Học để thi hay học để làm, học để sáng tạo?

03:51 CH @ Chủ Nhật - 11 Tháng Giêng, 2004

Một nền giáo dục ĐH chỉ được xem thành công khi nền giáo dục ấy đóng góp cho xã hội những cá nhân có đầy đủ trí và lực, đáp ứng được những nhu cầu về lao động trình độ cao và nghiên cứu khoa học nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội...

Có nghĩa là những “sản phẩm” của nền giáo dục phải là những con người có một “đầu óc minh mẫn trong một cơ thể khỏe mạnh”, bởi nếu không như thế thì nền giáo dục chỉ cung cấp cho xã hội những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn và do đó, “người tiêu dùng” tức là xã hội nói chung cũng như các cơ quan, xí nghiệp nói riêng sẽ không thể sử dụng đến.

75% người tìm việc có trình độ ĐH, CĐ

Nhìn vào hiện trạng của các “sản phẩm” của nền giáo dục CĐ-ĐH hiện nay có thể thấy rằng, hình như xã hội “không mê” các sản phẩm này. Sở dĩ có thể nói như thế là bởi vì qua một cuộc thống kê nho nhỏ về trình độ của những người tìm việc làm ở một tờ báo TPHCM trong tháng 3-2003 thấy được những con số quá giật mình về trình độ học vấn của những ứng viên tìm việc.

Cụ thể là trong tổng số 115 ứng viên tìm việc, có đến 62 người có trình độ ĐH (cử nhân, kỹ sư), tức chiếm 54%; có 24 người có trình độ CĐ, tức 21% và số người có trình độ trung cấp hoặc dưới trung cấp là 29 người, chiếm 25%.

Nếu chúng ta gộp những người có trình độ ĐH và CĐ làm một, tỉ lệ các ứng viên thuộc trình độ này chiếm đến 75% trong tổng số người tìm việc. Những con số như trên muốn nói với chúng ta điều gì?

Sản phẩm của nền giáo dục “khoa cử”

Trước khi trả lời, cũng cần đặt ra một câu hỏi khác là tại sao có nhiều người có trình độ CĐ-ĐH phải đi tìm việc như thế? Theo lẽ thường tình người ta hay nghĩ rằng, có học vấn càng cao càng có nhiều cơ hội có việc làm, thế nhưng nay câu chuyện hoàn toàn ngược lại: Học vấn càng cao càng phải đi tìm việc nhiều, càng thất nghiệp nhiều. Tại sao vậy?

Có rất nhiều lý do nhưng có một lý do đó là chất lượng của các lao động có trình độ ĐH chưa đáp ứng được các nhu cầu của nền sản xuất kinh tế công nghiệp tiên tiến hiện nay, bởi họ chỉ là sản phẩm của nền giáo dục “khoa cử”, rất mạnh về học để thi nhưng kém về “học để làm” và “học để sáng tạo”. Do đó mà từ lâu các “sản phẩm” của nền giáo dục ĐH của ta đã thường xuyên bị kêu ca là không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Chất lượng “sản phẩm” kém còn xuất phát từ nguyên nhân là “đầu vào” thí sinh có chất lượng không tốt mà rõ nhất là điểm thi đầu vào rất thấp. Ngay cả những người được trúng tuyển vào ĐH cũng chưa chắc đã học tốt, bởi hình thức và nội dung học ở ĐH khác xa hoàn toàn với hình thức và nội dung ở bậc học trung học.

Do đó không ai dám chắc rằng kỳ thi tuyển sinh ĐH là kỳ thi “chứng nhận” chính xác khả năng học ĐH của thí sinh, bởi có đến 62% sinh viên hiện nay có học lực trung bình, trong khi số sinh viên học xuất sắc và giỏi chỉ có 5,44% mà thôi. Vậy hy vọng gì ở “nguồn nhân lực chất lượng cao”, ở khả năng sáng tạo của sinh viên khi mà chất lượng đầu vào kém cỏi như thế?

Phải có những bước đi quyết liệt

Việc dư thừa lao động có trình độ học vấn cao còn cho thấy khả năng dự báo và chuẩn bị nguồn nhân lực cho tương lai của Bộ GD-ĐT là một điều cần bàn. Quả vậy, nếu có năng lực dự báo tốt người ta phải biết đâu là nhu cầu về các ngành nghề của nền kinh tế trong tương lai (phải dự báo được ít nhất là trong 10 năm tới) ngay từ khi đất nước mở cửa nền kinh tế để điều tiết đầu vào của các ngành học cho phù hợp và định hướng đúng cho các bạn học sinh trung học.

Số liệu trên đây khiến chúng ta phải nghĩ là phải chăng Bộ GD-ĐT chỉ quan tâm đến số lượng để nâng cao tỉ lệ người có trình độ ĐH trên đầu người hơn là quan tâm đào tạo ra để làm gì, giúp được gì cho sự phát triển của xã hội.

Bộ GD-ĐT phải có những bước đi quyết liệt và hợp lý hơn ngay từ bây giờ để nâng cao chất lượng cho nền GD-ĐT  của chúng ta.

Trình độ học vấn của các ứng viên tìm việc

Học vấn

 Số lượng

 Tỉ lệ %

 Đại học

 62

 54

 Cao đẳng

   24  

 21

 Trung cấp hoặc thấp hơn

  29 

 25

 Tổng

 115

 100

(Nguồn: Mục “Ứng viên tự giới thiệu” báo TTCN các số trong tháng  3-2003)

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung khác