Văn quốc ngữ
Vấn đề quan trọng nhất trong nước ta ngày nay là vấn đề văn quốc ngữ. Vấn đề ấy có giải quyết được thì sự học mới có thể tấn tới, dân trí mới có thể mở mang, cuộc tiến hóa sau này mới có thể mở mang được. Đến ngày chữ quốc ngữ dùng làm quốc văn được thì người nước Nam mới có thể thâu thái các khoa học mới mà gây thành một nền học thích hợp với trình độ, với tính cách dân ta. Đến ngày ấy thì người nước ta mới phát biểu được tinh thần cốt cách của mình, tinh thần cốt cách ấy hiện nay còn mập mờ phảng phất như ảnh không hình vậy. Nói rút lại, văn quốc ngữ có phát đạt thì nền quốc học mới gây dựng được, mối tư tưởng mới mở mang được, quốc dân ta mới không đến nỗi chung kiếp đi học mướn viết nhờ như từ xưa đến nay vậy. Trách lịch sử cũng không bổ ích gì, mà lên án tiền nhân lại là phạm tội bất hiếu. Vậy ta chẳng nên oán gì các cụ ta ngày xưa vì say đắm chữ Tàu nên lãng bỏ tiếng Nôm, để cho con cháu ngày nay khổ vì có nước mà không có văn, có người mà không có cách nói cho nhau nghe ngoài những câu nhật dụng thường đàm. Ta chỉ nên xét hiện tình mà khuyên quốc dân để tâm để ý vào một vấn đề rất quan hệ cho tương lai nước nhà.
Hiện nay ai cũng rõ rằng chữ quốc ngữ là tiện lợi, so với chữ tây chữ nho học vừa dễ mà vừa mau, nhưng cũng vì thế mà coi thường coi khinh, cho là không đáng công học, không biết rằng chữ quốc ngữ ấy chính là cái bè để cứu vớt bọn ta trong bể trầm luân vậy.
Ôi! có nước mà không có tiếng nói, còn gì khổ bằng! Trong khi học tập năm ba anh em ngồi với nhau, bàn những chuyện thiết tha, nói những điều tâm sự, mà đương câu chuyện phải pha một hồi tiếng tây hay điểm mấy câu chữ tàu, thì cực biết bao nhiêu! Viết một bức thư là sẻ tấm lòng cho người yêu kẻ mến, lời đi cảm tình cũng phải đi theo, thế mà bày tỏ cái cảm tình ấy ra cũng không thể dùng được thứ tiếng nói bắt đầu học từ khi lọt lòng mẹ, thì thảm biết dường nào!
Ấy cái hiện tình như thế. Người trong nước ai là người đoái nghĩ đến?
Những người nhiệt thành về tây học thì ước cho chữ tây thông dụng cả trong nước, lấy tiếng Pháp mà thay vào tiếng ta không những trong khi học tập mà đến cả trong lúc trò chuyện nữa, không biết rằng sự “đổi não” ấy là thuộc lẽ thiên nhiên không thể nào thành được. Mà dù có làm được cũng là một sự không nên. Vì chữ Pháp phải coi là một thứ “cao đẳng văn tự”, người nào có tư cách nên nghiên cứu cho thực thâm để làm cái thang mà bước lên cõi văn minh, nền học thuật mới, nhưng cái của báu ấy không thể đem ban phát cho khắp mọi người được, sợ không biết của, dùng lầm mà làm mất giá đi vậy. Cứ xem người nước ta theo tây học đã ngoại bốn mươi năm nay mà chưa thấy gì mà tấn tới cho lắm, mới biết rằng một thứ văn tự cao quí như chữ Pháp phải phí nhiều công phu lắm mới học cho đến nơi đến chốn được. Còn học dở dang, biết mập mờ thì thà không học không biết lại còn hơn.
Đến những nhà cựu học thì tuy ngày nay không còn mấy nữa, nhưng còn người nào đều là người ôm cái chủ nghĩa chán đời cả. Trông thấy cái học cũ mỗi ngày một mòn mỏi đi, không thể cứu vớt được nữa, trong lòng những thương cùng nhớ, không hề xét đến tình thế tất nhiên, không hề nghĩ đến tiền đồ sự học, tựa hồ như quay mặt cả về ký vãng mà ngoảnh lưng lại với tương lai vậy. Nói văn quốc ngữ với các nhà ấy thì họ cũng cho là vô vị như chuyện Khổng Mạnh đối với người tây học vậy.
Như thế thì cả quốc dân không hề lưu tâm đến cái vấn đề tâm huyết, là vấn đề chữ Quốc ngữ, cả quốc dân không hề tự hỏi: một nước có thể không có quốc văn được Không? Một nước muốn mưu sự sinh tồn tìm đường phát đạt, có thể đời đời học mướn viết nhờ mãi được không?
Đời trước đã lầm, đời nay phải biết tránh vết xe cũ mà đừng đi. Vì nước Nam xưa kia có được vài ba ông Nguyễn Du, năm bảy bà Thị Điểm, mấy cụ Bảng Đôn, mấy cụ Yên Đổ, thì chi mà quốc văn chẳng đã phong phú rồi, chi mà đến nỗi nghèo nàn như ngày nay !
Các cụ đã xao lãng, bọn ta phải chăm chú. Dám quyết rằng công phu này không phải là công phu uổng. Cái chất nôm tuy còn mộc mạc như súc gỗ chửa thành đồ, nhưng nếu khéo bào, khéo chuốt thì có ngày bóng bẩy như trắc gụ cũng nên.
Vẫn biết rằng văn quốc ngữ ngày nay chưa có cái thú vị gì khá lấy làm vui được cho các bậc cao sĩ. Ngồi hầu chuyện các văn nhân thi sĩ nước Tàu nước tây vẫn còn sướng hơn là để tai nghe những tiếng bi be của đứa lên ba đất Nam Việt. Nhưng mà kính trọng bậc tôn trưởng bao nhiêu, tưởng cũng nên phù trì cho đứa anh hài bấy nhiêu mới là phải. Huống chi đứa anh hài lại là sản nhi giống Hồng lạc, thì công phù trì ấy há lại chẳng nên thiết tha mà chăm chút bội phần dư?
Bởi vậy mà ngày nay người nào chịu tập văn nôm là một việc công đức, người nào chịu xem văn hóa nôm là làm một việc nghĩa vụ vậy. Công đức ấy, nghĩa vụ ấy, người có lòng có dạ với nước, há chẳng nề vui vẻ mà làm dư?
Nào các nhà tây học, sau khi các ông đọc xong một chuyện hay, lại chẳng nên tự nghĩ rằng: cái chuyện này ta thử thuật lại ra tiếng ta cho vợ ta em ta nghe xem năm phần có được một phần không? Đương khi các ông gặp được một cái tư tưởng lạ, lại chẳng nên tự hỏi rằng: tư tưởng này, ta thử đem diễn ra lời Nôm xem mười phần có được một phần không, cái ý nghĩa của nó sẽ kém đi bao nhiêu, sự sâu sắc của nó sẽ giảm mất chừng nào. Ông tự nghĩ tự hỏi thế rồi, ông thử cầm bút viết, lần đầu tất còn chưa được thanh thoát lắm, lần thứ nhì, đến lần thứ ba thì có lẽ năm phần đã đến được ba mà mười phần đã tới đến bảy rồi. Thế là đội văn Nôm được thêm một suất tinh binh, mà trong cái kho thiện nghiệp của ông cũng được thêm một công đức mới vậy! Việc đó tưởng không khó khăn gì, miễn là có chút hảo tâm hảo ý là đủ. Vả các ông cũng có thể tự chắc rằng có công tất có quả, vì một thứ tiếng đã đùng để giải được tính tình tâm sự một cô Kiều không phải là tiếng man mọi gì mà không thể thành văn được.
Lại các nhà nho học, trong khi các ông bình một đoạn văn hay, lời gióng giả như bài biểu Chư Cát; giọng dịu dàng như bài tựa Vương Bột, khi mát mẻ như bài phú Đông Pha, tình cảm động như bài văn Hàn Dũ, lại chẳng nên tự hứa trong bụng rằng: Ta sẽ cố luyện cho tiếng Nôm ta cũng có cái thể cách nghiêm trang như lời văn chữ, để gây lấy một lối từ chương cho người mình, sau này cũng có thể làm tựa, làm ký, làm tứ lục biền ngẫu được như người Tàu. Nếu cái văn chương mới ấy mà gây dựng lên được thì công đức của các ông không phải là nhỏ vậy.
Nhờ cả các bậc cựu học tân học trong nước vun trồng vào, thì cái mầm quốc văn mấy nỗi mà mọc thành cây, sinh hoa kết quả; thêm tốt đẹp cho cảnh vườn cũ đất Việt Nam này. Nhà tây học thì phỏng cái lối thuyết lý tả thực của Âu châu mà vụ cho lời nôm được rõ ràng thiết thực, trọng phép trực tiếp hơn phép gián tiếp. Nhà nho học thì theo cái lối từ chương biền ngẫu của văn Tàu mà luyện cho lời nôm được chải chuốt nghiêm trang, dùng phép gián tiếp hơn phép trực tiếp. Hai lối điều hòa với nhau thì quốc văn cũng được đủ tư cách mà ra ứng đối trong trường ngôn luận, kết cấu trong cõi văn đàn.
Song nhà làm văn gắng sức đã đành, người đọc văn cũng phải chịu khó mới được. Nói thế tất có người lấy làm lạ mà nghĩ rằng: Người ta xem sách cốt lấy vui, nếu đọc sách cũng phải khó nhọc thì còn đọc làm gì? Cái đó đã cố nhiên rồi, nhưng phải xét đến cái tình cảnh riêng của văn quốc ngữ mới được. Cổ thi La Mã có câu: “Mày là đứa con sinh ra không có mẹ”. Văn quốc ngữ ta ngày nay cũng là một đứa con sinh ra không có mẹ vậy. Trước ta không ai làm văn bằng nôm, ta không thể lấy người trước làm gương làm mẫu được. Ta phải nhất thiết sáng tạo dựng đặt ra cả, từ chữ dùng cho đến phép đặt câu. Việc đó không phải là một việc dễ: ai đã từng làm văn quốc ngữ, cần cho lời nôm diễn được hết ý tứ, đạt được hết tư tưởng của mình, mới biết cái nỗi gian nan đó. Người đọc thường không lượng cái khổ tâm cho người viết mà quá trách bị ở văn quốc ngữ, muốn cho văn quốc ngữ đọc cũng vui cũng thú ngang bằng văn tàu văn tây, không biết rằng trẻ lên ba đã khôn sao bằng người đầu bạc được! Nhưng có nuôi thì có lớn, rồi cũng có ngày trưởng thành. Cốt là đương buổi ấu trĩ này phải có người chăm chút, phải có người trông nom, phải có người phù trì mà cũng phải có người tưởng lệ, thì mới mong ra khỏi tuần măng sữa, hết thời kỳ sài đẹn mà đến tuổi lớn khôn mạnh mẽ vậy.
Văn quốc ngữ ngày nay cũng tức như đồ Bát Tràng Phù lãng ngày xưa. Ai đã từng vào xem nhà bảo tàng của trường Bác cổ Hà hội, tất trông thấy ở gian bày đồ cổ Việt Nam có mấy bộ tam sự, ngũ sự, đỉnh, lọ bằng sành từ đời Cảnh hưng, Vĩnh thịnh, hình cổ kính mà trang nghiêm, chất bóng bảy mà chải chuốt, nước men nét bút cũng chẳng kém gì sứ tàu. Cớ sao mà những đồ ấy nay không thấy ai chế, không thấy đâu có nữa? Cớ sao mà cái kỹ nghệ quý báu của ông cha ấy, ngày nay ngoài mấy bộ của trường Bác cổ, không còn di tích nữa? Cớ sao mà chính người nơi sản xuất dắt đến xem lấy làm kinh ngạc mà không dám nhận? Chẳng phải là nước ta xưa nay đã quá chuộng đồ tàu, mà đồ sứ tàu đã giết mất đồ sành của ta dư?
Ai ôi, quốc nghệ xưa kia là thế, quốc văn sau này thế nào?
Xin đồng bào ta chớ lãng bỏ, chớ khinh rẻ văn quốc ngữ. Tương lai nước nhà chính ở đó.
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự Lập