Về cái Tích cực và Tiêu cực
Những ngày gần đây chúng ta đang chứng kiến sự hình thành, hoặc đúng hơn sự khẳng định một quyền lực mới trong xã hội, quyền lực của báo chí. Có lẽ, ít nhất là kể từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay, chưa bao giờ như bây giờ, báo chí lại có vai trò năng động đến thế, lại tham gia trực tiếp, mạnh mẽ và có hiệu lực đến thế vào các quá trình xã hội sôi động và phức tạp.
Tất nhiên điều đó phản ánh một hiện tượng khác sâu sắc và to lớn hơn, to lớn hơn chính bản thân "hiện tượng báo chí" nhiều: nó phản ánh quá trình dân chủ hóa đang diễn ra đầy khó khăn, trăn trở nhưng quyết liệt và không gì ngăn nổi trong đời sống của đất nước. Quyền lực của báo chí những ngày này, đó chính là quyền lực của nhân dân. Đó chính là một cách - và quả là một cách khá hiệu lực - nhân dân dùng cái quyền của mình đòi hỏi và tham gia trực tiếp vào công việc lập lại trật tự, lập lại công bằng xã hội.
Đã bao nhiêu lần chúng ta nói về cái khái niệm đẹp đẽ "nhân dân làm chủ". Nhưng làm chủ bằng cách nào vậy? Cái số đông và vì là số đông nên lại trừu tượng ấy có thể thực sự làm chủ bằng cách nào?
Thì ra nhân dân có thể làm chủ bằng công luận. Đó là sự thức tỉnh mới mẻ của nhân dân, của xã hội ta.
Hãy ngẫm lại mà xem: "hiện tượng báo chí" thật ra cũng chỉ mới xuất hiện trên dưới một năm nay, thực sự sôi nổi, gay gắt cũng chỉ mới vài tháng nay. Vậy mà không khí xã hội đã thoáng đãng ra kha khá. Lòng tin và niềm hy vọng đã thấy có cơ sở hơn. Bởi vì sao? Kỳ thực thì những "vụ việc" được đưa ra trước công luận cũng chưa có gì nhiều, và có thể cũng chưa phải là những cái quan trọng nhất, đích đáng nhất. Kết quả những "vụ việc" đưa ra đó cụ thể cũng còn chưa bao nhiêu, thậm chí chưa ngã ngũ... Nhưng có một điều này thì đã có thể nói là chắc chắn: nhân dân đã biết đến thứ quyền lực này của mình, nhân dân sẽ không từ bỏ nó.
Riêng tôi thì tôi nghĩ: cuộc đấu tranh đang diễn ra hiện nay trên công luận, cuộc đấu tranh trên báo chí hiện nay hoàn toàn không phải là "phô bày cái xấu ra". Không phải là mô tả nó, mà là vạch mặt và đấu tranh chống lại nó.
Nếu gọi là phản ánh thì trên báo chí (và cả trong văn học) hiện nay đang phản ánh không phải là cái tiêu cực, trái lại đang phản ánh một hiện tượng rất tích cực: đó là cuộc đấu tranh quyết liệt chống cái xấu, cái ác, cái tiêu cực. Đang được phản ánh hàng ngày trên những trang báo của chúng ta là cái khả năng mới mẻ, tốt đẹp, đáng mừng: khả năng của cơ thể xã hội ta có thể tự hủy hoại, tự loại bỏ những tế bào ung thối của nó. Một xã hội có khả năng tự phê phán mình, đó là dấu hiệu của một xã hội còn lành mạnh, đang trở lại lành mạnh. Phải chăng từ khi bùng ra cuộc đấu tranh trên báo chí, trong công luận đến nay, đời sống xã hội chúng ta mặc dầu còn muôn vàn khó khăn, cũng đã bắt đầu khởi sắc ra. Đã ánh lên ánh sáng trong lành của lẽ phải, công bằng, và của lòng tin, hy vọng.
Vậy nên, không có gì phải lo sợ về "tỷ lệ thích đáng" giữa biểu dương cái tích cực và phê phán cái tiêu cực trên báo chí. Bản thân việc nhân dân biết nắm lấy cái quyền lực công luận của mình, và sử dụng nó ngày càng có hiệu quả để làm trong sạch cuộc sống, là một điều tốt đẹp biết bao, tích cực biết bao.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý