Phương Đông và phương Tây

04:20 CH @ Thứ Bảy - 07 Tháng Mười Một, 2015

Nền văn minh của chúng ta tự nó đã trở thành không vĩnh cửu đối với những ai đã không sinh ra trong nó và vì nó.
(Keyserling)

Chúng ta sống trong một thời kỳ khủng hoảng của lịch sử thế giới. Đấy không phải là một lời sáo rỗng tầm thường, một công thức mơ hồ và có phần cường điệu. Đấy là một nhận xét cần thiết nếu ta nghĩ đến những hậu quả kinh khủng của bi kịch do cuộc va chạm giữa Phương Đông và Phương Tây gây ra trên thế giới.

Hai phần ấy của nhân loại đã sống cách xa nhau khá lâu, chúng hoàn toàn không biết đến nhau, mỗi bên đều nuôi dưỡng lý tưởng của mình. Lý tưởng của Phương Đông là lý tưởng về minh triết, thuận lợi cho một sự yên bình hạnh phúc. Lý tưởng của Phương Tây luôn là lý tưởng về sức mạnh. Nhằm khuất phục các lực lượng của tự nhiên để phục vụ con người, nó đã phát minh ra khoa học. Khoa học làm ra ngày càng nhiều phương tiện, tạo nên các nhu cầu, kích thích các ham muốn, và đưa ý chí về quyền lực lên đến độ cao nhất của nó, làm cho con người Phương Tây tràn ra khỏi môi trường tự nhiên của mình và ném họ vào cuộc chinh phục thế giới.

Từ đây sự cân bằng bị phá vỡ. Phương Tây lao về Phương Đông với tất cả niềm hăng say của chủ nghĩa đế quốc và tất cả sức mạnh kỹ thuật của họ, và cuộc va chạm dữ dội cho đến nỗi các quốc gia Phương Đông một thời gian dài đã không gượng dậy được từ trạng thái bất ngờ và kinh ngạc của mình.

Cuộc gặp gỡ ấy đã có thể là tốt đẹp cho nhân loại nếu nó xảy ra trong những điều kiện ít tàn nhẫn hơn, thông qua con đường của những người ưu tú và trên bình diện một sự thông lưu của các lý tưởng và các học thuyết.

Nhưng đúng như Paul Valéry đã viết trong một trang sâu sắc mà ta cần phải dẫn lại nguyên văn: "Thật tai họa cho loài người, theo lẽ tự nhiên những quan hệ của các dân tộc bao giờ cũng bắt đầu bằng sự tiếp xúc của những cá nhân ít thích hợp nhất để tìm ra những cội rễ chung và khám phá ra trước hết sự tương ứng của những điều nhạy cảm”.

"Các dân tộc đụng chạm với nhau trước hết qua những con người cứng rắn nhất, háo danh nhất, hay những người xác quyết nhất trong việc áp đặt các học thuyết của mình và chỉ cho chứ không nhận, điều khiến họ khác biệt với những người nói trên kia. Cả hai loại người ấy không hề lấy sự bình đẳng trong các trao đổi làm đối tượng và vai trò của họ chẳng bao giờ là tôn trọng sự thư thái, tự do, các niềm tin hay những điều hay của những người khác. Nghị lực, tài năng, sự sáng suốt, lòng trung thành của họ đều nhằm tạo nên hay khai thác sự bất bình đẳng. Họ lao tâm tổn sức và thường hy sinh trong việc làm cho kẻ khác những gì họ không muốn kẻ khác làm cho mình. Mà ắt phải khinh bỉ con người, dù đôi khi không hề biết là mình làm như vậy và thậm chí với ý định tốt, để có thể ra sức trừ khử họ hay quyến rũ họ. Khởi dầu là sự khinh bỉ. Không có quan hệ qua lại nào dễ dàng hơn và được thiết lập nhanh chóng hơn".

Kết quả tất yếu là, trong quan hệ giữa các dân tộc Phương Tây và Phương Đông được xây dựng trên những cơ sở như vậy, dai dẳng một sự bất ổn mà tất cả những ý đồ tốt nhất cũng không sao xua tan được.

Phạm Quỳnh - hiệu Thượng Chi, bút danh: Hoa Đường, Hồng Nhân - là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn (Việt Nam). Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu. Ông chủ trương chiến đấu bất bạo động nhưng không khoan nhượng cho chủ quyền độc lập, tự trị của Việt Nam, cho việc khôi phục quyền hành của Triều đình Huế trên cả ba kỳ (Bắc, Trung, Nam), chống lại sự bảo hộ của Pháp và kiên trì chủ trương chủ nghĩa quốc gia với thuyết Quân chủ lập hiến.

Các tác phẩm chính:

- Thượng Chi văn tập (5 tập) (Bộ Quốc gia giáo dục, Sài Gòn, 1962)
- Pháp du hành trình nhật ký (NXB Hội Nhà văn - H, 2004)
- Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 - 1932 (NXB Tri thức, H,2007)
- Một tháng ở Nam Kỳ
- Mười ngày ở Huế
- Luận giải về văn học và triết học (Nxb. Văn hoá Thông tin và Trung tâm văn hoá - ngôn ngữ Đông Tây xuất bản, H, 2003)

- Hoa Đường tùy bút

>> Trang tác giả: Phạm Quỳnh

Bị buộc phải cúi mình trước sức mạnh của Phương Tây, thoạt tiên minh triết Phương Đông đã co mình lại. Nó lo lắng tự hỏi phải quay về phương nào đây. Đôi khi nghi ngờ cả chính mình, nó ngập ngừng và bối rối. Cuối cùng quyết định thoả hiệp với sức mạnh thế lực chiến thắng kia, nó cố tìm cho ra bí quyết của thế lực đó Nó thấy rằng bí quyết đó nằm trong khoa học. Mọi nỗ lực của nó từ đây đều nhằm nắm cho kỳ được khoa học. Nhưng chẳng mấy chốc nó thấy ra rằng nếu khoa học cổ đại đồng nghĩa với minh triết, thì khoa học hiện đại lại thường là phủ định minh triết, chỉ nhằm thiết lập trên thế giới triều đại của máy móc, tàn phá mọi lý tưởng và mọi minh triết, và mỗi bước con người chiếm lĩnh được khoa học đánh dấu một bước lùi trong lĩnh vực các giá trị đạo đức và tinh thần.

Sự không tương thích giữa lý tưởng về sức mạnh và lý tưởng về minh triết đó, cũng như những tác hại của một thứ "khoa học không có lương tâm" chưa bao giờ hiện lên rõ ràng trong con mắt người Phương Đông bằng khi diễn ra cuộc tàn sát mênh mông mà toàn bộ Phương Tây vừa là sân khấu.

Nếu tất cả sức mạnh của Phương Tây, với nền khoa học giết người của nó, chỉ dẫn đến vụ điên rồ tập thể đó, làm sao người Phương Đông không thể không tiếc nuối nền minh triết cổ xưa của mình? Làm sao họ có thể phó mình cho nền văn minh ấy mà cho đến nay họ chỉ nhìn thấy có khía cạnh vật chất và máy móc.

Vậy mà họ cứ buộc phải chịu tình thế đó, bởi nền văn minh ấy ngày càng siết chặt họ trong gọng kìm kinh khủng của nó.

Làm sao thoát ra được khỏi cái ngõ cụt bi đát này?

Lý tưởng hơn cả là có thể đi đến được sự đồng cảm hài hoà giữa Phương Tây và Phương Đông, giữa khoa học Châu Âu và minh triết Châu Á.

Ngay cả ở Châu Âu bây giờ, những bộ óc lớn chăm chú theo dõi những quy luật của tiến hoá, đã tố cáo những hiểm nguy và khuyết tật của nền văn minh cơ khí đang nhằm làm bá chủ thế giới đó. Họ đã chỉ ra sự thiếu hụt trong một quan niệm thuần tuý "số lượng" về cuộc sống và tiến bộ, và giá trị không gì so sánh được của tất cả các giá trị "chất lượng". Thậm chí một đời người đã quay nhìn về Phương Đông, nơi họ lục tìm trong các nền triết học xưa để nhận ra những bài học về minh triết.

Một sự phát triển đang hình thành ở Châu Âu và ở Châu Mỹ, nếu nó được tiếp tục, nhằm đưa Phương Tây trở lại coi trọng một cách đúng đắn hơn các yếu tố tinh thần của văn minh, và đem lại cho nó tất cả giá trị nhân bản, cái giá trị nằm trong sự tổng hợp hài hoà của vật chất và tinh thần.

Nhưng song song với tiến trình đó mới chỉ tượng hình trong đôi lĩnh vực trí thức Phương Tây, một tiên trình khác, đậm nét hơn nhiều, nhanh chóng hơn nhiều, diễn ra ở Phương Đông, đổ dồn tới theo một nhịp điệu càng ngày càng hối hả: sự phát triển của tất cả các quốc gia Châu Á hướng về các khoa học Phương Tây, về nền văn minh cơ giới ấy mà ảnh hưởng đã trở nên mạnh mẽ đến mức họ không thể nào gỡ thoát ra được nữa và thay vì thâm nhập được vào bản chất của nó, họ chỉ nhìn thây khía cạnh phù phiếm và giả tạo của nó. Trong lúc đó nền minh triết xưa cũ của Phương Đông ngày càng mờ nhạt đi, nó chết dần, tan rã và chẳng bao lâu nữa sẽ chỉ còn là một kỷ niệm.

Đến mức là khi Phương Tây sẽ sẵn sàng để cùng tạo nên sự liên minh tinh thần như đã nói giữa khoa học Châu Âu và minh triết Châu Á, thì nền minh triết nọ đã biến mất rồi và Phương Tây sẽ đứng trước một Phương Đông đã bán Âu hóa.

Cuộc tổng hợp lớn không diễn ra, vì thiếu mất một trong hai yếu tố hợp thành.

Quả là Phương Tây, với sự năng động sáng tạo của nó, đến một ngày nào đó cuối cùng cũng sẽ tự nó xây dựng nên được một nền minh triết đáp ứng tốt hơn cho lý tưởng của mình.

Nhưng trong khi chờ đợi thì sao đây?

Trong khi chờ đợi, Phương Tây, sau cuộc va chạm kinh hoàng nó vừa bị lay chuyển, đang vùng vẫy trong những khó khăn không gỡ ra được, trải qua một loạt những khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội, toàn thế giới do chính những thái quá của nền văn minh "số lượng" hay cơ giới ấy mà ta đã điểm danh trên đây.

Và Phương Đông, về phần mình, lao vào một tiến trình, mà như nhà triết học Đức Kayserling đã chỉ ra rất rõ là, "nếu nó diễn ra theo cái cách mà những hình thức cũ bị vỡ nát đi sau khi thực thể mới đủ chín muồi, thì nó sẽ dẫn thẳng đến phía trước. Tuy nhiên sự việc đã không phải là như thế, và do rất nhiều nguyên nhân. Để cho cái mới có thể phát triển được, cái cũ phải biến mất đi trong khi cái mới đang còn ở trong trạng thái mầm mống, chính vì vậy mọi tiến bộ bên ngoài trước hết quy định một sự thoái hoá bên trong, và điều đó càng là vì sự phát triển của hình thức diễn ra trước rất nhiều sự phát triển của thực thể".

Đấy đích xác là tình thế của chúng ta hiện nay, tình trạng quá độ sẽ thay đổi một ngày nào đó, cần phải hy vọng như vậy, nhưng không thể không khiến cho lúc này trở thành rất đau đớn và hỗn loạn.

Và có phải là chính điều đó đang cắt nghĩa bao nhiêu sự việc, đặc biệt là sự phát triển của một số quốc gia Châu Á, và nhất là của nước Nam mà các số phận tinh thần không thể không khiến chúng ta quan tâm?

Có người sẽ bảo, toàn là những lo lắng xa vời, những suy tư phù phiếm.

Tôi tin rằng chúng chỉ là như vậy đối những ai không quen nhìn nhận các vấn đề từ một quan điểm bao quát được tất cả sự vật và làm bật ra được từ đó chuỗi tiếp nối và những hậu quả sâu xa.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Văn hóa truyền thống Đông Á: có hay không các giá trị nhân quyền?

    18/08/2018Vũ Công GiaoBực tức trước việc các quốc gia Châu Á đề cao và khẳng định các giá trị nhân quyền trong truyền thống văn hoá của châu lục, gần đây, một số người phương Tây đã chỉ trích rằng, văn hoá truyền thống ở phương Đông nói chung, ở Đông Á nói riêng chủ yếu bao hàm những tư tưởng độc tài, phi dân chủ, tàn bạo mà không hoặc chứa đựng rất ít những giá trị nhân quyền...
  • Tại sao phương Đông đi trước về sau?

    05/05/2017Đỗ Kiên CườngTrong Sự thức tỉnh vĩ đại, Ngô Tự Lập cho rằng văn minh xuất hiện là do sự thức tỉnh của con người về quyền tư hữu. Ngô Tự Lập cũng mở rộng vấn đề, khi xem phương Đông tuy thức tỉnh trước, nhưng không triệt để vì vẫn duy trì chế độ công hữu về ruộng đất đến tận thế kỷ XIX. Và đó là lý do văn minh phương Đông đi trước về sau. Còn phương Tây, tuy thức tỉnh muộn nhưng tư hữu triệt để hơn, nên đã vượt xa phương Đông.
  • 100 năm Đông Kinh Nghĩa Thục: Trong cái nhìn hôm nay

    21/10/2011Cái nhìn của một số trí thức thời nay về phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Ngẫm chuyện xưa để nói chuyện nay - con đường phát triển dân tộc...
  • Khe khẽ đông về

    10/10/2009Chu LaiHà Nội vẫn là nơi tôi sinh ra và sẽ là nơi tôi nằm xuống. Hà Nội xôn xao bốn mùa. lạnh thì lạnh ghê gớm nhưng đã nóng thì nóng không chịu nổi. Phải chăng chính vì thế mà cái man mác gió mùa thu, cái se lạnh nồng nàn của mùa xuân mới quý giá nhường bao...
  • Đông Á và sự phát triển của các giá trị phổ biến

    05/02/2007Nguyễn Ngọc ToànTrong sựbiến đổi văn minh hiện nay, vaitrò quan trọng của triếthọc là nhận biết các giátrị tham gia vào các nền văn minh chủyếu, đặc biệt là nền văn minh Châu Âu và Châu Á,đồng thời, chỉ ra sự tươngđồng của các nền văn hoá- cáicó khả năng liên kết những dântộc, những xãhội khác biệt...
  • Vài so sánh giữa triết học phương Đông và triết học phương Tây

    11/11/2006Bài này chia sẻ những điểm khác biệt về triết học, triết lý Đông - Tây, từ đó quyết định xem cân đối kiến thức sao cho hợp lý, hiệu quả cho cuộc sống...
  • Minh triết phương Đông & Triết học phương Tây

    07/07/2006Nguyên Ngọc (Dịch & giới thiệu)Viết công trình này Francois Jullien qua lại giữa hai bờ của thượng lưu dòng sông tư tưởng nhân loại: tư tưởng TrungHoa cổ dại (là cơ sở để nghiên cứu minh triếtphương Đông) và triết lý Hy Lạp cổ đại (là căn cứ để xác định tư duy triết học phương Tây)...
  • Phong trào Đông Du, một trăm năm trước

    23/01/2006Nguyễn NghịTuy tồn tại không được lâu, phong trào Đông Du cũng đã để lại một dấu ấn trong lịch sử Việt Nam thời hiện đại. Sự kiện đông đảo người dân trên gần khắp đất nước tiếp tay với phong trào cho thấy ý thức chung của người dân về sự cần thiết của cái học mới...
  • Triết lý trong văn hoá phương Đông

    18/01/2006Nguyễn Hùng HậuNghiên cứu văn hoá được tác giả tiến hành trên nhiều góc độ khác nhau với những cách tiếp cận khác nhau. Ở đây tác giả phân tích văn hoá chủ yếu trên góc độ triết lý để chúng ta có những chiến lượcphát triển con người nói riêng và văn hoá nói chung một cách thích hợp, góp phần hướng nhanh đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh...
  • Tư duy phương Đông nhìn dưới ánh sáng học thuyết Einstein

    07/11/2005Nguyễn Huệ ChiĐột phá khoa học của thế kỷ XX được đánh dấu bằng việc khám phá ra thuyết tương đối của nhà vật lý học Albert Einstein ngay vào những năm đầu thế kỷ đã làm chấn động dư luận thế giới, nhưng ý nghĩa lớn lao của nó, theo tôi nghĩ, lại chính là sự tác động dây chuyền và có tính chất lâu dài trong suốt cả một thế kỷ, làm lung lay một phương pháp tư tưởng đã hằn sâu thành nếp, chiếm địa vị độc tôn trong nghiên cứu, có lúc gây bế tắc trì trệ cho nhiều ngành khoa học, không chỉ khoa học tự nhiên mà cả khoa học xã hội và nhân văn - phương pháp duy lý cổ điển [1] của phương Tây...
  • Yếu tố dân chủ ở phương Đông

    19/10/2005Đinh Hiểu (lược dịch theo báo The New Repubic, USA)Liệu người ta có quyền thúc đẩy dân chủ trên thế giới hay đó chỉ là một cách thức áp đặt các giá trị phương Tây? Đặt vấn đề như vậy, theo nhà kinh tế Ấn Độ Amartya Sen, Giải thưởng Nobel năm 1998, là coi thường truyền thống bàn thảo của các xã hội không phải thuộc phương Tây...
  • Vũ trụ theo quan niệm phương Đông

    19/07/2005Nhà thiên văn học Nguyễn Quang Riệu...các nhà thiên văn học phương Đông thời xưa không có một mô hình chính xác về Vũ trụ và quỹ đạo của các hành tinh trong Hệ mặt trời, vì ngành vật lý và toán học, đặc biệt là hình học chưa được phát triển. Tuy nhiên, quan niệm của họ về Vũ trụ có khả năng thay đổi tương đối đúng với thực tế.
  • xem toàn bộ

Nội dung khác