Nguyễn An Ninh – một nhà báo thần tượng
Xem thêm:
Kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và nhân sự kiện NXB Văn Học và trung tâm Nghiên cứu quốc học chuẩn bị xuất bản bộ sách Nguyễn An Ninh - tác phẩm dày 1.300 trang (ảnh), xin giới thiệu bài viết của nhà biên khảo Lê Minh Quốc về thần tượng một thời của thanh niên Việt Nam này
Không ai khác, chính Nguyễn An Ninh là người trước nhất đã dịch quyển Khế ước xã hội của Jean Jacques Rousseau. Bản dịch của ông có tựa Dân ước — dân quyền — dân đạo (in năm 1923) nhằm bổ sung cho ý thức tuyên truyền những nguyên tắc tư tưởng theo ý tưởng của Cách mạng Pháp (1789). Nếu sự tuyên truyền này xét ở ý nghĩa có ý thức, triệt để và có hệ thống thì ở Việt Nam, Nguyễn An Ninh xứng đáng nhận vai trò người đi tiên phong công khai gieo mầm mống tích cực của cách mạng Pháp
Cũng không ai khác, chính Nguyễn An Ninh là người đầu tiên cho in Tuyên ngôn Cộng sản trên tờ La Cloche Fêlée(Cái chuông rè — in năm 1925). Và cũng chính Nguyễn An Ninh là linh hồn của Đông Dương Đại hội (1936) — sau khi ông tán thành và ủng hộ quan điểm đấu tranh công khai của Đảng Cộng sản Đông Dương thời kỳ này. Có thể ghi nhận đây cũng là thời kỳ mà phương pháp đấu tranh của ông đã có những chuyển biến. Trên tờ La Lutte (số 77 ra ngày 1.4.1936) ông cho biết: “Từ trong mười năm qua, tôi đã sống trong tất cả niềm khổ đau tạo ra bởi chính phủ, tất cả những gì mà chính phủ không hài lòng. Tôi đã mất đi cái thói quen rên rỉ than van. Tôi đã vứt bỏ cái chủ nghĩa phiêu lưu lãng mạn. Tôi chấp nhận không do dự đưa ra những điều kiện của tôi trong cuộc chiến đấu tàn khốc giữa con người với cái chế độ mà nó đè bẹp con người”.
Sinh thời, Nguyễn An Ninh thật sự là thần tượng của cả một thế hệ thanh niên.
Xin kể lại một chi tiết nhỏ: ngày 10.12.1923 tại Sài Gòn, tờ báo La Cloche Fêléephát hành số báo đầu tiên, Nguyễn An Ninh phải ôm từng chồng báo chạy rao bán trên đường Catinat, Bonard, d’Espagne...Khi chạy mỏi chân, ông thường đứng nghỉ trước nhà hàng Yeng Yeng. Lúc đó, có một thanh niên ăn chơi khét tiếng, ngồi trong nhà hàng thưởng thức món bít tết Chateaubriand với giá 8 cắc một dĩa. Thấy Nguyễn An Ninh, người thanh niên này vội vàng đứng dậy ra khỏi quán mua tờ báo La Cloche Fêlée, để được... cầm lấy tay anh! Người thanh niên này về sau là nhà cổ ngoạn nổi tiếng Vương Hồng Sển. Có người chỉ vì ở tù chung với ông, ảnh hưởng từ nhân cách của ông mà sau khi ra tù đã viết được cuốn sách gây chấn động một thời, bị tịch thu ngay sau khi phát hành. Đó là Ngồi tù khám lớn (in năm 1929) của Phan Văn Hùm.
Đáng nhớ ở Nguyễn An Ninh, còn là lời khẳng định của ông trong buổi diễn thuyết “Lý tưởng của thanh niên An Nam” tại Hội khuyến học Nam kỳ (15.10.1923): “Dân tộc nào để một nền văn hoá ngoại bang ngự trị thì không thể có độc lập, tự do thật sự. Văn hoá là tâm hồn của một dân tộc”. Sau buổi diễn thuyết này, ký giả thần tượng được ái mộ đến nỗi nhà “chụp hình” Khánh Ký trên đại lộ Bonard cho rửa hàng ngàn tấm hình Nguyễn An Ninh để đáp ứng công chúng!
Nguyễn An Ninh, nhà báo biết sống và chết
Vu Gia
Những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ trước, có người thanh niên trẻ của đồng đất Hóc Môn (nay thuộc TPHCM) tốt nghiệp cử nhân luật tại Paris về nước không chịu làm quan mà đi làm báo, ủng hộ các cuộc bãi công của công nhân Ba Son, bãi khóa của học sinh Trường Chasseloup Laubat (nay là Trường THPT Lê Quý Đôn) và các cuộc biểu tình quần chúng ở Bến Nhà Rồng... Đó là nhà báo, nhà trí thức trẻ Nguyễn An Ninh.
Ngày đó, ở Sài Gòn có hai tờ báo tiếng Pháp nổi tiếng là tờ La Cloche Fêlée (Chuông rè) và tờ L’Annam(Nước Nam). Hai tờ báo này do Nguyễn An Ninh sáng lập. Những bài báo cùng với những buổi diễn thuyết của ông đã thức tỉnh lòng yêu nước trong nhân dân, đặc biệt là trong lớp trẻ.
Kể về cuộc đời làm báo, lúc 15 tuổi (1915), Nguyễn An Ninh đã nhận làm biên tập cho tờ Courrier Saigonnais.
Năm 1918, ông sang Paris học ngành luật và tốt nghiệp cử nhân luật loại xuất sắc tại Trường ĐH Sorbonne. Thời gian này, ông gần gũi với Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Ái Quốc. Đối với Nguyễn Ái Quốc, ông là bạn, là người cộng sự tham gia sáng lập Hội Liên hiệp Các dân tộc thuộc địa, cùng viết bài và quảng bá cho báo Le Paria (Người cùng khổ).
Đặt chân về nước chưa lâu, tối 25-1-1923, ông đã có buổi diễn thuyết kêu gọi nhân dân mở mang dân trí làm cho dòng giống tráng kiện, mau thoát khỏi cái ách nô lệ...
Những bài báo của ông là những bản án tố cáo chế độ thực dân phong kiến làm bần cùng hóa nhân dân: “Lúc tôi bước vô túp lều thì có người đàn bà đứng lên. Đó là vợ của anh dẫn đường, có vẻ lúng túng, quần áo rách tả tơi, lem luốc dơ dáy, nửa là đàn bà, nửa là quái vật, khuôn mặt cháy nám, hao mòn, biến dạng vì cuộc sống vất vả cơ cực qua – hai con mắt không còn là hai điểm đen tròn nữa, mà đã hóa ra mờ đục, mù lòa, chỉ hơi phân biệt được một cách mơ hồ những đồ vật ở gần" (trang 129-130).
Hoặc một bài báo khác, ông viết: “Trong thế giới loài vật, con mạnh ăn tươi nuốt sống con yếu. Chỉ ở trong những xã hội của loài người, nơi mà tội lỗi lan tràn nhiều nhất thì mới thấy có những biện pháp được đề ra cấm cản sự giết chóc hoặc để binh vực che chở những người yếu thoát khỏi bàn tay những kẻ mạnh. Và ở đó con người bị bắt buộc phải di cư đến những vùng trời khác. Thí dụ ở Paris, lấy chân đá vô mông một con chó thì bị phạt, nhưng khi qua tới một xứ sở xa xôi thì không bị ai hỏi tội hỏi tình gì hết, bởi vì ở cái xứ sở đó, một mạng người giá trị cũng không hơn mạng một con kiến mà trong lúc đi đâu đó mình lỡ đạp chết” (trang 165)...
Vì những bài viết ấy, những buổi diễn thuyết ấy, nhà báo Nguyễn An Ninh đã phải ở nhà lao thực dân 5 lần. Lần thứ năm, ông bị bắt vào ngày 5-10-1939 và cũng là lần cuối cùng. Lần này, Nguyễn An Ninh nhận án 5 năm tù lưu đày Côn Đảo. Ở đây, ông bị hành hạ làm cho kiệt sức và mất trong tù ngày 14-8-1943, hai năm trước khi nước nhà giành được độc lập, hưởng dương 43 tuổi.
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu nhận xét về Nguyễn An Ninh: “Điều tôi muốn nói là nhân cách của anh trong quan hệ với bạn bè đồng chí, với gia đình vợ con, anh khiêm nhường, hiền từ và nhân hậu. Anh san sẻ bát cơm manh áo, dốc cạn đồng xu cuối cùng cho người khổ hơn anh. Anh nhường từng lon nước, chỗ nằm cho bạn tù. Anh đem cả tình thương, tri thức dìu dắt cho những ai còn lầm lỡ, bất hạnh, kém may mắn hơn anh. Ai đã gặp anh một lần đều yêu kính anh, một nhân cách lớn lắm, một tấm gương sáng ngời cho thời đại này. Tự thân cuộc đời anh đã đẹp, không cần chúng ta phải tô điểm gì thêm. Một con người như vậy không dễ có đâu, bình dị nhưng vĩ đại lắm”.
Nội dung khác
Review sách “Trí tuệ giả tạo – Internet đã làm gì chúng ta”
17/05/2019Tóm tắt nội dung 'Triết học Hội Tụ'
06/12/2021TS. Nguyễn Bá TrinhCố thủ tướng Lý Quang Diệu chỉ ra điều người Nhật vượt trội tất cả các quốc gia châu Á, riêng Singapore mất 10-15 năm mới gần bằng họ
31/12/2018L.TDẫn nhập về hạnh phúc
08/06/2016Cội nguồn cảm hứng
17/06/2009Bùi Quang MinhChế độ dân chủ (Nhà nước và xã hội)
21/05/2009Giải phẫu cái tự ngã: cá nhân chọi với xã hội
16/05/2009Takeo DoiDầu mỏ, Tiền bạc và Quyền lực
03/05/2009Một năm hội nghị Diên Hồng Hungary
20/04/2009Biên soạn: TS. Nguyễn Quang A