Hãy để giới trẻ nhập cuộc!
Là ông nghị (đại biểu Quốc hội), lại hoạt động trong một lĩnh vực khô khan là làm sử nhưng nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử VN -rất thanh niên tính nên luôn được giới trẻ quý mến.
Ông chia sẻ những cảm nhận của mình về lòng yêu nước của giới trẻ hiện nay. Cũng như xã hội cần phải làm thế nào để đón nhận ngày càng nhiều những đóng góp của người trẻ.
Người lớn đừng xoa đầu
Phóng viên: Thưa ông, ông có cách nhìn nhận như thế nào về lòng yêu nước của người trẻ hiện nay?
- Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tại sao thời tuổi trẻ lại quan trọng nhất trong đời người, vì nó là giai đoạn hình thành các hệ thống quan niệm. Đầu tiên là quan sát gia đình, quan sát trường học và dần quan sát xã hội. Lòng yêu nước là tự nhiên, là phẩm chất, là tính người. Đôi khi yêu tương cà mắm muối, yêu cây đa bến nước, yêu gốc gác... cùng với thời gian sẽ hình thành nên tình cảm rộng lớn hơn. Đương nhiên, khi lớn lên, người trẻ tiếp xúc với xã hội, sẽ ý thức được trách nhiệm của mình với xã hội, với cộng đồng.
Trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay, giới trẻ từ sớm đã được tiếp xúc với một không gian xã hội rộng lớn hơn rất nhiều, thông qua những phương tiện truyền thông. Do vậy, họ cần được hướng dẫn để không đối lập giữa tình cảm yêu nước và nhu cầu tiếp cận và tiếp xúc với thế giới rộng lớn. Khi bàn về lòng yêu nước của người trẻ, ta cần chú ý đến tâm lý của giới trẻ để có những ứng xử thích hợp.
Ông truyền lòng yêu nước cho con, cháu mình thế nào?
- Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng là phải dạy cho con mình lòng yêu nước cả. Có lẽ các con tôi nhìn vào cha mẹ của chúng, nhìn vào cộng đồng xung quanh... Và chúng thấy bố mẹ đối xử với đời sống thế nào trong việc ứng xử với con người và thiên nhiên. Những cái đó, các con tôi tự nhiên học hỏi, bắt chước... Tự nhiên cái đó thấm vào tâm hồn con người. Và từ đấy, lòng yêu nước tự khắc đến thôi!
Giới trẻ nên làm gì để thể hiện lòng yêu nước, thưa ông?
- Trước hết, đó là tính trách nhiệm và nghĩa vụ với những người xung quanh. Các cụ ngày xưa có nguyên lý rất đơn giản nhưng rất vững bền: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Mỗi dân tộc có cách thể hiện đạo lý đó một cách khác nhau, phù hợp với mình.
Nếu ta xác lập được tinh thần đó trong một đứa trẻ, thì khi lớn lên nó có thể đi được khắp thế giới rộng mở này, nhưng nó luôn nhớ đến những ký ức về làng quê, tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Hiện nay, nhiều bạn trẻ đi sinh sống, học tập và lao động ở nước ngoài và trong mắt không ít người thì tưởng chừng họ bị mất gốc, nhưng khi có một tác động nào đó thì lòng yêu nước lại thức tỉnh.
Do đó, chúng ta đừng áp đặt các giá trị vào người trẻ, mà hãy để họ lựa chọn. Phải xây dựng cho người trẻ một năng lực tự thích nghi, tự ứng xử, và tự lựa chọn. Điều đó mới quan trọng. Chứ nếu lúc nào ta cũng coi họ là trẻ để xoa đầu, bảo ban thì cái ta tưởng trao truyền những công cụ sắc bén, đôi khi lại là sự ràng buộc, níu kéo rất nguy hiểm.
Theo ông, trước các vấn đề lớn lao của thời cuộc, người trẻ nên có thái độ sống thế nào?
- Không nên để người trẻ có cảm giác đang đứng bên lề dòng thời cuộc của đất nước. Để điều đó xảy ra chủ yếu là do lỗi của người lớn. Một lỗi nặng nhất của những người có trách nhiệm là tự cho mình có thể thay mặt được tất cả. Chủ nghĩa nhân danh đại diện rất nguy hiểm, thực chất nó là trá hình, hay biểu hiện biến tướng của việc bao cấp về mặt tư duy.
Chính vì thế, nhiều người trẻ vẫn cảm giác rằng mình vẫn bị coi là trẻ con. Chẳng hạn khi xảy ra một vấn đề ảnh hưởng đến những điều sâu thẳm trong lòng người trẻ, như tinh thần tự hào dân tộc, tinh thần quốc gia... thì người trẻ có quyền biểu hiện tình cảm của mình. Nhưng người lớn tưởng rằng là phải thể hiện như người lớn thì đương nhiên người trẻ cảm thấy khó chấp nhận.
Đương nhiên, người lớn cũng có những bước đi, những tính toán dựa trên tinh thần vì lợi ích dân tộc thì cũng phải tạo cho thế hệ trẻ vị trí để đứng vào cơ ngũ của anh, chứ không phải đẩy họ ra ngoài. Chúng ta có những truyền thống được hình thành trong đời sống thực tiễn của những thử thách của lịch sử: Về ngoại giao, ta có ngoại giao nhân dân, nghĩa là có nhiều lớp lang, nhiều đội ngũ, nhiều vai trò.
Có những người cần thiết cười thì phải cười, phải bắt tay, phải ôm hôn; nhưng cũng cần có những người thể hiện sự phẫn nộ... Miễn sao nó hài hòa trong một chiến lược chung, sự tổ chức xã hội. Ở đó, mỗi người có một cách thể hiện khác nhau, nhưng nó hỗ trợ cho nhau, chứ không phải là sự hỗn loạn. Có thể điều tôi nói hơi lý thuyết và lý tưởng hóa. Tuy nhiên, trong tư duy chiến lược cần phải nghĩ đến để có một cách ứng phó phù hợp, để tránh những lúc lúng túng.
Người trẻ phải rèn giũa
Quan niệm của ông về vấn đề lý tưởng của thanh niên hiện nay?
- Hồi trẻ, chúng tôi hay nghêu ngao: “Đời ta chỉ sống có một lần thôi - cho nên đời sống quý giá vô ngần - Phải sống sao cho ra sống - Để chết đi không còn áy náy gì”. Bài hát gắn với hình tượng Paven Coocsaghin trong Thép đã tôi thế đấy của Nicolai Ostrovski ấy đã ảnh hưởng rất nhiều đến thế hệ chúng tôi. Theo tôi, thanh niên trước hết phải biết quý cuộc sống của chính mình. Và phải gắn tình yêu cuộc sống đó với sự phấn đấu theo quan niệm rất biện chứng của phương Đông: “Tu thân - tề gia - trị quốc - bình thiên hạ”. Nghe toàn “chữ” nhưng thật ra rất gần gũi với đời sống như bốn nấc thang của học vấn, chẳng thể nhảy cóc được. Còn một lý tưởng chung, theo tôi, sẽ hình thành từ chính lợi ích chung của cộng đồng mà cao nhất là của dân tộc.
Chúng ta phải làm gì để tạo điều kiện cho người trẻ cống hiến?
- Ta vẫn giữ được truyền thống tốt đẹp, vừa trọng xỉ (tuổi tác) vừa lo vun đắp cho lớp trẻ, mà ở thời phấn đấu chống tụt hậu này, tre chưa già măng đã phải mọc thì mới theo kịp thiên hạ được.
Nếu có lời tâm huyết với giới trẻ, ông sẽ nhắn nhủ gì?
- Tôi nhớ đến một câu nói rất hay của Bác Hồ: “Dân tộc ta rất trẻ”. Vì ngẫm lại có quá nhiều tấm gương trẻ trong lịch sử nước ta. Không kể đến ông Thánh Gióng truyền thuyết thì Hai Bà Trưng, Bà Triệu tuẫn tiết ở tuổi đôi mươi; các vị vua nhà Trần mới chớm tứ tuần đã trao lại quyền bính cho con; Lê Thánh Tông, Quang Trung làm nên sự nghiệp lớn chưa đầy 40 tuổi; đồng chí Trần Phú, làm Tổng bí thư đầu tiên của Đảng khi mới 26 tuổi; Nhà nước Dân chủ Cộng hòa đầu tiên có nhiều bộ trưởng ở tuổi 30, thậm chí dưới 30 (ông Cù Huy Cận)...
Tôi mong anh chị em soi vào lịch sử để thấy chúng ta bây giờ còn nhiều điểm thua tuổi trẻ của các bậc tiền nhân. Ngẫm để mà phấn đấu cho “Con hơn cha...”.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh