Khoa học về sự sáng tạo
Đã có nhiều nguyên nhân được nêu ra về tình trạng học sinh bỏ học, không hứng thú học, song có một nguyên nhân ít được nhắc tới đó là việc coi thường tâm lý "thích sáng tạo" của học sinh, chỉ lo nhồi nhét kiến thức.
Đã từ lâu, ngành giáo dục chủ trương đổi mới cách dạy, cách học nhưng kết quả đạt được chưa cao. Mà nguyên nhân sâu xa là ở chỗ, yêu cầu giáo viên rèn óc thông minh sáng tạo cho học trò nhưng lại không trang bị cho giáo viên khoa học về sự sáng tạo. Khoa học về sự thông minh nảy sinh qua việc dạy cho học sinh biết cách phân tích, tổng hợp, suy diễn. Nhưng như thế là chưa đủ khi thiếu những bài học yêu cầu về sự sáng tạo. Ngay ở các kỳ thi toán quốc tế, thí sinh giải những bài toán khó trong đó đã cho biết giả thiết và kết luận, thí sinh chỉ phải tìm ra cách suy diễn từ giả thiết và kết luận. Tư duy của họ giống như một con chim trong lồng, có thể nhảy nhót nhưng không ra khỏi lồng. Cái lồng đây chính là đề bài. Dĩ nhiên, rèn được óc thông minh cũng tốt và không dễ, nhưng thời đại ngày nay đòi hỏi sự sáng tạo, nhất là với những nước còn nghèo như nước ta để đuổi kịp rồi vượt lên so với các nước khác.
Vậy ngành giáo dục phải làm gì? Phải làm sao sớm có khoa học về sự sáng tạo, để không còn "kêu gọi" dạy và học sáng tạo chung chung nữa? Hiện nay, còn nhiều nhận thức cảm tính không đúng xung quanh hai chữ "sáng tạo". Ví như cho rằng phải dạy thật tốt, học thật tốt, chờ cho học sinh có nhiều kiến thức rồi mới dạy sáng tạo, học sáng tạo. Đành rằng nhiều kiến thức là một thuận lợi cho sự sáng tạo nhưng không nhất thiết người nhiều kiến thức hơn thì sáng tạo hơn người ít kiến thức, vì đặc điểm của "sáng tạo" là có thể xuất hiện ở những người có trình độ học vấn rất khác nhau.
Từ trước đến nay, ngành giáo duc chỉ đưa công tác nghiên cứu khoa học vào các trường đại học mà không đưa vào các trường phổ thông. Trước đây, Trường Đại học sư phạm Hà Nội đã chủ trương sử dụng học sinh phổ thông trung học làm cộng tác viên cho các đề tài nghiên cứu khoa học và đã gặt hái được những thành công. Qua đó thấy nổi lên hai sức mạnh lâu nay bị bỏ phí:
Một là sức mạnh liên kết bộ ba: đại học, phổ thông, cuộc sống. Cả ba đều có lợi vì đại học được nối thêm tay, thêm óc của đông đảo học sinh phổ thông, phổ thông được tiếp xúc với một hình thức học rất tiến bộ có tác dụng nhiều trong việc rèn luyện tác phong công nghiệp và tư duy sáng tạo, cuộc sống có thêm lực lượng học sinh để chuyển giao công nghệ từ một cơ quan khoa học vào cuộc sống.
Hai là "tâm lý thích sáng tạo" của con người. Ngẫm ra, đã là con người thì ai cũng chán khi phải kéo dài mãi một việc mà không hề có đổi mới. Ngay ở lứa tuổi mẫu giáo, các cháu cũng đã bộc lộ rõ tâm lý đó: cho các cháu một đồ chơi dù hay, dù đẹp đến mấy, chơi mãi rồi cũng chán. Khi đó các cháu sẽ bày ra những đồ chơi, cách chơi do các cháu tự nghĩ ra. Ngày nay, nhiều người nói đến việc học sinh bỏ học, chán học, không hứng thú học và chỉ ra nhiều nguyên nhân mà quên nguyên nhân cốt lõi là coi thường tâm lý "thích sáng tạo" của học sinh, chỉ lo nhồi nhét kiến thức.
Vậy, phải xây dựng được một khoa học về sáng tạo để chỉ đạo việc dạy và học sáng tạo. Muốn vậy phải có một sự nhất trí cao và một quyết tâm lớn để xây dựng một lộ trình thích hợp. Về bước đi thì bước đầu có thể giao cho hai trường Đại học sư phạm trọng điểm mở màn. Về bộ môn thì trước hết hãy triển khai với môn Toán bởi hai lẽ: một là loài người đã thừa nhận "toán học là thể dục của trí não"; nó đòi hỏi sự chính xác nghiêm ngặt nên dễ phát hiện ra những sai sót mà ở môn khác có thể bỏ qua; hai là toán học không cần trang thiết bị gì (ngày nay, có thể đôi khi cần đến máy tính điện tử).
Mỗi học sinh như một cây non. Nếu đem trồng ngoài trời thì nó có thể trở thành cây đại thụ, nhưng nếu đem trồng trong chậu cảnh thì nó sẽ chỉ là cây cảnh. Chính cái chậu cảnh đã ngăn không cho cây non trở thành cây đại thụ. Cách dạy truyền thụ một chiều, nhồi nhét chính là những chậu cảnh. Nên phá các chậu cảnh đi và cách phá tốt nhất là đưa sáng tạo vào các trường học một cách bài bản, khoa học.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005