Phương Pháp Luận sáng tạo: 21 & một
Từ những học viên đặc biệt
Dù đã được ban tổ chức giới thiệu trước rằng một cựu học viên đặc biệt sắp xuất hiện, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi thấy ông T, chủ một cơ sở sản xuất nhỏ có uy tín. Ông say sưa kể lại quá trình tìm đến và theo học lớp Phương pháp luận sáng tạo (PPLST) tại trung tâm sáng tạo khoa học kỹ thuật (TSK) - Đại học khoa học tự nhiên TP. HCM. Tuần 2 buổi tối, Ông kiên nhẫn bám bài với tinh thần "Việc người khác làm một lần mình có thể phải làm tới 10 lần". Cứ thế trong suốt gần 2 tháng, ông đến lớp mà không hề biết mặt thầy, những học viên khác và khung cảnh lớp học ra sao. Vâng ông T là một người khiếm thị. Ông nói: "môn PPLST đã giúp tôi suy nghĩ một cách có hệ thống và định hướng hơn hẳn trước kia, đem lại hiệu quả tốt hơn". Ông đang cố gắng thu xếp đi học tiếp lớp trung cấp. Ông thổ lộ nỗi ước ao có băng nghe các sách thầy biên soạn. và, như... Cô tấm trong quả thị bước ra, T-sinh viên đại học Bách Khoa đã trao tặng ông cuốn băng cassette đầu tiên mà cô liên tục đọc để ghi âm từ lúc biết tin đó vào buổi sáng.
Một người khác đặc biệt nữa tuy không có mặt nhưng được nhiều người nhắc tới, đó là ông B. T. C, nguyên Bộ trưởng bộ giáo dục chế độ cũ, Tiến sĩ kinh tế ở Paris từ năm 1935, thầy dạy của nhiều trí thức nổi tiếng hiện giờ. Ông đến với TSK khi ... 72 tuổi. Sau khi học xong, trong các bài giảng của mình cho sinh viên, ông thường khuyên họ đi học PPLST và nhiều người đã nghe lời ông theo học TSK.
Đến những lá thư từ xa nửa vòng trái đất.
Ở nước Mỹ xa xôi, tuy bận rộn với việc mưu sinh, có người học trò cũ bỏ công viết những lá thư dài mấy trang giấy khổ A4 cho thầy với tình cảm nồng ấm "hôm nay có thì giờ ngồi tâm sự với thầy em tưởng tượng mình như đứa con ở xa về nhà trong chiều 30 tết". Anh L.V.K, định cư ở Mỹ từ 1995, sống bằng nghề lập trình viên tại một nhà máy, vẫn tiếp tục ứng dụng PPLST, đặc biệt là TRIZ (lý thuyết giải các bài toán sáng chế, viết tắt theo tiếng Nga) mà anh học từ năm 1980 vào công việc của mình, như trước đây anh đã nhiều lần ứng dụng thành công khi còn ở Việt Nam.
Anh báo động "người Mỹ mới du nhập TRIZ từ đầu những năm 1990, đến nay họ đã có những phần mềm ứng dụng TRIZ. Về phần mềm mình hầu như không bằng họ, nhưng về sách, em nhận ra là mình đang hơn họ. Hy vọng các giới chức có thẩm quyền ở Việt Nam, những người thực sự day dứt vì sự phát triển và sống còn của đất nước, nếu họ nhận được những thông tin này sẽ ý thức được tầm quan trọng của TRIZ, sẽ lập một trường đại học để giảng dạy TRIZ, và sẽ lập một công ty chuyên làm về TRIZ". Anh còn nung nấu ý định trở về Việt Nam sau khi có đủ vốn để thành lập một công ty chuyên làm về TRIZ. "Đây là một ước mơ xa xôi, nhưng những người tư duy theo kiểu TRIZ biết rằng sẽ có một cách nào đó để biến những ước mơ xa xôi thành hiện thực".
Người thầy trên bục giảng, người anh đời thường.
Không khí lắng đọng và những bức thư đem dến tưởng chừng như tan biến đi khi thầy Phan Dũng - Giám đốc, đồng thời là người sáng lập ra TSK nã phát pháo đầu cho chương trình giao lưu văn nghệ bằng những 3 bài hát trong đó có ca khúc Yesterday được ca sĩ tự nguyện này trình bày bằng tiếng Anh và Tiếng Nga. không khí ngày 20.11 còn âm vang đâu đây, và đó cũng chính là 1 trong những lý do ra đời buổi "HỌP MẶT TRUYỀN THỐNG CÁC HỌC VIÊN PPLST" này. Bị bao vây bởi các học viên có mặt mang tính "Đại biểu" dưới ánh đèn sáng choang của khách sạn Bến Nghé đêm 21.11, lúc nhận khánh vàng các học viên trao tặng, chắc thầy Dũng không còn cô độc như lúc thầy dạy PPLST lần đầu tiên ở Việt Nam cách đây 21 năm (1977) vì nay thầy đã có gần 7000 người theo học. Vâng, TSK hạch toán độc lập ngay từ ngày đầu cho đến nay mà không hề nhận được sự đầu tư nào từ những cấp cao hơn. Tôi tự hỏi phải chăng người ta đang áp dụng cơ chế thị trường với 1 tổ chức giáo dục hoạt động chỉ với mục đích là làm sao phổ biến được môn học đang được phát triển rộng rãi trên thế giới bởi những kết quả to lớn mà nó đem lại, đặc biệt là tại những nước như Mỹ, Anh, Nga ...
Nghĩ những chuyện như vậy chắc cả ngày không hết, tôi chợt bị cuốn đi bởi những câu chuyện rôm rả của những người xung quanh. Không khí buổi họp mặt tự nhiên đến nỗi trẻ như thầy Triết đã đành, đến thầy Hưởng trọng tuổi hơn và ngay cả thầy Phan Dũng cũng được vài học viên lớn tuổi vô tư gọi bằng anh. Không phải chờ đến lúc này mọi người mới giao lưu, Tất cả dường như đã hòa chung nhịp "Tôi trung cấp 6, còn anh?", "tôi sơ cấp 29", "tôi sơ cấp 122". Họ nói với nhau bằng "ngôn ngữ PPLST" mà nếu không phải là người từng kinh qua thì ú ớ ngay. Trò chơi "đi tìm một nửa của mình" bắt đầu và duyên tiền định hay sao, nửa của tôi "ngồi ngay sát bên tôi!
Một anh không phải là cựu học viên mà đi theo bạn đến buổi họp mặt vì tò mò, cắc cớ hỏi thầy rằng liệu PPLST có thể áp dụng trong nghề Luật không? Thì đây luật sư T (một cựu học viên) kể cho mọi người nghe câu chuyện bằng thủ thuật chuyển sang chiều khác đã giúp anh bảo vệ một thân chủ của mình khỏi mất 5000 USD như thế nào. PPLST có phạm vi áp dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực, nên từ những người đạp xích lô, anh công nhân, cô thợ may, bà nội trợ, chị tiểu thương... đến các bác sĩ, chủ doanh nghiệp, nghệ sĩ... và những người có trình độ tiến sĩ đã từng đến TSK theo học. Một cô bé lớp 8 gây ấn tượng cho tôi với tư cách là người "vượt rào", vì yêu cầu tối thiểu đối với học viên PPLST là phải tốt nghiệp phổ thông trung học.
PPLST: To be or not to be (tồn tại hay không tồn tại)?
Đây là cuộc gặp mặt tự phát mà thời gian chuẩn bị rất ngắn, BTC đã "vượt nhanh" đáng kể. Đây chỉ là một bài toán trong chuỗi bài toán cuộc đời mà mọi người phải giải. Tuy có nhiều bài toán nhưng điều quan trọng nhất là biết chọn đúng các bài toán tất yếu cần giải cho một giai đoạn nào đó. Việc phổ biến và phát triển PPLST cũng là một bài toán. Vậy đã đến lúc phải tập trung dạy nó hay chưa, khi mà nghị quyết hội nghị BCH TƯ đảng lần 4 khoá VII năm 1993 đã yêu cầu "áp dụng những phương pháp giáo dục hiện đại để bồi dưỡng cho học sinh năng lực tư duy sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề" và được nhắc lại trong các nghị quyết khác cho đến nay. Tôi chợt liên tưởng đến việc học sinh phổ thông bị "nhồi nhét" kiến thức đang được xem là "chuyện thường ngày ở huyện". Và phần đông những sinh viên như tôi đang học đại học với phương pháp của "học sinh cấp 4", chủ yếu nghe giảng, ghi chép bài, học thuộc (hoặc cầu cứu "phao") rồi đi thi và xong.
Chúng tôi sẽ làm gì trong thế kỷ 21 đây khi mà "làn sóng phát triển thứ tư" đang đến. Thời đại "hậu tin học" - làn sóng thứ 4 là thời đại sáng tạo mang tính quần chúng rộng rãi nhờ việc sử dụng các phương pháp tư duy sáng tạo một cách có khoa học, được dạy và học đại trà. Hiện nay Singapore đang cắt giảm chương trình học để học sinh có thời gian làm những bài tập rèn luyện tư duy sáng tạo. Trong khi đó ở Việt Nam chúng ta, đổi mới phương pháp dạy và học, phát huy tinh thần sáng tạo học sinh là một trong những vấn đề bức xúc của giáo dục Việt Nam, đã được đề cập từ hội nghị này sang hội nghị khác nhưng vẫn chưa có sự thay đổi thật sự nào. Thủ Tướng Chính Phủ Phan Văn Khải, tại hội nghị mở rộng lần VI Hội đồng trung ương liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (diễn ra đầu năm 1998) phát biểu: " nguồn vốn lớn nhất có thể nói vô tận, phải là tài trí kinh doanh của đội ngũ doanh nghiệp cộng với năng lực sáng tạo của đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ nước nhà". Tại cuộc gặp gỡ của chính phủ, các nhà doanh nghiệp và các nhà khoa học tổ chức tại Dinh Thống Nhất từ 2-3.2.1998, giáo sư tiến sĩ Phan Dũng đã có bài phát biểu đề nghị Chính phủ chú ý đến khoa học sáng tạo (creatology) ở mức vĩ mô và nhấn mạnh sự cần thiết phải phổ biến áp dụng rộng rãi và phát triển môn học PPLST tại Việt Nam như là một trong những cách thiết thực "phát huy nội lực để tạo ra sự phát triển bền vững". Thầy cũng đã trao tận tay cho thủ tướng... 5 kg tài liệu tiếng Việt, Anh, Nga... về PPLST và các kết quả nó đem lại ở Việt Nam và trên thế giới. Có lẽ hiện giờ 5 kg tài liệu đó đang... được nghiên cứu. Gần đây nhất, một công ty nước ngoài ở Việt Nam đã bắt đầu dạy tư duy sáng tạo cho các nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp, khóa học 2 ngày với giá 250 USD/người.
Thay cho kết luận
Cuộc họp mặt kết thúc trong sự nuối tiếc của phần đông vì những câu chuyện đang dang dở mà trời ngày càng khuya. Tôi biết chắc rằng đêm nay nhiều người trăn trở với những ý tưởng giúp PPLST ngày càng đi sâu vào đời sống và mang lại các kết quả cụ thể góp phần thiết thực vào sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa của đất nước. Còn các thầy, đang nghĩ gì sau 21 năm các thầy tự trang trải, chèo chống để truyền bá nó ở nước ta? Phải chăng là làm sao phát triển tiếp TSK - Trung tâm đầu tiên và đang là duy nhất của Đông Nam Á chuyên giảng dạy và nghiên cứu PPLST, để vị trí môn PPLST này của Việt Nam không bị tụt hạng so với thế giới trong thế kỷ 21. Sau cuộc họp mặt lần Một này, hy vọng sẽ có nhiều tin vui hơn ở những cuộc họp mặt lần sau.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh BùiSách và doanh nghiệp: Đọc để phát triển
01/01/1900Tố Tâm