Làm gì để có một thế hệ khoa học trẻ năng động, sáng tạo?

03:51 CH @ Thứ Bảy - 08 Tháng Hai, 2003

Đó là những vấn đề GS Hoàng Tụy tiếp tục nêu ra, mà theo ông, đó là cơ sở để tạo ra một lớp trí thức mới bắt kịp bước tiến của thời đại trong thế kỷ 21 này.

"Truyền thống" từ chương... đường trường đuối sức?

- Thưa GS, ông suy nghĩ gì về nội dung, chương trình đào tạo tại ĐHVN như hiện nay?

- Điều này khó trả lời cụ thể, tuy nhiên hầu hết GS các nước và các nhà khoa học Việt kiều có dịp tìm hiểu đều khẳng định rằng trình độ của ta còn thấp, nếu căn cứ trên nội dung chương trình, số giờ dạy, sách dạy, thực tập, làm thí nghiệm v.v... Có những ngành trong nước còn yếu vẫn đào tạo tiến sĩ ào ào. Còn xét trình độ thực tế của SV tốt nghiệp thì quả là còn yếu, một số ngành rất yếu. Về kiến thức, kỹ năng thực hành, tính chủ động, sáng tạo, về khả năng diễn đạt bằng viết hay nói, SV ta đều kém, tuy cá biệt có những người rất xuất sắc, nhưng số này không nhiều. Cũng chẳng có gì lạ, vì nhiều nơi coi đại học là “học đại”. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm rằng để đào tạo có chất lượng thì ĐH, ít ra là các trường lớn, nhất thiết phải kết hợp giảng dạy với nghiên cứu khoa học. Không phải chỉ những ai sau này sẽ làm công tác nghiên cứu khoa học mới cần nghiên cứu khoa học, mà mọi SV, dù sau này làm nghề gì cũng đều cần được đào tạo thông qua nghiên cứu khoa học. Có như thế ra đời họ mới có tác phong nghiên cứu, thái độ khoa học, tinh thần chủ động, đầu óc tưởng tượng, sáng tạo v.v... là những thứ tối cần thiết ngày nay để thành đạt, cho dù làm nghề gì. Vì vậy, một trong các tiêu chuẩn hàng đầu đánh giá chất lượng và trình độ một ĐH là các thành tựu nghiên cứu khoa học. Về điểm này, ngay cả các ĐH lớn của ta cũng còn rất xa yêu cầu.

- Tuổi trẻ luôn đi đôi với khát vọng tìm hiểu cái mới. Vậy điều gì đã khiến SV Việt Nam chưa thể hiện được hết khát vọng tuổi trẻ trong nghiên cứu khoa học?

- Có hai mặt. Thứ nhất, nhược điểm cố hữu của người VN, từ bao đời quen lối học từ chương khoa cử, học để trở thành ông nghè, ông cử, để làm quan, để có danh vị này khác. Đáng buồn là cái tư tưởng chuộng hư danh, sính bằng cấp lại đang có chiều hướng gia tăng với sự tiếp sức của báo chí và nhà khoa học. ở các nước, ít ai xưng hô ầm ĩ các học vị, chức danh, còn ở ta cứ lật một trang báo là thấy đầy rẫy nào thạc sĩ, tiến sĩ, viện sĩ, chẳng hiểu bao nhiêu phần trăm là thật. Do đó, tạo ra cái ảo tưởng bằng cấp, học vị là những giá trị cao nhất trong xã hội hiện đại, và hướng thanh niên vào những mục tiêu hư danh viển vông hay thực dụng tầm thường. Cái khát vọng của tuổi trẻ tìm đến những chân trời tri thức mới lạ để mong lập kỳ tích trên mặt trận trí tuệ là mặt trận chính thời nay, chạm vào cái thực tế xã hội đó, làm sao khỏi bị biến dạng. Tất cả cuộc đời thu lại chỉ còn học ngày học đêm, không kịp suy nghĩ sáng tạo gì hết, để giật một mảnh bằng, hay sao? Xây dựng đất nước vào thời đại trí tuệ mà như thế thì làm sao hưng thịnh được? Thứ hai, là lối giáo dục, thi cử, đánh giá của ta hiện nay, và nếu bàn sâu hơn nữa, là lối dùng người, chưa phân biệt được tài năng thật và giả; còn nặng về trọng hư danh, nhẹ thực chất. Suy cho cùng, chỉ có thể đào tạo nhân tài tốt khi nào môi trường xã hội biết quý trọng nhân tài và giúp họ có điều kiện phát triển. Kiểu học hành, thi cử, đánh giá của ta hiện nay không thích hợp để bước vào xã hội thông tin và thế kỷ kinh tế tri thức. Nếu cứ tiếp tục kiểu này chúng ta sẽ thua cuộc trong cạnh tranh sắp tới.

- Vấn đề đào tạo 2 giai đoạn tại ĐH hiện nay vẫn là vấn đề còn tranh cãi trong giáo giới. Quan điểm của GS?

- Đúng là sau khi bỏ đại học đại cương, vấn đề đào tạo giai đoạn 1 chưa thể coi là đã giải quyết xong. Liên quan với vấn đề này là xử lý mâu thuẫn giữa số lượng và chất lượng đối với giáo dục đại học.

Đặc điểm của thời đại chúng ta là đột biến công nghệ diễn ra liên tục, các nghề thay đổi mau chóng, có nghề hiện nay cần nhiều nhân lực, ít năm sau không cần nhiều nữa, hay mất hẳn, trong khi đó xuất hiện những nghề mới, và ngay trong một nghề thì kiến thức, kỹ năng cần thiết cũng không cố định mà luôn luôn thay đổi. Do đó đào tạo nghề hẹp và cứng nhắc không thích hợp. Nên có ba hệ thống đào tạo ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, ứng với ba giai đoạn: giai đoạn 1 đào tạo cơ bản về từng ngành (nhóm nghề gần nhau), giai đoạn 2 đào tạo nghề, và giai đoạn 3 là cao học và tiến sĩ (sau đại học). Để thỏa mãn nhu cầu học tập của quần chúng chuẩn bị bước vào thời đại kinh tế tri thức nên mạnh dạn mở nhiều trường cao đẳng hai năm, đào tạo giai đoạn 1, học xong có bằng tốt nghiệp có thể ra làm việc, nhưng cũng có thể học tiếp giai đoạn 2 ở đại học. Các trường cao đẳng sẽ là cơ sở sau này tiến lên trở thành phổ cập. Giai đoạn 1 cũng có thể học ở các đại học, khi kết thúc có bằng tốt nghiệp để có thể ra làm việc, hoặc học tiếp lên giai đoạn 2 lấy bằng cử nhân hay kỹ sư.

- Như vậy, giai đoạn 1 có phần nào giống ĐH đại cương trước đây?

- Cái khác cơ bản là không có trường ĐH đại cương riêng và chương trình được học đầy đủ hơn (2 năm), học xong có bằng tốt nghiệp để đi làm, chứ không phải “dở ông dở thằng”, ra làm việc cũng lở dở mà học tiếp cũng khó khăn. Đối với những nghề kỹ thuật và sư phạm, giai đoạn 1 đào tạo luôn cả nghề. Nói chung giáo viên các trường cao đẳng không đòi hỏi có bằng TS (ở Mỹ chỉ có khoảng 2% giáo viên đại học cộng đồng có bằng TS), và cũng không đòi hỏi nghiên cứu khoa học (ở Anh các Polytechnics cũng rất ít nghiên cứu khoa học), có thể tuyển từ giáo viên giỏi THPT và những người có bằng thạc sĩ. Với sự hỗ trợ chuyên môn qua các phương tiện CNTT như đã nói trên, các trường cao đẳng có thể bảo đảm một chất lượng tuy không cao nhưng đủ đáp ứng nhu cầu. Đồng thời với quan niệm như vậy hệ cao đẳng có khả năng phát triển mạnh, để giải quyết nhu cầu mở rộng quy mô, đáp ứng yêu cầu dân trí và nhu cầu nhân lực. Đi đôi với phát triển mạnh số lượng nhất thiết phải chú trọng bảo đảm và nâng cao chất lượng các đại học trọng điểm để dần dần đuổi kịp trình độ quốc tế (ở Mỹ các trường chất lượng cao chỉ chiếm 5% tổng số sinh viên).

Tại sao tụt hậu lại có nhiều giải quốc tế?

- Thưa GS, khi nói đến nội dung chương trình giảng dạy tại phổ thông cũng như ĐH, hầu hết các nhà giáo đều nhìn thấy... sự tụt hậu. Nhưng, ông lý giải vì sao học sinh VN khi thi quốc tế đều đoạt giải cao?

- Đúng như vậy, trong khi chúng ta có nhiều giải cao trong các cuộc thi Olympic quốc tế, thì việc giảng dạy toán ở các cấp chưa phải là tiên tiến, thậm chí có mặt lạc hậu nhiều thập kỷ. Hai việc đó không mâu thuẫn.

Tôi nghĩ ta không nên ngộ nhận về ý nghĩa các giải Olympic. Tất nhiên, thành tích là tuyệt vời, rất đáng phấn khởi và tự hào, vì nó chứng tỏ thanh niên ta đủ sức đua tranh với các nước. Nhưng cũng phải thấy rằng phần lớn các nước không chọn đội tuyển kỹ như ta, và cũng không tốn nhiều công sức luyện cho học sinh của họ đi thi như ta. Ta có lớp chuyên, lớp chọn, học sinh của ta được luyện tập hàng năm về những kiểu toán thường gặp trong các kỳ thi Olympic, hơn nữa có thể nói ta có cả nước tham gia chuẩn bị cho cuộc thi (tỉnh nào cũng có lớp chuyên, rồi nào thi thành, thi tỉnh, thi quốc gia, v.v...) cho nên việc tuyển chọn có hệ thống, có tổ chức. Đó là những lợi thế mà nhiều đội khác không có. Các nước đều hiểu rằng cuộc thi Olympic là nhằm khuyến khích phong trào học toán ở trường học, chứ không ai dựa vào đó để xếp thứ tự trình độ khoa học toán học của các nước. Vì vậy họ không đầu tư vào đó nhiều.

- Nhưng thưa GS, những em đoạt giải quốc tế ít nhất cũng chứng minh được khả năng tư duy tốt của mình?

- Tất nhiên như vậy. Thi Olympic đòi hỏi trong một thời gian ngắn phải giải cho xong một số bài toán khó, muốn đoạt giải trong cuộc thi đó phải thông minh, nhanh nhạy và có kiến thức, kỹ năng vững. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng có nhiều người giỏi nhưng không thể đạt được kết quả tốt trong những cuộc thi như vậy, vì họ chỉ quen làm toán trong điều kiện bình thường. Cho nên thi Olympic thật ra là chỉ thi một loại khả năng đặc biệt (nhưng biết làm sao, chỉ có thể thi như thế). Khả năng ấy đương nhiên rất quý, nhưng chưa đủ mà cũng không phải là điều kiện nhất thiết cần có mới có thể trở thành nhà toán học giỏi. Dù thế nào từ thành tích thi Olympic đến chỗ trở thành nhà toán học giỏi con đường còn dài.

- Ông có theo dõi bước đi của những em đoạt giải cao trong nước và quốc tế?

- Tôi là người 35 năm trước đã đề xuất ý kiến và xây dựng các lớp chuyên toán đầu tiên (hồi ấy gọi là lớp toán đặc biệt). Tôi cũng là người năm 1973 đã trực tiếp đề nghị các bạn đồng nghiệp Đức mời và tài trợ cho đoàn VN tham gia lần đầu tiên cuộc thi Olympic toán tổ chức năm 1974 ở Berlin. Vì thế tôi rất vui mừng ghi nhận những thành tích thi Olympic toán xuất sắc của học sinh VN, và sự đóng góp tích cực của các lớp chuyên toán vào việc giảng dạy và nghiên cứu toán ở VN suốt mấy thập kỷ. Tuy nhiên, đối chiếu hiện tình với mục đích cũng như tổ chức và cách dạy các lớp này theo chủ trương ban đầu, thì đã có nhiều thay đổi. Chắc chắn có những thay đổi tích cực nhưng có lẽ cũng cần rút kinh nghiệm một số vấn đề cho thích hợp với các điều kiện mới. Một trong các vấn đề ấy chính là việc theo dõi quá trình phát triển về sau của các học sinh đoạt giải và học sinh các lớp chuyên toán để xem hiệu quả thực tế của công việc này. Có thể nói ta đầu tư khá nhiều cho các lớp chuyên toán, và cho việc tham gia các cuộc thi Olympic. Trong khi đó thì bản thân toán học của ta lâm vào một tình thế có thể mô tả là “bi hùng”: một mặt, đã có một lớp những nhà toán học tài năng, đại diện xứng đáng cho đất nước trên quốc tế, nhưng tuổi trung bình của lớp người này đã xấp xỉ 50, và hầu hết họ chưa từng đoạt giải trong các cuộc thi Olympic, còn lại sau họ là một khoảng trống đáng sợ, nói lên rằng nếu tình hình này tiếp diễn thì trong những năm tới toán học VN đi dần đến suy sụp, chờ ngày bị xóa sổ. Mặt khác, việc giảng dạy toán ở VN, nhất là ở phổ thông đang lạc hậu nghiêm trọng so với thế giới. Trong khi đó ở những nước quanh ta, quang cảnh ngược lại đang diễn ra: họ ít hay không có thành tích thi Olympic quốc tế, nhưng họ đang có nhiều nhà toán học trẻ, mà một số đang làm việc say sưa và khá sung sức, việc giảng dạy toán học của họ ở các cấp học có quy củ, và chất lượng được nâng lên liên tục. Ai sẽ hơn ai sắp tới đây? Cho nên tôi thà đổi tất cả các giải thưởng Olympic để lấy một đội ngũ những người làm toán trẻ, có khả năng, có tâm huyết, năng động và thật sự vì đất nước, vì khoa học mà cống hiến, còn hơn có nhiều người đoạt giải cao mà sau đó mất hút hẳn hoặc trở thành những nhà toán học mờ nhạt.

- Cuối cùng, theo GS, việc cải tổ đại học Việt Nam nên bắt đầu từ đâu?

- Theo tôi nên bắt đầu từ tổ chức và quản lý. Tình trạng hiện nay là tổ chức thì lôm côm mà quản lý quá tập trung, cái gì bộ cũng muốn quản, muốn tự quyết định, nên không làm sao quản cho tốt, và nhiều quyết định đưa ra hoặc sai lầm hoặc không khả thi. Các đại học đều có nhiều người giỏi, biết việc, lại bị bó tay bởi những quy định kỳ quặc, nhiều việc họ biết là sai vẫn phải chấp hành, biết đúng vẫn không làm được, v.v... Dù cho các nhà quản lý là những nhà khoa học lớn có tài quản lý cũng không thể quản lý tập trung bấy nhiêu đại học trong cả nước, huống chi ta đâu có những nhà quản lý như vậy. Cho nên một việc đầu tiên cần làm là chỉnh đốn bộ máy quản lý, bao gồm cả việc mở rộng quyền tự quản của các đại học, trước hết là các đại học lớn. Thứ hai là giải quyết những vấn đề cấp bách nhất nhằm đưa giáo dục đại học vào quy củ về các mặt: tuyển sinh, đánh giá, chế độ giảng dạy, nề nếp học tập, theo hướng nhích dần đến hiện đại. Thứ ba là tổ chức lại hệ thống đại học cho phù hợp yêu cầu tình hình mới, đảm bảo một mặt tiếp tục phát triển mạnh số lượng, một mặt chỉnh đốn chất lượng ở mấy trường trọng điểm và bậc sau đại học. Một núi vấn đề phải làm, không có một bộ tham mưu đủ trình độ và năng lực thì không làm nổi, thậm chí có thể gây rối thêm.

- Xin cám ơn giáo sư.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: