Chữ "văn" chữ "báo" khéo là...
Tính sơ sơ trong 300 hội viên hội Nhà văn Hà Nội có dễ tới ngót trăm người đang hoặc đã ăn lương ở các tòa soạn. Xửa xừa xưa có các anh Yên Thao, Băng Sơn, Vân Long..., lớp bánh tẻ có Anh Ngọc, Vũ Đình Minh... Mới làm độ mươi năm nay là những Giáng Vân, Võ Thị Hảo, Hồ Anh Thái... Đó là một đội ngũ mà đời sống công chức, đời sống văn học của họ có những nét vừa thuận tiện, vừa phức tạp, bổ sung xong lại tước đoạt luôn.
Có câu chuyện cười dân gian rằng cô nàng xinh xẻo nọ yêu một anh chàng đẹp trai, khỏe mạnh nhưng nghèo, lại được một anh sứt môi lồi rốn mà giàu nứt đố mê. Cô mình phân vân, chọn lựa mãi, cuối cùng bố cáo cho thiên hạ biết quyết định của mình. Cô sẽ lấy cả hai, ban ngày ăn cùng anh nhà giàu, tối về nhà anh nghèo ngủ. Chuyện ấy so sánh khá khập khiễng, nhưng lại nhang nhác đời sống của một anh văn nghệ làm báo thế nào.
Đi nhiều, thấy lắm, nhận phong bì khỏe, ăn mòn bát thiên hạ, các nhà báo tích lũy được vốn sống, tinh tường khi va chạm, khiến lịch lãm, khiến tinh khôn. Đó là vài ba cái được nhất định của nghề khi áp dụng vào nghiệp văn. Chưa kể là nghề báo, nhất là ở các báo quảng cáo to còn nuôi được nghiệp văn chương cho anh.
Thường nghe cụ Đốt bảo nghề báo phá nghề văn. Nhà khoa học Mỹ (tôi quên tên) sáng chế ra máy điện thoại mà không mắc điện thoại trong nhà vì sợ thông tin làm nghèo trí tưởng tượng đi. Trông vào mấy nhà văn lớn, hình như trong giao tiếp, ứng xử, không ít vị có vẻ ấp úng, kém tháo vát hơn đám nhà báo. Là bởi vì còn đang "ngậm" tâm trạng, hình tượng trong lòng, nung nấu dữ lắm nên bên ngoài mới bộc lộ, mới chập chạp, để rồi đổ vào trang văn nó mới mạnh mẽ làm sao.
Hiện tượng Tô Hoài thật độc đáo. Ông viết báo khỏe hơn người trung niên, có bài hay, có bài không hay, nhưng không có bài dở. Ấy thế mà hơi văn phụt ra trong "Cát bụi chân ai" thật đầy đặn, chi tiết nào cũng có tâm trạng, cũng được chiêm nghiệm.
Nhưng đã mấy người được vậy. Cho nên mấy người làm văn thơ đi viết báo phải bảo trọng, tiết kiệm thi tài, viết báo hăng quá nó cụt miếng da lừa đi, đến lúc tỉnh ra thì đã muộn. Cứ âm thầm sống, âm thầm viết là hơn.
1997
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh