Bắt chước, sáng tạo và… ăn cắp
Giờ tập viết của học sinh lớp một. Cô giáo dặn dò: "Các em hãy nghe kỹ lời cô nói, làm cho đúng những điều cô làm mẫu. Phải bắt chước cơ mà viết cho đúng...". Và bây giờ các em đang tập viết một chữ cái vào vở của mình.
Các giờ tập viết của lớp một đều diễn ra như thế. Em nào cũng phải cố bắt chước cô, nét lên nét xuống, nét cao nét thấp, nét đậm nét nhạt, nhất nhất đều phải đúng theo mẫu đã được viết sẵn ở đầu dòng. Xem ra đối với trẻ con cái hoạt động bắt chước này cũng không phải dễ dàng gì. Đứa thì méo mồm, đứa thì trợn mắt, đứa thì ngoẹo đầu... cố điều khiển ngòi bút của mình để tô cho đúng cái nét bút chì mà cô đã viết mẫu. Bắt chước là một hoạt động quan trọng và chủ yếu trong quá trình học tập, bao gồm học để biết và tập để làm cho đúng. Đứa trẻ trước khi đến trường đã phải học tập nhiều thứ, tập đứng, tập đi tập nói... Trẻ làm được những điều đó là do bắt chước, với sự giúp đỡ của người lớn, thực ra là người lớn dạy chúng bắt chước, bắt buộc chúng phải bắt chước. Nếu bố mẹ không quan tâm dạy nói cho con thì đứa tre cũng phải "tự mình bắt chước" và cuối cùng nó vẫn có thể nói được.
Trong các loài vật thì con người có khả năng bắt chước tốt nhất. Bởi một lẽ dễ hiểu là con người thông minh hơn loài vật và các giác quan phát triển đồng đều hơn loài vật. Một trẻ bị điếc bẩm sinh thì dẫu nó có thể phát âm được nhưng cuối cùng vẫn câm vì không có khả năng nghe để bắt chước mà nói. Loài khỉ được mệnh danh là có tài bắt chước, nhưng một con khỉ sống chung với người cũng không thể nói tiếng người được vì cơ quan phát âm của nó không phát triển.
Khi ta đòi hỏi học sinh phải bắt chước đe viết tập cho đúng thì hiển nhiên ta không đòi hỏi học sinh sáng tạo, thậm chí cấm học sinh sáng tạo.
Cô giáo cũng không được phép sáng tạo. Chẳng hạn, cô không được phép dạy các em viết chữ cái theo kiểu " thư pháp " nghĩa là sau khi viết xong, ai muốn hiểu đó là chữ gì cũng được!
Trong trường hợp này, may ra chỉ có các nhà sáng tác mẫu chữ cái hay các nhà viết sách giáo khoa mới được quyền sáng tạo. Nhưng cũng không dễ gì để họ có thể sáng tạo.
Đã từng có một lân chúng ta tiến hành cải cách chữ viết. Tác giả cải cách muốn các chữ cái được viết một cách đơn giản hơn và do đó viết được nhanh hơn. Các chữ cái được viết giống như trong sách in. Chữ "bờ không viết là "b" có bụng trên và bụng dưới, mà viết là "b" chỉ có một bụng dưới. Chữ "hờ ' không viết là "h" mà viết là "h"... Trước khi viết "khuynh" thì nay viết là "khuynh"... Cuộc cải cách này đã thất bại vì bị dư luận bảo thủ lên án nặng nề. Các nhà sáng tạo đành "chào thua", ta lại trở về lối viết cũ...
Trong lần cải cách gân đây nhất, liên quan đến việc học chữ cái một tác giả chỉ dám đưa ra một chút sáng tạo nho nhỏ. Đó là dạy viết chữ "e" trước, dạy viết chữ "a" sau. Lý do rất đơn giản: đối với trẻ con lớp một, viết chữ "e" dễ hơn viết chữ "a". Thế là ngay lập tức hàng loạt bài báo được đăng tải nhằm lên án tác giả với nhiều tội danh khác nhau: thay đổi trật tự a, b, c,... là gây mầm mống nổi loạn cho học sinh, dạy e trước làm cho trẻ con nói ngô, nói ngọng, dạy e trước làm cho giáo đục của ta càng ngày càng tụt hậu so với các nước dạy a trước, ngay gân đây thôi có người khẳng định rằng trật tự a,b,c.. giống như bảng tuần hoàn Men-đê-lê-ép, làm sao mà thay đổi được?
Mới hay sáng tạo đâu phải là việc dễ dàng, đâu phải là việc ai cũng có thể làm được!
Có nhiều học giả nói rất đúng rằng " trong bất cứ lĩnh vực nào, bất cứ hoạt động nào cũng có thể sáng tạo và cũng cần phải sáng tạo" (điều khẳng định đó chẳng qua cũng chỉ là bắt chước người xưa nói mà thôi, không chứa yếu tố sáng tạo nào)! Từ đó suy ra là trong hoạt động bắt chước cũng có thể sáng tạo, thậm chí càng cần phải sáng tạo. Vì thế hoàn toàn không phải là nghịch lý khi ta nói "bắt chước một cách sáng tạo". Hiện nay, khi chúng ta chuyển sang cơ chế thị trường, khi ta vào WTO, hiển nhiên ta phải bắt chước các nước tư bản xem người ta điều hành đất nước họ như thế nào. Cố nhiên bắt chước lần này cũng cần phải sáng tạo, không rập theo khuôn mẫu của người ta. Phải chăng vì thế mới có khái niệm "cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa"?
Trong các lĩnh vực nghệ thuật và khoa học là những lĩnh vực vốn dành cho sáng tạo thì thường xảy ra hiện tượng bắt chước trầm trọng đến mức phải gọi là ăn cắp, tức là "đạo”… Nào là đạo văn, đạo thơ, đạo nhạc, đạo họa, đạo toán mà không chỉ ở nước ta, ở các nước khác cũng không hiếm, mà đạo chích không phải chỉ là kẻ tầm thường mà còn có cả những nhân vật nổi tiếng hẳn hoi... Trong các lĩnh vực này, ăn cắp có nghĩa là lấy thành quả sáng tạo của người khác để làm sáng tạo của mình... Chép nguyên một đoạn văn của người ta mà không để trong ngoặc kép và không nêu nguồn thì đúng là ăn cắp. Vẽ lại một bức tranh của người ta rồi đem dự thi cũng là ăn cắp. Viết một định lý đã có vào luận văn của mình là ăn cắp... Tuy nhiên cũng có trường hợp người ta không chép nguyên văn, không vẽ lại đúng hệt... mà chỉ ăn cắp cái ý tưởng mà thôi. Vì vậy nhiều khi người ta còn phải tranh luận, thậm chí kiện tụng để xem trường hợp này, nọ có phải là ăn cắp hay không.
Một lần có một bài làm Văn thi vào đại học được điểm 10 và được đăng lên báo. Ban đầu có nhiều người khen là hay, nhưng về sau lại có nhiều người chê. Những người chê cho rằng bài văn đó chẳng có ý gì mới, chẳng có gì sáng tạo, mà toàn nói lại ý kiến của người khác. May mà em học sinh viết bài văn đó không bị quy là đạo văn hay đạo ý tưởng mà chỉ bị phê bình là thiếu sáng tạo, nghĩa là chỉ toàn là bắt chước.
Thật ra, nhiệm vụ của học sinh khì đi thi hoặc làm bài kiểm tra là phải chứng tỏ rằng mình đã hiểu đúng được những gì mà chương trình, SGK, thầy cô yêu cầu em phải hiểu đúng. Vậy nếu họ chép lại, nói lại những điều đã học... thì chẳng có gì đáng để phê phán!
Ở bậc phổ thông, trong môn Văn, học sinh được làm quen với khá nhiều tác phẩm kinh điển: Văn tế nghĩa sĩ cần giuộc, Truyện Kiều, Bình Ngô đại cáo, Tuyên ngôn độc lập, Ngục trung Nhật ký… rồi Chí phèo, Vợ nhặt, Vợ chồng A Phủ, Rừng Xànu, Mùa lạc... Đã có rất nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu, các nhà phê bình văn học... rất nhiều luận văn Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ bàn về các tác phẩm ấy rồi... Mà thứ hỏi trong các "nghiên cứu đó có bao nhiêu phần trăm là mới mẻ, là sáng tạo hay cũng chỉ làm cái việc tổng hợp lại, sắp xếp lại và bình thêm chút ít mà thôi...? Thế thì tại sao chúng ta lại yêu cầu một học sinh lớp 12 trong vòng 120 phút có thể viết về "Ngục trung nhật ký" hay "Bình Ngô đại cáo" với những ý kiến riêng độc đáo, độc lập và sáng tạo của mình? Thật là không hợp lý khi chúng ta bắt trẻ con phải "sáng tạo", phải làm những điều mà người lớn già đầu bạc tóc vẫn chưa làm được.
Thực ra người ta không muốn chê em học sinh được điểm 10, mà chỉ muốn nhân dịp này để lên án cách giảng dạy trong trường học của chúng ta. Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta đang tiến hành một cách dạy lạc hậu: dạy nhồi, dạy nhét, thầy áp đặt ý kiến của mình (tức là của sách giáo khoa) cho học sinh, không khuyến khích học sinh sáng tạo, độc lập suy nghĩ, và tử đó làm cho học sinh học vẹt, học tủ, học theo mẫu, học để đi thi, học để lấy bằng, bằng mọi cách... Rồi người ta lên án cách ra đề thi Văn, cho rằng đề thi là nguyên nhân làm cho học sinh không sáng tạo. Rồi tiếp theo đó xuất hiện một số đề thi theo dạng mở, đại loại như (tôi không nhớ nguyên văn): hãy nói về trái tim có điều kỳ diệu, hãy viết về một bài học có nghĩa mà cuộc sống đã dạy cho em, hãy viết về người thân yêu nhất của mình, hãy viết về một lỗi lầm mà em đã mắc phải... Tôi tin chắc rằng trước những đề thi như thế thì học sinh một là không biết viết gì, hai là sẽ viết một cách "sáng tạo" nghĩa là bịa ra những chuyện không có thật đối với mình, và ba là ăn cắp chuyện đâu đó đã đọc được...
Chỉ có thể sáng tạo trên cơ sở hiểu biết sâu sắc, tường tận và ngọn ngành những kiến thức liên quan đến vấn đề mà anh đang nghiên cứu. Mà không phải cứ hiểu biết sâu sắc rồi thì ai cũng sáng tạo được. Bởi vậy, yêu cầu sáng tạo là quá cao, không thể đặt ra đối với tất cả mọi học sinh. Yêu cầu trước hết ở bậc phổ thông là cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản, phổ thông, toàn diện... chứ không phải yêu cầu chủ yếu là sáng tạo.
Đã là "đi học" thì trước hết là phải "học" và "tập" cái đã, kể cả học thuộc lòng và tập làm như máy nếu cản. Hãy xem xét hai hiện tượng: Một là bài văn điểm 10 không sáng tạo, chỉ bắt chước. Hai là kì tuyển sinh Đại học năm ngoái có hàng chục ngàn điểm 0. Câu hỏi đặt ra là hiện tượng nào làm chúng ta đau lòng hơn? Có biết bao nhiêu học sinh đến trường mà không học được gì cả, không bắt chước được gì cả! Không học được gì, không bắt chước được gì thì làm sao nói đến sáng tạo, độc lập suy nghĩ?
Vậy điều trước hết mà chúng ta phải lo lắng và quan tâm là làm sao cho học sinh chịu học, chăm học để tiếp thu những kiến thức đã được tổng kết của nhân loại. Chúng ta phải đi lại tử bước cơ bản nhất: "Thầy có dạy, trò có học", ”thầy dạy thật, trò học thật", rồi từ đó mới có thể phấn đấu "thầy dạy tất, trò học tốt" và tiến lên "thầy dạy sáng tạo và trò học sáng tạo”.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn