Vì sao học sinh Việt Nam không sáng tạo?
Có nhiều lý do được đưa ra. Có nhiều người cho rằng, do đặc tính thụ động trong tư duy của người Á Đông, bắt chước người khác thì tài tình nhưng không thể sáng tạo ra cái mới. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, chính nền văn hoá và giáo dục của chúng ta đã làm thui chột khả năng sáng tạo của học sinh.
Lật lại lịch sử, từ thế kỷ 16 trở đi, người châu Âu không quản ngại nguy hiểm đi khai phá các vùng đất mới. Họ tìm ra châu Mỹ, châu Úc rồi ồ ạt đưa người sang khai thác, lập nghiệp. Kết quả là các dân tộc này giàu có lên, khoa học kỹ thuật phát triển, đời sống mọi mặt được nâng cao.
Trong khi đó, ông bà chúng ta bình yên trong luỹ tre làng, cố học thuộc Tứ thư, Ngũ kinh, học những tích xưa sử cũ đâu đâu bên Trung Quốc, thi thố từ chương để một ngày được “vinh quy bái tổ”, mơ đến những giấc mộng của thời Nghiêu, Thuấn thịnh trị xa xăm. Sự hạn hẹp về tầm nhìn, nền giáo dục lạc hậu đã đưa dần Việt Nam và các nước Á Đông tụt hậu xa so với các nước phương Tây, để rồi dần dần rơi vào ách thuộc địa.
Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu về nhân lực của nước nhà, chúng ta cũng đã có sự cải tiến rất nhiều về giáo dục và đào tạo. Hầu như chương trình sách giáo khoa của chúng ta so với các nước không khác là bao. Tuy nhiên, vấn đề lại là phương pháp giảng dạy.
Về các môn học tự nhiên như toán, lý, hoá, sinh..., các học sinh Việt Nam thường được học lý thuyết là chủ yếu. Chúng ta thường đổ lỗi cho sự nghèo nàn, lạc hậu của cơ sở vật chất, cơ sở thực hành thí nghiệm. “Làm sao có được cơ sở vật chất, cơ sở thực hành thí nghiệm hiện đại khi nền kinh tế nước nhà còn quá nhỏ để có thể trợ giúp đắc lực cho giáo dục như các nước phát triển?”
Nhưng chúng ta có thể chủ động sáng tạo ra các phương tiện cho riêng mình. Hơn nữa, những kiến thức mà chúng ta được học ngày nay là sự đúc kết các thí nghiệm từ lâu lắm, mà khi đó, người phát minh ra nó đã sử dụng những thiết bị lạc hậu. Chúng ta hoàn toàn có thể chủ động trong việc thực hành, thí nghiệm nếu chúng ta thực sự động não.
Về các môn khoa học xã hội, giáo viên thường “ép” học sinh học thuộc lòng, kể cả văn học – môn học sáng tạo trong ngôn ngữ. Học sinh thường được nghe kể về cách nhìn nhận, đánh giá một tác phẩm văn học nào đó theo ý chủ quan của thầy cô (mà thực ra cũng nằm trong cuốn hướng dẫn giảng dạy), rồi bê nguyên xi vào bài làm mà không hề có những nhận xét, đánh giá mới. Cô giáo bảo miêu tả một con gà, rồi đem bài văn cho cả lớp chép, và cả 40 học sinh trong bài văn của mình đều “nhà em có nuôi một con gà trống”, dù sự thật nhiều em chưa thấy con gà trống bao giờ.
Một ví dụ nữa, chúng ta thương khen cô Tấm dịu dàng, hiền lành, tốt bụng, và tất cả học sinh đều nghĩ như vậy. Rất hiếm em phát hiện ra cô Tấm cũng có những “cái không được” như kiểu “giặt mà không sạch, tao vạch mặt ra” hay đổ nước sôi cho Cám chết, rồi lại “cắt đầu làm mắm” một cách ghê rợn. Hoặc có phát hiện ra cũng không dám phát biểu, sợ bị điểm thấp, vì những quan điểm đó không có trong đáp án.
Chính lỗi giáo dục đó đã triệt tiêu sự sáng tạo của các em. Trong nhà trường, các học sinh – sinh viên có điểm cao thường là những em có trí nhớ cực tốt. Nhưng trí nhớ chỉ là một phần của sự thông minh. Khi lớn lên đi làm, các em còn phải đối mặt với nhiều vấn đề khác, đòi hỏi sự nhanh nhạy trong phán xét, trong tư duy, trong việc ra quyết định. Đặc biệt, họ phải luôn biết sáng tạo trong thế giới cạnh tranh không ngừng.
Giáo dục trước hết là phải cung cấp kiến thức và ươm mầm cho sự sáng tạo, vì mục đích sáng tạo ra nhiều của cải hơn cho xã hội tương lai.
Chúng ta đang cải cách giáo dục, nhưng nặng về cải cách hình thức thi cử, tách ra nhập vào của các trường, các viện, tìm cách bồi dưỡng học sinh giỏi, thi thố và tìm kiếm tài năng học sinh – sinh viên qua các kỳ thi gian khó đối với các em. Chỉ có một điều ta quên mất, học trò dù giỏi đến mấy mà không có óc sáng tạo thì cũng mãi chỉ là học trò mà thôi.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh BùiSách và doanh nghiệp: Đọc để phát triển
01/01/1900Tố Tâm