Giáo dục nhân cách sáng tạo và phát triển bền vững trong thời đại toàn cầu hóa
Nhân cách sáng tạo là một phẩm chất phát triển của con người, trong đó, con người, thông qua hoạt động sống của mình, tạo nên những giá trị tinh thần, giá trị vật chất có tính mới về chất đối với nhu cầu và lợi ích của sự phát triển xã hội. Bản chất con người vốn có khả năng sáng tạo, song, tiềm lực này có được "thực tế hóa" hay không, lại phụ thuộc vào điều kiện xã hội, giáo dục cộng đồng và ý thức cá nhân.
Nhân cách sáng tạo được hình thành trong quá trình con người lao động và hoạt động thực tiễn nói chung, cùng với sự tiếp nhận những thành tựu tiến bộ xã hội và giáo dục xã hội. Đồng thời, nhân cách sáng tạo cũng là năng lực tự phát triển của mỗi cá nhân con người, là khả năng "đổi mới" của nó được nảy sinh trong hoạt động thực tiễn, học hỏi xã hội và giáo dục nhà trường. Một nhân cách sáng tạo bao giờ cũng biết tự ý thức, chủ động và tích cực tạo nên một sản phẩm mới (tinh thần, vật chất), một "hiện thực mới", nhằm đáp ứng nhu cầu, lợi ích và mục đích đa dạng, ngày càng tăng của sự phát triển con người và xã hội. Bởi, xét tới cùng, như V.I.Lênin viết: "nghĩa là thế giới không thỏa mãn con người và con người quyết định biến đổi thế giới bằng hành động của mình"
Có thể nêu ra những nhân tố của nhân cách sáng tạo, bao gồm:
- Vốn tri thức mà xã hội đã tạo ra, tích lũy được đặc biệt là những tri thức khoa học tiên tiến, liên quan đến lĩnh vực sáng tạo mới hướng tới.
- Hoạt động thực tiễn dưới hình thức thực tiễn vật chất hoặc thực tiễn tinh thần. Năng lực nắm bắt và thực hành phương pháp "tạo ra hiện thực mới" từ vật liệu, nguyên liệu, tài liệu do chính hiện thực đã có và đang có cung cấp.
- Phẩm chất xã hộivà lý tưởng trong xã hội của chủ thể sáng tạo phù hợp với yêu cầu nhân văn hóa con người trong một đời sống cộng đồng đang hướng tới những giá trị, mục tiêu phát triển bền vững, nhằm thực hiện một xã hội "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", một thế giới tiến bộ, nhân văn.
Như thế, để có được nhân cách sáng tạo, con người không phải chỉ có nỗ lực cá nhân, mà còn phải được giáo dục, tức là có sự chuẩn bị, trang bị và hướng dẫn nhân cách trở thành nhân cách sáng tạo, con người sáng tạo. Có thể đưa ra đây những yêu cầu chủ yếu đối với hoạt động giáo dục hiện nay để "sản xuất" ra những nhân cách sáng tạo nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời đại toàn cầu hóa.
Cung cấp những tri thức nhiều mặt mang tính hiện đại do các thành tựu khoa học mà nhân loại hiện nay đã đem lại với tính cách là tài sản chung của mọi xã hội. Những tri thức khoa học này không chỉ là mảnh đất nuôi dưỡng trí tuệ con người, mà điều chủ yếu hơn, chúng là bàn đạp để mọi sáng tạo của cá nhân có thể nảy nở, cất cánh. Trong bức tranh sôi động và sinh động toàn cầu hóa hiện nay, khi mà mọi hoạt động của con người phải mang tính tri thức, thì sự sáng tạo với tính cách là động lực tối ưu của phát triển bền vững, tất yếu phải là sáng tạo tri thức, sáng tạo bằng trí tuệ tinh khôn nhất và hiệu quả nhất. Hiện nay, tri thức đang trở thành một loại tư liệu chủ yếu của sản xuất xã hội, khoa học, tri thức khoa học - sản phẩm sáng tạo của con người đang trở thành "lực lượng sản xuất trực tiếp", "lực lượng sản xuất độc lập", như C.Mác từng dự báo (C.Mác và Ph.Ăngghen, 1995, tập 4, tr. 187).
Bất cứ một sáng tạo nào cũng đều bắt nguồn từ thực tiễn, do thực tiễn quy định, thúc đẩy, đánh giá, kiểm chứng, định hướng và cuối cùng là hiện thực hóa mục đích của sáng tạo. Chính vì vậy, mọi nội dung hay mọi phương thức giáo dục đều phải được tồn tại trong thực tiễn. Một nhân cách sáng tạo phải được đào luyện trong thực tiễn mà nhân cách đó muốn tham gia bằng sự sáng tạo của mình. Quá trình hoạt động thực tiễn cũng chính là môi trường học tập để sáng tạo, thử nghiệm, thử thách sự sáng tạo và xác định mục tiêu của sáng tạo. Giáo dục khả năng nắm bắt thực tiễn và hoạt động thực tiễn là một yêu cầu, một nguyên tắc của giáo dục nhân cách sáng tạo.
Hoạt động sáng tạo là một tổng thể bao gồm cả phương thức, phương pháp sáng tạo tức là cách chuyển năng lực sáng tạo của chủ thể sáng tạo và tư liệu sáng tạo của cuộc sống hiện thực thành kết quả sáng tạo, sản phẩm sáng tạo. Nếu phương thức sáng tạo, phương pháp sáng tạo là một công cụ khoa học, thì việc giáo dục, đào tạo con người sử dụng công cụ đó có một ý nghĩa cần thiết và quan trọng. Tính quy định của giáo dục phương thức sáng tạo phương pháp sáng tạo là ở chỗ:
Chủ thể sáng tạo phải được trang bị các phương thức, phương pháp sáng tạo đã được xác định cùng với những nguyên tắc chung, nguyên lý phổ biến của chúng.
Chủ thể sáng tạo phải có năng lực lựa chọn phương thức sáng tạo, phương pháp sáng tạo sao cho phù hợp với đối tượng sáng tạo và mục tiêu sáng tạo.
Khả năng chủ quan của chủ thể sáng tạo phải làm chủ được phương thức, phương pháp sáng tạo có trong tay, đồng thời, tạo ra được những cái cần thiết chưa có trong chúng để có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cụ thể, riêng biệt do quá trình thực thi sáng tạo đặt ra.
Kỹ năng, kỹ xảo và công nghệ sử dụng phương thức sáng tạo, phương pháp sáng tạo là yêu cầu bắt buộc đối với mọi nhận thức và mọi hành động cụ thể trong quá trình sáng tạo. Rõ ràng là, việc giáo dục nhân cách sáng tạo bao gồm cả yêu cầu hoàn thiện nhân cách đó bằng các chỉ dẫn, hướng dẫn, định hướng đối với phương thức, phương pháp sáng tạo.
Như trên đã nêu, nhân cách sáng tạo là một hiện tượng xã hội, mang giá trị xã hội' nhất định, đồng thời cũng chịu sự qui định của xã hội. Một nhân cách sáng tạo chỉ thật sự hữu ích đối với đất nước, nhân dân và cộng đồng nhân loại, khi hoạt động thực tiễn và ý thức con người của nhân cách đó nhằm mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân, cho dân tộc, cho xã hội nói chung. Điều đó đòi hỏi một phẩm chất tư tưởng, tình cảm của nhân cách sáng tạo phải trong sáng, cao đẹp, một phẩm chất của con người XHCN. Ở đây, việc giáo dục con người có năng lực sáng tạo không thể tách rời việc giáo dục “đạo làm người", giáo dục nhân cách nhân văn, nhân cách "tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", nhân cách của "hiền tài , trong thời đại Hồ Chí Minh, nhân cách của một thành viên trong hệ thống nhân loại tiến bộ và nhân văn. Đồng thời, chính phẩm chất tích cực trên đây không chỉ là nền tảng vững chắc mà còn là động lực mạnh mẽ cho mọi sáng tạo đúng đắn, chân chính của con người. Cần lưu ý rằng, nội dung, mục đích của bất kỳ một sáng tạo nào cũng đều phải nhằm nhân văn hóa con người và xã hội, cải thiện môi trường sinh thái tự nhiên.
Nhân cách sáng tạo là nhân cánh tự chủ, tự ý thức và tự giác. Không có sự nỗ lực, chủ động và tích cực của cá nhân thì sẽ không có sự sáng tạo, sự tìm tòi cái mới tiến bộ hơn, giá trị hơn. Chính vì thế, giáo dục nhân cách sáng tạo là tạo ra mọi nhân tố mọi điều kiện để bản thân nhân cách sáng tạo tự chuyển hóa chúng thành năng lực cá nhân, thành khả năng bên trong, thành "do mình, của mình". Mọi sự áp đặt, giản đơn, máy móc, khô cứng trong giáo dục nhân cách sáng tạo là hoàn toàn xa lạ, phản tác dụng. Nói cách khác, đó là sự định hướng, chỉ đường, hỗ trợ, tạo mọi tiền đề cần thiết để chủ thể sáng tạo tự khẳng định "cái mới" của mình.
Để đáp ứng nhu cầu giáo dục nhân cách sáng tạo trong phát triển bền vững, ngành giáo dục và xã hội cần có những quan tâm và giải pháp tương ứng, nhằm tạo ra một "thế hệ vàng" phù hợp với dòng chảy phát triển nguồn nhân lực của dân tộc ta trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay.
Về nhận thức cũng như về chủ trương, chính sách, ngành giáo dục và đào tạo nên xem việc giáo dục nhân cách sáng tạo nằm trong tầm chiến lược con người, thuộc phạm vi hạt nhân của nguồn lực phát triển xã hội nói chung, của phát triển "trồng người" nói riêng. Một sự đầu tư thích đáng về nhiều mặt cho giáo dục nhân cách sáng tạo là một yêu cầu thực tiễn có giá trị cấp thiết và bền vững.
Hệ thống giáo dục và nhà trường, từ mẫu giáo đến đại học, sau đại học, cần tạo mọi điều kiện vật chất và tinh thần để có thể phát hiện, nuôi dưỡng, bồi dưỡng những nhân cách sáng tạo. Thừa nhận nhân cách sáng tạo là động lực tích cực, quan trọng của phát triển đất nước và hội nhập quốc tế cũng có nghĩa là thừa nhận rằng động lực đó phải do chính xã hội tạo ra, trong đó trước hết và chủ yếu là từ nhà trường, từ một nền giáo dục có tính tiên tiến về mặt khoa học và có tính nhân văn về mặt xã hội. Bởi vậy, nhà trường cần xem việc "đào tạo nhân cách sáng tạo" như là một quá trình được đầu tư hoàn chỉnh, vững chắc, khẩn trương và lâu dài.
Như mọi hoạt động giáo dục khác, hoạt động giáo dục nhân cách sáng tạo, với tính cách là một hình thái giáo dục xã hội, cần được xã hội hóa theo tinh thần đổi mới, định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế phát triển bền vững của thế giới tiến bộ hiện nay. Tính đặc thù của xã hội hóa giáo dục nhân cách sáng tạo là ở chỗ: tạo ra một "phong trào" dư luận xã hội, ý thức xã hội và hành động xã hội đối với giáo dục nhân cách sáng tạo, từ phát hiện, bồi dưỡng, khuyến khích đến sử dụng, khai thác, như một sự nghiệp và tài sản quốc gia, cùng với việc đưa đến cho nhân cách đó mọi điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để hình thành và phát triển.
Nhân cách sáng tạo là một trong những nguồn động lực nội sinh tối ưu của phát triển con người và xã hội. Giáo dục nhân cách sáng tạo cũng chính là con đường tạo dựng "thế hệ hiền tài" - "Hiền tài là nguyên khí quốc gia" (Thân Nhân Trung). Một nền giáo dục vì phát triển bền vững trong thời đại hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa cần xem việc giáo dục nhân cách sáng tạo là một nội dung quan trọng, một phương thức hiệu nghiệm, một thành tố thiết yếu để khẳng định giá trị của mình. Đó cũng là một yêu cầu đối với giáo dục của một quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
Công cuộc đổi mới toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng CNXH, thực hiện thắng lợi mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" đang đòi hỏi một nguồn lực sáng tạo mới. Đó là những sáng tạo trong hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, nghiên cứu khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, kỹ thuật, công nghệ, văn hóa thẩm mỹ, văn học, nghệ thuật, quản lý xã hội và hành chính sự vụ, thậm chí trong cả sinh hoạt thường nhật, vui chơi, giải trí...
Nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập, đào tạo công dân tri thức, tạo lập xã hội văn minh, văn hóa là những tiền đề trực tiếp cho "phong trào sáng tạo". Trên cơ sở này, nhà trường, giáo dục học đường, đang trở thành "trung tâm" và "hạt nhân" của việc đào tạo một "thế hệ sáng tạo" nhằm đáp ứng yêu cầu "tăng trưởng mọi mặt" của dân tộc ta trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa hiện nay. Vì thế, xã hội, ngành giáo dục, các cơ sở nghiên cứu khoa học, cần "Đào tạo, bồi dưỡng và phát huy mọi tiềm năng của đội ngũ trí thức để tạo nguồn lực trí tuệ và nhân tài cho đất nước", như cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH của Đảng đã xác định (Đảng Cộng sản Việt Nam, 1991, tr.7).
Quá trình phát triển bền vững, công cuộc đổi mới là một dòng chảy của tiến bộ hóa, nhân văn hóa con người và xã hội, trong đó phải đồng thời bảo đảm sự hài hòa, hoàn thiện mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng, giữa lợi ích xã hội và lợi ích tự nhiên, giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, trên mẫu số chung là sự song hành, thống nhất của sản xuất lợi ích (nền tảng. điều kiện) và hưởng thụ lợi ích (mục tiêu, tác nhân). "Quá trình lợi ích" này luôn luôn ở trong "thế vận động" theo chiều hướng ngày càng đa dạng và rộng mở hơn, sâu sắc và to lớn hơn, triệt để và hợp lý hơn. Điều đó đòi hỏi chủ thể, nhân cách sáng tạo, không ngừng "làm mới mình", "sáng tạo lại mình", nhằm "tái sáng tạo" những thành tựu mới, những hiệu quả mới đối với “lợi ích". Đây cũng chính là nguồn động lực chủ yếu, tất yếu và khách quan của sự phát triển bền vững cùng với lợi ích mà nó đem lại cho mỗi con người và toàn xã hội.
Để "bắt kịp" các nước đi trước, ta không chỉ học hỏi, tiếp nhận những thành tựu sáng tạo đang được ứng dụng ở các nước phát triển, mà điều chủ yếu hơn là, phải tự tìm lấy con đường đi riêng cho sự sáng tạo do mình, vì mình, tức là "của mình". Chính con đường tự sáng tạo của mỗi người, của mọi tài năng và của toàn xã hội trong hoạt động thực tiễn là giải pháp hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất đối với sự phát triển bền vững của đất nước ta hiện nay.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường