Tư duy sáng tạo và phê phán trong giáo dục Mỹ
Có lẽ trong tất cả giảng trình tạo Đại học Harvard không có giảng trình nào thu hút nhiều sinh viên ghi danh học như giảng trình 101 tư duy về tư duy (101 thinking about thinking – 101 là mã số chung cho tất cả các giáo trình nhập môn tại đại học Mỹ).Trung bình giáo sư tham gia giảng dạy là ba người thuộc ba chuyên ngành khác nhau, số lượng cán bộ phụ giảng lên đến 20 người, mỗi cán bộ phụ trách điều khiển thảo luận một nhóm từ 20-25 sinh viên. Tính hấp dẫn của giảng trình này bao gồm những điều sau đây: thứ nhất, ba giáo sư cùng giảng một lúc và tranh luận ngay với nhau ngay trước mặt sinh viên; thứ hai, giảng trình mang tính liên ngành giữa khoa luật, khoa triết và khoa kinh tế; thứ ba, các sinh viên trực tiếp tham gia tranh luận về những vấn đề thời sự nóng bỏng nhất theo phương pháp “phê phán và sáng tạo”.
Ba giáo sư thuộc ba chuyên ngành khác nhau sẽ luân phiên trình bày hoặc phản bác lẫn nhau về một đề tài thảo luận cụ thể, chẳng hạn đề tài: “Nên hay không nên bãi bỏ án tử hình?”, “Nên hay không nên hợp pháp hoá việc bác sĩ giúp bệnh nhân nan y “ra đi” trong thoải mái?”, “Nên hay không nên cấm việc mua súng làm phương tiện tự vệ cá nhân?”... Thông thường vị giáo sư luật sẽ khai mào bằng cách nêu lên một trường hợp cụ thể đang được tranh cãi trên các phương tiện truyền thông: bác sĩ X đang phải hầu toà vì đã giúp bệnh nhân Y “về chầu ông bà” một cách êm dịu theo lời yêu cầu khẩn thiết của bệnh nhân này vì anh ta không chịu nổi những cơ đau đớn khủng khiếp của bệnh ung thư trong giai đoạn sau cùng. Vị giáo sư triết sẽ nối theo bằng cách phân tích ý nghĩa của cái chết. Ông ta có thể nói :”Con người có quyền tự do chọn cho mình cái chết xứng đáng với phẩm giá làm người vì tự do cao cả nhất, tuyệt đối nhất, trong cõi nhân sinh là tự do chọn cho mình một cách chết”. Ông có thể hùng hồn trích dẫn hàng loạt các sử thi từ Hy Lạp đến Ấn Độ để ca ngợi thái độ can đảm dám mặt đối mặt với thần chết của những vị anh hùng. Vị giáo sư kinh tế có thể nhẹ nhàng “đế” thêm rằng hàng năm lợi tức của các công ty mai táng còn cao hơn cả lợi tức thu được của các công ty thuốc lá, do đó chuyện “cưỡi hạc quy tiên” quả thật là... đáng khích lệ, chẳng nên cấm thiên hạ tự tử làm gì. Vả lại Trái đấ đang trở nên chật ních thì chuyện con người đòi tự do “xử lý đời mình” cũng phù hợp với nhu cầu... hiện đại hoá. Vị giáo sư luật có thể nghiêm nghị bác lại: “Nếu ai cũng có thể tự do xử lý đời mình thì luật pháp ra đời để làm gì? Bác sĩ X đang sống tại bang Z, mà bang này đã cấm không cho phép bác sĩ “giết vì lòng nhân đạo”, vậy bác sĩ X đã phạm luật và nên vào tù ngồi chơi xơi nước, không cần bàn cãi gì nữa”. Sinh viên có toàn quyền giơ tay phát biểu, tranh cãi với các giáo sư thoải mái, không hề sợ bị các thầy cô “đì điếc” gì cả.
Đó chính là phương pháp giảng dạy phổ biến tại các đại học Mỹ, đặc biệt là tại các khoa luật, khoa triết, khoa kinh tế, quản trị kinh doanh... vốn là những khoa đòi hỏi khả năng tư duy phân tích rất cao. Thậm chí, trẻ em Mỹ ngay từ những năm tiểu học đã được khuyến khích tư duy theo chiều hướng độc lập, tiếp thu có phê phán.
Một em gái 12 tuổi chọn thuyết trình về đề tài “Hồng quân Trung Quốc”. Em đã đến thư viện tìm đọc các sách báo và xem tất cả cuốn băng video nói về hồng quân. Sau mấy tuần lễ miệt mài như thế, em kết luận :”Sách báo, phim ảnh nói về đề tài này không thống nhất gì cả”. Em muốn gặp và phỏng vấn trực tiếp một chiến sĩ hồng quân thứ thiệt.
Trước khi có sáng tạo ra một ý gì mới, cần phải có thái độ tiếp thu có phê phán những ý tưởng truyền thống một cách nghiêm túc. Sinh viên trong lúc tham gia thảo luận sẽ tìm mọi lý lẽ khác nhau để phản biện một quan điểm, một lập trường nào đó. Thái độ của các giáo sư nói chung là cởi mở, tôn trọng ý kiến của sinh viên và khuyến khích tranh luận. Sinh viên tranh luận càng sôi nổi, hào hứng, lớp học càng được đánh giá cao. Ngay cả các tư tưởng gia vĩ đại trong truyền thống phương Tây như Plato, Aristotle, Locke, Kant hay Hegel cũng được sinh viên hăng hái “đưa lên bàn mổ” không hề ái ngại gì hết.
Văn hoá Việt Nam nói riêng và văn hoá Đông Á nói chung có một đặc điểm nổi bật là đề cao quan hệ xã hội theo hướng dĩ hoà vi quý. Do đặc điểm này chuyện tranh luận sẽ dễ dàng bị đồng hoá với chuyện tranh cãi hay tranh chấp, nghĩa là những thái độ tiêu cực mang tính đề cao cá nhân, cục bộ địa phương hay làm mất đoàn kết. Cộng thêm vào đó là truyền thống tôn sư trọng đạo: thầy gần như cha, mà cha thì chỉ “dạy từ trên xuống” chứ không thể chấp nhận con dám “dạy từ dưới lên”. Nếu đã gọi là cung cách ứng xử văn hoá, nghĩa là những lề lối tư duy và hành động đã ăn sâu vào não trạng dân tộc, thì chuyện sửa chữa không thể một sớm một chiều. Nhưng chớ nên hiểu lầm là hễ phê phán thì bắt buộc phải loại bỏ thái độ dĩ hoà vi quý. Phê phán không bao hàm thái độ thiếu tôn trọng mà trái lại là khác: chính là vì một quan điểm nào đó quá mạnh, quá hấp dẫn, quá phổ biến, nên cần phải nhận định một cách tỉnh táo, sáng suốt. Các tư tưởng gia, triết gia bị phê phán nhiều nhất, chính là những tên tuổi vĩ đại nhất. Chẳng ai có hơi sức đi tranh luận với những kẻ vô danh tiểu tốt. Tâm thức Việt Nam thì ngược lại, thường hiểu ngầm rằng phê phán chính là “chê bai, miệt thị, coi thường”. Trong tinh thần phương Tây, phê phán chính là nỗ lực nhìn lại vấn đề/quan điểm/ý kiến từ một góc độ tiếp cận mới. Trong viễn cảnh đó, thái độ tiếp thu có phê phán có thể được xem là bước đi chập chững đầu tien của sáng tạo.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu Đổng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức Phương"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn