Huỳnh Thúc Kháng khí tiết người làm báo
Vừa qua các báo đã đưa tin hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi tổ chức lễ viếng mộ và tưởng niệm Huỳnh Thúc Kháng nhân kỷ niệm 60 năm ngày mất của ông (1947- 2007). Đây là ý kiến của riêng tôi: Lễ tưởng niệm một bậc chí sĩ như vậy lẽ ra nên làm ở tầm quốc gia, chứ không phải ở mức vài tỉnh lẻ. Huỳnh Thúc Kháng, cùng với Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp, là nhân vật của nhóm “Bộ ba Quảng Nam” nổi tiếng, chủ xướng phong trào Duy Tân đặc sắc trong thập kỷ đầu của thế kỷ XX, đưa đến cuộc Trung Kỳ Dân Biến chấn động năm 1908, một trong những cuộc nổi dậy bạo lực của quần chúng rộng rãi và quan trọng nhất trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Sau cuộc Dân biến này, Trần Quý Cáp bị chém ở Khánh Hoà. Phan Châu Trinh bị đày đi Côn Đảo, về sau thoát ra được do phong trào đấu tranh của các lực lượng tiến bộ trong nước và ở Pháp, là người đầu tiên chủ trương phải sang tận đất Pháp, tìm liên kết với các lực lượng tiến bộ ở chính quốc, để mưu đồ sự nghiệp cứu nước. Năm 1925 ông trở về nước, và chỉ 6 tháng sau qua đời ở Sài Gòn do kiệt sức suốt những năm bôn ba vì sự nghiệp dân tộc. Người duy nhất còn lại trong Bộ ba lừng danh này cho đến sau Cách mạng Tháng Tám là Huỳnh Thúc Kháng. Ông cũng bị đày đi Côn Đảo cùng với Phan Châu Trinh, ở Côn Đảo lâu hơn, sau được trở về cũng do đấu tranh của các lực lượng tiến bộ trong nước và quốc tế. Trở về, ông lập tức tiếp tục hoạt động với tư cách “một nhà cách mạng công khai”, như chính lời ông tuyên bố. Năm 1926, ông làm Chủ tịch Viện Dân biểu Trung Kỳ, nhưng chẳng bao lâu sau đó đã từ chức vì nhận thấy ở vị trí này không thể thực hiện được những điều mình vẫn đeo đuổi. Ông quyết định chuyển sang làm báo. Và vị nhà nho uyên thâm ấy lập tức trở thành một nhà báo hiện đại cực kỳ xuất sắc. Dường như từ những ngày ở tù, ông đã tự chuẩn bị mình cho công việc mới mẻ này. Người ta bảo rằng ở Côn Đảo, Huỳnh Thúc Kháng đã luyện tiếng Pháp bằng cách học thuộc lòng cả cuốn từ điển Larousse?...
Ngày 10 tháng 8 năm 1926, tờ báo Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng ra đời ở Huế. Ngay từ số đầu tiên, chủ bút Huỳnh Thúc Kháng đã viết lời tuyên ngôn súc tích mà vô cùng độc đáo và dõng dạc cho tờ báo của mình: “Nếu không có quyền nói thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta buộc nói”. Trong điều kiện xã hội của chế độ thực dân thời bấy giờ, quả như một tiếng súng sắc gọn mà vang lừng của một người chiến sĩ “cách mạng công khai”. Tôi thường tìm đọc các tác phẩm báo chí của Huỳnh Thúc Kháng, và rất ngạc nhiên một cách thích thú, hoá ra các cụ ngày ấy, hết sức thâm nho, nhưng khi chuyển sang chữ quốc ngữ thì lại viết chữ quốc ngữ rất hay, đặc biệt cô đọng, sắc sảo, chính xác sâu sắc, có lẽ hơn chúng ta ngày nay nhiều. Nói về tính chất độc lập tư tưởng độc đáo của người đồng chí thân thiết nhất của mình là Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng viết: “Tiên sinh đọc sách có con mắt riêng”. Lời tuyên ngôn cô đọng trên kia, vắn tắt đến không thừa một chữ mà thật đầy đủ và mạnh mẽ: tố cáo quyết liệt và công khai một chế độ không có quyền tự do, con người không có quyền nói đồng thời khẳng định một cách thách thức mà lại không thể bắt bẻ vào đâu được cái quyền riêng của mình, không ai tước đi được, quyền không nói những điều người ta buộc nói. Câu văn rất mới, rất Tây, mà hừng hực cái khí tiết không gì lay chuyển nổi của nhà nho. Hai năm sau, trong số báo ngày 1 tháng 5 năm 1929 ông lại nhắc lại, lần này khẳng định một cách rành rọt hơn cái quyền bị tước mất và cái quyền không ai tước đi được của mình: “Vì rằng ta không có quyền tự do nói những điều nên nói, mà ta lại có quyền tự do không nói những cái không nên nói”…
Tôn chỉ đó, khí tiết đó của người làm báo, Huỳnh Thúc Kháng đã kiên định giữ vững trong suốt cuộc đời làm báo của mình. Tờ báo Tiếng Dân của ông, chống chính quyền thuộc địa của Pháp và chính quyền Nam Triều rất quyết liệt, nhưng cũng lại là tờ báo tồn tại được lâu nhất trong thời kỳ thực dân ở Đông Dương, suốt 16 năm. Kỳ thực Huỳnh Thúc Kháng không chỉ nói những điều được cho nói, tờ báo của ông rất nhiều lần, mạnh mẽ mà khôn khéo, đã nói lên được bao nhiêu điều cần nói với đồng bào của mình. Tôi có một người cậu là bạn của Huỳnh Thúc Kháng, ông giữ được một bộ sưu tập gần như đầy đủ báo Tiếng Dân. Hồi nhỏ, cứ đến dịp hè, tôi lại đến nhà cậu, nằm lì ở đấy, lục bộ sưu tập quý ấy ra đọc. Chính ở đấy tôi đã đọc được toàn bộ tường thuật tỉ mỉ phiên toà xử Nguyễn Thái Học sau khởi nghĩa năm 1930. Đầy đủ chi tiết, những cuộc tranh biện căng thẳng, những lời khẳng khái của Nguyễn Thái Học trước toà, cả những lời nói cuối cùng của người anh hùng Yên Bái trước khi bước lên đoạn đầu đài.
Năm nay cũng là kỷ niệm 80 năm báo Tiếng Dân. Bài học khí tiết người làm báo của Huỳnh Thúc Kháng, quyết không nói một lời điều người ta buộc mình phải nói, quyết không bẻ cong ngòi bút, trước mọi cường quyền, còn sống động vô cùng trong cuộc vật lộn gian nan của người cầm bút cho sự thật và công lý hôm nay.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành