Thực trạng báo chí điện tử tại Việt Nam

04:27 SA @ Thứ Bảy - 03 Tháng Bảy, 2004

Theo thống kê mới nhất của VNNIC – T.T Internet Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người truy cập Internet, và không ít hơn số đó có là độc giả của các tờ báo điện tử như VietNamNet, VnExpress, TuoitreOnline, Lao động điện tử.. 2003 là năm xuất hiện chóng mặt của các tờ báo điện tử, hầu hết là những toà soạn báo giấy truyền thống nay nhận rõ tầm quan trọng và vị trí trong lòng độc giả của báo điện tử, và thế là những Tuổi trẻ Online, Thanh Niên Online, Hà Nội Mới Online, Thể thao VN Online,.. xuất hiện trên Net, đưa thông tin theo một cách riêng và nhất là trong chiến lược vươn ra để phục vụ đối tượng bạn đọc nước ngoài.

Sự xuất hiện hàng loạt trang báo điện tử quãng cuối năm 2003 đến nửa đầu 2004, kéo theo nhu cầu đòi hỏi đội ngũ phóng viên làm báo điện tử phải đầy tính chuyên nghiệp. Thế nhưng, 75% phóng viên đang hoạt động trong các toà soạn báo điện tử hầu hết đều từ báo giấy chuyển sang, 23% từ các ngành nghề khác và con số ít ỏi còn lại mới được đào tạo thực sự chuyên nghiệp từ những “cua” học ngắn hạn tại nước ngoài. Còn đó một thị trường đào tạo “e-reporter” phóng viên điện tử chuyên nghiệp vẫn đang bỏ ngỏ?

Thực tế, cơ cấu phóng viên báo điện tử trong những toà soạn báo giấy vẫn chỉ là việc đăng lại những thông tin đã có trên báo giấy. Đỗ Lê Thăng, biên tập viên Quốc tế báo Lao động điện tử cho biết: “Phóng viên (PV) báo điện tử của toà soạn Lao động điện tử chỉ có 4 người thêm một người phụ trách nữa là 5, mặc dù là phóng viên báo viết cơ cấu sang, xong chúng tôi chủ yếu làm công việc biên tập nội dung báo giấy rồi đưa lên Internet. Những tin tự đi làm, hay tin từ các hãng thông tấn chỉ chiểm một tỉ phần nhỏ. Yếu tố kỹ thuật không phải là thứ yếu, việc đưa lên một bản tin điện tử cực kỳ đơn giản, PV báo điện tử không cần phải biết nhiều kỹ năng về máy tính, chỉ cần sử dụng được word thành thạo và biết truy cập Internet là được.”

Đôi khi tính hấp dẫn của trang báo điện tử còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố tâm lý bạn đọc hay cách trình bày màu mè bắt mắt của trang báo. Trang TintucVietnam.com là một website “copy i-xì” tin của tất cả các báo nhưng hàng ngày vẫn thu hút khá đông người xem. Trang TuoitreOnline tuy mới ra đời nhưng đã chiếm cảm tình của không ít độc giả trên mạng, có phải nó xuất phát từ yếu tố tâm lý “thương ai thương cả đường đi lối về” của một số lượng độc giả báo giấy tương đối đông?

Văn hoá đọc, xem bị thay đổi, báo điện tử bị hạn chế bởi khả năng trình bày so với báo giấy, nhưng những tờ báo điện tử nối tiếng nhất là VnExpress và Vietnamnet vẫn khẳng định hướng đi riêng trong việc chinh phục độc giả của mình. Chị Lương Bích Ngọc, TKTS Vietnamnet khẳng định “Một bài báo điện tử được để mắt tới thì 99% nằm ở cách rút title hấp dẫn.” Nhà báo Thu Uyên, nguyên quyền TBT VASC-Orient nhận xét: “Các trang web của nước ngoài như BBC, CNN, AFP, Reuters,.. phong cách viết tất cả đều viết theo hình chóp ngược, tất cả cái gì hay nhất đều đặt lên đầu và để cho độc giả có quyền lựa chọn.” Con chữ sử dụng trên báo điện tử cũng là một bí quyết của thành công, ông Thang Đức Thắng, Tổng Biên tập Vnexpress cho biết: “Báo điện tử cần phải sử dụng tối thiểu con chữ để thể hiện lượng tối đa thông tin”.

Tuy cách thể hiện và bùng nổ thông tin trên những trang báo điện tử của mỗi báo khác nhau, nhưng ta vẫn phải khẳng định độc giả là ưu tiên số một của báo điện tử. Một thị trường đào tạo những phóng viên báo điện tử chuyên nghiệp, để hấp dẫn người xem, để định hướng thẩm mỹ và tạo thuận lợi cho nhu cầu tiếp cận thông tin của độc giả vẫn đang còn bỏ ngỏ! Làm thế nào là đúng, làm thế nào là hay? Làm thế nào để nâng tính chuyên nghiệp của những người làm báo điện tử? Rất cần những nghiên cứu và đâu tư nghiêm túc cho hình thức truyền thông mới mẻ: báo điện tử.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: