Đẹp là gì?
Ta thường nói cái này đẹp, cái kia xấu; đọc bài văn khen hay, nhìn bức tranh khen khéo, nghe đàn mà cảm động, xúc cảnh mà hứng hoài. Bấy nhiêu thứ đều gợi ra trong tâm tình ta một cái cảm riêng, nhà tâm lý gọi là “mỹ cảm”.
Mỹ cảm thường cho là riêng của từng người. Cùng một cảnh trí, cùng một bức vẽ, cùng một bài văn, cùng một điệu hát, có lẽ người này cho là đẹp mà người kia cho là xấu người kia khen là hay mà người này chê là dở, tùy sự sở thích, tùy cái thói quen của môi người. Song, nếu như vậy thì quan niệm về sự Đẹp không có chuẩn đích nhất định hay sao? Đã hay rằng lòng sở thích mỗi người một khác, không thể ép cho giống nhau được, nhưng có sao có khi cùng một bài văn, cùng một bức họa, ai ai cũng đều khen là hay, ai ai cũng đều nhận là đẹp? Như văn chương nôm ta có Truyện Kiều, dù là danh sĩ giai nhân cho đến nông phu dã phụ, cũng đồng thanh công nhận là hay cả, mỗi người cho hay ra một vẻ, nhưng ai cũng chịu là hay. Cớ sao lòng sở thích của người ta vốn bất nhất như thế, cái mỹ cảm của bác thợ cày với cái mỹ cảm của thầy nho sĩ không sao giống nhau được, mà có khi hòa hợp đến cùng khuynh hướng về một đường như vậy? Thế thì mỹ cảm tuy là một cảm tình riêng mà cũng có căn cứ chung; quan niệm về sự đẹp không phải là không có chuẩn đích. Bởi sao vậy? Bởi cái đẹp đã lên đến trình độ cao thì tự có sức mạnh vô cùng, cảm người sâu xa, đủ điều hòa được mọi sự phản trái. Các đế vương đời xưa dùng âm nhạc mà trị dân, thực đã hiểu rõ sức mạnh của mỹ cảm. Nhà triết học ngày nay cũng có người xướng lên lấy mỹ thuật làm giáo dục, cho xã hội được hưởng hạnh phúc hòa bình.
Xét như thế thì sự Đẹp không phải là không có phép tắc không phải là chỉ thuộc về cảm giác riêng của từng người, mà thực có quan hệ với nhân quần xã hội.
Phát biểu những phép tắc ấy, nghiên cứu sự quan hệ ấy, đó là mục đích của một khoa học tiếng gọi là “thẩm mĩ học”. Phàm hiện tượng trong thế giới, đều có thể học được cả; không những các hiện tượng mắt ta trông thấy, tai ta nghe thấy, giác quan ta cảm được, đến những hiện tượng vô hình vô ảnh ở chốn u âm trong tâm giới, cũng có thể nghiên cứu được. Như thế thì sự Đẹp là phong phú của cuộc đời, màu mè của cảnh vật phản chiếu vào trong lòng người, sự đẹp tăng thêm giá trị cho đời người, họ lại không thể học được sao ?
Vậy thẩm mĩ học là môn học riêng nghiên cứu về sự đẹp về hình thức, tính chất của sự đẹp.
Hoặc giả nói: Người không có tài thì chẳng mĩ học nào dạy cho có tài được. Đã không có tài thì dù theo phép tắc theo qui củ của mĩ học, cũng không bao giờ làm nên công trình mĩ thuật được. Làm ra đẹp, cảm sự đẹp là một cao hứng tự nhiên, không thể đặt thành khoa học mà dạy.
Xin đáp rằng: mục đích của mĩ học quả không phải là muốn dạy cho người ta có tài. Chỉ là nhân cảm cái gì đẹp, muốn giải xem sở dĩ làm sao thà nó đẹp; muốn nghiên cứu cái lý do của mọi sự cảm giác về mĩ thuật. Sự nghiên cứu ấy không sợ làm giảm mất thú của cái đẹp đi. Không những không làm giảm mất, mà lại có phần tăng thêm lên. Vì mĩ cảm không phải là mập mờ phảng phất mới là mạnh; mĩ cảm cũng như mọi mối cảm giác khác, càng biện giải được phân minh, càng thâm trầm rõ rệt hơn. Cái đẹp chân chính thì phong thú nó vô hạn, càng đến gần, càng biết kỹ, lại càng cảm sâu. Nghiên cứu mĩ học không phải là không bổ ích về thực tế; mĩ học có thể luyện cho người ta có tài thẩm mĩ, có lòng ái mĩ, mà gây nên tính tình phong nhã. Đứng trước một vật đẹp, quan sát cho kỹ, tự hỏi bởi đâu mà nó đẹp, bấy giờ mới biết giá trị của vật ấy và biết yêu mến quí trọng thêm lên.
Chương trình của khoa mĩ học có thể chia ra làm ba phần như sau nảy :
Một là bắt đầu tự tâm lý mà cứu xét xem lúc người ta đứng trước cảnh đẹp, hoặc là cảnh thiên nhiên hoặc là công nhân tạo, trong lòng cảm ra thế nào;
Hai là nhân đó tìm xem bởi những tính cách gì mà cái đẹp cảm ta như thế; tức là giải tính chất của sự đẹp.
Ba là xét riêng về nhân công cấu tạo ra sự đẹp, tức là nghiên cứu về mĩ thuật cùng các mĩ nghệ.
Như đứng trước một cảnh trí thiên nhiên, hay mỗi bức tranh vẽ đẹp, hoặc là đại để vật gì đã nhiều người công nhận là đẹp, thì cảm giác ta lúc bấy giờ như thế nào? Trước hết phải biết phàm sự đẹp bao giờ cũng cảm đến giác quan người ta, hoặc là cảm ngay vào một trong ngũ quan, hoặc là kích động đến cái nội quan trong tâm giới là trí tưởng tượng.
Như thế thì sự đẹp không phải là thuộc về siêu hình; đẹp là phải có thể cảm ngay vào người ta được. Song không phải là cảm đến cả ngũ quan đâu: như mùi thơm, vị ngon là những cảm giác không có tính cách mỹ cảm. Trong ngũ quan chỉ có hai quan cảm được cái đẹp: là thị quan và thính quan, mắt trông với tai nghe.
Bởi đó nên từ xưa đã chia các mĩ thuật làm hai loại: một loại thuộc về hình sắc, do thị quan chi phối, như nghề hội họa, nghề điêu khắc; một loại thuộc về thanh âm, do thính quan chi phối, như nghề âm nhạc, nghề ca xướng.
Phạm Quỳnh - hiệu Thượng Chi, bút danh: Hoa Đường, Hồng Nhân - là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn (Việt Nam). Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu. Ông chủ trương chiến đấu bất bạo động nhưng không khoan nhượng cho chủ quyền độc lập, tự trị của Việt Nam, cho việc khôi phục quyền hành của Triều đình Huế trên cả ba kỳ (Bắc, Trung, Nam), chống lại sự bảo hộ của Pháp và kiên trì chủ trương chủ nghĩa quốc gia với thuyết Quân chủ lập hiến. Các tác phẩm chính: - Thượng Chi văn tập (5 tập) (Bộ Quốc gia giáo dục, Sài Gòn, 1962) >> Trang tác giả: Phạm Quỳnh |
Nay cái đẹp nó cảm ta ra thế nào? Ai cũng biết trong tâm giới chia ra ba phần, gọi là ba “năng lực” của tinh thần: một là “ý”, hai là “trí”, ba là “tình”. Vậy xét lần lượt từng phần, cho biết cái đẹp cảm mỗi phần thế nào.
Trước nhất xét về ý. Về phần ý thì cái cảm của sự đẹp rút lại có một đặc tính như sau này: là đối với vật đẹp, ý ta xui ta muốn bắt chước, muốn hình dung lấy, truyền thần lấy. Phần nhiều người thời ý bắt chước ấy chẳng qua cũng là một cái mạn hứng nhất thời mà thôi. Nhưng vào những người có tài, có thể thành một khuynh hưởng rất mạnh, đủ khiến nảy ra tư cách sáng tạo mỹ thuật.
Nói đến trí, thì chắc có một phần to trong sự cảm giác cái đẹp. Đối với cái đẹp lòng ta sinh ra một cảm tình gọi là mỹ cảm, sự đó đã cố nhiên rồi; nhưng ta vừa cảm mà ta lại vừa phán đoán nữa. Có người tưởng lầm rằng sự đẹp cảm động thẳng ngay đến tâm tình người ta, làm cho như say như mê đi, phần trí không có can thiệp gì đến. Thực không phải thế. Mĩ cảm chân chính bao giờ cũng phải thỏa hiệp với lý trí mới gọi được là hoàn toàn. Nếu không thế, nếu chỉ cảm động đến phần tình thôi, thì là một sự du khoái thường, chưa phải là mĩ cảm, vì mĩ cảm dù mãnh liệt đến đâu cũng vẫn có vẻ bình tĩnh trang nghiêm, hợp với lẽ phải.
Nên khi xét đoán về mỹ thuật, đã đoán định cái này là đẹp cái kia là xấu, thì cho sự phán đoán ấy là, nhất định, là hợp lẽ, có bằng chứng hẳn hoi. Như ngắm một phong cảnh đẹp thời cái đẹp ấy nó cảm mình tưởng cũng rõ ràng, đích xác không còn nghi ngờ gì nữa. Đến như ý kiến người ta về mỹ thuật, nếu có phán đoán theo lẽ phải, thời cũng không phải là vô bằng cả.
Sau hết nói đến tình. Trong ba phần ý, trí, tình, thì phải chịu rằng sự đẹp quan hệ với phần này nhiều hơn cả. Nên người ta thường nói đẹp thuộc về tình không phải là nói sai. Cảm giác về sự đẹp là một khuynh hướng đặc biệt, trong khuynh hướng ấy không có chút tự kỷ nào. Ta thấy cái đẹp ở đâu thì tự nghiêng lòng về đấy, không phải là vụ cầu lấy ích lợi gì cho mình. Yêu chuộng cái dẹp, chỉ là vì đẹp mà thôi, không phải vì lẽ gì nữa. Đã đẹp thì không hề hỏi có thể dùng được việc gì. Trong cái đẹp tức đã gồm một sự ích lợi cao thượng, là khiến được cho người ta thỏa lòng mãn ý, hưởng một sự du khoái thanh cao. Vì người ta cảm sự đẹp, dường như thấy phẩm cách mình cao hơn lên, giá trị mình tăng hơn lên.
Thực thế. Mĩ cảm là một cảm tình cao thượng khác hẳn nhưng sự khoái lạc duy kỷ; mĩ cảm vốn có tính dễ ba cập ra ngoài: một người được hưởng cái đẹp, muốn chia cho một người cùng hưởng; càng lan rộng ra bao nhiêu, hình như cái thú lại càng tăng lên bấy nhiêu.
Đã có sức ba cập ra ngoài, lại bình tĩnh trang nghiêm dù mãnh liệt, vẫn uy nghiêm.
Nói thế tất có người bẻ rằng: Cảnh đẹp thiên nhiên, không gì đẹp bằng cảnh bể lớn đương buổi ba đào. Đứng ngắm cảnh ấy, cảm giác trong lòng có thể bình tĩnh đang nghiêm được không? Xin đáp rằng: Nếu là một cảm giác đẹp một mĩ cảm, tất phải bình tĩnh trang nghiêm, không thì không gọi là mĩ cảm được.
Như người thủy thủ đi bè, gặp cơn gió bão, sống chết ở trong đám ba đào, thì cảnh trời bể vật lộn ấy là một cảnh dữ dội gớm ghê, không phải là cảnh đẹp. Đương khi người thủy thủ còn đánh vật với sóng ở giữa bể khơi, đương khi người vợ người mẹ đứng mong chồng mong con ở trên bãi bể, cầu nguyện cho thoát nạn, chắc không có người nào nhìn cái cảnh ấy mà sinh mỹ cảm dược. Nhưng khách du lãm, đứng trên bờ cao chiếu ống dòm mà trông ra, thì tất lấy cảnh phong ba ấy làm đẹp vô cùng. Trông thấy dữ dội có lẽ cũng cảm động, nhưng sự cảm động ấy không đủ làm rối trí mà khiến cho không nhận được cái đẹp, vì nếu đã rối trí thì không còn cảm giác và phán đoán được sự đẹp nữa.
Ấy cái đẹp cảm người ta như thế, ảnh hưởng đến cả ba phần ý, trí, tình, mà mạnh nhất là phần tình. Nay đã biết cảm giác ra làm sao, ảnh hưởng thế nào, có thể suy ngược đến nguyên nhân mà giải đẹp là cái gì, cùng cái gì làm thành ra đẹp.
Muốn biết tính chất cái đẹp thế nào, phải phân biệt rõ ràng, không nên lẫn đẹp với nhiều cái khác, như sự thích, sự lợi, sự thực, sự “lành”. Cái đẹp đối với bấy nhiêu cái vẫn có quan hệ với nhau, nhưng không phải giống nhau. Nay thử xét sự quan hệ ấy ra làm sao.
Trước hãy nói đẹp không giống với cái thích, cái gì thích không tất nhiên là đẹp. Chắc rằng cái đẹp bao giờ cũng làm cho người ta thích, mà thích hơn cả mọi sự khác; nó khiến cho khoan khoái trong lòng, vui vẻ trong trí, có khi làm cho ta say mê được; nhưng không phải vì ta thích mà gọi là đẹp, chính bởi có đẹp ta mới thích. Từ cái thích đến cái đẹp, quãng đường còn xa lắm, mà cái thích về mỹ cảm lại là cái thích đặc biệt, không giống cái thích khác. Cái sở thích thường chỉ cảm đến một bộ phận trong người ta, tiếp xúc ngay vào thân thể, không được bình tĩnh trang nghiêm. Như thế không gọi là “mỹ cảm” được. Cho nên phàm mỹ thuật mà chỉ muốn khêu giục những cảm giác xấu của người ta để thỏa mãn cái sở thích về nhục thể, là sai mục đích chân chính của mỹ thuật. Cái thích của mỹ thuật phải là cái thiện cao thượng, vì sự đẹp là phát biểu phần tinh hoa trong tâm trong trí người ta. Nên các nhà tâm lý nói rằng cái thích về sự đẹp là một mối “cảm tình”, không phải là một sự “cảm xúc”. Cảm tình là cái cảm đã nhập vào tính tình, cảm xúc là cái cảm chỉ động đến thân thể, hai đàng khác nhau xa.
Đẹp lại không giống với lợi. Ích lợi là gì? Là dùng được việc, là mưu định một việc gì mà ứng dụng được thích đáng với việc đó. Cái gì dùng được việc, trông thấy lợi ngay là có ích lợi. Máy dùng để chạy, áo dùng để mặc, đều là những vật có ích lợi cả. Nhưng không phải vì ích lợi mà là đẹp. Cái đẹp ở ngoài và cao hơn sự lợi ích; đẹp tự có một mục đích, không phải theo mục đích nào khác. Như áo mặc vẫn có áo đẹp; nhưng vì không đẹp cũng vẫn có ích; có ích là dùng để mặc cho ấm người, còn đẹp là ở kiểu cách khéo ở ngoài. Như vậy thì sự đẹp dường như là một sự thừa, một cái phụ ở ngoài, nhưng là cái thừa, cái phụ tuyệt phẩm; nó không có mục đích, vì mục đích nó là ở nó rồi. Có khi cái đẹp không những không ích lợi mà lại thậm vô ích, thế mà thiên hạ vẫn quí vẫn chuộng, chỉ là vị đẹp.
Đẹp lại không giống với thực. Boileau có câu nói rằng: “Không cái gì đẹp bằng sự thực”. Nghĩa là đẹp phải có thực mới được; phải hợp lẽ thiên nhiên, không trái phép thường của sự vật. Song sự thực tuy là một phần trong cái đẹp nhưng không phải cái gì thực là đẹp cả đâu. Như cái chân lý vô hình, gọi là đẹp sao được, vì chỉ thuần thuộc về “trí” mà không cảm đến “tình”. Sách Thiên văn toàn là kể sự thực cả, nhưng đọc sách thiên văn không tất gợi nên mỹ tình mỹ cảm. Mỹ cảm ấy là khi đêm thanh vắng, ngửng mặt lên ngắm cái cảnh tượng sao lấp lánh trên bầu trời. Bộ xương người không phải là đẹp, nhưng cả thân thể người ta, có vận động, có sinh hoạt, có tầm thước, có dịp dàng, mới là đẹp. Nên câu của Boileau trên kia phải lấy câu sau này của Platon bổ thêm vào mới trọn nghĩa. Platon nói: “Cái đẹp ấy là cái vẻ rực rỡ của sự thực”, nghĩa là tô điểm cho sự thực được tốt tươi, có văn vẻ thêm lên.
Đẹp lại không giống với lành. Lành tức là điều thiện. Việc làm không trái với luân thường đạo lý là việc thiện. Đẹp có thể vừa lành được, nhưng lành không tất nhiên là đẹp. Lại lành hay là thiện là sự cưỡng bách; làm người ai cũng phải có lòng lành, không thể là người dữ người ác. Như sự đẹp thì có thể cỡng bách được không. Quyết rằng không. Đã gọi là đẹp mà lại nói là có thể bắt ép được, thì thực là lời nói vô nghĩa. Tuy vậy, sự đẹp với sự lành, không phải là không có quan hệ với nhau. Đẹp với lành, là hai tên để chỉ một sự tuyệt phẩm, xét ra hai phương diện khác nhau. Lành là sự tuyệt phẩm trong cách ăn ở, đẹp là sự tuyệt phẩm ở ngoài hình thể.
Trong làng văn thường xuất hiện một vấn đề như sau này: văn chương quan hệ với đạo đức thế nào? Như một bài kịch mà suốt từ đầu đến cuối chỉ toàn những lời khuyên răn cả, như một thiên luân lý, thì còn nghe sao được? Nhân vật toàn những người đạo đức cả, thì lạnh lẽo quá chừng, không còn thú vị gì nữa; phải tả cả những kẻ tàn ác, dâm tà, điên đảo, hiểm độc, mới ra vẻ diễn kịch. Không những thế, có khi những nhân vật rất hèn mạt xấu xa mà khéo hình dung tả mạc, đủ làm nên một chuyện rất hay.
Như thế thì đẹp với lành thực là khác nhau, và mỹ thuật với đạo đức không thể lẫn được. Tuy nhiên, một tác phẩm mỹ thuật cũng cần phải giữ cho không hại đến phong tục trong nước, lương tâm người ta; cái thú của mỹ thuật phải là cái thú chính đại quang minh; không nên là cái thú thiên tà khuất khúc người in ai cũng có lòng hiếu nghĩa, liều đọc quyển sách, xem bức tranh, nghe bài đàn mà không thấy cái gì đủ ứng khởi lòng hiếu nghĩa ấy, thì cảm thú tất không được hoàn toàn, mỹ tình tát khi nó được trọn vẹn. Song phải biết đạo đức không tự nhiên là sinh ra mỹ cảm. Làm con hiếu với cha mẹ, là làm trọn đạo lành, việc thuộc lương tâm, không thuộc mỹ tình. Sự lành mà thành đẹp là khi biểu lộ ra ngoài cảm động đến trí tưởng tượng người ta, như làm những việc đại tiết nghĩa, đại công danh, đột ngột, hiển hách, khiến cho người đời phải khâm phục. Nhưng “đẹp” đây cũng là đẹp nghĩa bóng mà thôi, không phải là cái “đẹp mỹ” thuật.
Nay đã biết những cái gì là không thuộc về đẹp rồi, ngõ hầu có thể giải nghĩa đẹp là gì.
Xưa nay các nhà làm sách định nghĩa chữ đẹp cũng đã nhiều; nhà triết học cũng mỗi nhà giải ra một cách, có khi cao xa quá mà không thiết thực. Như có nhà nói: “Đẹp là tổng hợp cái hữu hạn với cái vô hạn, cái tuyệt đối với cái tương đối” tưởng cũng viển vông lắm.
Muốn định nghĩa cho vừa rõ ràng, vừa đầy đủ, thì phải giải sự đẹp là cái gì sàng sủa, trọn vẹn, văn vẻ điều hòa, diễn ra hình thức, cảm đến giác quan, gợi mối tưởng tượng, khơi nguồn tình tứ, khiến cho người ta có cảm hoài, có hứng thú, được mãn ý, xứng tình, hài lòng, khoái trí. Câu định nghĩa ấy không được gọn gàng, nhưng có lẽ cai quát được cả ý nghĩ cái đẹp. Đã gọi là đẹp thì phải sáng sủa mà không mập mờ, trọn vẹn mà không khuyết điểm, văn vẻ mà không thô tạp, điều hòa mà không sốc nổi, lại phải phô diễn rực rỡ ra ngoài để cảm đến tai mắt người ta, không thể tiềm tàng trong tâm trí đầu óc. Có đủ bấy nhiêu tính cách, mới là cái đẹp chân chính.
Cái đẹp chân chính thật là cống hiến cho ta một sự khoái lạc hoàn toàn. Người ta có nhiều cách sướng: sướng về nhục thể, sướng về tinh thần: ăn no uống say, đàn ngọt hát hay là sướng; thưởng thức văn chương, suy nghiền nghĩa lý cũng sướng. Nhưng khoái lạc về mỹ thuật có khác, gồm cả các khoái lạc về tinh thần cùng nhục thể, và là phần tinh hoa trong các tình cảm của người ta. Nó là cái sướng, cái thú hoàn toàn hơn cả, vì cả tâm hồn thân thể đều được thỏa mãn.
Cổ triết có câu: “Người ta là một toàn thể y nhiên tự trời sinh ra”. Như thế thì thân thể ta, linh hồn ta, tâm thần trí tuệ ta, tình cảm ý chí ta, đều là một cả, và gồm lại thành một bản thể thiên nhiên. Sự đẹp cũng vậy, chung đúc cả cái thú cao thượng làm một thể, tinh anh phát tiết ra ngoài thì cảm tai mắt, tính tình ta, nghĩa lý ẩn ngụ ở trong thì cảm tinh thần trí tuệ ta. Đối với sự đẹp, cả toàn thể người ta đều phấn khởi khích thích như muốn hớn hở, tươi cười dịp dàng, nhảy múa. Ấy ảnh hưởng của sự đẹp sâu xa như vậy.
Các sách bàn về thẩm mĩ học thường nói trong cái đẹp có một phần cốt yếu, không có lợi đẹp không được toàn. Phần ấy tức chữ tây gọi là grâce, mà ta gọi là “duyên”. Đẹp vô duyên thì đẹp cũng như xấu, đẹp có duyên mới là đẹp hoàn toàn.
Duyên là gì? Cũng khó mà giải được cho rõ. Duyên có lẽ là cái vô hình màu nhiệm, “điểm nhãn” cho cái đẹp, mà không có thì đẹp thành ra trẽn ra “trơ”. Duyên là ở dáng điệu uyển chuyển mềm mại, ở sự vận động, sự sinh hoạt điều hòa. Nếu là một vật bất động, như bức tượng, thì duyên là ở cái hình thể nhẹ nhàng, tưởng như có khí sinh hoạt thực. Về âm nbạc thì duyên cũng ở sự vận động, nhưng sự vận động đây dường như ở ngay trong người mình, nghe tiếng đàn lưu loát mà tâm hồn tự nhiên khoan khoái. Lại như trông bông hoa đẹp, thì duyên là cái vẻ mỹ miều tươi tắn, như chúm chím muốn chào ta vậy.
Muốn hiểu rõ duyên là gì, thì nghĩ ngay thế nào là “vô duyên”. “Vô duyên” là cứng cỏi, lạt lẽo, trơ trẽn, hững hờ. Có cái đẹp “vô duyên” là cái đẹp bông hoa giấy, cùng mầu cũng sắc mà không vị không hương.
Nhưng vì sao cái gì có màu mè, có ý vị thì gọi là có duyên, đều khiến cho người ta khả ái? Vì nó có vẻ sinh hoạt, không phải là vật vô hồn. Vẻ sinh hoạt ấy lộ ra hình dáng uyển chuyển mềm mại, bóng bảy nhẹ nhàng. Những tính cách bề ngoài ấy lại là tiêu biểu cho mấy đức tính ở trong. Người đằm thắm dịu dàng là người có bụng tốt, có tình yêu có lòng tin với mọi người, đối với ai cũng dễ khiến sinh ra thiện cảm. Người như thế là người có duyên, mà có duyên thì hình như có cái hương thơm riêng, đi đến đâu cũng được lòng yêu của chúng. Đó là cái vẻ đẹp cái thú nhã của người ta. Có đẹp mà không có duyên với có duyên mà không có đẹp, người đời ưa duyên hơn đẹp. Đẹp mà nghiêm khắc quá, chưa phải là thật đẹp. Suy rộng ra các tác phẩm mỹ thuật, không phải cứ ngang bằng sổ ngay, không sai qui củ là đẹp, đâu phải có vẻ tự nhiên linh hoạt như cái duyên trong người ta mới thật là đẹp.
Bây giờ thử đem cái đẹp ra phân tích, xem có những duyên chất gì. Đã nói đẹp với duyên quan hệ với nhau thế nào. Duyên tuy là cái vẻ tốt tươi của sự đẹp, không có thì đẹp không được hoàn toàn, nhưng cũng mới là một nguyên tố trong nhiều nguyên tố khác họp lại thành ra đẹp. Các nguyên tố ấy có thể chia ra làm hai hạng: một là những nguyên tố thuộc về cảm tình, hai là nhữngnguyên tố thuộc về lý trí.
Cứ theo các nhà mỹ học phân giải, thì thuộc về cảm tình có ba phần tử như sau: lực lượng, sinh hoạt và nhã thú.
Lực lượng là cái vẻ mạnh mẽ, tuy mỗi vật mỗi khác, nhưng đại để ở nguyên khi sung túc, hình thể quảng hoạt, không yếu ớt, không eo hẹp, không thắt buộc, không cọc cằn. Như cây đa cây đề phải cao lớn rườm rà, cây lan cây huệ phải tốt tươi rậm rạp, giống nào sức sinh trưởng được bao nhiêu đến được bấy nhiêu, thế là đẹp. Như người nước: ta thích chơi những cảnh cây uốn, cảnh non bộ, thu rút hình thể thiên nhiên cho bé nhỏ lại, là vì cái tính riêng hiếu kỳ, không phải vì những cảnh ấy có đẹp gì.
Sinh hoạt là cái vẻ linh lợi, như con vật thì vận động lanh lẹ, tiếng đàn thì lưu loát dễ nghe, bông hoa thì mơn mởn tốt tươi, bức họa thì hiển nhiên như thực. Bông hoa giả dù làm khéo đến đâu, hệt đến đâu, dụng công đến đâu, cũng không đẹp bằng hoa thật, là vì không có vẻ linh hoạt.
Còn nhã thú, thì tức là “cái duyên” đã giải trên kia, cốt ở mềm mại êm đềm, mỹ miều khả ái, có lực lượng, có sinh hoạt chưa đủ khiến cho ưa thích, phải có nhã thú mới gợi được cảm tình.
Thuộc về lý trí, cũng có thể phân biệt được ba phần: nhất trí, chuyển biến và thích nghi.
Sự nhất trí là một sự yếu cần của lý trí. Tư tưởng tức là nối tiếp ý nọ với ý kia, nghĩa là xếp đặt cho nhất trí. Phàm sự gì loạn tạp, phiền phức, hõn độn thì trí thức không thể quan niệm được. Nên đã gọi là đẹp phải có nhất trí, phải có một nơi trung tâm yếu điểm bao quát hết thảy, khiến cho manh mối rõ ràng, trật tự chỉnh đốn, nhiên hậu trí thức mới thừa nhận cho là đẹp.
Nhưng nhất trí không phải là nhất luật, như cung đàn độc điệu, nghe phải chán tai, bức họa nhất sắc, nhìn phải mỏi mắt. Nhất trí là gồm nhiều phần khác nhau mà thống thuộc vào một nơi yếu điểm chung. Như cung đàn phải có nhiều tiếng nhiều điệu gián tiếp nhau, tiếng bổng, tiếng trầm, tiếng khoan, tiếng nhặt, miễn là có dịp dàng tiết tấu theo một cái khuôn khổ chung. Nên trong sự nhất trí phải có “chuyển biến” nữa. Như vẽ một bức tranh cảnh, phải thế nào cho hồn nhiên là một bức cảnh, nhưng trong cái hồn nhiên ấy phải có nhiều vẻ khác nhau khéo điều hòa làm một: non xanh nước biếc, cây có rườm rà, chỗ lạt chỗ đậm, chỗ sáng chỗ tối, đây chú tiều, đó cái quán, nọ dịp cầu, kia chiếc thuyền; tuy bấy nhiêu thứ ngổn ngang mà xếp lại thành một bức sơn thuỷ. Cũng có khi bức tranh vẽ thuần một vẻ, nghe toàn trời, hoặc toàn bộ mới trông tưởng là không có biến chuyển chút nào mà nhìn kỹ màu sắc phong phú là dường nào! Tả là một mảnh trời bể mên mông, trọi không có gì khác, chỉ có mây với nước, mà mắt la nhìn, tinh t àn ta như di theo. mộng du trong khoảng không vô ạn. ấy cũng là bởi khéo chuyen biến mà mắt nhìn không chán.
Thích nghi thì khác. Thích nghi là ở cách xếp đặt thế nào cho hợp với cảnh ngoài. Như cây đa cây đề phải mọc chỗ đất cao có hình thế mới xứng đáng. Nếu vẽ vào đất thấp, không có bề thế thì tất không thích nghi. Bài văn cũng vậy, chỗ nào lời nên bình dị phải bình dị, chỗ nào lời nên hùng hồn, phải hùng hồn, đương nghiêm trang mà trào phúng, đương trào phúng mà nghiêm trang thì khó nghe lắm, thế là không thích nghi.
Ấy trong sự đẹp có bấy nhiêu phần tử phân tích ra như vậy. Phải gồm được cả, đủ thỏa thích cả cảm tình cùng lý trí mới là thật đẹp.
Khi nào bấy nhiêu phần tử điều hòa bằng nhau, đều đặn không bên nào hơn bên nào kém, thế là chân mĩ. Khi nào hoặc kém hoặc hơn không cân nhau thì hoặc gọi là diễm lệ, hoặc gọi là hùng tráng.
Vậy thử xét ba thứ đẹp ấy khác nhau thế nào.
Chân mĩ là cái đẹp bình tĩnh trang nghiêm, như cái đẹp một bức tượng. Các nhà mĩ học thường nói nghề làm tượng là nghề dễ đến được chân mĩ. Bức tượng bằng đồng hay bằng đá bao giờ cũng vẫn có vẻ uy nghiêm, trái hẳn với những lối mĩ lệ tầm thường, mà bao giờ dáng điệu cũng điều độ hình thế cũng chỉnh tề, khác hẳn với những lối hùng tráng cao kỳ.
Diễm lệ là cái đẹp hơi kém bề mạnh mẽ trang nghiêm có vẻ sinh hoạt, có duyên đậm đà, nhưng phần “chuyển biến” nhiều hơn phần “nhất trí”. Diễm lệ là cái đẹp mà hoặc trong sự mệnh ý, trong cách hình dung có kém phần lực lượng. Như thơ thì lối ca từ là thuộc về thể diễm lệ. Cái đẹp của các thứ hoa, cái đẹp của cây liễu thướt tha, cái đẹp của con ong cái bướm, của các giống vật bé nhỏ xinh xinh, là cái đẹp diễm lệ.
Hùng tráng là cái đẹp mà bề mạnh mẽ nghiêm trang lên đến cực điểm, sự vận động, sự sinh hoạt cương cường kịch liệt, mà phần nhất trí, phần chỉnh đốn có kém. Nói rằng phần chỉnh đốn có kém, không phải là tuyệt nhiên không có chỉnh đốn. Hỗn độn gì bằng cái cảnh bể khơi đương khi gió bão, thế mà trong sự hỗn độn vẫn có phép tắc, vì ngắm cảnh ấy mà biết phép tạo vật dữ dội thế nào, cổ lai vẫn thường như thế, nhất định như thế, không bao giờ sai. Nếu dữ dội mà không có phép tắc gì, nhất thiết hỗn độn cả, thì tất ghê sợ mà không cảm phục được. Đẹp hùng tráng là cái đẹp lớn lao mạnh mẽ khiến phải cảm phục. Núi cao, thác lớn, rừng rậm, bể khơi, cảnh hùng tráng thường là cảnh thiên nhiên.
Nói rút lại, diễm lệ là cái đẹp thông thường, chân mĩ là cái đẹp chỉnh đốn, hùng tráng là cái đẹp cao kỳ.
Mĩ cảm là cảm giác ai cũng có. Nhưng thường phảng phất, không mấy người hiểu rõ căn nguyên tính cách thế nào. Trở lên là theo các sách triết học tây mà giải nghĩa đẹp là gì. Coi đó thì biết trong cái đẹp gồm bao nhiêu “chất” ở đấy; phải phân biệt cho rõ mới đủ tài liệu mà thưởng thức sự đẹp.
Nay thử kết luận mấy câu mà so sánh cái cách người Đông phương với người Tây phương cảm giác sự đẹp khác nhau thế nào. Đại để thì người Tây hiểu nghĩa đẹp rộng hơn người Đông. Phàm hiện tượng gì trong trời đất, công trình gì của người ta, loài giống gì trong vạn vật, mắt trông thấy, tai nghe thấy, lòng tưởng đến, trí nghĩ đến, mà hứng khởi cảm phục, vui vẻ khoan khoái, người Tây cho là thuộc về đẹp cả. Nên thường không câu nệ phải theo lề lối, phải hợp phép tắc mới công nhận là đẹp. Người Đông phương ta thì trong cách cảm giác sự đẹp, trong cách hình dung sự đẹp có ý miễn cưỡng, có ý kiểu sức, không được tự do, không được tự nhiên. Cái đẹp đã có mẫu sẵn, mẫu ấy di truyền đời nọ sang đời kia, hình như đã in vào trong trí nhớ người ta. Trước khi công nhận sự gì vật gì là đẹp, phải đối chiếu với khuôn mẫu cũ, có giống mới cho là đẹp. Đàn bà phải môi son má phấn, vóc liễu mày ngài mới là đẹp. Đàn ông phải diêm dúa chỉnh tề, tới lui điều độ mới là đẹp. Cho đến văn chương tư tưởng cũng phải theo qui củ nhất định mới là đẹp. Bởi quan niệm về sự đẹp có phần bó buộc hẹp hòi như thế, nên my thuật văn chương kém bề mới mẻ đặc sắc. Trong ba cách đẹp như trên đã giải, cái đẹp của Đông phương ta có lẽ thiên về phần diễn lệ mà thiếu về phần hùng tráng vậy.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên Ngọc