Ngôn ngữ mới của nước Nam
Không thể chối cãi là hiện giờ đang có một ngôn ngữ mới của nước Nam đa dạng hơn, uyển chuyển hơn, đủ khả năng hơn cho sự diễn tả các tư tưởng mới và các quan niệm trừu tượng so với ngôn ngữ đó cách đây mười lăm, hai mươi năm. Ảnh hưởng của văn hóa Pháp một bên, và một bên khác là sự phát triển của thư viện và báo chí quốc ngữ đã giúp rất nhiều cho việc tạo ra thứ ngôn ngữ mới này, nó vừa là kết quả vừa là biểu tượng của sự tiến hóa tinh thần ở xứ chúng tôi từ một phần tư thế kỷ qua. Có một thực tế là các nhà nho xưa của chúng tôi chỉ viết bằng tiếng Hán. Đến khi họ viết Nôm, tức một thứ tiếng dân tộc, thì văn phong vẫn theo khuôn tiếng Hán. Thế nhưng tiếng Hán mà chúng tôi học không phải là bạch thoại mà là văn ngôn, một thứ tiếng cổ điển gần như là tử ngữ. Vậy là cha ông chúng tôi đã xây dựng một ngôn ngữ sống theo mô hình một ngôn ngữ chết, nó hết sức chân xác, ngữ pháp và cú pháp được thu lại ở cách biểu đạt đơn giản nhất hạng, vì thế mà các sản phẩm của họ đều có vẻ không thực, ngay những sản phẩm nào xuất sắc, nổi trội nhất thì cũng chỉ là sự đẽo gọt hơn là sự thể hiện văn học những điều sâu kín hơn và bột phát hơn trong tâm hồn của giống nòi.
Trong hoàn cảnh đó, tiếng Nam không thể phát triển được như một thứ tiếng văn học hay tiếng văn hóa, và nằm trong cái khuôn cứng nhắc của tiếng Hán với phép biền ngẫu và âm vận chặt chẽ, với cách viết bóng gió và tượng trưng, nó chỉ có thể sản sinh ra những bài thơ bác học rắc rối, kiểu cách, dùng nhiều chữ cổ, đó là thú tiêu khiển của các bậc tao nhân mặc khách hơn là sự nảy nở một nền văn học thực sự bằng ngôn ngữ dân tộc.
Ngược lại, cái nền văn học dân tộc này lại được vun xới trong nhân dân qua các nhà thơ dân gian, giống như những người hát rong ở Âu châu thời xưa, cất lên lời ca tiếng hát theo thị hiếu và tiếng nói của dân chúng. Khẩu ngữ dân gian mỗi ngày càng phong phú thêm những cách thức nói năng độc đáo, đôi khi là những khám phá thực sự, khéo léo và lý thú, và cả một nền văn học truyền khẩu mà chủ yếu là thơ ca đã hình thành gần như tự phát, không hề có sự giúp sức của giới bác học. Nền văn học này gồm các ca dao, tục ngữ, ngạn ngữ, châm ngôn, những bài thơ ngắn, những so sánh, phúng dụ..., nó rất phong phú và đẹp đẽ, chứng tỏ tiếng Nam không nghèo như người ta lầm tưởng. Nhưng sinh ra từ dân chúng nên nền văn học là cũng lộ ra cái nguồn gốc dân dã của mình, nó thiếu đi sự tao nhã là dấu hiệu của một văn hóa tinh tế. Nó còn xa mới tạo nên được một nền văn học dân tộc đúng nghĩa, nền văn học ấy phải là sự nghiệp của tầng lớp có học đứng ra tổ chức, rèn giũa tiếng nói dân gian, làm cho nó mềm dẻo, hoàn thiện, và khai thác được hết mọi sự phong phú của nó.
Như vậy, một bên là thứ ngôn ngữ nhân tạo đầy rẫy những kiểu cách vay mượn từ tiếng Hán, đồ theo văn phong Hán, đó là ngôn ngữ của nhà nho. Một bên là tiếng nói dân gian thú vị và phong phú, sinh ra từ chốn thôn quê đồng ruộng, nhưng còn hơi thô phác, còn quá cụ thể, chưa vươn lên được cao hơn tầm những cảm quan, chưa diễn tả được những tư tưởng có phần cao siêu, tóm lại là một thứ tiếng nói có thể nói là còn hỗn loạn, ngoài khuôn phép.
Đấy là tình trạng tiếng nước Nam khi chúng tôi bắt tay vào đổi mới nó một cách hệ thống.
Phạm Quỳnh - hiệu Thượng Chi, bút danh: Hoa Đường, Hồng Nhân - là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn (Việt Nam). Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu. Ông chủ trương chiến đấu bất bạo động nhưng không khoan nhượng cho chủ quyền độc lập, tự trị của Việt Nam, cho việc khôi phục quyền hành của Triều đình Huế trên cả ba kỳ (Bắc, Trung, Nam), chống lại sự bảo hộ của Pháp và kiên trì chủ trương chủ nghĩa quốc gia với thuyết Quân chủ lập hiến. Các tác phẩm chính: - Thượng Chi văn tập (5 tập) (Bộ Quốc gia giáo dục, Sài Gòn, 1962) >> Trang tác giả: Phạm Quỳnh |
Việc đầu tiên phải làm là hợp nhất hai ngôn ngữ của nhà nho và của dân chúng, thông tục hóa ngôn ngữ nhà nho bằng cách nhúng nó vào những nguồn mạch sâu xa của khâu ngữ, nâng cao ngôn ngữ dân chúng bằng cách thêm vào nó một số ngữ điệu văn chương và bồi đắp cho nó tất cả vốn từ Hán-nôm đã được công nhận sử dụng. Công việc này đòi hỏi phải khéo léo và có mức độ, đó là một sự cải biến kiên trì mà chỉ có thể làm được khi hiểu biết sâu sắc cả hai ngôn ngữ, sự giàu có tiềm ẩn trong ngôn ngữ này và quy tắc bất biến của ngôn ngữ kia. Đồng thời cần tránh sự thô thiển của khẩu ngữ và sự khoa trương của văn chương bác học để cuối cùng tạo nên một thứ ngôn ngữ vừa có cái thanh lịch của nhà nho vừa có cái mạnh mẽ của dân chúng.
Nhưng thứ ngôn ngữ sinh ra từ sự hợp nhất hai yếu tố dân gian và bác học đó, nếu trong quá trình tự hoàn thiện mà có thể trở thành một ngôn ngữ văn học thực sự, thì như vậy vẫn chưa đủ để nó làm được nhiệm vụ của một ngôn ngữ văn hóa. Nó vẫn còn thiếu vốn từ kỹ thuật và triết học để dịch và diễn đạt các tư tưởng và quan niệm hiện đại. Làm thế nào lấp được chỗ trống đó? Có thể tiến hành những sự vay mượn từ cả tiếng Hán lẫn tiếng Pháp. Tiếng Hán đơn âm và gần với tiếng Nam hơn tiếng Pháp đa âm. Các từ Hán là từ biểu ý chỉ cần chữ ghi lại không cần đến phát âm; khi chuyển qua tiếng Nam, chúng được phát âm theo kiểu tiếng Nam, phục tùng mọi yêu cầu ngữ âm của tiếng Nam và do đó trở thành những từ của tiếng Nam. Mặt khác, các từ mới tiếng Hán hay Hán-Nhật thường rất hay được cấu tạo bằng cách ghép hai hay nhiều chữ đã biết sao cho nếu một từ là hoàn toàn mới thì các yếu tố tạo nên nó đã có trong ngôn ngữ thông dụng, nên việc hiểu nghĩa và ghi nhớ nó được dễ hơn rất nhiều. Bởi vì tiếng Nam, mà nguồn gốc rất phức tạp và dẫu sao cũng không phải là phát xuất từ tiếng Hán như người ta thường nghe thực tế vẫn đầy rẫy những từ tiếng Hán được du nhập qua nhiều thế kỷ và được hòa trộn vào đó ngay trong cách phát âm. Trong khoảng mười ba nghìn từ ở từ điển Génibrel thì hơn một nửa là từ gốc Hán.
Như vậy những sự vay mượn tiếng Hán không có gì đáng ngạc nhiên hết; đó là một hiện tượng lâu đời và giới ngữ học nước Nam đã biết đến, nó luôn diễn ra theo cùng một quy trình: phát âm từ hay chữ theo kiểu tiếng Nam và đưa chúng vào câu tiếng Nam theo các quy tắc ngữ pháp, cú pháp tiếng Nam. Có thể nói, đó là một hiện tượng nhập tịch ngôn ngữ thường hay xảy ra và bản thân nó rất lạ lùng, có thể không gặp ở đâu khác ngoài tiếng Nam trong sự vay mượn tiếng Hán. Bởi vì một từ mới mượn ở tiếng Hán và phát âm theo kiểu tiếng Nam chuyển ngay tức khắc vào một ngôn ngữ mà ở đó nó gặp lại từng yếu tố tạo nên nó và đã có ở đó dưới dạng riêng lẻ, hoặc dưới dạng một bộ phận của một từ phức khác đã biết, trường hợp này không có ở một ngôn ngữ nào khác. Thí dụ từ trực giác dùng để dịch từ "intuition" (trong thuyết intuitionisme của Bergson) là gồm hai từ đã biết trong tiếng Nam: trực nghĩa là "thẳng" và giác nghiã là “biết”; một sự “biết thẳng”, không cần phải qua các thao tác thông thường của suy lý và logic, và chính đó là đặc điểm của "intuition".
Như vậy là từ ngữ mới của tiếng Hán có ưu điểm khiến cho người Nam dù ít học cũng dễ dàng hiểu được ngay. Chỉ gồm hai từ đơn âm tiết, nó tiện lợi hơn nhiều so với dùng lời lẽ thô sơ diễn giải dài dòng nghĩa của "intuition" hay phiên âm từ đó sang âm tiếng Nam làm nghịch tai không chịu nổi.
Tôi nói hơi dài những chi tiết này để làm rõ hơn những sự vay mượn của tiếng Nam đối với tiếng Hán, những vay mượn tiện lợi, cần thiết và hữu ích. Cố nhiên là không nên lạm dụng chúng, không vay mượn bừa bãi. Ở đây có vấn đề mức độ và khéo léo, những phẩm chất mà mọi nhà văn chân chính đều phải có. Viết câu tiếng Nam đầy những từ Hán khó hiểu cũng lố bịch như là bài trừ tất cả các từ Hán để chỉ dùng từ Nam không thôi, vả chăng việc này là không thể được bởi vì như đã nói, một nửa tiếng Nam là có nguồn gốc hay xuất xứ từ tiếng Hán. Quy tắc cần luôn có là nếu có thể dịch được những tư tưởng mới bằng các từ ngữ tiếng Nam đủ rõ ràng và sáng sủa thì không cần phải dùng đến các từ Hán và khi phải vay mượn các từ Hán thì nên mượn những từ gồm những yếu tố đã biết trong ngôn ngữ thường dùng.
Như vậy trong việc xây dựng vốn từ mới của tiếng Nam để dịch các tư tưởng và quan niệm mới, những sự vay mượn tiếng Hán là cần thiết. Từ nửa thế kỷ nay, trước hết là người Nhật - họ cũng dùng tiếng Hán, sau đến người Trung Hoa, đã dịch hoặc phóng tác ra tiếng nước họ thột số lượng lớn các sách Âu châu liên quan đến tất cả các ngành tri thức Tây phương: khoa học, triết học, nghệ thuật, xã hội học, luật học, kinh tế, chính trị, v.v... Nhờ đó họ đã tạo ra một kho từ vựng hiện đại rất phong phú cho chúng ta tha hồ vay mượn.
Nhưng chỉ mượn tiếng Hán thôi chưa đủ. Theo quy tắc chung, chúng cần thiết cho vốn từ triết học, pháp lý, cho hệ thuật ngữ của cái mà chúng ta có thể gọi là các khoa học luân lý và chính trị; nhưng đối với từng khoa học riêng biệt mỗi khi có thể thì dịch và cần thì viết lại từ tiếng Pháp với những cách thức của tiếng Nam tốt hơn là dùng những cách dịch như tiếng Hán. Việc này còn tùy thuộc vào sự sáng suốt của nhà văn và dịch giả biết lựa chọn và không quá thiên về phía này hay phía khác.
Đấy là cách tôi hiểu công việc đổi mới tiếng Nam và cách thức tôi đã đóng góp vào công cuộc đó. Nhưng có một điều tôi muốn nhấn mạnh: đó là văn xuôi mới của nước Nam - vì sự sáng tạo một thứ văn xuôi của nước Nam là mối quan tâm chính của tôi, còn thơ thì đã đạt đến đỉnh cao trong những tác phẩm như Kiều rồi - rõ ràng là văn xuôi mới đang đi theo mẫu của văn xuôi Pháp và đang tìm cách vay mượn ở đó một số phẩm chất: sáng sủa, chính xác, logic, thanh nhã, dí dỏm và hài hước. Nó thận trọng tránh những thứ của văn phong Hán: biền ngẫu, đăng đối, rườm rà, suông nhạt, trịnh trọng. Nó sẽ ít mang tính tổng hợp hơn khi bỏ qua những sự ám chỉ và khuôn sáo mà mang tính phân tích nhiều hơn khi đi vào miêu tả chi tiết các hoàn cảnh và con người, các phương diện bên ngoài và trạng thái tâm lý bên trong. Nếu nó kiên trì con đường này, nó sẽ hợp nhất thành công tinh thần Pháp với tinh thần Nam: cái chất Pháp mang lại cho cái chất Nam sự sáng sủa, tính duy lý, còn cái chất Nam trong cuộc tiếp xúc này chỉ mất đi sự mơ hồ và thiếu chính xác, mất đi sự thiếu duy lý và logic, mà vẫn giữ lại được tất cả những ưu điểm vốn có: lương tri, hài hước, cân bằng, chừng mực, một chút gì nhọn sắc đối với mọi sư ngu ngốc và kiêu căng của con người.
Thực ra từ ít lâu nay người ta đã tung ra một lối viết mới có ý muốn học theo văn phong báo chí Pháp, song đó thường mới chi là viết một cách khoa trương hay biếm họa sơ sài. Lối viết đó không có cấu trúc, không có cú pháp; các câu cụt, các đoạn nối nhau không theo một logic nào, chi tuân theo cảm xúc thoáng qua hơn là những ý tưởng chính xác rõ ràng; một lối viết kỳ cục, dị dạng, tăm tối, khó hiểu, hoàn toàn trái với cái tinh thần Pháp. Nhưng đấy chỉ là cái mốt rồi sẽ qua đi, và tôi tin rằng ngôn ngữ mới của nước Nam sẽ vẫn đi theo truyền thống lành mạnh của sự sáng sủa Pháp và lương tri Nam.
(1931)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh