Tham nhũng dưới góc nhìn tâm lý xã hội
Ở đâu có chính quyền, có quyền lực, ở đó có nguy cơ tham nhũng, lạm quyền vì tư lợi.
Tham nhũng, là biểu hiện nguy hiểm nhất của sự tha hoá quyền lực, sự thoái hoá, biến chất của công chức đó là “quốc nạn” của cả dân tộc. Đã hàng chục năm nay nhiều biện pháp đã được vạch ra, nhiều cơ quan đã được thành lập để phòng và chống tham nhũng.
Các nhà hoạch định còn dự kiến đưa nội dung phòng, chống tham nhũng, vào chương trình giáo dục cho học sinh; mở các chuyên trang, chuyên mục và tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí... Tuy nhiên nhìn vào thực tế kết quả vẫn còn khiêm tốn, chưa xứng với công sức bỏ ra.
Ông Trương Tấn Sang trong hội nghị toàn quốc phòng chống tham nhũng vào tháng 2 vừa rồi đánh giá: chống tham nhũng mới chỉ đạt được một số kết quả bước đầu, tạo tiền đề cho các năm tiếp theo.
Đúng là chống tham nhũng mới đạt được “kết quả bước đầu”, kết quả “bước tiếp theo” còn đang đang ở phía trước. Vua Minh Mạng ngày xưa còn cho tham nhũng là giặc và chống tham nhũng như chống giặc. Ở “Tây”, họ đã mở cả Hội nghị chống tham nhũng. Năm ngoái, hội nghị này đã không thu được kết quả gì. Dự kiến cuối năm nay lại tiến hành.
Tuy nhiên ở “Tây” tham nhũng không “dày đặc” và không “phổ biến” như ở ta. Bất kỳ ngành nào, công việc nào, cứ có quyền, có tiền y như rằng có tham nhũng. Đến chuyện ủng hộ lũ lụt cho đồng bào, tiền Tết cho người nghèo, vậy mà cũng bớt xén, ăn chặn…
Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), có tới 1/3 tổng số tiền đầu tư vào các dự án thuộc khu vực nhà nước ở Châu Á bị thất thoát do tham nhũng. Tham tán ĐSQ Hà Lan Beng Van Loosdlecht trong một hội nghị về báo chí với vấn đề chống tham nhũng đã lo ngại: "Chúng tôi đang có cảm nhận là thế cờ chống tham nhũng đã đảo ngược, bị sai lệch. Con cá bé bị bắt, con cá to lại lọt lưới".
Tham nhũng đã được các nhà nghiên cứu nhìn nhận ở những góc độ khác nhau như công tác cán bộ; công tác tổ chức quản lý; công tác kiểm tra giám sát…có người còn nghiên cứu dưới góc độ đạo đức, lối sống…
Bây giờ thử đưa ra góc nhìn khác ở một số khía cạnh thuộc Tâm lý xã hội.
Tâm lý “nêu gương”
Người Việt ta có tính hay bắt chước “người khác làm được thì mình cũng làm được”, “con gà tức nhau tiếng gáy”, có khi còn đẩy xa hơn: người khác có mình cũng phải có.
Trong cuộc sống, học cái hay cái đẹp rất khó nhưng những cái dở lan rất nhanh. Đó chính là một nét tâm lý xã hội không thuận. Khi một cái sai không được chấn chỉnh nó sẽ biến tướng thành nhiều cái sai, thành những dạng thức còn ghê gớm hơn. Trong lĩnh liên quan đến đồng tiền bát gạo thì lại càng phức tạp.
Suy cho cùng tham nhũng rốt cuộc cũng chỉ nhằm đạt được ba lợi ích Quyền-Tiền- Tình. Có quyền thì có tiền, có tiền dẫn đề có quyền và có tình. Biến thái của ba phạm trù này thật khó lường, nhiều khi bất chấp tất cả đạo lý, luân lý, luật lệ. Cái gương mà cấp dưới nhìn lên cấp trên không phải là để học tập đạo đức, học tập đức tính tốt đẹp mà học tập cái cách anh làm ra đồng tiền thế nào.
Một dạo tại Thái Bình, khi một số cán bộ lợi dụng chức quyền để làm sai dẫn đến khiếu kiện kéo dài, người nông dân chua chát mỉa mai: “Cán bộ ở đây làm giàu rất giỏi chỉ một khóa mà có nhà cao cửa rộng, sao không phổ biến kinh nghiệm này cho nhân nhân?" Họ nói mỉa thế thôi chứ họ có quyền gì trong tay mà “làm giàu” theo kiểu đó.
Cán bộ trên làm được, cán bộ dưới cũng sẽ làm. Ở đây tâm lý “nêu gương” thể hiện rất rõ, người sau phải giỏi hơn người trước, anh làm giàu được tôi cũng làm giàu hơn anh. Và khi cái sai không được xử lý đến nơi đến chốn thì vết xe đó nó lặp lại ở những nấc thang mới, tinh vi hơn.
Ở đây vai trò cán bộ, vai trò của người đứng đầu là tấm gương để người dưới nhìn lên, người sau nhìn tới. Tính tác động của yếu tố tâm lý này rất quan trọng, điều chỉnh hành vi con người. Trên trong sạch, nghiêm chỉnh thì mới nói được dưới, mới xử lý được dưới. Chính Vua Minh Mệnh đã từng răn dạy, vua không trong sạch không giữ mình thì làm sao xử được quan lại.
Có người cho rằng, chống tham nhũng khó mà cũng không khó, phải bắt đầu từ những người đứng đầu. Người xưa chống tham nhũng cũng bắt đầu từ nóc, “nhà dột từ nóc dột xuống”. Khi những người đứng đầu nghiêm minh khẳng định “gáy” của mình sạch thì sẽ thấy yên tâm, sẽ mạnh tay làm bất cứ điều gì.
Dân gian vẫn thường có câu “xem gáy mình có sạch không mà nói người khác”. Đúng là “cán bộ nào phong trào đấy”.Vai trò nêu gương của người đứng đầu là quyết định. Khi Chủ nghĩa Mác- Lê nin nhấn mạnh vai trò của quần chúng nhân dân thì đồng thời cũng khẳng định vai trò của cá nhân người đứng đầu. Quần chúng muốn có sức mạnh thật sự phải có người đứng đầu tập hợp lại.
Tác động của tâm lý xã hội giống tác động “đôminô”. Nó có sức lan tỏa lớn, đôi khi có sức mạnh rất ghê gớm. Chúng ta thường hay nói yếu tố tâm lý bầy đàn, yếu tố bắt chước. Nó có cả hai mặt tốt-xấu. Nếu biết khơi gợi, biết thúc đẩy thì những mặt tích cực nổi lên, bằng không sẽ ngược lại.
Nếu người đứng đầu nào khi phạm sai lầm khuyết điểm, đều bị xử lý nghiêm minh thì chắc chắn sẽ là tấm gương tày liếp cho những người kế tục. Chính tính tác động dây chuyền này sẽ tạo hiệu ứng tích cực, lạị là tấm gương cho cấp dưới để mà răn mình, để mà giữ mình.
Tâm lý hoàn vốn hay tâm lý nhiệm kỳ
Nước nào cũng vậy, các chức vụ đều có nhiệm kỳ, nhưng tâm lý đi-ở của họ rất bình thường. ở các nước phát triển, chức quyền không phải là một nghề. Họ làm những việc khác nhau. Nhiều người không coi làm chính trị là một nghề. Nhưng ở một số nước phương Đông, không ít quan chức coi chính trị như một nghề để làm giàu nhanh hơn các nghề khác. Người làm nghề chính trị có khi theo đuổi nó cả đời.
Điều này hoàn toàn ngược lại với các nước Phương Tây. Trước khi làm chính trị họ đã là ông chủ, nghĩa là họ có một nghề. Chính vì vậy đi - ở đối với họ nhẹ như không. Đằng sau họ là cả những công ty, họ chẳng bao giờ thất nghiệp. Ta thấy một vị Bộ trưởng mắc một sai lầm nhỏ họ sẵn sàng từ chức. Nhật vừa qua là một thí dụ. Một cái ngáp dài làm mất thể diện dân tộc là họ từ chức.
Chính khía cạnh tâm lý “nghề chính trị” này làm cho chức quyền thêm đậm chất ly kỳ, và chuyện “mua quan bán tước” ở ta đã trở thành giai thoại từ ngày xửa, ngày xưa…
Bác Hồ đã từng nói, làm cán bộ là phục vụ nhân dân chứ không phải làm quan phát tài. Bác viết: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”. Bác đã nắm rất rõ yếu tố tâm lý này. Phải thừa nhận nhiều người làm cán bộ đúng như Bác Hồ nói: Phục vụ nhân dân. Trong các cuộc kháng chiến trước đây, yếu tố phục vụ nhân dân nổi lên rõ nhất.
Nhưng cũng chính Bác đã thấy một bộ phận cán bộ, công chức tha hóa, biến chất, lợi dụng được làm cán bộ, có chức quyền để hạch sách, để chiếm đoạt tiền của của nhân dân. Chúng ta đều biết trong lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang trong giai đoạn quyết liệt, Người vẫn dành thời gian để viết “Sửa đổi lề lối làm việc”. Bác đã nhìn thấy sự sa sút, sự biến chất của một bộ phận cán bộ đảng viên. Ngay trong di chúc Bác rất trăn trở vê vấn đề này.
Chúng ta còn nhớ, Bác viết từ năm 1965 đến năm 1969, nghĩa là trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Lúc ấy cả dân tộc dồn sức người sức của giải phóng miền Nam: “vì miền Nam ruột thịt”, thế mà Bác vẫn nhìn ra, vẫn phải cảnh báo và đòi hỏi khi thống nhất đất nước, việc đầu tiên là phải chỉnh đốn lại Đảng.
Cái đậm đặc tâm lý phương Đông ở khía cạnh này Bác là người hiểu hơn ai hết. Trong kháng chiến đã vậy, sau này khi thống nhất đất nước càng có điều kiện bộc lộ.
Ngày nay chúng ta đã nói nhiều đến các thứ chạy: “chạy chức, chạy quyền, chạy tiền, chạy tội”. Chuyện chạy chức thì đã trở thành giai thoại. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã khẳng định: “Bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng gia tăng; vẫn còn tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy tội”, “chạy bằng cấp”( Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXBCTQG, H.2006, tr.263.)”. Có lần, nói chuyện với Hội nghị về công tác cán bộ, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh nói rằng ông có nghe nói và cần phải làm rõ việc chạy chức chạy quyền.
Chạy chức nghĩa là phải bỏ tiền, có khi bỏ ra rất nhiều tiền. Ngày nay bỏ tiền ra để nhận được chức không phải cho oai, để “vênh vang với thiên hạ” mà phải là “phát tài” như Bác Hồ đã nói “làm quan phát tài”.
Chúng ta đều biết, đối với loại cán bộ không đủ năng lực phẩm chất, họ không dại gì khi bỏ tiền ra lại không thu được lợi gì, hoặc thua lỗ. Ở họ, việc làm vài nhiệm kỳ chắc là rất khó. Trong hoạt động thực tế, quần chúng nhân dân sẽ phát hiện ra năng lực và phẩm chất của họ. Vì vậy tư duy nhiệm kỳ, tư duy hoàn vốn là rất rõ. Đã bỏ tiền ra mua thì tất yếu phải hoàn lại vốn, nét tâm lý đấy trong cơ chế ngày nay càng bộc lộ rõ.
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Phó Ban tổ chức nói: Vì sao tệ chạy chức, chạy quyền nhiều người biết là không tốt nhưng vẫn cứ tìm mọi cách để chạy? Điều dễ hiểu, với những kẻ thoái hóa, biến chất không có năng lực, trình độ, không được tín nhiệm muốn có chức, có quyền thì phải “chạy” và khi đã có quyền thì lợi dụng quyền để kiếm được nhiều tiền. Họ đã tính sẵn một bài toán lợi nhuận về chạy chức, chạy quyền và cách chạy thì rất đa dạng.
Trong dân gian đã có câu phản ánh thực tế rất chua xót: “Nhất thân, nhì tiền, tam quyền, tứ chế”. Khi có người thân, có quyền thì việc chạy thông qua tình cảm bạn bè. Chưa phải thân quen thì công đoạn chạy công phu hơn, không ít trường hợp phải làm quen với vợ con thủ trưởng, thăm dò sở thích của vợ con thủ trưởng để đáp ứng, sau đó bắc cầu làm quen với thủ trưởng. Nhiều người biết và không đồng tình, song không phản ứng.
Như vậy, tệ chạy chức, chạy quyền do cả hai, ba phía: Người chạy, người đồng tình, người im lặng! Còn chạy chức, chạy quyền thì chất lượng đội ngũ cán bộ phục vụ cho sự nghiệp đổi mới không thể cao, nhân tài của đất nước dễ bị bỏ.
Thực hiện chế độ cán bộ chủ chốt không quá hai nhiệm kỳ là bước cần thiết, giảm tối đa tính trì trệ. Tuy nhiên nhiều người trong dạng “chạy” biết mình sẽ làm không quá một nhiệm kỳ nên từ đó sinh ra tâm lý “hoàn vốn”. Mà đã có loại tâm lý này họ bất chấp tất cả để có tiền.
Cái đau đớn của chúng ta là mỗi chức vụ sinh ra đều có một nội hàm nhất định để phục vụ nhân dân nhưng một bộ phận cán bộ lại lấy đó để “hành” nhân dân. Có người đã khái quát: Ở đâu có chính quyền, có quyền lực, ở đó có nguy cơ tham nhũng, lạm quyền vì tư lợi.
Đừng để cho những nét tâm lý trái ngược này gây tác hại là rào cản mà phải chặn đứng những dư chấn của nó. Bài học “nêu gương” hay “làm gương” không bao giờ xưa cũ. Trong kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ đã ký quyết định tử hình một cán bộ cao cấp trong quân đội đã tha hóa, biến chất. Đây là công việc “khó khăn” nhất như Người nói. Và tính nghiêm khắc quyết đoán của Bác là bài học “làm gương” cho những người “đang quá đà”, cảnh tỉnh họ, là liều thuốc “đắng” loại trừ tật bệnh, giúp cơ thể khỏe mạnh phục vụ cho kháng chiến kiến quốc thắng lợi.
Những căn bệnh trên đều bắt nguồn từ chất lượng cán bộ. Và tha hóa quyền lực là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Những yếu nhân này lúc đầu nhỏ lẻ nhưng do không triệt tận gốc nên trở thành một lực lượng. Chúng kéo bè kéo cánh, tự tung tự tác. Đó chính là những âm binh do chính chúng ta tạo ra. Nó ở bên cạnh, trong đời sống hàng ngày.
Không để “gương xấu” tác động, không để hành động xấu lôi kéo, triệt tiêu tư tưởng “làm quan phát tài” đòi hỏi phải có quyết tâm cao của toàn xã hội và bắt đầu từ người đứng đầu, đấy cũng chính là bước đột phá.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiNếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn