Phạm Quỳnh - Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932

06:52 SA @ Thứ Bảy - 08 Tháng Tám, 2009

1 -Lời giới thiệu "Phạm Quỳnh - Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 - 1932" - Phạm Toàn
2 -
Mục lục "Phạm Quỳnh - Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 - 1932"
3 - Rồi lịch sử cũng sẽ công bằng- Nhà văn Nguyên Ngọc - Báo Tuổi Trẻ
4 - Lịch sử sẽ công bằng với Phạm Quỳnh cha tôi- Nhạc sĩ Phạm Tuyên trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong


Lời giới thiệu

"Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 - 1932"

Không biết bởi cái duyên nào, nhạc sĩ Phạm Tuyên lại chọn Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây tại Hà Nội là địa chỉ duy nhất để trao những tập tiểu luận bằng tiếng Pháp do Phạm Quỳnh viết, tài sản sưu tập của gia đình và dòng họ, đã cho in một lần ở nước ngoài.

Thế rồi, Giám đốc và Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Đông Tây lại cho gọi tôi đến để giao việc tổ chức dịch, biên tập giới thiệu, sao cho có một bản thảo khá hoàn chỉnh cho bạn đọc Việt Nam đương thời.

Vốn là người ít học, lại là lần đầu tiên biên tập một công trình nhiều người cùng làm, nhất là lại nghĩ đến gánh nặng trách nhiệm với học giả đã quá cố và gia đình Ngài, mới đầu tôi hơi ngần ngại. Nhưng chỉ mới lướt qua vài ba bài viết của Phạm Quỳnh, những bài viết trong hơn mười năm mà năm cuối cũng đánh dấu năm tôi ra đời, tôi thấy mình sửng sốt và tiếc rẻ tự hỏi vì sao đến bây giờ mới biết tới những trang viết đó. Thế rồi chính tôi lại đã vội vã nói với các bạn gánh việc ở Trung tâm Đông Tây: “Hãy để đó cho tôi, đừng giao cho ai khác nữa đấy!”.

Hôm nay, công việc của các dịch giả đã xong, việc cùng nhau dò lại bản địch với bản gốc cũng xong, trong thời gian này nhiều lúc phải dừng lại không chóng vánh để tìm một cách diễn đạt sao cho xứng với những áng văn tuyệt diệu của Phạm Quỳnh dù là không viết bằng tiếng mẹ đẻ; sau một ngày chủ nhật hoàn toàn thanh thản, giờ đây kẻ học trò này trong lòng đầy một niềm tĩnh tâm xao xuyến, xin được mạnh dạn viết những lời giới thiệu gửi tới bạn đọc đương thời và luôn thể cũng là những lời khấn dùng tới một người thiên cổ.

Lòng yêu cái đẹp

Đọc Phạm Quỳnh cả bằng tiếng Việt lẫn bằng tiếng Pháp, cái ấn tượng đầu tiên sau đó còn tiếp tục đeo đuổi ta, ấy không chỉ là sự khâm phục chiều sâu bác học và tầm cao ái quốc của tác giả. Ấn tượng lớn hơn nữa, còn đáng yêu hơn nhiều, càng quyến rũ ta vô cùng, ấy là lòng yêu cái Đẹp của bậc chí sĩ đó.

Phạm Quỳnh - hiệu Thượng Chi, bút danh: Hoa Đường, Hồng Nhân - là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn (Việt Nam). Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu. Ông chủ trương chiến đấu bất bạo động nhưng không khoan nhượng cho chủ quyền độc lập, tự trị của Việt Nam, cho việc khôi phục quyền hành của Triều đình Huế trên cả ba kỳ (Bắc, Trung, Nam), chống lại sự bảo hộ của Pháp và kiên trì chủ trương chủ nghĩa quốc gia với thuyết Quân chủ lập hiến.

Các tác phẩm chính:

- Thượng Chi văn tập (5 tập) (Bộ Quốc gia giáo dục, Sài Gòn, 1962)
- Pháp du hành trình nhật ký (NXB Hội Nhà văn - H, 2004)
- Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 - 1932 (NXB Tri thức, H,2007)
- Một tháng ở Nam Kỳ
- Mười ngày ở Huế
- Luận giải về văn học và triết học (Nxb. Văn hoá Thông tin và Trung tâm văn hoá - ngôn ngữ Đông Tây xuất bản, H, 2003)
- Hoa Đường tùy bút

>> Trang tác giả: Phạm Quỳnh

Trong những bài bút ký viết bằng tiếng Việt cũng như trong những tiểu luận bằng tiếng Pháp, sự tiếp xúc đầu tiên của Phạm Quỳnh với đất nước của tổ tiên để lại, ấy là tiếp xúc với cái đẹp của một tổ quốc, một dân tộc, một nền văn hoá, một sức sống. Nhiều người cũng làm được điều này. Những điều gây bất ngờ cho ta, ấy là cái đẹp lạ: hiện ra ở những con người hết sức giản dị trong cuộc sống thường nhật. Trong bút ký kể chuyện Mười ngày ở Huế, dĩ nhiên là Huế mang vẻ đẹp thuyết phục qua cảnh trí và nhất là các lăng tẩm, nhưng khi nhìn vào con người Huế thì Phạm Quỳnh lại làm hiện lên không phải những mệ mang họ hoàng tộc dài lê thê, mà cái đẹp Huế được Phạm Quỳnh làm lộ diện trong những con người thuộc tầng lớp dưới của xã hội.

Những ngày ngao du trên sông Hương có một hình ảnh được khắc họa tỉ mỉ. Đấy là một người chồng:

Người chồng làm công việc kéo xe tay, anh dẫn chúng tôi vào thành phố, hoặc kéo xe cho chúng tôi khi cần. Khác với những người đồng sự ở Hà Nội, đó là một chàng trai rất lễ phép, dễ bảo, và tôi có thể nói, rất có giáo dục (*).

Còn đây là một chị vợ:

Chị vợ thì dịu dàng, sẵn sàng phục vụ, nấu ăn ngon - chị nấu cho chúng tôi những món cá tuyệt vời - thêm vào đó chị còn có một chất giọng rất tuyệt: ban đêm, lúc chèo thuyền, chị vẫn hát những bài hát buồn buồn mê hồn.

Để nói về những con người hết sức dễ thương, những “người bạn” mới của Phạm Quỳnh khác hẳn với những người ông vẫn tiếp xúc trong cái môi trường bác học của mình, một bài thơ chữ Hán với hơi hướng Đường thi đã được nhà viết tiểu luận sử dụng để tạo thành bức chân dung cho chúng ta treo và ngắm:

I

Tháng sáu, cái nóng nung ngập bầu trời.
Người người bức bối than vãn trong cảnh lò lửa này
Nhưng, trong khắp thế gian, lại có cặp vợ chồng sung sướng.
Trên con thuyền mong manh, họ trữ đầy trăng thanh, gió mát.

II

Chồng trên cạn, vợ dưới sông, họ sống đời ung dung tự tại
Chồng kéo xe, vợ khua chèo lướt chiếc thuyền tam bản.
Nhưng cả xe cả thuyền đều chẳng xứng chở nỗi buồn chia cắt
Đêm về, vợ lại gặp chồng trên con đò sông nước.

III

Nước chảy về Đông cản lại triều dâng
Sóng cuộn bùn lầy tràn đầy dòng sông.
Vợ bảo chồng:
Đừng như con nước khuấy bùn
Để thiếp ôm mặt khóc ròng đêm khuya

Xin đừng nghĩ nhà nho học Phạm Quỳnh lại đang định phong hoa tuyết nguyệt! Phạm Quỳnh hoàn toàn không có ý định giới thiệu thơ Đường luật của bạn mình. Phạm Quỳnh ý tứ dùng bài thơ kia để diễn tả một nỗi bất lực khi phải nói tới một điều không ai đủ sức diễn tả, ấy là cái tiếng hát trên sông Hương.

Thế rồi, bỗng nhiên có một giọng cất lên giữa cái im lặng vừa mới bị cuộc nói chuyện của chúng tôi làm vẩn đục. Đó là tiếng hát của cô lái đò trẻ. Có lẽ cảnh vật đẹp đẽ đã làm cô xúc động mà cô không biết, nên cô đã hát lên một khúc hát dân gian, quá du dương, quá dịu dàng đến nỗi nó như tiếng nói của thiên nhiên đã tự bật ra tự cái im lặng của không gian. Cô gái hát theo nhịp điệu của những điệu “hò mái nhì” . Nó dựa vào cách kéo dài giọng sao cho khúc hát theo được nhịp chuyển động của mái chèo. Cô lái đò hát rằng:

“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương”

Khi nghe khúc hát này, quá mộc mạc và đồng thời quá gợi cảm, đến nỗi ta như thực sự cảm nhận được tiếng vọng xa xa của tiếng chuông và tiếng gà gáy. Đó là những tiếng động duy nhất phù hợp với một cảnh vật như thế này, thực vậy, cảnh vật này đang thiếu vắng chúng, trong một phút giây, chúng tôi đã có cảm giác về một chất thơ đích thực. Chừng nào mà chúng tôi còn nghiêm khắc khi xét đoán những câu thơ bác học và phức tạp của các thi sĩ cổ và hiện đại, thì chừng ấy chúng tôi còn đồng ý với nhau để công nhận khúc hát quá mộc mạc này là sự sáng tạo tự nhiên của tâm hồn đại chúng. Cái giọng điệu sâu sắc và không thể xác định nổi này đã bộc lộ ra cái vốn thi ca của dân tộc ta.

Thế là ta đã hiểu: tình yêu cái đẹp ở Phạm Quỳnh là tình yêu khám phá cái đẹp của dân tộc, thể hiện ở những con người bình dân cụ thể, những người là dân tộc chứ không phải là những người nằm trong lòng dân tộc. Những con người lắm chữ nghĩa sẽ nói đó là một thái độ “dân tuý” (populiste). Tôi không muốn cãi lại, để còn có thời gian đọc chính những lời bộc bạch đáng yêu của Phạm Quỳnh.

Ôi! những đêm xứ Huế không thể quên, những đêm đắm say và nồng nàn sống dưới thuyền tam bản trên sông Hương, những đêm mê đắm ấy có lẽ sẽ chẳng bao giờ tôi được sống lại nữa!

Đã nhiều lần tôi quay trở lại Huế, cũng đã nhiều lần tôi lại dạo chơi bằng thuyền tam bản; tôi đã nghe cũng những khúc hát ấy, cũng thứ nhạc ấy, chúng đem lại cho tôi cũng sự quyến rũ hơi chút uể oải và buồn bã. Nhưng tôi đã không tìm lại được những xúc cảm mãnh liệt như cuộc du hành đầu tiên. Tuy thiên khung cảnh vẫn là cảnh xưa, vẫn là những ngọn đồi xa xa như xưa, vẫn là con sông xưa chảy giữa đôi bờ rợp bóng ngày xưa, vẫn là những con thuyền tam bản rải rác trên dòng nước lười biếng, vẫn là ngọn tháp mộng mơ chiếm lĩnh cái góc phong cảnh thân thuộc ngày xưa; vẫn là những bức tường cao của tòa thành cổ tự ngắm bóng mình trong hào nước đầy cỏ lác; tất cả như gợi một bức tranh tinh tế bằng mực Tàu, bức tranh làm thỏa mãn trí tưởng tượng của những thi nhân. Chỉ riêng một điều là những người bạn cũ chẳng có mặt ở đấy nữa. Họ đã phiêu bạt bốn phương trời, họ đã chia cách khỏi ta vì khoảng cách và vì tư tưởng. Còn tâm hồn cũng vậy, có lẽ nó đã mất đi sức mạnh cảm xúc; tiếp xúc với những thực tế gồ nghề của cuộc đời, sự rung động bên trong đã giảm, tâm hồn trở nên ít bay bổng, và than ôi! nó đã quá khôn ngoan. Chính vì vậy mà những cảm xúc đầu tiên ta nhận được, những cảm xúc dịu dàng nhất, sâu sắc nhất sẽ không bao giờ gặp lại với cùng cường độ như xưa, và những giờ phút bay bổng nhất của cuộc đời sẽ chỉ sống lại được qua kỷ niệm.

Dân tộc là cụ thể

Những dòng chữ bên trên không chỉ là của một nhà báo trẻ giàu cảm xúc!

Đó là những dòng chữ của một chí sĩ trẻ ngẫm nghĩ về đất nước mình, về dân tộc mình. Và ở đây, ta sẽ thấy “dân tộc”, “đất nước” đối với Phạm Quỳnh hoàn toàn không phải là những khái niệm khô khan học thuộc lòng theo sách vở cốt để giật lấy một mảnh bằng. Dân tộc là những con người cụ thể như cô lái đò bình dân kia, như tiếng hát có tự muôn đời kia, cả con người lẫn tiếng hát mãi mãi cứ làm say đắm lòng người.

Một khi ta hiểu cung cách suy nghĩ - từ đó mà hiểu một văn phong Phạm Quỳnh - ta sẽ thấy người viết chính luận đó có cái đầu óc đầy chất thơ, đầy chất tự tình: Phạm Quỳnh không có thói lớn tiếng dạy dỗ bạn đọc về tính dân tộc hoặc về tinh thần dân tộc, mà tác giả tâm sự với đôi chút u buồn của kẻ mất nước với bạn đọc:

Khi ta có được cái may mắn thuộc về một dân tộc có sau lưng mình hai mươi lăm thế kỷ lịch sử, thì trong những lúc thất vọng hay hoài nghi, sẽ là một khích lệ tuyệt diệu nếu biết nhớ lại thiên sử thi anh hùng dài lâu của tổ tiên và rút lấy từ trong các bài học của quá khứ những sức mạnh cần thiết để đối mặt với hiện tại và chuẩn bị cho tương lai.

Những suy ngẫm đó không chỉ phảng phất chút u buồn! Sau cơn mưa trời lại nắng, sau những phút u buồn là những nhận thức rành rọt về dân tộc, những con người...

… khát khao một nền độc lập mà họ chưa bao giờ có được đầy đủ và trọn vẹn, thường khi phải đeo đuổi nó như một ảo ảnh, chẳng bao giờ chùn bước trong cuộc đeo đuổi nền độc lập ấy qua bao nhiêu thăng trầm và thất bại, đôi lần đạt được nó trong những cuộc bùng phát ý chí thật đáng ngạc nhiên ở một chủng tộc vốn thụ động và uể oải, khi những nhân cách lớn như một Trần Hưng Đạo, một Lê Lợi, một Gia Long trong một lúc nào đó hội tụ được linh hồn dân tộc và bằng bản lĩnh mạnh mẽ của mình chế ngự được những tiềm lực vô thức và hỗn loạn.

Trong nỗi đau suy ngẫm, hoặc suy ngẫm trong nỗi đau, Phạm Quỳnh không thể không suy ngẫm về hiện trạng nước Nam thân yêu của dân tộc đang sống dưới “chế độ bảo hộ” của chính phủ Pháp. Xin tuỳ ý, ai muốn tiếp tục coi đoạn trích trong tiểu luận dưới đây là để “thuyết phục đồng bào cam chịu ách nô lệ” thì tuỳ, riêng tôi thì lại nghĩ đây chính là những suy ngẫm nói to thành lời trên trang viết:

Việc nước Pháp xâm chiếm đất nước này đã thành một điều định mệnh mang tính lịch sử; đối với chúng tôi, sự hiện diện của Pháp ở đây hiện nay đã trở thành một tất yếu chính trị.

Nguyên nhân vì đâu sự tất yếu này áp đặt được lên mỗi người, ta đều đã biết đầy đủ, và không cần phải nhắc lại. Nước Nam một thân một mình, suy yếu không thể đứng vững, không thể tự bảo toàn, tất sẽ rơi vào ách của một quốc gia khác có thể còn vụ lợi và tham lam hơn, như vậy sẽ mất đi thành quả mà nó đã gặt hái được từ sự tiếp xúc với Pháp, tới mức nước Pháp thành người bảo vệ tốt nhất cho nước Nam.

Phạm Quỳnh thấy rõ, thật vô ích khi bình phẩm về các thiệt hại hai bên gây ra cho nhau. Khi đã ở vào tình trạng đó, con người cả hai bên đều phải gánh một trách nhiệm nặng nề trước lịch sử.

Nhưng “vô ích” không có nghĩa là không đòi cho được một nền độc lập cho dân tộc theo cách thức thích hợp nhất có thể. Và Phạm Quỳnh đã đòi, đòi bằng cách dùng lý lẽ để thuyết phục vào lương tri con người.

Phạm Quỳnh cổ suý cho một chủ nghĩa dân tộc của nước Nam. Cái chủ nghĩa dân tộc đó không phải là sản phẩm tưởng tượng của một ai. Đó cũng không phải là cái chủ nghĩa dân tộc rộ lên “theo phong trào” tiếp theo sau cuộc Thế chiến thứ nhất. Cái chủ nghĩa dân tộc đó của người Nam vẫn từng tiềm ẩn trong lòng dân tộc này. Phạm Quỳnh nói rõ cho những người đang là đối tượng thuyết phục:

Thực ra thì tinh thần dân tộc luôn luôn mãnh liệt ở nước chúng tôi. Chỉ cần đọc lịch sử của chúng tôi là nhận thấy rằng, bất chấp danh nghĩa chư hầu của Trung Quốc, nhưng mỗi cuộc xâm lăng của Trung Quốc, mỗi một tác động tạo ảnh hưởng mới của Trung Quốc lên đất nước này, đều tạo nên một sự bùng nổ tinh thần dân tộc trong quảng đại quần chúng, và các vị vua chúa của chúng tôi đều biết khéo léo khai thác để giành lại giang sơn để đặt những nền móng cho một triều đại mới, hay là để khôi phục lại sự thống nhất đã bị lung lay vì các cuộc nội chiến.

Và Phạm Quỳnh nói rõ, tinh thần dân tộc đó vẫn tiếp tục kể cả trong khi người Pháp tiến hành vừa xâm chiếm vừa bình định, và cả sau khi người Pháp đã có hoà ước Patenôtre 1884 xác lập các quyền của họ ở Việt Nam .

Lịch sử thiết lập chế độ bảo hộ Pháp tại Trung Kỳ và Bắc Kỳ chỉ là một chuỗi các phong trào khởi nghĩa dưới các dạng khác nhau nhưng đều có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa rõ rệt.

Các cuộc đối kháng vũ trang với quân viễn chinh Pháp đã chấm dứt. Nhưng vẫn còn đó một tinh thần đấu tranh và một phương thức đấu tranh mới cho chủ nghĩa dân tộc của người Việt Nam:

Thực tế là giới trí thức nước Nam cho tới tận gần đây vẫn luôn thù dịch với trật tự mới”. Ban đầu họ đứng ngoài các cuộc nổi dậy do các thủ lĩnh băng đảng xuất thân bình dân phát động, nhưng rồi họ cũng cũng tham gia vào con đường cải cách kể từ sau khi Trung Quốc bị Nhật Bản đánh bại năm 1894. Những cuốn sách của các nhà cải cách Trung quốc như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu... đã ảnh hưởng sâu sắc lên giới trí thức cũ chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa trong suốt hai mươi năm, từ 1895 đến khoảng 1914. Lúc đó nhiều trí thức đã chạy sang Trung Quốc, Nhật Bản và tất cả các sự kiện xảy ra trong thời kỳ này, đặc biệt là các sự kiện năm 1897, 1908, 1913, đều có sự kích động ít nhiều trực tiếp của các trí thức lưu vong ở nước ngoài.

Khi chiến tranh thế giới thứ I sắp bùng nổ, số lượng các nhà nho này bắt đầu ít dần, do không còn người theo học sau khi Nho học và các kỳ thi lớn ba năm một lần bị bãi bỏ. Thay vào đó là một tầng lớp trí thức mới được đào tạo không theo lối Trung Quốc nữa, mà từ trường phái Châu Âu. Có người nghĩ rằng ngọn lửa ái quốc tích cực đã tắt cùng với những người Nho học cuối cùng. Nhưng hoàn toàn không phải như vậy. Giới trí thức mới đã tiếp nối trung thành các bậc cha chú của mình. Nhưng do thiếu kinh nghiệm chính trị, lại tin vào những lời hứa không tiếc lời trong các diễn văn hùng hồn của Toàn quyền Sarraut, họ đã bị hệ tư tưởng chiến tranh mà chúng ta đã nói ở trên cuốn đi. Thời hậu chiến đã mở mắt cho họ. Họ đã thấy rõ hơn hoàn cảnh của đất nước mình và đã tỏ ra một tinh thần dân tộc chủ nghĩa thậm chí còn hơn cả ở những người đi trước.

“Xích lại gần nhau”

Những sự thật lịch sử đấu tranh cho một chủ nghĩa dân tộc - một nền độc lập trọn vẹn - cùng với những thất bại còn hơn cả mức đau lòng đã dẫn Phạm Quỳnh đến một tư duy khác hẳn: đó là cuộc vận động cho một sự xích lại gần nhau giữa hai dân tộc Việt Nam và Pháp.

Trước hết, bằng một nhãn quan vừa độ lượng vừa thấu suốt, Phạm Quỳnh quy tội cho “con lịch sử”, nhưng quy tội thật khéo, có khi muốn lời chính người Pháp để người đọc những tiểu luận tiếng Pháp dễ tiếp thu hơn.

“Các dân tộc đụng chạm với nhau trước hết qua những con người cứng rắn nhất, háo danh nhất, hay những người xác quyết nhất trong việc áp đặt các học thuyết của mình và chỉ cho chứ không nhận, [...] không hề lấy sự bình đẳng trong các trao đổi làm đối tượng và vai trò của họ chẳng bao giờ là tôn trọng sự thư thái, tự do, các niềm tin hay những điều hay của những người khác. Nghị lực, tài năng, sự sáng suốt, lòng trung thành của họ đều nhằm tạo nên hay khai thác sự bất bình đẳng. Họ lao tâm tổn sức và thường hy sinh trong việc làm cho kẻ khác những gì họ không muốn kẻ khác làm cho mình. Mà ắt phải khinh bỉ con người, dù đôi khi không hề biết là mình làm như vậy, - và thậm chí với ý định tốt -, để có thể ra sức trừ khử họ hay quyến rũ họ. Khởi đầu là sự khinh bỉ. Không có quan hệ qua lại nào dễ dàng hơn và được thiết lập nhanh chóng hơn”.

Kết quả tất yếu là, trong quan hệ giữa các dân tộc Phương Tây và Phương Đông được xây dựng trên những cơ sở như vậy, dai dẳng một sự bất ổn mà tất cả những ý đồ tốt nhất cũng không sao xua tan được.

Phạm Quỳnh cũng mượn lời các học giả Phương Tây để nói tới “cơn điên rồ tập thể...” ấy.

Phạm Quỳnh kêu gọi hành động, và vạch hướng đi cho hành động:

Chúng tôi đã nói rằng tình hình có thể được cải thiện bằng một cố gắng thẳng thắn và thiện chí của cả hai bên. Cố gắng này phải chăng vượt quá khả năng của chúng ta? Chúng tôi không nghĩ thế. Trên thực tế, cũng giống như trong mọi việc khác, chỉ cần muốn là có thể. Nhưng cần phải muốn.

Vì vậy chúng tôi sẽ nói với những người Pháp và với người nước Nam nào mong muốn thực hiện sự hòa hợp rất nên làm này, một sự hòa hợp càng đáng thực hiện vì sự phồn thịnh của đất nước thân yêu chúng ta phụ thuộc vào nó:

- Hãy gắng xích lại gần nhau; bạn sẽ thấy việc đó là đúng. Cuộc chung sống của chúng ta sẽ dễ chịu hơn và có ích hơn. Dù thế nào chăng nữa thì nó cũng sẽ gạt bỏ được vô số điều hiểu lầm đang quấy rầy, đang làm hỏng và đôi khi thậm chí còn đầu độc cuộc chung sống này.

Với các đồng bào nước Nam của mình, chúng tôi sẽ nói:

- Quá khứ đã nằm im trong lịch sử. Nó như thế nào thì nó vẫn cứ như thế, không phụ thuộc vào bất cứ ai trong chúng ta để có thể khác đi. Hiện tại với những đòi hỏi của hiện tại, tương lai với những hy vọng của tương lai là đủ để chúng ta quan tâm. Không ích gì khi đả kích vào những điều đã xảy ra. Sự đô hộ của Pháp là một thực tế mà chúng ta không thể làm gì chống lại nó và chúng ta phải coi nó là một yếu tố. Hãy chấp nhận nó với tất cả các hậu quả của nó, và hãy tìm cách rút ra từ đó cái khả năng có lợi nhất.

Để làm được công việc xích lại gần nhau, Phạm Quỳnh không ngớt đi sâu vào công cuộc nghiên cứu những giá trị văn hoá muôn đời của người Việt Nam, rõ ràng là với ý đồ buộc người Pháp phải “sáng mắt ra” mà tôn trọng những giá trị không thể chối cãi ấy, từ đó mới có được bình đẳng thực sự giữa đôi bên. Phạm Quỳnh nhiều lần nhấn mạnh thái độ khước từ sự thương hại hạ cố của “mẫu quốc” với dân nước Nam có đời sống giản dị nhưng tâm linh thì mang đầy những giá trị văn hoá.

Nhưng Phạm Quỳnh không hoàn toàn nhắm mắt rung đùi thoả mãn với những gì dân tộc ta đã có. Phạm Quỳnh còn đau đáu những điều liên quan đến những yếu kém thực sự của người nước Nam. Phạm Quỳnh đi sâu vào học thuật để “huấn luyện” cả người nước Nam lẫn người Pháp có được những cơ sở triết học, đạo đức, nhân sinh của công cuộc xích lại gần nhau.

Trước hết, về triết học, Phạm Quỳnh thấy rõ được Việt Nam vốn theo Khổng nho. Nhưng Phạm Quỳnh cũng thấy rất rõ tính hời hợt ngay ở nhiều bậc “túc nho” nước nhà. Nên chi, khi ở Trung Hoa, khi chế độ dân quốc chiếm được quyền hành, đạo Khổng bị lăng nhục, “lão già” họ Khổng bị coi là lố bịch, thì Phạm Quỳnh vẫn nói, ở Việt Nam chỉ có một làn sóng dửng dưng thôi; Phạm Quỳnh viết với hành văn đầy giễu cợt:

Ở nước Nam, làn sóng mất tín nhiệm này đúng ra là một làn sóng dửng dưng. Bậc hiền triết ở Khúc Phụ mới đây còn đem lại sự sinh động cho toàn bộ đời sống đạo đức và tinh thần của đất nước này bằng những lời dạy và những châm ngôn của ông, nay trông có vẻ xa vời, thật xa vời trong không gian và trong thời gian. Và nếu gần đây, một nhà nho nước Nam, theo gót các đồng nghiệp của ông ta ở nước “Trung Hoa trẻ”, đã thử viết ra bản án Khổng Tử và Khổng giáo, thì hình như ông ta cũng chẳng mấy khiến độc giả chú ý; chẳng có ai tán đồng cũng chẳng ai phản đối, và tôi rất nghi rằng các bài báo của ông, tuy được viết với văn phong và tư liệu khá công phu, cũng có số người đọc ngang với mẩu tin bé tẹo nói về chiến công của chàng vô địch quần vợt được tất cả báo chí tiến bộ xếp lên hàng anh hùng dân tộc.

Hiểu rõ tình trạng học hành không đến đầu đến đũa của nhà nho nước mình, Phạm Quỳnh phải viết bài giải thích hệ thống triết học đó cho người Việt. Nhưng, là người luôn luôn bị ám ảnh vì tư tưởng “xích lại gần nhau” giữa người Pháp và người Nam, nên với quỹ thời gian hữu hạn của mình, Phạm Quỳnh bao giờ cũng một công hai việc, giải thích luôn cho người Pháp. Điều này giải thích vì sao lại có những tiểu luận triết học từ Khổng, đến Mạnh, rồi đến Mặc - nếu chỉ cần giải thích cho người Việt, Phạm Quỳnh đâu có rỗi hơi mà viết bằng tiếng Pháp?

Trên tinh thần đó, cách giải thích của Phạm Quỳnh tiến hành thành ba bước, nếu có thể nói như thế.

Bước thứ nhất là “khen ngợi” những yếu tố tích cực của đạo Khổng mà dân ta đã tiếp thu được. Theo nội dung này, nếu người Việt Nam muốn duy trì những tập tục vô hại (hoặc có lợi) nào đó, thì có thể dùng Khổng giáo để lý giải và chấp nhận (lễ Tết, thờ cúng gia tiên, tục chôn cất người chết, v.v...). Bước thứ hai là bổ sung cho Khổng Tử những quan điểm của Mạnh Tử, mà có lẽ theo Phạm Quỳnh, Mạnh sẽ giúp ích hơn cho công cuộc xích lại gần nhau giữa Pháp và Việt Nam. Nhưng phải đợi bước thứ ba nghiên cứu đạo Khổng, với việc bổ sung Mặc Địch- một gương mặt vĩ đại mà cả Tư Mã Thiên cũng bỏ qua một cách bất công, chỉ dành cho Mặc Địch chừng ba mươi chữ (!) - để nói rõ hơn về con đường hoà hợp nhau giữa nước Pháp và nước Nam.

Phạm Quỳnh khen ngợi Khổng Tử và đồng thời cũng khen ngợi hành xử của tập tục Việt Nam - lấy một chuyện gai góc nhất, thờ cúng người chết - tập tục đó được Phạm Quỳnh mượn người xưa mà lý giải thế này:

Theo Kinh Lễ lời nói sau đây là của Khổng Tử: “Coi người chết như là đã chết rồi thì sẽ là vô nhân. Chẳng nên làm thế. Nhưng coi họ như những người đang sống thì sẽ là vô lý. Chẳng nên làm thế”.

Và,

Như vậy không nên coi người chết như đã chết rồi, có nghĩa là không chăm nom gì đến họ nữa, quên bẵng luôn đi: cũng chẳng nên coi họ như còn sống, nghĩa là tin là họ còn sống thật. Đúng ra, họ sống bằng ký ức của chúng ta, bằng sự sống động, tính nồng nhiệt của cái tình cảm mà chúng ta gọi là đức hiếu đễ, biết tôn kính những người đã cho ta sự sống và ý thức, khiến cho họ còn tồn tại mãi, nuôi giữ ký ức về họ, truyền nối việc thờ cúng mãi mãi cho con cháu chúng ta, bằng cách đó tạo cho ta cái ảo tưởng, - một thứ ảo tưởng tốt lành, - về sự nối tiếp, về tính vĩnh hằng, tóm lại về sự bất tử, trong cuộc tồn sinh thoáng chốc, trong cõi thế gian biến ảo này.

Phải hiểu tình cảm sâu sắc của bậc hiền triết như vậy đấy.

Và rất khôn ngoan, khéo léo là cách Phạm Quỳnh ca ngợi cái sự tìm kiếm hạnh phúc, cái hạnh phúc tự nhiên của người Nam trong tục lễ tết.

Hạnh phúc! Ước mơ về hạnh phúc ám ảnh đầu óc và trí tưởng tượng của mọi người. Ở xứ sở này, mỗi lần năm mới đến, người ta lại nói đến hạnh phúc, lại mời gọi, lôi kéo nó đến, người ta lại hình tượng hoá nó bằng trăm nghìn kiểu khác nhau. Người ta ngợi ca nó trên các lời ghi và câu đối viết trên giấy điều trang trí các bức tường và các cánh cửa. Và vì màu đỏ là màu sắc đặc biệt của hạnh phúc, xác pháo đỏ và những cánh hoa đào màu hồng rải dày trên các sân nhà và các bàn thờ. Cả con người nữa cũng mang một diện mạo tươi cười, đon đả, một thái độ vui sướng như để cố níu giữ niềm hạnh phúc vốn rất mong mạnh và khó nắm bắt, giống như con chim vàng anh đậu trên cành liễu, cất tiếng hót một lúc và lại chuyền mất sang những cành khác. Và thật là vô cùng xúc động cái niềm hướng vọng ấy của cả dân tộc vươn với một cảnh sống tốt đẹp hơn mà họ mơ tưởng song chẳng phải bao giờ cũng đạt được.

Vì thế mà,

Tế là gì?Tết là tiếng gọi mênh mông của tất cả những người con của nước Nam, trong dịp đổi mới toàn bộ của đất trời và của muôn vật, gào lên niềm tin vào cuộc sống cùng niềm khát khao hạnh phúc và an vui của mình.

Đã uốn được cho họ Khổng cũng phải phục vụ cho đường lối xích lại gần nhau, Phạm Quỳnh đã viết những lời đúc kết vừa chân xác và lại vừa dạt dào tình cảm đối với Mạnh Tử và đặc biệt là với Mặc Địch, những con người, tuy Phạm Quỳnh không nói ra, nhưng thực sự được đánh giá là cao hơn hẳn họ Khổng.

Cao hơn hẳn, vì nó chính trị hớn và đạo đức hơn.

Cao hơn hẳn, vì nó thực dụng hơn và khả thi hơn.

Công cụ giáo dục

Những con người nhìn xa trông rộng của nước Nam bao giờ cũng thấy một điều rất căn bản này: tổ quốc có thể giành được độc lập (bằng vũ lực hoặc bằng con đường “xích lại gần nhau”) nhưng nền độc lập ấy sẽ không có mấy ý nghĩa một khi dân trí thấp. Cái dân trí thấp không phải là định mệnh của người Việt, mà nó là kết quả tích tụ từ bao đời, và cái dân trí thấp đó thậm chí là thuộc tính của ngay cái tầng lớp tinh hoa! Vì thế mà hai cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh thì kêu gọi chấn hưng dân trí. Vì thế mà các nhân sĩ Đông Kinh nghĩa thục một mặt thì ủng hộ sự kiện gọi bằng “Hà thành đầu độc” cũng như những cuộc nổi dậy ở các tỉnh, song lại chủ trương cái kế sách bền lâu ấy là mở trường phổ cập văn hoá hiện đại cho công chúng. Vì thế mà Hồ Chí Minh thì có thư gửi quốc dân đồng bào, nói rõ ngay khi mới giành được độc lập năm 1945 về ba loài giặc: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm.

Phạm Quỳnh cũng đau đáu một nỗi đau dân trí thấp ấy. Cả một đời Phạm Quỳnh là một đời không ngừng hoạt động thực tiễn và lý thuyết để thức tỉnh và nâng cao dân trí. Những hoạt động trong phạm vi Hội Khai trí tiễn đức, trong các trang báo Nam Phong, đều muốn lấy đó làm một làn gió mới của phương Nam nâng cao dân trí và đạo đúc của dân tộc này. Một mảng lý thuyết rất được Phạm Quỳnh suy tính.

Những lời Phạm Quỳnh viết cách nay gần một trăm năm mà sao vẫn thấy nó đương đại với chúng ta hôm nay, trong thập niên đầu của thế kỷ XXI - chỉ với một chút khác biệt ấy là dựa vào thiện chí khai sáng theo trách nhiệm bảo hộ của Pháp:

Nếu mục đích cao cả của mọi nền giáo dục là để đóng góp vào sự phát triển đầy đủ nhân cách con người, và nếu như nhân cách con người trước tiên bao giờ cũng phụ thuộc theo chủng tộc và môi trường, rồi sau mới phụ thuộc vào cái nền tảng nhân loại và phổ quát, là điều ở mọi thời đại và trong mọi đất nước đã cấu thành nên con người cụ thể, chính là cái đã tạo nên cơ sở của nền văn hóa Pháp, thì chúng tôi yêu cầu nền giáo dục Pháp hãy đào tạo nên những người nước Nam đích thực, những người nước Nam đầy đủ, và không phải là những một nửa hay những một phần tư người nước Nam.

Không phải là những dạng người nước Nam què quặt ấy, những người chỉ có mỗi cơ sở văn hóa phiến diện, sẽ phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp của nền văn minh Pháp trong đất nước chúng tôi như người ta thường vẫn nghĩ, và rằng chừng nào mà họ không nói được ngôn ngữ của đồng bào, thì làm cách gì mà họ gây được chút ảnh hưởng nào đó với đồng bào mình kia chứ?

Chỉ có những người nước Nam hoàn chỉnh, nếu tôi có thể nói như vậy, bắt đầu nghiên cứu khoa học và bắt đầu nghiên cứu văn minh hiện đại, luôn luôn gắn bó với ngôn ngữ và truyền thống của đất nước họ, thì mới có thể phục vụ đắc lực nhất Tổ quốc mình và nước Pháp.

Đó là đường lối chiến lược. Cụ thể hoá ra một bước, Phạm Quỳnh đề xuất một hướng đi kèm theo một cách làm hết sức hành dụng:

Cần phải làm gì để đào tạo những con người như vậy?

Cần phải có một nền giáo dục tiểu học tốt, dạy bằng tiếng nước Nam, xin mở ngoặc, tiếng nước Nam hoàn toàn có khả năng cung cấp một nền giáo dục như vậy. Nền giáo dục này sẽ là cơ sở cho mọi công cuộc giáo dục khác. Chỉ khi học xong tiểu học người ta mới sẽ tiến thành việc chọn lựa nghiêm túc; đối với những chủ thể tinh hoa có khả năng đẩy xa hơn việc học tập, ta sẽ dạy tiếng Pháp như ngoại ngữ thứ nhất để chuẩn bị cho họ theo học những trường trung học, kĩ thuật hay cao đẳng ở Đông Dương và ở Pháp. Những người này, khi học xong, sẽ là những người có năng lực tốt nhất thông qua cơ sở giáo dục tiểu học và quốc gia mà họ đã thu nhận được, nó làm họ gần gũi với đồng bào của họ, để rồi sẽ dẫn dắt những người này tới nền văn hóa mới.

Bởi lẽ, và đó cũng hãy còn là điều lẫn lộn và một nhầm lẫn cần xóa bỏ, ngôn ngữ là một chuyện và văn hóa lại là một chuyện khác, không nhất thiết cần phải biết tiếng Pháp để có được văn hóa Pháp; văn hóa này có thể được chuyển nhanh chóng hơn và cũng hiệu quả hơn bằng phương tiện truyền bá nhờ ngôn ngữ dân tộc.

Bằng hệ thống giáo dục đã được khuyến nghị như trên, mọi người nước Nam học xong những trường Pháp sẽ đủ khả năng phổ cập hoá rồi phổ biến rộng rãi bằng phương tiện ngôn ngữ dân tộc những tri thức mà anh ta có được bằng tiếng Pháp thay cho cách làm vào lúc này là chỉ có một thứ giải pháp đào tạo từ thấp lên cao những người đồng hương trẻ tuổi của chúng tôi, giải pháp này có khuynh hướng tách hoàn toàn những người trẻ tuổi này ra khỏi môi trường của họ.

Phạm Quỳnh đã đi đến đường lối đó chắc hẳn không dễ dàng. Vì vào thời đó, cũng có những “phương án” khác, trong đó có phương án dựa vào Nhật Bản để chấn hưng dân trí. Phạm Quỳnh đã đem suy nghĩ về Nhật Bản trong sự suy nghĩ về mối tương quan giữa Đông và Tây, chắc hẳn để tính toán xem đó có thể là chỗ dựa không:

[…] đúng là sự khác biệt cơ bản chia cách Phương Đông và Phương Tây, Châu Á và Châu Âu. Một phía, là niềm say mê cái tuyệt đối và cái toàn thể, phiá kia, chú ý vào cái ngẫu nhiên và cái riêng biệt. Chỉ cần rút ra từ đó tất cả các hệ quả để khắc họa nên những nét chính của các nền văn minh Phương Tây và Phương Đông. Đắm mình trong chiêm ngưỡng cái Lý tưởng, chăm chăm vào cuộc tìm kiếm và đuổi theo cái Tuyệt đối, Phương Đông đã đông cứng lại trong sự phát triển của mình, dửng dưng với tất cả những tiến bộ của thế giới bên ngoài. Không đủ sức chống lại các bộ lạc du mục man dã xâm chiếm đất nước mình (người Hun, người Mông Cổ, người Tác-ta), rất nhiều lần họ đã để cho chúng tràn ngập và mỗi lần như vậy lại rơi vào cảnh phụ thuộc nhục nhã, cuối cùng tạo nên “một sự rối loạn về trí tuệ, một nỗi kinh hoàng tinh thần” mà các dân tộc của họ không bao giờ có thể hoàn hoàn bình phục được.

Chỉ có Nhật Bản, nhờ hoàn cảnh đảo quốc của mình và cũng nhờ ý chí của dân mình, tránh được các cuộc xâm lược ấy, và trong thời điểm quyết định đã có thể tập trung được toàn bộ sức mạnh mới mẻ và nguyên vẹn của mình cho công cuộc biến đổi và thích ứng, đưa nước Nhật lên cao đến thế trong hàng thứ bậc các quốc gia hiện đại.

Ôi, Phạm Quỳnh, con người lúc nào cũng yêu cái đẹp, và vì yêu cái đẹp mà yêu những con người đang sóng và sắp sinh ra để sống mãi mãi trên cái mảnh giang sơn gấm vóc này, và con người yêu cái đẹp ấy không thể nào không là con người của ảo tưởng, Phạm Quỳnh đành quay về chỗ dựa còn lại duy nhất add augusta per angusra - đành lòng với “mục tiêu huy hoàng, khắc phục vô vàn chuyện nhỏ nhen”, như người xua đã nói vậy – để vỗ về Mẫu quốc như thế này đây:

Công cuộc cải cách này không khó lắm, và Chính phủ Bảo hộ chắc chắn sẽ quan tâm để thực hiện điều đó khi chính phủ hiểu ra tầm quan trọng gắn với chuyện này.

Nhưng ta không thể chỉ thoả mãn với việc đào tạo thích hợp những người nước Nam có khả năng hiểu rõ tư tưởng và văn minh Pháp và đưa họ đi khắp nơi, sống giữa đồng bào của họ. Cũng mong rằng có nhiều người Pháp quan tâm tới sự phát triển của chúng tôi, với không thành kiến nào họ sẽ nghiên cứu ngôn ngữ, văn chương, lịch sử, nền văn minh của chúng tôi. Nói tóm lại, cũng mong rằng, về phía người Pháp ở nước Pháp và ở Đông Dương, sẽ bớt đi sự thờ ơ, và nhiều thêm sự tò mò tích cực và thiện cảm đối với mọi sản phẩm tinh thần và tư tưởng của người nước Nam.

Chính vì vậy nên chúng tôi thực hiện, đối với cả hai phía, cái chính sách cộng tác và liên kết mà những con người nổi tiếng vẫn thường công bố bằng những lời khá là hùng biện, những con người nổi tiếng đó, cho đến nay, vẫn gánh ở trên vai trách nhiệm đối với số phận của đất nước tôi.

Và người đầy ảo tưởng mộng mị thì thường vẫn nghĩ mình sáng suốt sau khi đã “phân tích khách quan khoa học” mọi khả năng có thể dựa vào để nâng cao dân trí cho con dân nước Việt. Có những lúc con người mơ mộng đó hoang mang đau đớn và đi tìm một chỗ bám víu, và như một lời khấn trước tổ tiên, Phạm Quỳnh viết:

Ôi! Ta biết lắm, chúng ta là những người lạc hậu. Chúng ta chẳng biết những lý thuyết đẹp đẽ về tiến bộ và phát triển. Tiến bộ, cái từ mới đẹp làm sao! Nhưng cũng thật dối trá và lừa đảo! Người ta đã phạm phải những điều kinh khủng nhất nhân danh cái từ to lớn, thường là vô nghĩa đó. Con có tin rằng nhân loại ngày nay tốt hơn thời Khổng Tử không? Về cơ bản, thế giới cứ quay vòng quanh; sau mỗi chu kỳ tiến hoá, mọi sự lại bắt đầu và cứ tiếp tục như vậy mãi. Không hề có sự tiến bộ tuyệt đối. Đấy là một trong những điều mê tín của thế kỷ này vốn tự cho rằng mình đã thoát ra được mọi định kiến và nếp cũ. Có những tiến bộ nhỏ, những bước đi tới nhỏ về phía trước trên con đường dài vốn, như chúng ta vừa nói, cứ quay vòng trên. Điều đó gây nên ảo tưởng, chỉ có vậy thôi. Thường đấy là một ảo tưởng tốt lành, khiến cho ta giữ được lòng can đảm và khuyến kích nỗ lực bao giờ cũng là điều tốt, nhưng chớ nên quá bám lấy ảo tưởng ấy, như là một sự mê tín nó che mờ tâm trí ta và làm mờ tối trí thông minh của ta.

Vậy nên, gia đình và tổ quốc phải là hai cực trong hoạt động của con, nếu con muốn hành động và mong muốn giúp ích được chút nào đó. Bởi đó là hai chân lý tích cực và sống động duy nhất, mọi thứ khác chỉ là mơ tưởng và hão huyền.

Đấy là bài học lớn nhất mà tổ tiên của con có thể dạy cho con; nó đã từng ích dụng cho chính họ, nó cũng sẽ ích dụng cho con và con cháu của con cho đến các thế hệ cuối cùng.

*

* *

Trong khoa Văn bản học có một “luật” phát biểu gần như sau: mỗi văn bản là một đồ vật khách quan trước con mắt mọi người, và đồ vật ấy khi được chiếm lĩnh bởi một chủ thể thì liền mang một giá trị mới, một giá trị riêng, phản ánh đúng tư chất chủ thể kia. Người ta quy ước gọi tên một cái là “văn bản” khách quan chung cho mọi người, còn một cái là “tác phẩm” riêng cho mỗi con người đang cảm thụ.

Truyện Kiều là một văn bản khách quan, và đã có vô số chủ thể nhận thức khác nhau, tạo ra những tác phẩm phản ánh đúng tư chất họ, có kẻ yêu người và yêu đời, có người vụ danh và vụ lợi, có kẻ mộng mơ trên cao ngất, và có người ngồi sát sạt nơi đáy giếng... Văn bản Truyện Kiều thì trăm năm vẫn còn nguyên, có hiệu chỉnh đôi ba chữ do chữ Nôm ghi na ná, thì về cơ bản văn bản ấy vẫn vẹn nguyên không đổi; trong khi đó, do con người thay đổi, do lòng người đổi thay, nên tác phẩm Truyện Kiều có khi từ chỗ bàng bạc như khói như sương, bỗng trở nên hiện thực rằn rằn như gươm như súng.

Trong cuộc “rong chơi” xứ Huế của Phạm Quỳnh, cũng có cái văn bản là một cặp vợ chồng, anh chồng đi kéo xe và chị vợ làm công việc lái đò. Thế mà, nhìn vào văn bản đó, Phạm Quỳnh và người bạn đã tạo trong lòng mình cái tác phẩm khác: Chồng trên cạn, vợ dưới sông, họ sống đời ung dung tự tại – Chồng kéo xe, vợ khua chèo lướt chiếc thuyền tam bản. - Nhưng cả xe cả thuyên đều chẳng xứng chở nỗi buồn chia cắt - Đêm về, vợ lại gặp chồng trên con đò sông nước. Cái tác phẩm gợi nhớ đến tỳ bà và những giọt nước mắt làm đẫm áo xanh của một quan Tư mã.

Cái văn bản Phạm Quỳnh mấy chục năm qua đã thoát hình hài trần thế để được thoả sức yêu cái đẹp thiên giới, nơi đó không còn triết học và thực dụng, không còn lo âu và toan tính, không còn ảo tượng và vỡ mộng. Văn bản đó sẽ để lại trong lòng người những tác phẩm như thế nào đây? Điều đó hoàn toàn là của riêng bạn đọc. Mấy lời giới thiệu phiến diện này cũng chỉ là một trong vô vàn tác phẩm mà thôi.

Phạm Toàn cẩn tự
Hà Nội, ngày 23 tháng 4 năm 2007
(Mồng 7 tháng 3 nam Đinh Hợi)

(*) Những đoạn trích in nghiêng đều lấy từ trong sách Tiểu luận Phạm Quỳnh này (BT).


Mục lục

Lời giới thiệu - Phạm Toàn

Việt Nam - Tâm hồn và bản chất - Nguyễn Xuân Khánh dịch

Trên sông Hương

Thơ nước Nam

Người nông dân Bắc Kỳ qua tiếng nói bình dân

Việt Nam ở giao điểm các nền văn minh - Nguyên Ngọc dịch

I - Bản sắc đất nước và con người nước Nam

Bài học lịch sử

Tục thờ cúng tổ tiên ở nước Nam
Tâm lý ngày Tết
Suy nghiệm về lịch sử nước Nam

Bài học của tổ tiên

II - Phương Đông và Phương Tây - Các quan hệ văn hóa Pháp-Việt

Phương Đông và phương Tây

Vấn đề phương Đông và phương Tây
Những lý tưởng của Phương Đông

Khổng Tử và Khổng giáo

Triết gia Mạnh Tử

Một khuôn mặt triết học Trung Hoa độc đáo: Mặc định - vị tông đồ của hòa bình và hữu nghị

Ý nghĩa của Phật giáo

Theo con đường của Thích Ca Mâu Ni

Tấm gương Nhật Bản

Suy nghĩ về Trung Hoa

Ba bình diện

Những lễ hội phù hoa của trí năng

Trả lời ngài Paul Viviane

Phương pháp

Học thuyết

Tiếp thụ

Những lời tâm sự
Trường phái lãnh đạo

Sự tổng hợp cần thiết

Việt Nam - Chủ nghĩa dân tộc và chế độ bảo hộ Pháp - Ngô Quốc Chiến dịch

Chính trị

Chính sách tôn trọng nhau

Điều kiện để Pháp-Nam xích lại gần nhau

Chủ nghĩa dân tộc
Tinh thần bất ổn
Về các cuộc cải cách

Bảo hộ hay trực trị

Cải cách chính trị

Tiến tới một bản hiến pháp

Thư ngỏ gửi ngài Bộ trưởng thuộc địa

Thể chế Liên bang Đông Dương yà chủ nghĩa dân tộc nước Nam

Sứ mệnh của nước Pháp

Việt Nam - Những vấn đề văn hóa và chính trị - Phạm Xuân Nguyên dịch

Một vấn đề giáo dục cho nòi giống chúng tôi

Những vấn đề giáo dục và dạy học - Nhật Bản và Đông Dương

Cải cách trí tuệ và luân lý
Cuộc tiến hóa của tiếng nước Nam (*)

Một nền văn hóa dân tộc
Văn hóa Pháp và Phục Hưng nước Nam

Một vấn đề ngôn ngữ học

Ngôn ngữ mới của nước Nam

Nghiên cứu vốn cổ Hán-Nôm

Các môn cổ văn Hán-Nôm

"Những trang Pháp" hay người Nam và tiếng Pháp

Nhà văn Nguyên Ngọc:

Rồi lịch sử cũng sẽ công bằng

Không như các tác phẩm khác của Phạm Quỳnh đã được in lại trong những năm qua đều viết bằng tiếng Việt(*), tập tiểu luận lần này vừa được dịch và xuất bản vốn được viết bằng tiếng Pháp.

Có lẽ trước hết cho tôi nói điều này: cách đây mấy mươi năm một người tự coi mình là rất bác học và cũng đầy quyền lực đã chế giễu: tiếng Pháp của Phạm Quỳnh chỉ vừa đủ để lòe người An Nam, chữ Hán của Phạm Quỳnh chỉ vừa đủ để bịp người Tây!

Là một trong những người dịch tác phẩm của ông, tôi thấy có lẽ Phạm Quỳnh là một trong những người Việt viết tiếng Pháp hay nhất, một thứ tiếng Pháp trong sáng, sang trọng, trang nhã và đầy âm vang, chỉ có thể có được trên cơ sở một vốn tri thức uyên thâm về văn hóa và văn minh không chỉ của Pháp mà còn của cả phương Tây cổ kim. Và vốn Hán học cùng tri thức về phương Đông của ông cũng rộng sâu không kém. Những người dịch đã rất cố gắng để mong chuyển được một phần vẻ đẹp văn chương Pháp, chỉ riêng điều này thôi đã rất quí rồi, trong tác phẩm này.

Vì sao ông viết bằng tiếng Pháp? Vì đối tượng mà ông muốn nhắm đến: người Pháp ở chính quốc và ở VN. Ông muốn nói với họ ở tầm cao nhất, quan trọng nhất và do vậy cũng nghiêm trọng nhất của vấn đề, ở tầm cuộc va chạm chấn động giữa phương Đông và phương Tây trong thời cận đại và hiện đại, trong đó có số phận của dân tộc ta mà suốt đời ông tha thiết trăn trở. Rất sáng suốt, ông nói: “Các dân tộc đụng chạm với nhau trước hết qua những con người cứng rắn nhất, háo danh nhất, hay những người xác quyết nhất trong việc áp đặt các học thuyết của mình và chỉ cho chứ không nhận… không hề lấy sự bình đẳng trong các trao đổi làm đối tượng và vai trò của họ chẳng bao giờ là tôn trọng sự thư thái, tự do, các niềm tin hay những điều hay của những người khác…”. Lại cũng rất thực tế, ông bảo rằng: “Quá khứ đã nằm im trong lịch sử. Nó như thế nào thì nó vẫn cứ như thế, không phụ thuộc vào bất cứ ai trong chúng ta để có thể khác đi. Hiện tại với những đòi hỏi của hiện tại, tương lai với những hi vọng của tương lai là đủ để chúng ta quan tâm…”. Hãy để cho những đại diện chân chính và ưu tú của các nền văn hóa nói với nhau, có thể có một con đường đi và một tương lai được thiết kế như vậy giữa các dân tộc. Ông mong muốn các dân tộc đến với nhau trong hiểu biết và tôn trọng các giá trị của nhau, ông muốn nói với người Pháp về dân tộc mình, những chiều sâu thăm thẳm đã tạo nên sức sống ngàn đời của dân tộc này, nền văn hóa mềm dẻo mà bất diệt của nó, số phận nó có thể và cần được có. Chính vì vậy mà cuốn sách viết cho những người mà lịch sử đã đặt vào một vị trí thống trị chẳng hay ho gì trên đất nước này, thậm chí có thể đi ra ngoài ý định của tác giả nữa, đã trở thành một công trình nghiên cứu súc tích, sâu sắc, tinh tế, toàn diện, khách quan, vừa lâu dài vừa nóng hổi tính đương thời về đất nước và dân tộc ta mà ông da diết muốn tìm một con đường đi ra trong những điều kiện lịch sử cực kỳ khó khăn và éo le.

Những mong muốn ảo tưởng, và những trăn trở tìm tòi mà một người đã thất bại trong lịch sử đã cố tạo nên để làm nền tảng cho những mong ước đó, lại có thể rất có ích cho hôm nay. Đọc cuốn sách này, do vậy, sẽ có thể rất ngạc nhiên về tính cập nhật bất ngờ của nó trên không ít phương diện, cả tổng quát lẫn cụ thể.

Lịch sử, trên con đường đi tới của nó, vốn rất dửng dưng và tàn nhẫn. Phạm Quỳnh, như chúng ta biết, đã có số phận cá nhân bi đát. Nhưng rồi về lâu dài lịch sử cũng lại công bằng. Nó trả lại cho các nạn nhân của nó những giá trị không thể mất của họ. Bạn hãy cầm cuốn sách này trên tay và trân trọng đọc kỹ từng dòng của người xưa. Bạn đang làm một hành động chiêu tuyết đẹp đẽ mà cuộc sống giao cho chúng ta hôm nay đấy.

N.N.

Tuổi Trẻ, ngày 7-12-2007

(*) Đã có thể tìm thấy các tác phẩm viết bằng tiếng Việt của Phạm Quỳnh được tái bản: Thượng Chi văn tập, Luận giải văn học và triết học, Mười ngày ở Huế, Pháp du hành trình nhật ký.


Nhạc sĩ Phạm Tuyên:

Lịch sử sẽ công bằng với Phạm Quỳnh cha tôi

(Nhạc sỹ Phạm Tuyên, người con thứ mười hai trong mười sáu người con của học giả Phạm Quỳnh trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Tiền Phong, đăng trang 8, số ra ngày 4-11-2007.)

Cuốn sách Phạm Quỳnh – Tiểu luận viết bằng tiếng Phápgồm những bài diễn thuyết, những bài báo ông viết bằng tiếng Pháp từ 1922 đến 1932 vừa được Nhà xuất bản Tri thức và Trung tâm Văn hoá & Ngôn ngữ Đông Tây ấn hành.

Đọc cuốn sách, ta không khỏi ngỡ ngàng trước những áng văn tuyệt đẹp, nội dung ái quốc chất chứa trong một tâm hồn nhạy cảm, trí tuệ thâm thúy.

PV: Ông nghĩ gì khi cuốn sách của cụ thân sinh “Phạm Quỳnh – Những tiểu luận viết bằng tiếng Pháp” được dịch và xuất bản?

NSPT: Tôi muốn nói lời cám ơn chân thành và vô cùng cảm động từ đáy lòng mình tới Trung tâm Văn hóa & Ngôn ngữ Đông Tây, NXB Tri Thức, các dịch giả Phạm Toàn, Nguyên Ngọc, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Xuân Khánh và Ngô Quốc Chiến, đã góp sức để các tiểu luận của thân phụ tôi được in thành sách.

Từ cuối những năm thế kỷ trước đã có nhiều bài viết về chủ bút Nam Phong. Kể từ năm 2000 tới nay, các NXB có uy tín trong nước đã cho phát hành hàng nghìn trang sách của học giả Phạm Quỳnh, được đông đảo người yêu văn học đón nhận: Mười ngày ở Huế (NXB Văn học – 2001), Luận giải Văn học và Triết học (NXB Thông tin – 2003), Pháp du hành trình nhật ký (NXB Hội Nhà Văn – 2004), Thượng Chi văn tập (NXB Văn học – 2007), Du ký Việt Nam (NXB Trẻ – 2007).

Tất cả các xuất bản phẩm trên, tôi chỉ được biết sau khi sách phát hành. Rất nhiều bài nghiên cứu, chuyên khảo về thân phụ tôi đã được đăng tải trên các báo và tạp chí trong Nam và ngoài Bắc như: Tạp chí Xưa và Nay, Tạp chí Nghiên cứu và phát triển (Huế),Tạp chí Công giáo và dân tộc (TP Hồ Chí Minh), Tạp chí Huế Xưa và Nay, các báo Tiền phong, Tuổi trẻ, Thể thao Văn hóa…

Tôi nghĩ những việc làm này xuất phát từ lương tâm cao cả và trong sáng của giới văn học nước nhà, là nguồn động viên vô cùng có ý nghĩa đối với gia đình chúng tôi mà không một giải thưởng lớn lao nào có thể so sánh được.

PV: Ông nhận xét gì khi đọc những tiểu luận viết bằng tiếng Pháp của Phạm Quỳnh?

NSPT: Với sự hiểu biết của mình, tôi thấy chất lượng của những bài viết tiếng Pháp của cụ thân sinh tôi thật tế nhị, nhuần nhuyễn, đôi khi “chơi chữ” mà chính một học giả người Pháp đã phải công nhận sự uyên bác đó qua những bài diễn văn đọc tại Pháp năm 1922.

Có người đương thời cho là: “Phạm Quỳnh chỉ giỏi tiếng Pháp để loè người Việt Nam” là không thỏa đáng. Ngược lại, chính bằng tiếng Pháp, tác giả đã nói thẳng thắn nhất những suy nghĩ của mình về dân tộc, về văn hóa và nét đẹp Việt Nam cho người Pháp biết.

Tôi cũng không khỏi ngạc nhiên khi thấy thân phụ tôi đã đặt ra nhiều vấn đề lớn lao về số phận dân tộc. Ngoài vấn đề bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, phát triển giáo dục, về giao lưu văn hóa Đông Tây, còn có những vấn đề về chính trị như độc lập chủ quyền của nước ta trong khối thịnh vượng chung (Commonwealth), giống như kiểu chúng ta tạm nhượng bộ Pháp sau Hiệp định 6/3/1946 khi sẵn sàng vào Liên hiệp Pháp, nếu chủ quyền của Việt Nam được giữ vững.

PV: Học giả Phạm Quỳnh trong thời buổi đó đã chọn một con đường riêng và kiên trì hướng đi của mình. Thân phụ ông chắc hiểu rất rõ tình thế của mình lúc bấy giờ…

NSPT: Chắc chắn thế. Thân phụ tôi từng tâm sự: Pham Quynh chu but Nam Phong“Tôi là người của buổi giao thời, sẽ khó có người hiểu được tôi… Người Pháp cho tôi là lợi dụng chức quyền để chống lại họ, còn người mình thì cho tôi là tay sai của Pháp”.

Bi kịch lịch sử này tới nay đã trôi qua hơn 60 năm, và tôi bỗng nhớ tới một câu trong AQ chính truyện của Lỗ Tấn đại ý: Dư luận thì cả làng Mùi đều nhất trí công nhận rằng AQ không phải là người lương thiện, chứng cớ là y đã bị bắn; vì rằng nếu là người lương thiện thì sao lại bị bắn cơ chứ! Dù sao, tôi vẫn tin vào sự công minh của lịch sử.

PV: Vậy còn ông, ông đã vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời mình như thế nào?

NSPT: Tôi và anh Phạm Khuê tôi (Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, đã mất) thực hiện lời dặn của hai bà chị tôi là bà Phạm Thị Giá (vợ GS Tôn Thất Bình, Hiệu trưởng trường Thăng Long) và bà Phạm Thị Thức (vợ GS BS Đặng Vũ Hỷ- Giải thưởng Hồ Chí Minh) khi gặp Hồ Chủ tịch mùa thu năm 1945: “Cụ Phạm là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này”.

Rất nhiều các vị trí thức, bạn bè tôi cũng động viên tôi. Những lời căn dặn đó đã giúp chúng tôi vượt mọi định kiến để vươn lên làm những điều có ích.

PV: Nhiều trước tác của Phạm Quỳnh đã được in, nhiều bài viết về Phạm Quỳnh đã được đăng tải công khai…

NSPT: Gần đây Bảo tàng Văn học của Hội Nhà văn VN đã cử cán bộ nhiều lần đến xin gia đình tôi những hiện vật của cụ thân sinh ra tôi nhưng không còn gì ngoài một số bức ảnh. Có tư liệu về một con phố ở Sài Gòn tên là phố Phạm Quỳnh nhưng không ai còn nhớ. Tôi đã hỏi Sở Địa chính, họ cũng chịu. Niềm an ủi lớn nhất là những trước tác của thân phụ tôi cách đây gần một thế kỷ đã lần lượt được giới thiệu với đông đảo các thế hệ sau này.

Tôi chỉ mong sau này khi có điều kiện sẽ tái bản cuốn tiểu luận dưới hình thức song ngữ, để những người am hiểu tiếng Pháp, những người bạn Pháp có thể tiếp cận với nguyên bản, và để con cháu chúng tôi ở hải ngoại sẽ thêm yêu quý quê hương Việt Nam, quê hương của ông, của cụ chúng nó.

PV: Cảm ơn ông!

Nguyễn Hoàng Diệu Thủy thực hiện

(Tiền Phong)

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tâm lý ngày Tết

    22/01/2020Phạm QuỳnhNhững dịp để cả một dân tộc được sống cùng nhau trong một tình cảm, một ý tưởng chung, cùng một xúc động tập thể, bao giờ cũng hiếm. Thường đấy phải là những sự kiện quan trọng, có liên quan ngay đến đời sống của cả cộng đồng, mới có thể tạo nên sự đồng nhất như vậy về ý nghĩ và rung cảm của mọi người.
  • Suy nghĩ về Trung Hoa

    26/07/2019Phạm QuỳnhHọ có trong tay một sức mạnh lớn: đấy là tinh thần dân tộc phẫn nộ từng ngày trước các xí nghiệp ngoại quốc và dựa trên nền tảng tinh thần bài ngoại của nòi giống. Có thể, đến một ngày nào đó, tinh thần ấy, được thanh lọc, được chưng cất lên, sẽ giúp người Trung Hoa thoát ra khỏi tình trạng hỗn loạn của họ.
  • Phạm Quỳnh và quá trình tiếp nhận văn hóa phương Tây ở Việt Nam đầu thế kỷ XX

    25/03/2018Vương Trí NhànKhi một người có hoạt động thực sự trên lĩnh vực văn hoá, trở thành có đóng góp về văn hoá, người đó nhất thiết phải có tình cảm tốt đẹp và sâu sắc với dân tộc, với đất nước. Ấy là niềm tin đến với chúng tôi khi lần giở lại Nam Phong. Nó cũng là nhân tố giúp chúng tôi yên tâm khi tìm hiểu những đóng góp của Phạm Quỳnh...
  • Tinh thần bất ổn

    13/07/2017Phạm QuỳnhKhông thể chối cãi được rằng đất nước này đang trải qua một cuộc khủng hoảng, có thể là khủng hoảng tăng trưởng, cách gì thì cũng là một khủng hoảng khá sâu sắc, và nhiều người không nghi ngờ gì mức độ nghiêm trọng của nó.
  • Báo chí - nhà báo và sự hình thành tầng lớp trí thức hiện đại đầu thế kỷ XX

    21/06/2017Trần Văn ToànKhái niệm trí thức hiện đại ở đây được hiểu trong sự đối nghĩa với trí thức - kẻ sĩ trong xã hội Việt Nam truyền thống. Sự hiện diện của tầng lớp trí thức hiện đại, trên thực tế, mới chỉ xuất hiện ở giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Bài viết này sẽ tập trung làm sáng tỏ vai trò của báo chí - một thiết chế văn hóa có nguồn gốc phương Tây - đã đóng vai trò như một dung môi, một tiền đề vật chất cho sự xuất hiện của tầng lớp trí thức hiện đại như thế nào...
  • Những lời tâm sự

    05/06/2016Phạm QuỳnhMột hôm tôi nhận được những lời tâm sự của một người bạn trẻ. Quả rất bi thảm. Chúng bộc lộ sự rối loạn của một tâm hồn hoàn toàn hoang mang không còn tìm thấy các chuẩn mực cho cuộc sống của mình và buông mình như một cái xác mặc cho dòng nước cuốn trôi. Chúng rất tiêu biểu cho trạng thái bất ổn của phần đông giới trí thức tinh hoa của đất nước này.
  • Sự giáo dục đàn bà con gái

    10/03/2016Phạm QuỳnhTừ xưa thế giới là của riêng của đàn ông, từ nay thế giới là của chung cả đàn bà. Đàn bà tuy không làm những sự nghiệp lớn lao, biến cải mặt địa cầu, nhưng ảnh hưởng trong gia đình, trong xã hội, đằm thắm mà sâu xa biết dường nào!
  • Cải cách trí tuệ và luân lý

    26/01/2016Phạm QuỳnhTrong một bài viết trước tôi có ám chỉ đến sự cần thiết phải tiến hành một cuộc "cải cách trí tuệ và luân lý" ở xứ này, và tôi đã nói rằng cuộc cải cách đó chủ yếu phải là công việc của giới tinh hoa nước Nam, những người phải có ý thức về chính mình, về bổn phận và trách nhiệm của mình.
  • Phương Đông và phương Tây

    07/11/2015Phạm Quỳnh (sinh (17/12/1892 - mất 6/9/1945)Chúng ta sống trong một thời kỳ khủng hoảng của lịch sử thế giới. Đấy không phải là một lời sáo rỗng tầm thường, một công thức mơ hồ và có phần cường điệu. Đấy là một nhận xét cần thiết nếu ta nghĩ đến những hậu quả kinh khủng của bi kịch do cuộc va chạm giữa Phương Đông và Phương Tây gây ra trên thế giới...
  • Triết học nước Pháp

    08/11/2014Henri Bergson - Phạm Quỳnh dịchCái tính hiếu triết học đó thực là tiêu biểu cho tính tình cao thượng của người Pháp, chỉ ưa những nghĩa lý công minh chính đại ở đời. Như vậy thì hồn nước Pháp với hồn triết học tất có thanh khí với nhau, không phải không.
  • Chữ Nho với văn quốc ngữ

    29/07/2009Phạm QuỳnhVăn quốc ngữ do Hán văn mà ra, không thể dời khuôn phép của Hán văn mà thành lập được; nhưng hiện nay chữ Hán không mấy người biết nữa, làm thế nào cho quốc văn thành được? Có thể bỏ hết chữ Hán mà chỉ dùng tiếng Nôm được không?
  • Phạm Quỳnh: Ngọn gió Nam

    15/07/2009Đỗ Lai ThúyNam Phong (1917-1934) là một trong những tạp chí có công rất lớn trong việc cổ động cho văn học quốc ngữ, cho nền quốc học Việt Nam. Đặc biệt cho việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam trên cơ sở kết hợp, dung hòa hai nền văn chương, học thuật, tư tưởng Đông – Tây. Các biên tập viên giữ các chuyên mục của tạp chí đều là những cây bút vững vàng, sắc sảo, nhạy bén với những vấn đề văn hóa, trong đó phải kể đến ông chủ bút là Phạm Quỳnh.
  • Chính trị

    13/07/2009Phạm QuỳnhNgười nước Nam có thể và cần phải làm chính trị, nhưng đó là chính trị theo nghĩa thứ nhất đã đem ra phân tích: cái chính trị của lợi ích chung đòi hỏi một sự toàn tâm toàn ý cho việc công. Ngược lại, người nước Nam phải tránh cái chính trị có xu hướng mị dân, nó ve vãn nhân dân để lừa dối nhân dân, và bất chấp thực tế, khiến nhân dân lao vào các ảo tưởng nguy hiểm và không thể thực hiện được.
  • Descartes, tổ triết học nước Pháp

    07/07/2009Phạm QuỳnhTrong khi ta tư tưởng một sự gì, trí tuệ ta phải nghiền ngẫm cứu xét về sự ấy. Trí tuệ ta không phải là thường siêng năng sáng suốt, lại hay trễ nải biếng nhác và bị che lấp mờ ám. Vậy lắm khi chưa cứu xét tư tưởng ấy đến nơi đến chốn đã trình bày cho ta phán đoán. Nếu ta cũng lười biếng cẩu thả, nếu lòng ta lại thiên lệch nữa, thì phán đoán tất sai lầm, không khỏi được. Người đời thường lầm lẫn sai ngoa, đến điên đảo hắc bạch, lắm khi bởi ý chí nhu nhược, hơn là bởi trí tuệ hôn mê...
  • Khái luận về văn minh học thuật nước Pháp

    04/07/2009Phạm QuỳnhVăn minh học thuật một nước là tiêu biểu cho tinh thần nước ấy. Tinh thần ấy phát hiện ra nhiều cách, nhưng rút lại có mấy cái đặc tính nó phân biệt nước ấy với các nước khác, khiến cho nước ấy có một cái hình dạng riêng trong vạn quốc, một cái địa vị riêng trong thế giới.
  • Thơ ta thơ tây

    03/07/2009Phạm QuỳnhNhư muốn vẽ bức tranh thì con mắt phải nhìn trong cảnh vật mà thu lấy cái hình ảnh, rồi mới tìm cách truyền thần ra giấy ra lụa. Muốn làm bài thơ cũng vậy, trong trí phải tưởng tượng ra một cái cảnh, hoặc là cảnh thiên nhiên, hoặc là cảnh trong tâm giới, rồi dùng những âm hưởng thích đáng mà gọi, mà kêu nó lên, khiến cho người nghe cũng phảng phất tưởng tượng như thế. Hai đàng cùng là vẽ cả, một đàng là vẽ cách trực tiếp, một đàng là vẽ cách gián tiếp, nhưng đều muốn khêu gợi ra mối tư tưởng cảm tình trong tâm trí người ta vậy.
  • Ngôn ngữ mới của nước Nam

    03/07/2009Phạm QuỳnhKhông thể chối cãi là hiện giờ đang có một ngôn ngữ mới của nước Nam đa dạng hơn, uyển chuyển hơn, đủ khả năng hơn cho sự diễn tả các tư tưởng mới và các quan niệm trừu tượng so với ngôn ngữ đó cách đây mười lăm, hai mươi năm.
  • Tự ngôn

    03/07/2009Phạm QuỳnhBáo Nam Phong cũng là tiêu biểu cho một thời kì trong công cuộc cải tạo quốc văn, đề xướng quốc học. Quốc văn sau này còn tấn tới nhiều, quốc học sau này còn mở mang rộng. Nhưng cái bước đầu khó khăn cũng nên ghi nhớ lấy, để có thể so sánh trước sau hơn trước thế nào. Sau hơn trước là lẽ cố nhiên, nhưng có trước thì mới có sau thời trước đối với sau cũng không phải là tuyệt vô quan hệ.
  • In lại Nhật ký đi Pháp của Phạm Quỳnh

    02/07/2009Ngô Phan (thực hiện)Pháp du hành trình nhật ký (Nhật ký đi Pháp) của Phạm Quỳnh vừa được in lại sau mấy chục năm ngủ yên trong tạp chí Nam Phong suốt từ 1922 tới nay. Nhân dịp này, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn- người thực hiện việc biên soạn và chú giải – có dịp trao đổi với TT&VH về giá trị của tập sách cũng như về việc khai thác bộ phận văn học viết bằng quốc ngữ đầu thế kỷ 20.
  • Phạm Quỳnh (1892 - 1945)

    29/06/2009Một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn. Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu...
  • Đẹp là gì?

    24/06/2009Phạm QuỳnhTa thường nói cái này đẹp, cái kia xấu; đọc bài văn khen hay, nhìn bức tranh khen khéo, nghe đàn mà cảm động, xúc cảnh mà hứng hoài. Bấy nhiêu thứ đều gợi ra trong tâm tình ta một cái cảm riêng, nhà tâm lý gọi là “mỹ cảm”.
  • Nghĩa vụ của nhà làm báo

    19/06/2009Phạm QuỳnhNhà báo vừa tiêu biểu mà vừa tạo thành ra dư luận trong một nước. Ai nói đến báo là nói đến dư luận, ai hỏi đến dư luận là tìm đế báo, báo với dư luận, dư luận với báo là lần lót, là hình ảnh cho nhau, là tinh thần là hình thức của nhau vậy.
  • Sự công bằng lịch sử được trả lại (*)

    16/06/2009Nguyên NgọcLà một trong những người dịch ông, tôi thấy có lẽ Phạm Quỳnh là một trong những người Việt viết tiếng Pháp hay nhất, một thứ tiếng Pháp trong sáng, sang trọng, trang nhã và đầy âm vang, chỉ có thể có được trên cơ sở một vốn tri thức uyên thâm về văn hóa và văn minh không chỉ của Pháp mà còn của cả phương Tây cổ kim.
  • Văn thuyết

    09/06/2009Phạm Quỳnh - Dịch Hán văn của Tống Cảnh LiêmVăn là gì? Người đời nay thường hiểu văn là văn chương, mà không biết rằng tiên nho cho chữ văn một cái nghĩa rất rộng. Văn là cái vẻ thiên nhiên ở trong người, tự nó xuất hiện ra lời nói câu viết, không phải học mà làm được. Như thế thì phàm người có chí khí, có tư tưởng, có phẩm cách cao là những người có văn cả, nếu dụng tâm làm văn thì văn ấy mới thực là văn chương.
  • Một nhà khoa học nước Pháp: Marcelin Berthelot

    09/06/2009Phạm QuỳnhKhoa học ngày một tấn tới, từ một trăm năm trở lại đây đã biến cải hẳn mặt địa cầu. Ta đứng xa mà trông những cảnh tượng kỳ kỳ quái quái, hằng ngày xuất hiện ra trước mắt ta, vừa kinh hãi, vừa cảm phục, không ngờ một khối óc mềm của con người mà làm nên những sự kinh thiên động địa như thế. Tuy ngày nay không tin thần thánh như xưa, không cho các công cuộc kỳ diệu ấy là bởi tay những bậc “siêu nhân” làm ra, nhưng lại đặt ra một vị thần mới, vô hình, vô ảnh, gọi là thần Khoa Học.
  • Văn quốc ngữ

    05/06/2009Phạm QuỳnhVấn đề quan trọng nhất trong nước ta ngày nay là vấn đề văn quốc ngữ. Vấn đề ấy có giải quyết được thì sự học mới có thể tấn tới, dân trí mới có thể mở mang, cuộc tiến hóa sau này mới có thể mở mang được.
  • Triết học là gì?

    04/06/2009Phạm QuỳnhNói triết học, ai cũng nghĩ đến một môn học nghiêm trang, cao kỳ, huyền bí, bàn những nghĩa cao xa, xét những lẽ thâm thúy, người thường không thể hiểu được. Có người nghe đến tên triết học mà sợ, tưởng như cái yêu thuật của một phái cuồng nho dùng để huyễn diệu người đời. Bởi nhiều người hiểu lầm về triết học như thế, nên triết học đã hầu coi như một món không đàm, không có quan hệ gì đến sự thực, đến việc đời, mà nhà triết học thành nhà thuyết lý suông, chỉ biết mơ màng trong cõi lý tưởng.
  • Thơ Baudelaire

    03/06/2009Phạm QuỳnhThơ có hai phần: một là âm điệu, hai là tình tứ. Âm điệu là phần hình thức, tình tứ là phần tinh thần. Âm điệu tức là cách dùng chữ xếp vần, cho có âm hưởng tiết tấu để đọc cho êm tai vui miệng. Tiếng mỗi nước một khác thì âm điệu cũng không giống nhau, nên thi luật của nước nào là riêng cho nước ấy, không thể chuyển dịch sang tiếng nước khác được.
  • Nghĩa vụ là gì?

    02/06/2009Phạm QuỳnhTiên nho có câu: “Muốn nhập môn đạo Khổng Mạnh, trước hết phải biết cách phân biệt điều nghĩa điều lợi.” Tiên nho gọi điều nghĩa, tức ta gọi là nghĩa vụ; tiên nho gọi điều lợi tức là quyền lợi. Hai cái quan niệm về nghĩa vụ quyền lợi thực là cái chốt của luân lý vậy. Nghĩa với lợi quan hệ thế nào, đó là một vấn đề rất trọng, người ta dù ở đời nào nước nào, cũng phải xét đến. Vì giải vấn đề ấy, tức là giải nghĩa đời người vậy.
  • Bài học của tổ tiên

    28/05/2009Phạm QuỳnhCó những kẻ sẽ nói với các con rằng đó là những khái niệm lỗi thời, những quan niệm của một thời đã qua, rằng con người hiện đại cần phải là một con người cá nhân chủ nghĩa toàn vẹn, hay một người xã hội chủ nghĩa hoàn chỉnh nghĩa là hắn ta chỉ phải chăm lo cho hạnh phúc cá nhân và riêng rẽ hay, ngược lại phải làm việc vì hạnh phúc của toàn nhân loại, và gia đình với tổ quốc, đấy là những điều nhảm nhí cũ kỹ chỉ để thoả mãn những đầu óc câu nệ của đám tiểu tư sản ù lì trong những định kiến phản động của chúng. Những kẻ sẽ nói với các con như vậy, thì đấy là những người cuồng tưởng nguy hiểm hay những tên hề xấu xa. Chớ mà nghe theo họ...
  • Tục thờ cúng tổ tiên ở nước Nam

    15/05/2009Phạm QuỳnhNhân loại gồm nhiều người chết hơn là người sống, Auguste Comte đã nói ở đâu đó như thế. Ở nước Nam câu nói ấy của nhà triết học thực chứng Pháp càng đúng hơn ở bất cứ nơi nào khác. Quả vậy, việc thờ cúng tổ tiên có một vị trí quan trọng trong đời sống gia đình và xã hội của chúng ta. Nó đã trở thành một thứ giáo lý tôn giáo, và, theo một nghĩa nào đó, một tôn giáo quốc gia thực thụ.
  • Một nền văn hóa dân tộc

    08/05/2009Phạm QuỳnhMột cuộc bàn cãi sôi nổi đang diễn ra ít lâu nay trong một số anh em đồng nghiệp báo chí nước Nam chúng tôi. Đó là về việc nước Nam có một nền văn hoá dân tộc không. Một dân tộc nổi danh hiếu học, tự hào về các bậc túc nho, qua bao thế kỷ có sản sinh ra được một nền văn hoá dân tộc mang bản sắc riêng không? Hay rốt cuộc nó chỉ là một cậu học trò, dù đôi khi là một học trò xuất sắc nhưng vẫn là một học trò của nước Trung Hoa, người mẹ của toàn bộ văn hóa và văn minh, cô giáo duy nhất của tất cả các dân tộc Viễn Đông?
  • Nhãn quan văn hóa của Phạm Quỳnh, qua du ký

    28/04/2009Đặng Hoàng Oanh...một loạt tác phẩm của Phạm Quỳnh, từ Th­ượng Chi văn tập, Luận giải văn học và triết học, M­ười ngày ở Huế, Pháp du hành trình nhật kí cho đến Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 - 1932 đã “tái xuất”, đến tay độc giả. Tuy chừng đó cũng cho thấy sự phong phú trong sự nghiệp tr­ước tác của một học giả một thời lừng lẫy và cũng một thời từng chịu nhiều tai tiếng. Đánh giá một cách công bằng và thỏa đáng về Phạm Quỳnh, công việc đó đòi hỏi nỗ lực, thái độ công tâm và khoa học của nhiều ngư­ời...
  • Lý luận phê bình văn học của Phạm Quỳnh

    21/04/2009Thạc sĩ Trần Văn ToànPhạm Quỳnh chính là tác gia lí luận và phê bình quan trọng nhất của văn học giao thời, và vì thế cũng là một trong những người mở đầu cho loại hình người viết lí luận và phê bình trong tiến trình lịch sử văn học nước nhà. Sau ông, chỉ mãi đến 1929 ta mới thấy xuất hiện Phan Khôi, Trịnh Đình Rư nhưng những cây bút thực sự chuyên sâu - chuyên nghiệp thì phải tính từ mốc 1931 với Thiếu Sơn và sau đó là một loạt những gương mặt của Lê Thanh, Trương Tửu, Thái Phỉ, Hoài Thanh, Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan... Đó là một thực tế mà độ lùi của thời gian đã giúp ta có được sự điềm tĩnh cần thiết để có được một thức nhận và biện giải thật sự khách quan.
  • Một vấn đề ngôn ngữ học

    15/04/2009Phạm QuỳnhSự cuồng tín đối với tiếng mẹ đẻ này khởi từ cuộc xung đột nổi tiếng chia rẽ nước Bỉ giữa người Flamand và người Wallon. Cũng còn thấy nó ở đáy sâu của phong trào ly khai đã và đang khuấy động miền Alsacevừa giành lại được. Một tác giả nổi tiếng, ông RENÉ GILLOUIN, đã viết cả một cuốn sách về những xung đột ngôn ngữ này, cuốn sách nhan đề Từ Alsace đến Flandre: tính thần bí ngôn ngữ học. Quả thực, trong mối liên hệ của con người đối với tiếng mẹ đẻ của họ có một thứ tính chất thần bí và đó là một trong những thế lực đang tác động tới thế giới hiện đại.
  • Cuộc tiến hóa của tiếng nước Nam (*)

    09/04/2009Phạm Quỳnh (1)Thưa quý ngài, khi hai người không hoà thuận với nhau, các ngài bảo đó là họ không nói cùng một thứ tiếng. Chúng tôi thì nói: ngôn-ngữ-bất-đồng (không có cùng một ngôn ngữ). Đối với các cá nhân đã vậy; đối với các dân tộc càng như vậy. Để đi sâu vào tâm thức của một dân tộc, để có thể thiện cảm với nó, không gì bằng sự hiểu biết ngôn ngữ.
  • Ảnh hưởng của văn hóa phương Tây qua sự hiện diện của tờ báo

    09/04/2009Trần Văn ToànSự ra đời của báo chí, lẽ tự nhiên, làm xuất hiện một chân dung mới: ký giả, hay nhà báo. Những danh xưng này, trong ngôn ngữ đương đại thiên về ý nghĩa nghề nghiệp thuần túy nhưng ở vào thời điểm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX lại có nét nghĩa chỉ một nhóm có vai trò ưu đẳng trong xã hội (status group). Với quốc dân, họ là đại diện cho luân lý và tri thức, có chức phận dẫn dắt, hướng đạo. Trong một xã hội vốn có truyền thống trọng quan tước, ký giả thậm chí được liệt vào tầng lớp “quan lại cao cấp”.
  • Vấn đề phương Đông và phương Tây

    25/11/2008Phạm QuỳnhCó chăng một vấn đề Phương Đông và Phương Tây? Đặt ra vấn đề về các quan hệ giữa hai phần đó của thế giới do sự đối lập hay sự đối kháng của chúng là đúng hay sai? Giữa chúng có những khác biệt đặc trưng cho phép một sự đối lập như vậy không?
  • Chủ nghĩa dân tộc

    13/11/2008Phạm Quỳnh (*)Có một thực tế là kể từ khi có cuộc Đại chiến ở Châu Âu, thì phong trào dân tộc cũng có mạnh lên và có quy mô lớn chưa từng thấy. Kết quả của cú sốc lớn này của các dân tộc là nó làm tăng thêm tinh thần dân tộc không chỉ ở những nước tham chiến, mà còn cả ở những nước ít nhiều có liên quan đến cuộc xung đột kinh hoàng này. Nó đã thức tỉnh nhiều quốc gia đang ngủ quên, đã khơi dậy ý thức và sức sống cho nhiều quốc gia khác mới chi ở dạng tiềm tàng, đã tái sinh hay khơi dậy ở tất cả các quốc gia sự ham muốn sống cuộc sống tự do và độc lập của mình, duy trì và thèm khát nuôi dưỡng tất cả những gì - ngôn ngữ, truyền thống, phong tục tập quán - tạo nên đặc tính riêng của họ, phân biệt họ ra, khu biệt họ với các dân tộc khác.
  • xem toàn bộ