Những trở ngại về tâm thức trong tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề
Nhiều thói quen của người lớn tuổi có thể ngăn cản sự thay đổi và tiến bộ do sáng tạo đem lại...
1. Định kiến.
Khi càng lớn tuổi thì càng có nhiều định kiến về mọi thứ. Những định kiến này thường làm cho chúng ta không nhìn nhận được thấu đáo những gì mà chúng ta đã biết hay tin tưởng là có thể xảy ra. Chúng ngăn cản sự thay đổi và tiến bộ.
Ví dụ 1: Làm thế nào để lắp ráp các bộ phận của máy bay được dễ dàng và chắc chắn hơn là sử dụng đinh tán? Giải pháp hiện đại là sử dụng keo để dính các bộ phận lại với nhau. Chúng ta có thể sẽ không nghĩ ra giải pháp này chính vì định kiến của chúng ta về quan niệm dùng keo dính. Nhưng có nhiều loại keo, và loại keo được sử dụng để gắn các phần của máy bay với nhau còn chắc chắn hơn cả phần kim loại của chính những bộ phận đó.
Ví dụ 2: Bằng cách nào có thể làm cho kính chống đạn có trọng lượng nhẹ hơn? Kính dày lại quá nặng. Câu trả lời là sử dụng plastic. Lại một lần nữa chúng ta có thành kiến về plastic. Nhưng một số loại plastic không mỏng mảnh một chút nào và được sử dụng để thay thế cho thép và kính chống đạn.
Ví dụ 3: Chế tạo ra loại vỏ tàu không bị gỉ hay mục giống như thép và gỗ. Giải pháp là sử dụng bê tông. Chúng ta luôn nghĩ rằng bê tông thì quá nặng. Vậy tại sao không làm cho bê tông nhẹ hơn? Đó là những gì cần phải thực hiện.
Ví dụ 4: Làm thế nào để chia miếng bánh thành hai phần bằng nhau cho hai đứa trẻ để chúng không thắc mắc là đứa kia được thiên vị hơn: “Mẹ đã cho em phần to hơn, mẹ quý em hơn rồi! Oaaa!” Giải pháp là hãy cứ để cho chúng tự chia bánh. Chúng ta luôn cho rằng bọn trẻ còn non nớt và ích kỷ nên không thể làm được việc đó. Nhưng biện pháp là để cho một đứa cắt bánh còn đứa kia sẽ chọn miếng bánh đầu tiên, mọi việc thế là ổn.
2. Quy định về chức năng.
Đôi khi chúng ta bắt đầu nhìn nhận về đối tượng nào đó chỉ về cái tên của nó hơn là những gì nó có thể thực hiện. Thế nên, chúng ta chỉ coi cái cây lau nhà như là một công cụ để lau sàn mà không nghĩ là nó có thể dùng để quét mạng nhện trên trần nhà, để lau ô tô, để tập aerobic, và để chặn cho cửa mở hay đóng, v.v.
Cũng có quy định chức năng về kinh doanh. Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 ngành đường sắt tự coi mình chỉ khu biệt trong phạm vi ngành đường sắt mà thôi. Khi ô tô và sau này là máy bay xuất hiện, đường sắt không còn thích nghi nữa. ”Đó không phải là việc của chúng tôi”, họ nói. Nhưng nếu họ tự nhìn nhận bản thân mình là những người làm kinh doanh về lĩnh vực giao thông hơn là làm về ngành đường sắt, họ đã có thể lợi dụng được cơ hội rất lớn.
Tương tự như vậy, khi điện thoại bắt đầu phát triển, một số công ty điện báo nói rằng: ”Đó không phải là công việc của chúng tôi, chúng tôi chỉ là công ty điện báo thôi”. Nhưng nếu họ nói: “Chúng tôi đang kinh doanh về lĩnh vực truyền thông, và đây là cách mới để chúng tôi tiếp cận”, thì họ sẽ lớn mạnh hơn là đã nằm chết bẹp rồi. Hãy so sánh Western Union với AT&T. Bạn đã bao giờ nghe nói về những công ty máy tính lớn Dietzgen hay Pickett chưa? Chưa ư? Vậy thì, đó vốn là những công ty lớn nhất tạo ra thước trượt để tính lôga. Nhưng khi máy tính điện tử bắt đầu phát triển, họ đã không biết được họ đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nào cả. Khi họ thực sự trong ngành kinh doanh máy tính rồi, họ vẫn nghĩ rằng đang kinh doanh thước lôga. Họ đã không theo kịp, không chấp nhận được thử thách của sự thay đổi và cơ hội, và họ đã thất bại.
Và cũng có quy định chức năng về con người. Hãy suy nghĩ một phút, bạn sẽ phản ứng như thế nào khi nhìn thấy người cắt cỏ thuê hay người thợ sửa ô tô của mình ở chương trình quảng cáo sách trên truyền hình.
Sự rập khuôn thậm chí có thể là một hình thức của quy định chức năng - có bao nhiêu người sẽ cười nhạo một cô gái tóc vàng hoe đang viện dẫn lời của Aristotle? Thông thường, chúng ta chỉ thừa nhận một phạm vi rất hẹp về thái độ và hành vi của người khác dựa trên khuynh hướng, thành kiến, sự quy kết nóng vội, hay sự trải nghiệm hạn chế trong quá khứ. Hãy nghĩ về những lời phát biểu đại loại như: “Tôi không thể tin được anh ta đã nói như vậy” hay “Cứ thử tưởng tượng việc làm của cô ấy xem” ... Nhưng hãy nhớ đến câu tục ngữ “Cuộc đời tôi không thể do anh định đoạt được”.
3. Không có sự giúp đỡ về tri thức.
Đây là cảm giác mà bạn không có công cụ, tri thức, vật chất, khả năng, để làm bất cứ việc gì, vì vậy bạn có thể sẽ không cố gắng. Chúng ta đã quen dựa vào người khác về hầu hết mọi thứ. Chúng ta cho rằng bản thân chúng ta thật nhỏ bé và hạn chế. Nhưng với điều này mọi người có thể hỗ trợ lẫn nhau.
Nếu bạn cần thông tin, thì đã có thư viện, cửa hàng sách, bạn bè, thày giáo, và tất nhiên là Internet.Và còn có địa chỉ, số điện thoại, và trang web của các cơ quan chính phủ cấp thành phố, tỉnh, và Nhà nước. Hiện có hàng ngàn cơ quan chính phủ sẵn sàng tiếp chuyện bạn. Liên lạc với người có trọng trách để yêu cầu được giúp đỡ về dự luật, thông tin và những vấn đề khó khăn. Liên hệ với nhà sản xuất để tìm hiểu thông tin về sản phẩm mà bạn muốn biết.
Nếu kiến thức về kỹ thuật của bạn còn nghèo nàn, bạn có thể học. Học cách nấu nướng, sử dụng công cụ, may quần áo, và sử dụng vi tính. Bạn có thể học cách làm mọi thứ mà bạn muốn. Tất cả những gì bạn cần là động lực thúc đẩy và tính dám làm. Giả dụ như bạn có thể học lái máy bay, lái xe tải, lặn biển hay sửa ô tô.
4. Trở ngại về tâm lý.
Một vài biện pháp không được cân nhắc hay bị từ chối đơn giản bởi vì phản ứng của chúng ta đối với chúng là không tốt. Nhưng chính những biện pháp không gây phản ứng tốt đó có thể lại hữu dụng nếu như chúng giải quyết tốt được vấn đề và cứu được cuộc đời bạn. Ăn thằn lằn và châu chấu nghe có vẻ ghê nhưng lại là một giải pháp tốt giúp bạn có thể sống sót được ở những vùng hoang vu.
Có lẽ quan trọng hơn cả là những gì thoạt đầu tưởng chừng là những ý tưởng không khả quan lại có thể đem lại những giải pháp hiệu quả hơn, nghiã là đã phủ nhận những lời chê bai ban đầu. Khi các bác sỹ nhận thấy một số người thổ dân sử dụng phần đầu của loài kiến khổng lồ để khâu vết thương, họ đã bắt chước kỹ thuật càng cua kẹp này để phát minh ra chiếc kẹp dùng trong phẫu thuật.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu