sinh nhật 18 (hay 20 nhỉ ?) của con trai, tự nhiên bạn gái của con (kiểu này bạn gái của con luôn là tác nhân đầu tiên gây xáo trộn) phát hiện ra "cô rất đẹp", rồi cả đám đành hanh bắt cô thử chiếc áo váy đỏ... Tất cả choáng váng như phát hiện ra kỳ quan thứ tám khi thấy người đàn bà trẻ lại và đẹp rực rỡ. Thế là từ phút này trở đi, tất cả đều mang ý nghĩ "mọi thứ đều có thể thay đổi" và cuộc trường chinh bắt đầu. Thôi thì cha mẹ hục hặc, cạm bẫy, rồi tình yêu, tình dục, nổi loạn hay là đánh giá lại quá khứ... đủ cả. Trên sân khấu là như thế.

Đấy có lẽ thêm lý do để không đi xem kịch, nhất là chính kịch. Đời cười hay là Gặp nhau là cười dẫu sao cũng còn hô hố được, khốn nạn thế. Chứ đi xem kịch "chính" chỉ tổ hư người: hận đổi, nổi loạn và xúi giục bạo lực. Mà kịch hay còn có thể như thế lắm (ngày bé tôi nghe kể rằng thế kỷ 18 có loại "nhạc đen" cổ điển ở châu Âu ai nghe sẽ tự sát, không hiểu người chơi có tự sát không?) chứ kịch dở hơn kịch "mậu dịch" thì hận nhất là tốn một buổi tối đẹp trời. Chả trách hỏi đến toàn bộ đồng nghiệp của tôi, chưa ai đi xem kịch bao giờ cả!

Thánh đường: "Đỏ đèn" hay "đèn đỏ"?

Thì cũng có đi xem bao giờ đâu, dẫu là cứ hãnh diện một năm đi hai bận, hơn tất cả đồng nghiệp trong cơ quan đi, nên làm sao mà biết một năm có bi nhiêu vở kịch được công diễn, hay nhà hát nào có cái gì hay hay... Đế biết một năm có những gì trên sân khấu, dù vẫn thấy trên các trang net hay mục văn hóa các báo là các nghệ sĩ luôn "trăn trở với nghiệp diễn", rồi tiết mục "đạo diễn A nói về diễn viên B" kiểu như trên VnExpress.net có mục kiểu "ông bà Hoàng Tuấn nói về ngôi sao Đan Trường", các ân tình sâu nặng cứ mênh mông... tôi vẫn chả dám tin. Thôi thì do vào tờ Thể thao Văn hoá là báo có thiện cảm nhất, lâu lâu lại có "Trang sân khấu trong tháng" do tác giả Lê Thu Hạnh phụ trách mà theo dõi. Chắc "chị Thúy xa lắc" này có thể tin cậy được. Còn với người như tôi thì giả dụ có liệt kê thiếu vở nào thì cũng không ai phê bình, vì nếu có đủ số lượng thì bộ mặt chung của kịch trường vẫn "không sứt mẻ".

Thực tế: ngày thứ bảy 18 tháng Giêng 2003, tức 16 tháng Chạp âm lịch, không có một vở kịch nào được công diễn tại Hà Nội, và các tuần lân cận trước đó cũng không, chứ đừng nói đến giáp Tết thì thôi, nghỉ tất. Cái ngày ấy tôi nhớ vì nhân dịp một người bạn Sài Gòn ra chơi, muốn đi xem kịch (thói quen đáng quý của người trong ấy?) đi xem phim thì toàn chiếu Người Mỹ trầm lặng đã xem rồi, Men in Black II thì đã xem VCD từ đời nào. Tôi chở người bạn chạy khắp các rạp để khỏi trễ giờ, mà đến đâu cũng đóng cửa? Mà cũng chỉ có ba rạp kịch nói thôi: Tuổi Trẻ bắt đầu Đời cười 4 từ mồng 8 Tết âm lịch, Nhà hát Kịch Hà Nội (rạp Công nhân) phố Tràng Tiền chỉ thấy dân ăn kem đứng thôi, Nhà hát Lớn cũng không nốt.

Vậy là tháng Giêng (trùng tháng Chạp âm lịch) là "tháng ăn chơi" của kịch sĩ Bắc Hà. Tháng Hai có ngày Tết, không ai đi xem chính kịch với bi kịch cả (xem gì mà nẫu cả ruột với tức anh ách, "dông" cả năm!), chỉ có "Bắc Nam cùng cười", Lê Khanh không diễn hài chắc cũng không nổi hơn Xuân Hinh được. Thế nên tháng đó tuy nhiều buổi diễn nhưng hoá ra chỉ là các mẩu kịch "liên khúc cười". Mà cũng chỉ có các nhóm cặp hài với nhau, cấp đơn vị nghệ thuật giỏi lắm có Nhà hát Tuổi trẻ với Đoàn 1, Đoàn 2. Hai nhà hát kịch kia (Việt Nam và Hà Nội) thì không thấy "cười". Năm kia thì NHK Hà Nội công diễn hài - vở Thầy khoá làng tôi, năm nay chỉ thấy Minh Vượng đi đánh quả lẻ. Nghĩa là họ im tập thể.

Tháng Ba, "mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông hút nước", có ngày 8 tháng 3 thì liên hệ với các cơ quan phân phối về tập thể, giảm giá "ba mươi đến năm mươi phần trăm cho các đơn vị cá nhân có nhu cầu mua với số lượng lớn". Lúc này thích hợp cho các vở diễn kiểu như "Vòng vây... " kia. Tháng 3 năm 2003, tại Hà Nội, nhà hát Kịch Hà Nội vẫn buông màn, nhà hát Kịch VN thì tôi đã khai rồi. Nhà hát Tuổi trẻ vẫn "đỏ đèn" với Đời cười 4. Xin hết!

Tháng 4 thì xin lộn lại năm 2002. Tôi lại đi miền Nam lúc ấy nên đành lấy sự kiện Sài Gòn vậy: xem 2 vở - Yêu thầy ở Phú Nhuận và cái gì quên mất tên ở Vô Văn Tần có Hồng Ánh đóng vai chính một cô thợ may đi vào vũ trường (vở này tôi bỏ về lúc giải lao vì nghĩ mình đến nhầm chỗ, lúc ấy chưa có phim Gái nhảy để cố xem hết ở vũ trường thì gái nhảy làm gì). Cái trí nhớ khốn nạn của tôi chỉ nhớ đến vẻ xinh đẹp của nữ diễn viên chính. Đến vở Yêu thầy thì "thôi không nói nữa"... Nhưng mà cũng còn có thể lựa chọn cái để xem hàng đêm ở thành phố, chắc không đến nỗi "im lặng thở dài" như đất "văn vật" quê ta. Thì đó, cả nhà hát kịch Hà Nội kéo quân vào làm "Mùa hoa sữa" ở nhà hát thành phố. Thế ở Hà Nội họ làm gì vậy.

Táng 5 thì các chương trình "biểu diễn nghệ thuật chào mừng các ngày lễ lớn", đương nhiên là "kịch tốt, kịch hay đến tay công đoàn". Lại các công đoàn cơ quan tổ chức, chắc là cho các ông chồng và con cái của những chị em đã có suất 8 tháng Ba. Thì tôi được đi xem cái kịch mà anh bạn họa sĩ cho vé. À, dạo ấy Nhà hát Tuổi trẻ có Rừng trúc, người khen kẻ chê ồn ồn trên báo, mà bận việc nên tôi cũng cho thôi luôn. Nhất là kịch có độc thoại 30 phút, đề tài thời Trần thì cũng... Nghĩa là tháng Năm thì chắc có ba, bốn vở để xem. Những kịch "liên doanh" thì chắc không dám kể, có xem được đâu mà biết? Toàn là tinh những NSND, NSUT với các bạn diễn Pháp Mỹ, xủng xoẻng những Xệch Bia với Mắc Bẹt.

Tháng 6, 7, 8 quay vòng thâm canh tháng 5. Hình như có một hội diễn ở tận Thái Bình? Các nhà báo lại tiếp tục xem hộ và nhận định hộ dư luận. Tháng 9 lại đến "lễ kỷ niệm lớn", kịch mục chào mừng có đủ. Các vở có huy chương thì diễn báo cáo. Các vở chèo hay cải lương thì chỉ có nước nhờ truyền hình VTV1 phát phục vụ các cụ già ngồi nhà tối thứ bảy xem. Mùa kịch đến rồi, các thể loại ăn khách thi nhau rộ, thế mà vẫn nghèo nàn những "Gặp nhau là cười"… Thì "cao siêu" cũng có Hăm Lét của Hà Nội, Mắc Bẹt của Tuổi Trẻ, Ca Ve Mắc Xim của Trung Ương... nếu mà xem hết thì phải tốn đến 300.000 đồng, lại phải kèm rơ- moóc, vị chi là hơn nửa triệu, chắc nhịn tiêu để "yêu nghệ thuật" quá. Gắng nhớ thì hoá ra tôi có xem vở Trò đùa của người lớn, chỉ nội vấn đề mới mới nhớ ra cũng đủ biết chất lượng. Ba tháng cuối năm tôi không kể gì được vì cuối năm ai cũng bận chạy lo kiếm tiền và hoàn thành kế hoạch. Rồi chuyện đất cát, mồ mả, chuyện sắm sanh gia đình, chuyện luyện TOEFL, thế thì đợi đến mùa quýt sang năm vậy.

Thôi thế là hết một năm rồi đấy. Năm con dê, tôi đã đạt chỉ tiêu: một vở kịch "cô đơn", một phim Gái nhảy, ca nhạc thì thôi, không dại nữa. Nhưng mà không xem văn nghệ nước nhà, tôi sẽ mất gốc. Truyện Kiều còn, tiếng ta còn...

Giới trẻ: Hài kịch ba xu

Báo Văn nghệ một số của tháng 1 có một bài ý kiến của một cụ (tôi đoán thế vì thấy đề là Nguyễn Tự, cán bộ hưu trí - tôi không nhớ chính xác) về lời trong ca khúc nhạc trẻ top hit bây giờ là bài Hát với dòng sôngcủa Quốc An - lời Nguyễn Nhất Huy (Mỹ Tâm hát) , khen là bài trong sáng, dễ cảm, nhưng "giá như sửa một chút lời thì sẽ hay hơn và có ý nghĩa tích cực biết bao". Ấy là hai câu điệp khúc: Tình yêu đến em không mong đợi gì tình yêu đi em không hề hối tiếc... cụ bảo, nên sửa là "tình yêu đến em luôn luôn đợi chờ, tình yêu đi em vô vàn nuối tiếc" thì "cảm động hơn". Nghe cũng có lý. Nhưng mà khi nghe và lảm nhảm hát (dù thì gì tôi cũng chỉ mới đầu hai mà, tôi cùng nghe nhiều nhạc “não tình" chứ) thì tôi thấy funny cho các cụ quá. Tôi thấy cái bài ấy di chỉ có mỗi hai câu rên rỉ kia là sáng tạo nhất! Sửa chúng đi thì coi như bài này hoá xoàng, hết xí quách. Nếu các anh chị chưa nghe thi tôi xin chép lại lời của bài ấy, dù sao cũng nên biết về "đỉnh cao" của ca khúc trẻ năm 2002:

Mỗi khi chiều về em ngồi hát bên dòng sông
Dòng sông xa xôi nơi đất khách quê người
Từng chiều em hát cho vơi đi nỗi buồn.
Nỗi buồn của em, người lữ khách tha phương

Tình yêu đến em không mong đợi gì
Tình yêu đi em không hề hối tiếc
Ngày xa xưa em hát với dòng sông
Và giờ đây em hát giữa dòng đời
Dù dòng đời không êm ái như dòng sông.

Vì sao? Vì tâm trạng chả thiết cái gì, đúng là chẳng mong đợi gì thật! Mà vì thế, không còn yêu nhau cũng có gì đâu mà tiếc. Thế nên chúng tôi thấy hay mà các cụ phê bình là chuyện hết sức thường.

Nói đến chuyện giải trí nhé, xin loại trừ bộ môn kịch kia vì những lý do đã đề cập. Văn chương? Ồ, tôi không biết có "ngày Thơ Việt Nam" đâu. Lượn qua Đinh Lễ mua sách khấu trừ phần trăm là hết. Các đồng nghiệp yêu quý của tôi không đọc văn đọc thơ, vì họ phải đọc Java Bible, đọc ASP, đọc ERP/CRM (vài khái niệm lập trình hay hệ thống quản lý công nghệ phần mềm cơ bản). Cỡ đến Nguyễn Huy Thiệp cũng không là cái gì nhé, nữa là... Tôi có nức nở khen hay lắm thì cũng không ai chạy đi kiếm sách về đọc. Anything else.

Ngoài bóng đá ra là món giải trí hàng đầu - "thuốc phiện" của nhân dân (chủ yếu là đàn ông) - thì chắc chắn thứ nghệ thuật khoái khẩu dành cho cả nam lẫn nữ là âm nhạc - karaoke hay điện ảnh - VCD. Sở dĩ tôi nói theo cặp là vì âm nhạc được setup dưới dạng karaoke "hát với nhau", còn điện ảnh update bằng đĩa hình in lậu thuê ngoài cửa hàng. Rồi mới đến chat. Liên hoan cơ quan xong, các thanh niên đi đâu chơi? Chơi loanh quanh chán thì "đi hát". Chắc không đâu như Việt Nam mình, hát cho nhau nghe lại tưng bừng đến thế. Có người Mỹ chuyên nghiên cứu âm nhạc Việt Nam, rất thích thú khi nói về hiện tượng này, cũng định nâng tầm nghiên cứu "văn hoá karaoke" thành đề tài khoa học???

Nội dung chương trình: ai giọng non thì hát nhạc thời trang, giọng khoe khoẻ thì chơi nhạc đỏ, giọng trữ tình thì trị nhạc sến nhạc "xuân này con không về"... Ôi trời ơi, hãy tưởng tượng: một phòng rộng có ba bàn, nghĩa là ba nhóm xếp hàng. Nhóm một gồm mấy ông tướng tá bia rượu cỡ các "sếp nhà quê" có tiếp viên ngồi cùng (sếp xịn chắc phải bao phòng riêng chứ) ông ổng "cắc bùm bum ứ cắc bụp bum", nhóm hai "trái tim bên lề", nhóm ba chắc "ta đây trí tuệ", cứ Ngô Thụy Miên với nhạc tiếng Anh mà giã.

Xem đĩa phim thì xem ở nhà rồi. Cùng lắm rủ nhau đi xem phim cổ điẻn ở Fansland hay là Gái nhảy ở Tháng Tám. Phim Mỹ: nói chung Oscar là tương đối thuộc, cũng võ vẽ biết phim nào được đề cử đề xem cho có tiếng nắm vững văn nghệ nhân loại.

Ca nhạc biểu diễn "lai sô" chắc không mong đợi các bậc cao minh tha thứ. Gì thì gì chứ các cụ không chịu được màn hát múa của các ngôi sao trẻ ăn mặc phô phang toé loe. Lại còn thứ âm nhạc xốc nổi "khi yêu khi yêu ta đã cho nhau rất nhiều" thì hỏi cha mẹ nào không nhăn mặt khi nghe lọt tai. Nhưng mà @ (chỉ thế hệ trẻ) lại khoái tỉ. Cũng chính thế mà mở đầu cái kịch "Vòng vây... " kia mấy cô cậu cũng gào lên "nà nà nà nà ná nà na na na", yêu nhạc "Ôi tình yêu" (một bản lời Việt của Trần Minh Phi phổ từ bài hát của nhóm China Dolls Thái Lan - ăn khách số 1 ở Việt Nam đầu năm 2002 mặc dù bị báo chí phê phán kịch liệt) cũng yêu cả nghệ thuật cao siêu của thầy giáo? Đi xem nhạc trẻ, tức là chấp nhận một thực tế: một không khí âm nhạc ồn ào nhưng sản phẩm toàn kiểu "đôi bạn cùng tiến", các "diva" rên rỉ những nỗ lực kỹ thuật, các nhóm nhạc nhảy múa loạn xí ngầu, các cô ăn mặc tiết kiệm, các chàng xanh đỏ đến mức "biến thái ngoại hình". Giá vé đắt nhất trong các loại hình giải trí (chỉ thua hoà nhạc Heineken hay Toyota) nhưng chỉ chứng tỏ khả năng tái tạo sức lao động cho ta rất kém. Bạn đồng nghiệp bảo "anh mới đi xem ca nhạc hoá ra bị lừa". Có đủ ngôi sao nhưng đâu có biết là đêm đó giới thiệu một ông nhạc sĩ X lạ hoắc nào. "Nữ hoàng" Y vừa hát vừa cầm bản nhạc, đến chỗ không thuộc thì quay lưng lại mà liếc lời (?). Thế còn ca sĩ Z? Ôi, "củ chuối" lắm! Đại khái là anh ta chửi um lên, mất tiêu mấy trăm ngàn, tôi thành thật xin lỗi khi kể lại như thế. Lại còn một lần trên ti vi có giới thiệu một chương trình ca nhạc biểu diễn, phổ thơ tác giả Nguyên Linh. A, có Huy Du, Nguyễn Đức Toàn này... hay nhỉ? Cũng thấy các NSND, NSUT ôm hôn thắm thiết tác giả - ông thứ trưởng Bộ Nông nghiệp. Rồi đến lúc chẳng may ông này đi tù, thế là các báo lại có bài "đưa tiễn".

Nói tóm lại, bây giờ chúng tôi không tiêu thụ được bao nhiêu những giá trị ấy, lại càng không tin tưởng bất cứ cái gì tuyệt đối ở "sự sáng tạo", nhất là nó dính líu tới việc phải móc hầu bao của mình. Cho nên khi chúng tôi giàu hơn, chắc họ sẽ phải hối hận vì đã "kéo cưa lừa xẻ" bọn này (?)

Trẻ thì đẹp

Hình ảnh của một thế hệ được thể hiện với bao nhiêu "tâm huyết" mà không được thế hệ ấy chấp nhận, liệu có tồn tại cái gọi là sáng tạo nghệ thuật hay bút pháp tiên tiến được không? Thế hệ Trường Sơn chắc cũng nhiều phen nhăn mặt khi đọc những "tác phẩm" viết về mình, nhưng chúng lại ăn khách hoặc được các lứa độc giả quan tâm. Giống như trong một truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh, bà mẹ nhà văn chê cuốn sách viết về thời của mình không đúng nhưng giới trẻ lại thích, đến khi ngồi vào viết về chính chuyện của mình với tư cách là người trong cuộc thì lại bất lực và phải thừa nhận hoá ra để đến với sự thật thì có quá nhiều kênh thông tin!

Trở lại với những gì tôi đã xem, nghe, đọc về giới trẻ, mà rất nhiều văn nghệ sĩ ấp ủ đề tài này, động cơ là đáng trân trọng. Chúng tôi thích chứ, tuổi trẻ bao giờ cũng thích được nói về mình và khám phá mình cũng như thích nghe người khác đánh giá ra sao. Trong những vô vàn thành quả ấy, luôn có những giá trị đọng lại. Một Vị đắng tình yêu, một Canh bạc, một Xin hãy tin em hay Của để dành, cũng rất đáng nhớ. Chúng tôi cũng hiểu cái hạn chế muôn thuở của người mình nên cũng không trông chờ cho lắm một kết quả kỳ vĩ nào đột biến xuất hiện, nhưng khi cái Đẹp ra đời bao giờ giới trẻ cũng là lực lượng cổ vũ hùng hậu nhất.

Cho nên cũng không ngạc nhiên tí nào khi đọc trên một tờ phụ san Làng Cười của báo Nông thôn Ngày nay: Ban chấp hành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam có độ tuổi trung bình cao kỷ lục là 76 tuổi. Một thành phố trẻ năng động như TP Hồ Chí Minh cũng có Ban như thế với tầm tuổi "cổ lai hy". Chắc Viện hàn lâm Văn học Pháp hay Gông-cua gì đây cũng phải ngả mũ chào. Và thôi thì cũng chúc rằng: không có một sự phản ánh như mong đợi về thế hệ trẻ thì cũng làm sao đó để củng cố phong vị "hàn lâm" cho giới trẻ đứng xa xa, ngả mũ kính trọng.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thế hệ trẻ văn minh hay bơ vơ

    26/11/2019Nguyễn Vĩnh NguyênĐơn giản, nếu được hỏi sẽ mang gì khi đến một hòn đảo, câu trả lời của thanh niên Đức là: đĩa CD mà tôi thích! Cuộc triển lãm Jung:de do viện Goethe tổ chức tại TP.HCM “dọn ra” 17 cái mặt CD, mỗi CD là một vấn đề thuộc đời sống người trẻ Đức. Thanh niên Đức đang thực sự quan tâm đến vấn đề gì trong cuộc sống của họ? Họ sẽ “định diện” nền văn hoá mà họ đang làm chủ như thế nào?
  • Giới trẻ đang... đọc gì?

    15/09/2008"Harry Porter" chắc chắn hấp dẫn hơn "Những người khốn khổ", Jindo thú vị hơn nhiều so với tuyển tập truyện ngắn Nam Cao và hiển nhiên xem phim chưởng vẫn thích hơn việc ngồi nghiền ngẫm Tam quốc chí. Dường như, việc đọc các tác phẩm truyền thống đã trở nên xa lạ với giới trẻ...
  • Người pop

    06/11/2007Nguyễn Thị Ngọc HảiChưa bao giờ trong xã hội Việt tràn lan một “bầu không khí pop” ở khắp nơi; rõ nhất trong cả âm nhạc, tiêu dùng và trong tính cách người...
  • "Biểu tượng" của giới trẻ Việt Nam

    23/09/2007Danh từ “8X” và “9X” đã trở thành một “thương hiệu” được sử dụng phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đến bây giờ, những từ ngữ này đã có tính chất phổ cập toàn dân và trở thành “biểu tượng” cho giới trẻ Việt Nam với hình ảnh một lớp người năng động, cá tính, sành điệu và… chịu chơi...
  • “Công dân Internet” hay mặt trái của thế hệ trẻ

    22/11/2005Theo Chinadaily, GuardianNgủ dậy, bật máy tính, đánh răng rửa mặt và vào mạng Internet là lịch trình của Tiểu Linh vào mỗi buổi sáng, giống với nhiều thanh niên trẻ khác trên khắp Trung Quốc...