Tôi đã lạc quan hơn về giới trẻ
Đến nay, sau hơn năm mươi năm cầm bút, ông vẫn nặng nợ với chữ nghĩa. Lịch làm việc của ông luôn dày đặc với những chuyến đi, với việc viết báo, dịch thuật, tham gia xây dựng và quản lý trường đại học Phan Châu Trinh...
Đi qua bao thăng trầm của thời cuộc, ông vẫn vô cùng lạc quan, luôn nâng niu từng nét đẹp trong cuộc sống, và vẫn hết sức quyết liệt, sắc bén khi nhìn vào những mặt trái của xã hội. Trong một lần vào TP.HCM gặp gỡ sinh viên, ông đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện cởi mở.
* Vốn xuất thân từ văn chương, nhưng giờ đây ông lại dành nhiều thời gian, tâm huyết cho việc phân tích những vấn đề giáo dục và giữ vai trò quan trọng trong việc sáng lập trường đại học Phan Châu Trinh ở Hội An, nghĩa là giáo dục đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của ông?
- Tôi nghĩ ngày nay không nhất thiết là nhà văn, mà bất cứ ai có hiểu biết đều quan tâm và lo âu cho giáo dục. Một là vì trong thế giới đang biến động như vũ bão hôm nay, việc tạo được một cái nền căn bản cho con người là quan trọng hơn bao giờ hết, mà công việc này chỉ có giáo dục mới làm được. Hai là vì quả thật nền giáo dục của chúng ta, đúng như giáo sư Hoàng Tụy đã nói một cách nghiêm khắc nhưng hoàn toàn chính xác, không chỉ đang lạc hậu mà lạc hướng.
Chỉ cần nhìn qua mà xem, chúng ta đang làm giáo dục không giống bất cứ ai trên thế giới ngày nay. Thật sự cần một cuộc cách mạng về giáo dục, nếu chúng ta muốn tiến lên cùng thiên hạ một cách bình thường. Tôi ngạc nhiên là tiếng báo động về thực trạng giáo dục chưa thật sự lay chuyển toàn xã hội. Chúng ta đang có nền độc lập vững chắc, xã hội ổn định. Việc lớn nhất bây giờ là chấn hưng dân tộc, làm cho đất nước mạnh lên, mà việc làm đầu tiên là xác định đúng vị trí của giáo dục.
Xã hội cần phải tạo điều kiện, tạo những nền tảng toàn diện để người tài xuất hiện và phát triển. Tất cả các cuộc chấn hưng dân tộc trên thế giới, từ Nhật Bản đến Hàn Quốc, Singapore đều bắt đầu từ giáo dục. Tri thức là sức mạnh, người dân đặc biệt là người trẻ nắm được tri thức thì đất nước sẽ mạnh lên.
Vả chăng theo một cách nào đó hầu như không có sự cách biệt nào về mục tiêu lý tưởng giữa văn học và giáo dục: đều là mong cho con người thật sự xứng đáng là con người.
* Thực tế cho thấy phần lớn thần tượng của giới trẻ bây giờ là những doanh nhân, tỉ phú nước ngoài chứ hiếm thấy danh nhân văn hóa, các nhà hoạt động xã hội? Phải chăng vì vai trò của những nhà văn hóa trong lịch sử nước nhà khá mờ nhạt?
- Để có được ngày hôm nay của đất nước không chỉ có cách mạng và chiến tranh, những nhà trí thức đã góp phần rất lớn vào việc chuẩn bị tinh thần, trí tuệ, chí khí để cách mạng và kháng chiến có thể thắng lợi. Các tư tưởng lớn giống như những bánh xe âm thầm nhưng quyết định quay ở hậu trường khởi động nên các chuyển động xã hội và lịch sử trọng đại.
Vậy mà các sách giáo khoa lịch sử của chúng ta lâu nay hầu như chỉ dạy về cuộc đời các anh hùng trong chiến đấu, còn những người có công trong lĩnh vực mở mang trí tuệ văn hóa thì chưa được coi trọng. Công lao và tầm vóc của các nhà hoạt động xã hội và các nhà văn hóa như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Lương Văn Can... và cả Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Phạm Quỳnh cùng bao nhiêu người khác chưa được minh định rõ ràng và đặt lại đúng vào vị trí lịch sử thật sự của họ.
Cuộc đời và đường đi của các bậc trí thức rất đáng để nghiên cứu, học hỏi. Đánh giá đúng những đóng góp của các nhà văn hóa, tư tưởng cũng là một cách tốt để góp phần định hướng cho giới trẻ về lý tưởng và nhân cách. Thật ra, các nhà khoa học lớn ở Việt Nam cũng như trên thế giới cũng là các nhà văn hóa, văn hóa là nền tảng để người ta tiến xa hơn.
Nhân đây cũng phải nói thái độ không coi trọng đúng mức các giá trị văn hóa xuất phát từ tính thực dụng cố hữu của người Việt Nam: vốn không thích những gì trừu tượng nên không đánh giá cao tầm quan trọng của đời sống tinh thần. Một ví dụ cụ thể: Ở các nước phát triển, người ta đặt ngành quy hoạch đô thị vào nhóm ngành khoa học xã hội, vì đô thị là nơi quy tụ các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống cộng đồng, người làm công việc thiết kế quy hoạch nhất thiết phải có bề dày hiểu biết về văn hóa, lịch sử. Nhưng ở nước ta, ngành này lại được xếp vào nhóm ngành kỹ thuật và những người làm công việc đều chỉ được đào tạo về kỹ thuật.
Hậu quả là các đô thị ở Việt Nam hiện nay na ná giống nhau, không có bản sắc đặc trưng, không đẹp, nếu không nói là không ít thành phố đang bị phá hoại nghiêm trọng đến mức hầu như không còn cứu chữa được về cảnh quan, kiến trúc, văn hóa… Một sự xuống cấp thực sự nguy hiểm. Hãy nhìn Đà Lạt hay Hà Nội ngày nay mà xem…
* Trong một bài báo mới đây, ông viết rằng đầu thế kỷ XX đất nước chúng ta có được nhiều trí thức có tầm nhìn rộng lớn như Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của... là do thế hệ này sống trong bối cảnh gặp gỡ giữa hai nền văn hóa Đông và Tây, lĩnh hội được những gì tinh túy nhất của hai bên, từ đó tạo cho mình cái nhìn toàn diện và sâu sắc về tình hình đất nước cũng như thế giới bên ngoài. Vậy trong thời điểm hiện nay, khi văn hóa phương Tây tràn vào Việt Nam mạnh mẽ hơn bao giờ hết, thông tin dễ tiếp cận và lượng du học sinh cũng đông đảo chưa từng thấy, chúng ta có hy vọng gì về thế hệ những trí thức lớn đầu thế kỷ trước không?
Nguyên Ngọc (5 tháng 9, 1932 – ) tên thật là Nguyễn Văn Báu, bút danh khác là Nguyễn Trung Thành. Ông là nhà văn, nhà văn hóa -giáo dục Việt Nam, phóng viên chiến trường, tổng biên tập báo và dịch giả. "Tôi sống và làm theo những điều mình tin, và chịu trách nhiệm về tất cả điều đó, không thối lui, không nhân nhượng. Đúng sai là điều khó tránh ở đời, nhưng tôi luôn coi trọng sự nhất quán trong thái độ sống: bao giờ cũng sống như một người tự do, trước hết với chính mình. ... Thiết lập lại một nền giáo dục khác hẳn nhằm tạo nên những con người tự do, dám và biết tự mình đi tìm lấy chân lý, sống và làm việc theo chân lý mình đã chọn, chịu trách nhiệm về sự lựa chọn ấy. Sự thống nhất của xã hội sẽ là sự thống nhất của những con người tự do, đầy trách nhiệm với chính mình và với xã hội, đầy tự chủ và sáng tạo." >> Trang tác giả:Nguyên Ngọc |
Nền Hán học dẫu có cứng nhắc, giáo điều nhưng mặt khác lại rất cô đọng. Nó chắt lọc để đưa đến cho người học những gì là tinh túy nhất của đỉnh cao văn hóa trung đại phương Đông. Có thể chính do vậy mà thật nghịch lý và tuyệt diệu, thay vì sinh ra những con người nô lệ nó lại tạo nên những con người độc lập.
Những người ưu tú nhất trong nền học vấn đó đã tỏ ra không hề bị bó buộc trong giáo điều mà rất biết chắt lọc lấy cái cơ bản nhất để học, từ đó vận dụng hành xử trong cả cuộc đời. Cùng thuộc lòng Tứ Thư, Ngũ Kinh, nhưng những người đạt đến đỉnh cao của tri thức ấy lại cũng chính do vậy mà có óc phản biện, có khả năng tư duy độc lập, biết từ bỏ những gì không còn hợp thời và hăng hái đi tìm những tri thức mới cho một cuộc làm mới chính mình và đổi mới đất nước. Từ một đỉnh cao này họ dễ dàng chinh phục một đỉnh cao khác.
Tôi nghĩ rằng lịch sử quả là chưa đánh giá hết đóng góp và tầm cao của họ. Chẳng hạn, chúng ta chỉ biết đến vai trò của Phan Khôi trong phong trào Thơ Mới, ít ai biết ông là một trong những người đầu tiên dịch Kinh Thánh. Ông làm việc đó vì biết đây là một tác phẩm lớn, là cội nguồn của văn hóa phương Tây, muốn nắm được tư tưởng và văn hóa phương Tây không thể không đọc Kinh Thánh. Hiện nay, các trường dạy Anh văn mọc lên như nấm nhưng mấy người chịu đọc và đọc được những tác phẩm văn chương, triết học bằng tiếng Anh.
Trở lại vấn đề của chúng ta, sau năm 1945, chúng ta bỏ cả nền tảng văn hóa phương Đông lẫn phương Tây, chỉ học lấy những gì có thể ứng dụng ngay được. Với cách dạy và học quá nặng tính thực dụng như hiện nay, chúng ta không tạo được cho giới trẻ bề sâu văn hóa, tầm nhìn bao quát, thật khó lòng đòi hỏi họ chiếm lĩnh những đỉnh cao tri thức nhân loại. Những gì chúng ta đang tiếp cận với phương Tây, gián tiếp qua tivi, Internet, sách vở, và trực tiếp như một số lượng đông đảo du học sinh, chủ yếu là những kiến thức về kỹ thuật, chỉ vừa đủ để chúng ta có được những kỹ thuật viên giỏi đúng như những cái máy tinh xảo mà thôi.
Có lẽ cần nghiêm túc xem xét lại tính thực dụng có thể là khá cố hữu của người Việt, khi tiếp xúc với nền văn hóa nào cũng chỉ học những thứ có lợi trước mắt. Đào tạo mấy thế hệ liên tiếp mù triết học, chúng ta không hiểu rằng lịch sử triết học là lịch sử phát triển tư duy của nhân loại, học triết học là học cách tư duy, để có cái nhìn toàn diện và đầy đủ ý nghĩa về cuộc sống. Kết quả là chúng ta có những con người trì trệ trong tư duy và cạn cợt trong tầm nhìn.
* Ông nói giáo dục nước ta hiện nay không những đang lạc hậu mà còn lạc hướng, điều đó nghĩa là thế nào?
- Chúng ta sai lầm bắt đầu từ triết lý giáo dục, đó là cái cốt lõi nhất. Một ví dụ cụ thể đó là chuyện ra đáp án cho môn văn. Đặc điểm của một tác phẩm nghệ thuật là bao giờ cũng đa nghĩa. Việc cảm thụ một tác phẩm nghệ thuật phụ thuộc vào độ từng trải và bề sâu văn hóa của người đọc, vậy làm sao có thể có một đáp án chung, được coi là duy nhất đúng? Tại sao lại có thể coi cách cảm thụ chủ quan của một người thầy nào đó có quyền ra đáp án là chân lý tuyệt đối?
Bằng cách đó chúng ta thật sự đã tiêu diệt văn học, và tình trạng người học chán môn văn, coi giờ văn là cực hình, là một phản ứng chính đáng! Hãy tự hỏi chúng ta muốn đào tạo ra những con người như thế nào? Những con người có năng lực tư duy độc lập, có ý chí sáng tạo hay những người thụ động chỉ biết vâng lời và chấp nhận những gì có sẵn. Nền giáo dục tốt phải trang bị cho con người phương pháp tự đi tìm lấy kiến thức, tự khám phá được chân lý, chứ không phải ra sức nhồi nhét lý thuyết như hiện nay.
Tôi nghĩ nhất thiết phải trao cho các trường đại học quyền tự chủ rộng rãi hơn. Thậm chí có lẽ đã đến lúc không nên lẩn tránh nữa, cần đặt ra vấn đề tự trị đại học. Trong trường đại học của chúng tôi, sinh viên phải xưng tôi với thầy, thầy sẽ gọi sinh viên là các anh chị, đàng hoàng. Sinh viên được coi là những người trưởng thành, có như vậy thì mới là thực sự trao cho người sinh viên một vị trí và một tư cách để hoàn toàn tự tin tranh luận với thầy, là người bạn lớn của mình, giúp mình tìm ra tri thức mới, tìm ra lẽ phải mà mình chỉ chấp nhận khi đã tâm phục khẩu phục. Điều ấy không hề ngược chút nào với đạo lý tôn sư trọng đạo.
Thật ra khi sinh viên không có nhu cầu tranh luận với thầy cô thì xưng tôi hay em cũng chẳng quan trọng gì. Khả năng phản biện hay mở rộng vấn đề đã bị triệt tiêu từ những lớp học thấp nhất. Đầu thế kỷ XX, nhà thơ Tản Đà có câu:
“Dân hai lăm triệu ai người lớn
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”.
* Và như cách nói của nhà văn thì chừng nào người ta chưa dám suy nghĩ độc lập, người ta vẫn còn là trẻ con phải không?
- Đúng vậy. Hai câu thơ Tản Đà ý nhị, sâu sắc lắm. Đất nước sẽ mạnh nếu mỗi con người ý thức rõ quyền công dân của mình.
* Được biết ông vừa có buổi nói chuyện với các sinh viên. Đã đi nhiều nước, tiếp xúc với giới trẻ ở nhiều nền văn hóa, ông có so sánh giới trẻ nước ta với giới trẻ các nước tiên tiến?
- So với họ, các bạn trẻ nước ta rất ít chủ động đặt câu hỏi. Tiếp xúc với người trẻ ở các nước tiên tiến, tôi nhận ra họ chủ động trong suy nghĩ và tự tin trong hành động hơn giới trẻ nước ta. Và đương nhiên giới trẻ những nước tiên tiến có tác động đến xã hội nhiều hơn. Năm 1968 sinh viên Pháp đã tạo nên gần như cả một cuộc cách mạng giáo dục và xã hội, quyết “lật đổ” lối giáo dục cũ áp đặt và triệt tiêu tính độc lập của con người. Phản ứng xã hội đó đánh dấu một chuyển động lớn và tích cực ở Pháp và các nước phương Tây.
* Vậy ông có tin tưởng vào giới trẻ Việt Nam không?
- Tôi tin và đặt nhiều hy vọng vào giới trẻ, đồng thời cũng trăn trở nhiều lo âu. Hẳn thế hệ đi trước phải chịu trách nhiệm một phần không nhỏ về thói quen bị động “di truyền” từ thời bao cấp, cả về tư duy thực dụng vốn đã thành nếp trong tính cách của người Việt… Nhưng cũng có thể tôi nhầm, hình như hoài nghi về giới trẻ là chuyện đời nào cũng có.
Thế hệ đi trước chúng tôi cũng từng hoài nghi thế hệ chúng tôi. Những hành động của thanh niên trong một số sự kiện chính trị xã hội vừa qua khiến tôi có suy nghĩ lại: lớp trẻ mà quả thật trước đây chẳng bao lâu tôi vẫn coi thường, thậm chí bi quan, lại đã tỏ ra rất có ý thức chính trị xã hội sắc sảo, rất dũng cảm, và thật khôn ngoan nữa, hình như còn hơn hẳn chúng tôi hôm nay. Tôi đã trở nên lạc quan hơn.
* Trường đại học Phan Châu Trinh đã đi vào hoạt động với những sinh viên khóa đầu tiên, ông có gửi gắm hy vọng riêng nào vào những người trẻ trong ngôi trường của mình?
- Tất nhiên tôi muốn gửi gắm toàn bộ tình yêu và kỳ vọng của tôi. Ngoài ra tôi cũng có một kỳ vọng “riêng”: trường chúng tôi, bên cạnh nhiều công việc khác, sẽ cố gắng góp phần đào tạo cho Tây Nguyên một lớp trí thức mới, bởi chỉ có họ mới có thể thật sự giải quyết những vấn đề hết sức khó khăn và phức tạp của Tây Nguyên trong công cuộc hiện đại hóa tất yếu và đầy thách thức hiện nay. Đối với tôi, đây là một nguyện vọng hàng đầu, và cũng là một món nợ tinh thần lớn.
* Đến với Tây Nguyên vào lứa tuổi đôi mươi, sau hơn nửa thế kỷ đi và tìm hiểu sâu sắc về các nền văn hóa khác nhau, tình yêu của ông dành cho miền đất này vẫn hết sức sâu đậm?
- Sẽ rất đáng ngạc nhiên nếu anh đến Tây Nguyên, sống thật sự với nó, mà không bị nó mê hoặc đến say đắm. Jacques Dournes là linh mục đến Tây Nguyên để truyền đạo Thiên Chúa, sống ở đấy 25 năm, và cuối cùng bỏ đạo, “quy y” theo văn hóa và tín ngưỡng Tây Nguyên. Có lẽ tôi mê Tây Nguyên còn thua ông nhiều. Đấy là một vùng đất và người đến nay vẫn còn bí ẩn và bất tận trong sự kỳ diệu về nhiều mặt của nó. Mà hiện nay nó lại đang phải đối mặt với những thách thức quá to lớn.
* Ông cho rằng cuộc sống của người Tây Nguyên hạnh phúc hơn người sống ở những nơi được coi là văn minh phải không? Thế nghĩa là các thành tựu khoa học kỹ thuật không mang lại hạnh phúc thật sự cho con người?
- Condominas, nhà dân tộc học nổi tiếng người Pháp cách đây mấy năm có trở lại làng Sar Luk, tỉnh Đắc Lắc, nơi ông đã sống từ năm 1947 đến 1949. Tôi có được xem một cuốn phim ông quay về cuộc trở về ấy. Một cuộc trở về để được lại chìm đắm trong cuộc sống gần như vẫn còn hoang sơ, giản dị, thanh sạch của làng Sar Luk. Cuốn phim kết thúc bằng cảnh ông xuống Sài Gòn trước khi lên đường về Pháp. Một Sài Gòn chen chúc, xô bồ, hỗn loạn. Bỗng thấy thật vô nghĩa những chen chúc hối hả kỳ quặc kia, sau khi đã được trải qua sự bình yên thanh thản của cái làng nhỏ trên núi cao nọ… Biết làm sao được, sống hiện đại, thì phải chịu đựng cái hỗn loạn vô nghĩa của hiện đại.
Cuộc sống luôn tiến về phía trước, chúng ta phải tôn trọng thực tế đó bởi không ai có thể quay ngược bánh xe cuộc đời. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, con người luôn phải đối mặt với tốc độ, phương châm sống hiện đại là: nhanh, nhanh hơn, nhanh hơn nữa! Nhà văn Milan Kundera có một nhận xét rất thú vị: một người đang đi, khi cần suy nghĩ, thì tự nhiên anh ta sẽ đi chậm lại, còn khi muốn quên chuyện gì đó thì tự nhiên người ta sẽ đi nhanh lên. Tốc độ đưa đến lãng quên, tăng tốc, tăng tốc mãi làm biến mất con người.
Mặt khác, cuộc sống hiện đại ưu tiên cho khoa học phát triển, mà khoa học chỉ có thể phát triển bằng con đường ngày càng đi sâu vào tính chất đơn phương, càng chẻ nhỏ thế giới ra thành những thành phần cô lập chi li và ngày càng tách biệt, càng đẩy con người vào những đường hầm của các bộ môn riêng biệt, càng coi thế giới chỉ còn đơn giản là một đối tượng khảo sát kỹ thuật và toán học, đẩy đến sự quên mất con người, sự bỏ quên tai hại bản thể con người. Con người sẽ mất đi cái nhìn tổng thể về thế giới và chính mình, từ đó dẫn đến cảm giác cô đơn, hoang mang…
* Rất nhiều người mơ ước cuộc sống tiện nghi hiện đại ở phương Tây, trong khi cũng ngày càng nhiều người phương Tây rời bỏ vật chất và guồng máy công nghiệp để đi tìm cuộc sống giản dị và chậm rãi hơn. Ông nghĩ gì về hiện tượng này?
- Sẽ rất tuyệt vời nếu kết hợp hài hòa giữa tốc độ đầy thành tựu mà cũng đầy hiểm họa cô đơn của phương Tây với sự chiêm nghiệm trầm tư yên tĩnh song lại trì trệ của phương Đông, để trả lại cho con người cái chất người mà nó đã đánh mất một cách tất yếu trên con đường tiến lên “bằng bất cứ giá nào” nó từng trải qua. Hãy hy vọng thế kỷ đang đến sẽ là thế kỷ của sự kết hợp đó.
* Xin cảm ơn nhà văn vì cuộc trò chuyện thú vị này.
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh