Tính ít sáng tạo - thách thức và tiềm năng cho dân tộc Việt
Khi bàn về câu hỏi dân tộc Việt Nam có tính sáng tạo hay không, chúng ta cần phải thống nhất với nhau một số giả thiết:
- Có cái gọi là sáng tạo, với nghĩa là tạo ra cái mới. Tiêu chí đánh giá sự sáng tạo này một phần dựa vào những thành quả được xã hội công nhận, nhưng phần lớn là niềm tin và sự nỗ lực chủ quan của con người trong việc tạo ra cái mới.
- Tuy mỗi con người đều có những lúc sáng tạo nhiều hay ít hoặc không sáng tạo, nhưng có những típ người có thể coi là loại sáng tạo, và những người khác thuộc loại thực hiện.
- Trong mỗi dân tộc đều có những người thuộc loại sáng tạo và những người khác thuộc loại thực hiện, nhưng nhìn chung có một cái gọi là văn hóa dân tộc, có thể xuất phát từ nguồn gốc tôn giáo, giáo dục, chủng tộc v.v... và có những văn hóa dân tộc sẽ được coi là sáng tạo hơn những nền văn hóa khác. (Ở đây xin bỏ qua tranh luận chi tiết quanh những thuật ngữ như văn minh, văn hóa v.v...).
Đã là giả thiết thì tất nhiên không hiển nhiên là đúng, và có thể không được thừa nhận, nhưng nếu không chấp nhận những giả thiết này thì mọi tranh luận xung quanh câu hỏi chính của diễn đàn sẽ trở thành vô nghĩa.
Hiện nay trong lĩnh vực xã hội học có một quan niệm rất phổ cập, cho rằng các nền văn hóa trên thế giới có thể được phân làm hai loại chính: một loại nặng về tính tập thể và một loại đề cao cá nhân. (Tất nhiên còn nhiều cách phân chia khác). Các nền văn minh phương Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam đều thuộc loại tập thể. Nền văn minh phương Tây, với gốc là văn minh Hy lạp, La Mã thì thuộc loại cá nhân. Các nước nằm giữa như Ấn Độ, Trung Đông v.v... mang cả hai sắc thái.
Nếu chấp nhận quan niệm này thì chiến lược chủ đạo của một văn hóa tập thể để tồn tại sẽ là sự hòa đồng của các cá nhân trong tập thể nhỏ, nhiều tập thể nhỏ trong một tập thể lớn, toàn thể loài người trong một vũ trụ. Mỗi con người chỉ là một hạt cát trong cỗ máy vũ trụ xoay vần. Vì vậy, sự sáng tạo của cá thể nhìn chung là không được khuyến khích. Mọi cuộc cách mạng lớn thường mang lại tác hại cho cộng đồng nhiều hơn lợi ích. Phương thức tiến hóa của tập thể là sự thích nghi tiệm tiến, thay đổi rất nhỏ nhưng liên tục, từ nhiều góc độ. Đó chính là nguyên tắc Kaizen, đã mang lại thành công lớn cho nước Nhật. Ở Trung Quốc thì đa số những tiến bộ, thành tựu đều là kết quả tích lũy, tinh lọc từ kinh nghiệm nhiều đời chứ ít khi là những phát minh nổi trội. Vai trò của cá nhân rất mờ nhạt. Ngay đối với những loại kỳ thư như Kinh Dịch, Đạo đức kinh, Nam Hoa kinh thì cũng không biết thực tác giả là ai, một người hay nhiều người. Cả những đại tôn sư như Khổng Tử, Mạnh Tử cũng ít khi trực tiếp lấy quan niệm bản thân để dạy người, mà thường mượn lời cổ nhân, dựng lên những huyền thoại. Trong những năm gần đây, tính tập thể của người Trung Quốc là một trong những lý giải cơ bản của thành công vượt trội của quốc gia này và cũng là điểm mâu thuẫn chính giữa Trung Quốc và phương Tây. Tương tự như vậy, Việt Nam đã tồn tại đến ngày nay, trải qua bao phong ba, chiến trận thì cũng phải có sự tiến hóa tương ứng, nhưng để tìm ra ai là nhà phát minh, sáng chế, những công trình sáng tạo lớn thì rất ít.
Ngược lại, nền văn minh phương Tây với nền tảng là văn hóa Hy Lạp, La Mã rất đề cao cá nhân. Con người là trung tâm của vũ trụ. Một người tài năng siêu quần có thể được kết nạp vào thế giới thần linh, và các thần thì cũng như người, chỉ có điều giỏi hơn và bất tử. Vì vậy, con người có khả năng khám phá thế giới do thần linh tạo ra và thậm chí có thể tham gia vào quá trình thay đổi và tạo ra cái mới. Niềm tin này là tiền đề cho mọi khoa học và sáng tạo. Vì thế, nền văn minh phương Tây có thể coi là sáng tạo hơn phương Đông. Lịch sử sáng tạo của phương Tây tương đối rõ ràng, vấn đề bản quyền tác giả thường luôn được coi trọng, chí ít trong giới học thuật.
Một điểm thứ hai cũng dẫn đến kết luận tương tự, đó là quan niệm phổ biến ở phương Đông về sinh tử luân hồi và vũ trụ không có bắt đầu không có kết thúc mà chỉ là những vòng tuần hoàn. Như vậy thì không thể có tiến bộ, phát triển hay sáng tạo thực thụ. Một khi đã không tin vào sự tồn tại của sáng tạo thì cũng không thể có một văn hóa sáng tạo được. Trong khi đó, nền văn minh phương Tây, nhất là từ ảnh hưởng của Thiên chúa giáo, với một điểm bắt đầu khai sinh vũ trụ đến một ngày tận thế mới là cơ sở cho mọi thuyết tiến hóa, thuyết phát triển và làm nền tảng cho niềm tin vào sáng tạo.
Thống nhất với vũ trụ quan nói trên, về phương diện đạo đức, người phương Đông cũng rất chú trọng nội tâm mà coi thường những thứ gọi là thân ngoại chi vật. Phương thức để tiến triển nội tâm thường là tĩnh tại, gạt bỏ tham lam, dục vọng, vướng mắc bên ngoài. Vì vậy những sự sáng tạo, nhất là sáng tạo vật chất thường bị coi là thấp kém, dao động. Mọi lĩnh vực nghệ thuật truyền thống như âm nhạc, thơ ca, hội họa của Trung Quốc, Nhật Bản đều không chú vào việc tạo ra cái mới, mà vào việc tinh luyện đến mức nhập thần những thứ rất quen thuộc. Một họa sĩ Trung Quốc có thể vẽ suốt đời một motiv hoa cúc, nhưng vấn đề không phải là hoa cúc, mà là cái thần trong đó. Bài thơ Haiku của Nhật có thể mang lại hứng khởi đặc biệt cho người đọc, không phải vì tính sáng tạo của nó, mà là vì độ đậm đặc của tinh thần được tinh luyện trong từng chữ suốt một đời thi sĩ, tương tự như tác dụng của một miếng nhân sâm ngàn năm. Ngược lại, trong văn minh phương Tây, con người rất hay được định nghĩa qua giao diện với thế giới bên ngoài. Tầm ảnh hưởng của một người vươn ra đến đâu thì người đó lớn lên đến đó. Một nghệ sĩ, một nhà khoa học dù nổi tiếng nhưng không sáng tạo ra cái gì mới thì sẽ nhanh chóng bị lãng quên. Đây là một nền đạo đức rất thuận lợi cho mọi sự sáng tạo.
Nói tóm lại, Việt Nam không phải là một nền văn hóa sáng tạo, tương tự như hàng loạt quốc gia khác ở phương Đông. Câu hỏi đặt ra là trong quá trình hội nhập quốc tế, khó có thể phân biệt đâu là văn hóa Đông, Tây, vậy thì Việt Nam có thể và có nên trở thành một văn hóa sáng tạo như phương Tây không?
Theo tôi thì đối với một số người, việc tiếp thu văn hóa phương Tây là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên nhìn chung thì một nền văn hóa dân tộc là kết quả tiến hóa hàng vài nghìn năm, không phải dễ thay đổi trong vài chục năm. Mặt khác, sự thành công của Trung Quốc, Nhật Bản trong lịch sử và hiện nay cho thấy sáng tạo không phải chiến lược duy nhất hữu hiệu. Đặc biệt đối với những nước nghèo thì sự hy sinh cá nhân cho lợi ích tập thể là một chiến lược khả dĩ mang lại thành công. Bài toán hội nhập chính là việc làm sao phát huy được thế mạnh tập thể nhưng không đến nỗi phải áp chế sự sáng tạo cá nhân, có như vậy mới vừa tiến theo cách riêng mà vẫn được chấp nhận trong bối cảnh quốc tế với xu thế áp đảo của văn hóa phương Tây. Sự lớn mạnh của phương Đông sẽ tạo thế quân bình giữa chủ nghĩa cá nhân và tập thể trên thế giới. Nếu thế lực này quá mạnh thì con người đơn lẻ có thể bị coi như cỏ rác. Nhưng ngược lại, nếu chỉ tôn sùng chủ nghĩa cá nhân như phương Tây thì cũng thật khó có cơ hội cho những nước đi sau như Việt Nam.
Bài thơ Haiku của Nhật có thể mang lại hứng khởi đặc biệt cho người đọc, không phải vì tính sáng tạo của nó, mà là vì độ đậm đặc của tinh thần được tinh luyện trong từng chữ suốt một đời thi sĩ, tương tự như tác dụng của một miếng nhân sâm ngàn năm.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh