Chủ nghĩa chuộng giới trẻ ở phương Tây đã hết thời?
Người ta từng coi những người đã vào độ tuổi 50 là những kẻ ngoài cuộc vì cho rằng họ không còn tinh thần chiến đấu, không còn sức tiến lên… Thế nhưng thực tế gần đây đã chứng minh ngược lại. Trong điện ảnh, nữ diễn viên Sharon Stone dù đã bước sang tuổi 48 vẫn được xem là biểu tượng sex, và đầu năm nay cô lại tiếp tục vào vai người phụ nữ có sức quyến rũ chết người trong phần 2 của bộ phim Basic Instinct. Diễn viên Sophie Lorent dù đã 71 tuổi nhưng bà vẫn được chọn chụp những bức ảnh nude nghệ thuật cho cuốn lịch nổi tiếng Pirelli năm 2007. Hai diễn viên này đã chấm dứt “chủ nghĩa tôn sùng giới trẻ”, chủ nghĩa từng xem giới trẻ là thước đo tuyệt đối.
Một xu hướng mới đang được hình thành ở các nước phương Tây, mà theo chuyên gia ngành xã hội học người Pháp Francois Dubet thì “lực hút” của xã hội đang được chuyển dần từ thanh niên sang những người ngoại tứ tuần. Lý do đơn giản là vì những người này chiếm số đông trong xã hội phương Tây và họ là những người giàu có nhất. Với sự ra đời của cuốn sách “Sự thức tỉnh của Mathusalem”, nước Đức trở thành nước tiên phong cho xu hướng đề cao giá trị “tuổi tác”.
Trẻ mất giá
Cũng nên biết rằng “chủ nghĩa chuộng giới trẻ” đã ra đời từ những năm 70 của thế kỉ trước, khi mà những người sinh sau chiến tranh đã bước vào độ tuổi 18 đôi mươi, họ bước từ một thế giới chỉ có đen và trắng sang một thế giới nhiều màu sắc, thế giới của quần jean, áo phông và nhạc rock’n’roll. Đó là thời kì mà tầng lớp bình dân tôn sùng tuổi trẻ, thời kì mà lối sống trở nên tự do thoải mái, nền kinh tế phát triển rực rỡ không phải lo lắng đến vấn đề việc làm. Một thế hệ vàng được xã hội tiêu thụ đề cao, thanh niên trở thành đối tượng ưu tiên của các nhà sản xuất, kinh doanh.
Nhưng khi khủng hoảng kinh tế diễn ra, chủ nghĩa này cũng bắt đầu thoái trào và “hiện nay thì người trẻ còn khó sống hơn người già”. Thanh niên không còn giữ được cho mình thái độ “vô lo” như trước, bởi lẽ lối sống tự do, thậm chí buông thả đang phải đối mặt với đại dịch AIDS, sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường lao động cùng sự “mất giá” của bằng cấp luôn ảnh hưởng đến việc học của thanh niên và trên hết nỗi ám ảnh về tình trạng thất nghiệp luôn đeo bám họ. Thái độ vô tư lự đã phải nhường chỗ cho thái độ lo lắng, bất an.
Song dường như chừng đấy vẫn chưa đủ để làm xấu đi hình ảnh của giới trẻ. “Hiện nay tại Pháp, nói đến thanh niên là nói đến những cuộc nổi dậy ở ngoại ô, tới những kẻ chống đối đạo luật CPE, tới những sinh viên cứ đứng lên biểu tình mà không hiểu rõ vì mục đích gì và trước tiên là nói đến những người thiếu niềm tin vào tương lai” (nhà xã hội học Jean Luc Excousseau). Nhận định của ông được sự đồng tình của trợ lý thị trưởng Paris, Clementine Autain, thậm chí ông này còn không lưỡng lự gọi đây là một “sự sỉ nhục của một thế hệ”, xem đây như một mối “đe dọa” cho xã hội. Ông cũng nhấn mạnh thêm rằng tình trạng bạo lực hiện nay chủ yếu ở thanh niên từ độ tuổi 15 đến 25.
Người già đang là đích ngắm
Vào thời kì “hoàng kim” của thế hệ “vàng” sau chiến tranh, thu nhập của họ cao gấp 4 lần so với thế hệ trước đó. Và hiện nay họ lại thu hút sự chú ý của các nhà sản xuất, những người đã một thời tôn thờ những “thượng đế” trẻ tuổi. Hiện không một doanh nghiệp nào không biết đến đối tượng khách hàng này, hai, ba năm trở lại đây, các tập đoàn lớn đều nhận thấy ở họ một nhu cầu tiêu dùng lớn cần “đánh thức”. Người có tuổi là một đối tượng khách hàng lý tưởng. Thanh niên không phải là đối tượng duy nhất của các nhà sản xuất nữa. Mọi thứ dường như đều nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng lớn tuổi: sự trở lại của quần jean, của nước uống Coca-Cola đóng chai, hay những đôi giày Converse, nhãn hiệu được ưa chuộng của nhiều thập niên trước…
Những khách hàng lớn tuổi luôn bị ám ảnh bởi những vấn đề sức khỏe, sẽ sẵn sàng mua các loại rau quả sạch dù cho giá cả chúng đắt hơn rau quả thông thường đến 20%. Trong lĩnh vực du lịch, khách hàng lớn tuổi trở thành những khách hàng danh dự vì thực tế cho thấy ở độ tuổi này họ đi du lịch nhiều gấp hai lần so với độ tuổi khác.
Nếu như hiện nay thanh niên dễ dàng đánh đổi những giá trị của họ để đổi lấy những giá trị thời cha mẹ đó là bởi họ đang bị “choáng ngợp” vì những gì cha mẹ họ đã làm được hồi năm 68. Thanh niên ngày nay cũng nghe những thể loại nhạc mà cha mẹ họ từng nghe với những ca sĩ ở độ tuổi 60 như nhạc của The Beatles, Stones, Doors, Sting…
Theo Martine Ghnassia, Giám đốc kế hoạch của hãng Ipsos (Pháp), nếu người ta định nghĩa chủ nghĩa chuộng giới trẻ là việc coi giới trẻ như hình mẫu của xã hội thì hiện nay người ta có thể nói rằng chủ nghĩa này đã đến hồi kết thúc. Hiện nay kể cả lĩnh vực thời trang, một lĩnh vực chỉ dành cho những người từ 25 tuổi trở xuống cũng mở cửa đón nhận những người ngoài 50. Các hãng thời trang cao cấp như Issey Miyake, đang dần làm cho trang phục của mình phù hợp với kích thước đã trở nên quá khổ hay đầu gối đã sắp khụyu xuống của những khách hàng mới này.
Ngay cả trong các doanh nghiệp, các ông chủ cũng mơ đến những nhân viên lớn tuổi. “Các doanh nghiệp đều nhận ra rằng công việc sẽ hiệu quả hơn khi nhân viên vừa có trình độ lại vừa phù hợp với công việc đó. Nhân viên không nhất thiết phải trẻ dù cho doanh nghiệp có trả cho họ ít tiền hơn” (Jean –Luc Excousseau). Trong trường hợp phải thuyết phục khách hàng sử dụng dịch vụ của mình, chắc chắn các nhân viên trẻ sẽ không đạt được hiệu quả bằng nhân viên lớn tuổi. Ngoài ra các nhân viên lớn tuổi cũng là những người linh hoạt, làm việc có kinh nghiệm và dễ thuyên chuyển hơn. Bởi lẽ họ không phải vướng bận chuyện con cái hay những khoản vay mượn và vì vậy họ có thể thoải mái để đảm nhận một công việc ở nước ngoài hay thế vào vị trí của một ai đó. Về vấn đề lương thưởng thì đòi hỏi của họ cũng chỉ bằng với mức giá chung của thị trường nhằm phụ thêm cho khoản lương hưu sau này, ngoài ra với những nhân viên lớn tuổi, các vị lãnh đạo cũng không phải lo lắng cho vị trí của mình vì những nhân viên này không còn có tham vọng thế chỗ họ.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005