6 xu hướng của giới trẻ Việt năm 2008
Năm 2008 khép lại không có những “scandal” hoành tráng nhưng cộng đồng giới trẻ Việt vẫn chứng kiến sự lên ngôi của một số xu thế, cả trên giảng đường, trong không gian ảo lẫn trong cuộc sống thật.
1. Blog lên ngôi, forum tụt hạng
Thông tin blog Yahoo 360 có thể bị đóng cửa hồi đầu năm 2008 khiến cộng đồng netizen (công dân mạng) Việt Nam “hoảng loạn”. Rất may sau đó Yahoo tiếp tục duy trì 360 và cho tới nay Blog Yahoo vẫn thống trị không gian ảo như một kênh trao đổi và chia sẻ thông tin hàng đầu trong giới trẻ hiện nay.
Qua những năm tháng “hoàng kim”, forum (diễn đàn) online hiện đang dần vắng vẻ bởi cư dân mạng lui về hoạt động ngày càng thường xuyên trên blog cá nhân hoặc blog của các nhóm bạn bè. Khi forum trở thành “phố chợ” đông đúc, nơi không ít nick ảo lợi dụng vì các mục đích xấu của cá nhân thì blog dần chiếm lĩnh thị trường nhờ không gian riêng tư, khả năng chọn lọc “bạn chơi” kỹ càng hơn.
Không chỉ là cuốn nhật ký điện tử lưu trữ các thông tin, hình ảnh cá nhân, blog còn trở thành ngôi nhà chung liên kết người Việt trẻ ở khắp nơi để bày tỏ chính kiến, thể hiện quan điểm về những vấn đề nghiêm túc của cộng đồng, quốc gia và thế giới.
Dự báo sang năm 2009, tiếp cận nhiều hơn với giới trẻ quốc tế, cư dân mạng Việt Nam sẽ tiếp tục “vùng vẫy” trên Yahoo 360, đồng thời bắt đầu gia nhập những mạng xã hội ảo đang “hot” nhất hiện nay như Facebook hay MySpace.
Blog Yahoo 360 tiếp tục thống lĩnh. Ảnh chụp màn hình. |
2. “High-tech” đến trường
Không chỉ sử dụng diễn đàn, blog và Yahoo Messenger làm công cụ giải trí và “chat chit” vui vẻ, giới trẻ Việt đã biết tận dụng nguồn tài nguyên vô giá trên internet và các ứng dụng công nghệ cao phục vụ cho học tập.
Làm powerpoint thuyết trình, chia sẻ tài liệu online, học nhóm qua mạng, ôn bài qua chat, truy cập thư viện điện tử… không còn xa lạ với nhiều SV.
Tận dụng công nghệ cao phục vụ học tập đã trở thành thói quen của nhiều SV. Ảnh: Lan Hương |
Khuôn viên nhiều trường ĐH cũng bắt đầu phủ sóng wifi cho phép SV truy cập internet để tìm kiếm tài liệu ngay tại trường.
Tuy nhiên, do hạn chế về trình độ ngoại ngữ, giới trẻ Việt vẫn chưa sử dụng được những nguồn tài liệu phong phú trên các website nước ngoài.
3. Nở rộ hoa khôi học đường
Các cuộc thi nữ sinh thanh lịch, hoa khôi học đường nở rộ như nấm sau mưa. Ảnh: Cẩm Quyên |
“Trường trường thi hoa khôi, người người thi hoa hậu”. Chưa bao giờ các cuộc thi sắc đẹp nở rộ như năm vừa qua, từ trường phổ thông cho tới ĐH, từ cấp trường cho tới cấp khoa, thậm chí nhiều lớp cũng tự tổ chức thi hoa khôi quy mô nhỏ.
Mục đích của các cuộc thi này là tôn vinh “sắc đẹp và trí tuệ” của nữ sinh và thực tế cũng đã chọn được những “mỹ nhân học đường” xứng đáng được trao vương miện. Tuy nhiên, nhiều chuyện “lùm xùm” ở hậu trường như tin đồn mua bán giải thưởng, bàn tay sắp đặt của các nhà tài trợ, tiền thưởng không tới tay thí sinh, ứng xử ngây ngô… khiến các cuộc thi mất đi ít nhiều ý nghĩa nhân văn.
4. Salsa, múa bụng hớp hồn giới trẻ
Các bước nhảy mê hoặc của bellydance hút hồn giới trẻ. Ảnh: Cẩm Quyên |
Những bước nhảy bốc lửa của vũ điệu salsa và những cú lắc người mềm mại của bellydance đã hút hồn giới trẻ Việt trong suốt thời gian qua.
Tự do và phóng khoáng, mãnh liệt và bốc lửa, salsa khiến người trẻ bùng nổ trên sàn nhảy. Mềm mại và uyển chuyển, gợi cảm và nóng bỏng, bellydance như một vũ điệu sinh ra để tôn vinh vẻ đẹp hình thể của tuổi trẻ.
Khi mới du nhập vào Việt Nam, tuy ban đầu hấp dẫn các bạn trẻ bằng yếu tố “lạ”, dần dần salsa và bellydance không còn là một thứ mốt mà đã trở thành một trào lưu được yêu thích thực sự. Nhiều bạn trẻ coi học nhảy vừa là hình thức giao lưu, mở rộng mối quan hệ, vừa giúp rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai và làm đẹp cho bản thân mình.
Những lớp học salsa và bellydance đầu tiên do chính người Việt mở đã bắt đầu xuất hiện với mức học phí dễ chịu nên càng thu hút được giới HS, SV cùng tham gia.
5. “Tự sướng” và “khoe hàng”
Những bức ảnh khêu gợi của dân teen đang tràn lan trên mạng. Ảnh chụp màn hình |
Tràn lan và “khủng” nhất trên nhiều diễn đàn và blog của giới trẻ năm vừa qua là những tấm hình hoặc clip “mát mẻ” với đủ các tư thế khêu gợi của chính dân teen Việt.
Rảnh rỗi thì leo lên giường hoặc vào toilet… cởi đồ giơ máy ảnh “tự sướng” rồi gửi cho bạn bè hoặc tải lên mạng cho vui. Nhiều bạn trẻ còn đổ xô đi chụp ảnh “nude” với lý do “lưu giữ lại những khoảnh khắc thanh xuân”.
Không chỉ nữ sinh mà nam sinh cũng “tích cực tham gia” vào các phi vụ “khoe hàng”. Một trong những hình ảnh gây shock nhất năm 2008 là đoạn clip hai nam sinh mặt búng ra sữa say sưa… hôn nhau trong tiếng hò reo của bạn bè xung quanh.
Một số trang web còn đăng tải ảnh “mát mẻ” kèm theo “lý lịch trích ngang” của nhân vật để mọi người cùng vào “bình loạn”.
Muốn nổi tiếng trên không gian ảo, muốn tăng lượng người đọc hoặc có thể bị bạn bè chơi xấu, những chàng trai, cô gái tuổi teen vẫn hồn nhiên xuất hiện trong những tấm ảnh gợi cảm đang được trưng bày tràn lan trên mạng.
6. Kết hôn sớm
Giới trẻ không ngần ngại bước vào hôn nhân sớm. Ảnh: ttvnol.com |
Năm 2008 cũng đánh dấu một bước chuyển lớn trong đời sống tình cảm của những người trẻ khi rất nhiều các cặp “vợ chồng son” kết hôn ngay sau khi tốt nghiệp ĐH, thậm chí ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Ổn định về công việc, lại có sự hậu thuẫn cả về vật chất lẫn tinh thần từ phía phụ huynh và cũng không loại trừ lý do “tế nhị” khác, nhiều đôi bạn trẻ đã nên vợ, nên chồng trở thành cha mẹ khi mới vừa bước qua tuổi 20.
Đặc biệt, trong năm vừa qua, nhiều “hot boy”, “hot girl” như “chị Kính Hồng” Thanh Vân, Vân Buri, ca sỹ Đăng Nguyên… cũng lên xe hoa . Thậm chí Miss Audition Ngọc Anh đã làm mẹ ở tuổi 20.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh