Chủ nghĩa dân tộc

02:11 CH @ Thứ Năm - 13 Tháng Mười Một, 2008

Có một thực tế là kể từ khi có cuộc Đại chiến ở Châu Âu, thì phong trào dân tộc cũng có mạnh lên và có quy mô lớn chưa từng thấy. Kết quả của cú sốc lớn này của các dân tộc là nó làm tăng thêm tinh thần dân tộc không chỉ ở những nước tham chiến, mà còn cả ở những nước ít nhiều có liên quan đến cuộc xung đột kinh hoàng này. Nó đã thức tỉnh nhiều quốc gia đang ngủ quên, đã khơi dậy ý thức và sức sống cho nhiều quốc gia khác mới chi ở dạng tiềm tàng, đã tái sinh hay khơi dậy ở tất cả các quốc gia sự ham muốn sống cuộc sống tự do và độc lập của mình, duy trì và thèm khát nuôi dưỡng tất cả những gì - ngôn ngữ, truyền thống, phong tục tập quán - tạo nên đặc tính riêng của họ, phân biệt họ ra, khu biệt họ với các dân tộc khác.

Lại còn một trong vô số điều bất thường của cái thời đại chúng ta sống, ấy là nó vừa gia tăng việc coi trọng các đặc thù dân tộc thì tương ứng cũng có một phong trào quốc tế chủ nghĩa không gì kìm hãm nổi, mà mục tiêu của phong trào này không là gì khác hơn là loại bỏ các đường biên giới quốc gia và hòa trộn toàn nhân loại vào trong một vòng tay lớn.

Nhưng làn sóng dân tộc chủ nghĩa này mạnh mẽ nhất là ở những quốc gia bị các cường quốc Châu Âu xâm chiếm, bị biến làm thuộc địa. Cái hệ tư tưởng làm nền cho cuộc chiến - đấu tranh cho các Quyền, cho Công lý, vì sự giải phóng các dân tộc bị áp bức và các vùng "đất phải được đòi lại"(**) quyền tự quyết của các dân tộc, v.v... - đã tác động lên các dân tộc mất nước này mạnh hơn các dân tộc khác, bởi vì hệ tư tưởng đó đáp ứng được các khát vọng bấy lâu bị dồn nén, nay lại càng nóng bỏng và mãnh liệt. Được các chính quốc kêu gọi tham gia vào cuộc chiến, chính hệ tư tưởng này đã trụ đỡ cho họ trong suốt cuộc chiến. Hết chiến tranh thì cũng bắt đầu những điều vỡ mộng và ai ai cũng nhận ra sự tương phản giữa hệ tư tưởng này với cái thực tại rõ ràng là tàn nhẫn. Mối oán hận này chỉ càng làm tăng thêm sự gay gắt của chủ nghĩa dân tộc non trẻ, và ở một số nước người ta được chứng kiến nó liên minh với các luận thuyết cực đoan, cái liên minh này thể hiện ra thành những cuộc biến loạn ít nhiều nghiêm trọng và một tinh thần bài ngoại càng lúc càng gia tăng.

Nước Nam không nằm ngoài phong trào chung này.

Phạm Quỳnh - hiệu Thượng Chi, bút danh: Hoa Đường, Hồng Nhân - là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn (Việt Nam). Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu. Ông chủ trương chiến đấu bất bạo động nhưng không khoan nhượng cho chủ quyền độc lập, tự trị của Việt Nam, cho việc khôi phục quyền hành của Triều đình Huế trên cả ba kỳ (Bắc, Trung, Nam), chống lại sự bảo hộ của Pháp và kiên trì chủ trương chủ nghĩa quốc gia với thuyết Quân chủ lập hiến.

Các tác phẩm chính:

- Thượng Chi văn tập (5 tập) (Bộ Quốc gia giáo dục, Sài Gòn, 1962)
- Pháp du hành trình nhật ký (NXB Hội Nhà văn - H, 2004)
- Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 - 1932 (NXB Tri thức, H,2007)
- Một tháng ở Nam Kỳ
- Mười ngày ở Huế
- Luận giải về văn học và triết học (Nxb. Văn hoá Thông tin và Trung tâm văn hoá - ngôn ngữ Đông Tây xuất bản, H, 2003)
- Hoa Đường tùy bút

>> Trang tác giả: Phạm Quỳnh

Có một chủ nghĩa dân tộc của nước Nam bắt nguồn thậm chí còn trước cả chiến tranh 1914- 1918, từ thời bắt đầu cuộc xâm chiếm, nhưng nó đã gia tăng mạnh mẽ bởi các tác động của cuộc đại chiến thế giới.

Thực ra thì tinh thần dân tộc luôn luôn mãnh liệt ở nước chúng tôi. Chỉ cần đọc lịch sử của chúng tôi là nhận thấy rằng, bất chấp danh nghĩa chư hầu của Trung Quốc, nhưng mỗi cuộc xâm lăng của Trung Quốc, mỗi một tác động tạo ảnh hưởng mới của Trung Quốc lên đất nước này, đều tạo nên một sự bùng nổ tinh thần dân tộc trong quảng đại quần chúng, và các vị vua chúa của chúng tôi đều biết khéo léo khai thác để giành lại giang sơn, để đặt những nền móng cho một triều đại mới, hay là để khôi phục lại sự thống nhất đã bị lung lay vì các cuộc nội chiến.

Lịch sử thiết lập chế độ bảo hộ Pháp tại Trung Kỳ và Bắc Kỳ chỉ là một chuỗi các phong trào khởi nghĩa dưới các dạng khác nhau nhưng đều có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa rõ rệt. Thực tế là giới trí thức nước Nam cho tới tận gần đây vẫn luôn thù địch với trật tự mới. Ban đầu họ đứng ngoài các cuộc nổi dậy do các thủ lĩnh băng đảng xuất thân bình dân phát động, nhưng rồi họ cũng tham gia vào con đường cải cách kể từ sau khi Trung Quốc bị Nhật Bản đánh bại năm 1894. Những cuốn sách của các nhà cải cách Trung Quốc như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu... đã ảnh hưởng sâu sắc lên giới trí thức cũ chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa trong suốt hai mươi năm, từ 1895 đến khoảng 1914. Lúc đó nhiều trí thức đã chạy sang Trung Quốc và Nhật Bản và tất cả các sự kiện xảy ra trong thời kỳ này, đặc biệt là các sự kiện năm 1897, 1908, 1913, đều có sự kích động ít nhiều trực tiếp của các trí thức lưu vong ở nước ngoài.

Khi Chiến tranh thế giới thứ I sắp bùng nổ, số lượng các nhà nho này bắt đầu ít dần, do không còn người theo học sau khi Nho học và các kỳ thi lớn ba năm một lần bị bãi bỏ. Thay vào đó là một tầng lớp trí thức mới được đào tạo không theo lối Trung Quốc nữa, mà từ trường phái Châu Âu. Có người nghĩ rằng ngọn lửa ái quốc tích cực đã tắt cùng với những người Nho học cuối cùng. Nhưng hoàn toàn không phải như vậy. Giới trí thức mới đã tiếp nối trung thành các bậc cha chú của mình. Nhưng do thiếu kinh nghiệm chính trị, lại tin vào những lời hứa không tiếc lời trong các diễn văn hùng hồn của Toàn quyền Sarraut, họ đã bị hệ tư tưởng chiến tranh mà chúng ta đã nói ở trên cuốn đi. Thời hậu chiến đã mở mắt cho họ. Họ đã thấy rõ hơn hoàn cảnh của đất nước mình và đã tỏ ra một tinh thần dân tộc chủ nghĩa thậm chí còn hơn cả ở những người đi trước.

Qua bài thuyết trình cố gắng sao cho khách quan nhất này, ta thấy rằng chủ nghĩa dân tộc của người nước Nam có những gốc rễ sâu xa từ ngay trong lòng đất nước này, và hoàn cảnh mới đã tạo cho nó một sức mạnh mới. Nó đang trải qua một cuộc cách mạng có thể dẫn nó đi vào hai con đường khác hẳn nhau. Một con đường thứ nhất - nếu có thể nói như vậy - là một sự kết tinh của chủ nghĩa ái quốc nước Nam nhằm thực hiện một lý tưởng tiến bộ, thịnh vượng và độc lập qua các giai đoạn được sắp xếp khôn khéo và thận trọng; và một con đường thứ hai là chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ liên minh với các luận thuyết cực đoan, mà các dấu hiệu tiên báo đã bộc lộ rõ ràng và chúng có thể cho ta đoán biết trước những hậu quả không thể lường cho hết được.

Lái cho cuộc cách mạng này theo hướng phù hợp nhất với lợi ích của chúng ta, không để nó chệch sang các hướng ngược lại, là việc hoàn toàn do các nhà cầm quyền của chúng ta quyết định. Định hướng chủ nghĩa dân tộc nước Nam, để bắt nó phục vụ sự nghiệp tiến bộ,cũng là việc hoàn toàn do họ quyết định. Cần phải làm gì để đạt được điều này?

Cần phải làm sao cho người nước Nam không còn có cảm giác họ là những người xa lạ trong tổ quốc của chính họ; họ phải có cảm giác rằng họ đã không mất tổ quốc này, và bằng cách ra sức củng cố trật tự hiện nay, họ phấn đấu cho sự thịnh vượng hôm nay và cho sự lớn mạnh của tổ quốc trong tương lai.

Đây là thời điểm quyết dịnh. Một quyết định khó khăn cần phải được đưa ra. Không biết các nhà lãnh đạo của chúng ta có khả năng đưa ra quyết định này hay không? (1929)


(*) Phạm Quỳnh (17 tháng 12 năm 1892 - 6 tháng 9[1] năm 1945) là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn (Việt Nam). Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu. Ông có tên hiệu là Thượng Chi, bút danh: Hoa Đường, Hồng Nhân.

(**)Tác giả dùng chữ irrédentisme, một học thuyết chính trị có nội dung là đòi lại đất khởi nguồn từ những người dân tộc chủ nghĩa ở ltalia từ năm 1870, về sau đã thành cả một cao trào diễn ra ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới, ở đâu cũng thấy “bất công” về đất đai, ở đâu cũng thấy dân tộc mình mất quá nhiều đất (Bolivie và Perou đòi đất vùng ven biển của Chili, Phần Lan đòi vùng Karelie của Nga, Pakistan đòi đất Cachemire của ấn Độ, Argentina đòi các đảo Malouines, Trung Hoa đòi Đài Loan, Pháp đòi vùng Alssace-Lorraine của Đức, Ba Lan đòi vùng Silésie v.v... Phạm Quỳnh muốn liên kết phong trào đòi độc lập tự do của Việt Nam vào bối cảnh chung đó (BT).

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Chủ nghĩa dân tộc của Phan Bội Châu dưới nhãn quan triết học

    26/12/2017Lê Thị LanChủ nghĩa dân tộc của Phan Bội Châu được hình thành trên những nguyên lý triết học mà ông coi là nền tảng, như lẽ sống chết, quan hệ giữa lý và khí, tự do và bình đẳng, độc lập và tự cường dân tộc... Chủ nghĩa dân tộc của Phan Bội Châu đã vượt qua giới hạn tầm nhìn Nho giáo, tiếp thu các giá trị tư tưởng phổ biên của thời đại để đi đến hai mục đích lớn là giải phóng dân tộc và xây dựng một nước Việt Nam mới...
  • Toàn cầu hóa và vấn đề quyền lợi dân tộc

    25/06/2014Nguyễn Trần BạtTrong lịch sử phát triển đầy những khúc quanh của nhân loại, chủ nghĩa dân tộc và quyền lợi dân tộc luôn luôn là một trong những vũ khí chính trị hiệu nghiệm cho mục đích tuyên truyền. Điều đó được giải thích không chỉ bởi tầm quan trọng, mà cả tính phức tạp của vấn đề. Và trên thực tế, mặc dù chủ nghĩa dân tộc là một khái niệm, nó thường bị lạm dụng hoặc hiểu nhập nhằng...
  • Con người, dân tộc và các nền văn hóa: chung sống trong thời đại toàn cầu hóa

    15/06/2007Cuốn sáchlà những suy ngẫm, phần nào có thể gọi là tổng kết mấy chục năm nghiên cứu và giảng dạy các vấn đề này, những suy ngẫm vừa dựa trên một khối lượng kiến thức lịch sử triết học đồ sộ ...
  • Nghiên cứu con người Việt Nam: Mấy vấn đề nhận thức và phương pháp

    18/12/2006Hồ Bá Thâm...từ lâu các học giả nước ta đã chú ý nghiên cứu con người và nhất là con người Việt Nam từ nhiều góc độ, lối nhìn mà càng về sau càng toàn diện và sâu sắc hơn. Kết quả đó cũng khá khả quan như một bước tiến dài trên con đường nghiên cứu nhiều mặt giúp cho độc giả có hiểu biết khá hệ thống ở tầm khoa học và triết học về con người nói chung và con người Việt Nam nói riêng...
  • Con người văn hóa trong tư tưởng của một số doanh nhân dân tộc

    01/01/1900Nguyễn Bình YênSo với một số nước có nền văn minh phát triển sớm như TrungQuốc, Ấn Độ và một số nước TâyÂu thì Việt Nam không có những học thuyết tư tưởng lớn có vai trò chi phối sự phát triển xã hội như Nho gia, Đạo gia...
  • Hướng các giá trị đạo đức truyền thống theo hệ chuẩn giá trị Chân – Thiện – Mỹ

    27/03/2006TS. Đặng Hữu ToànNền kinh tế thị trường với những nguyên tắc vận hành và phát triển riêng của nó đang có ảnh hưởng sâu sắc cả theo hướng tích cực lẫn tiêu cực tới mọi mặt đời sống xã hội, tới hệ thống các giá trị, các quy phạm đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống và nhân cách con người trong một quốc gia, dân tộc. Phát triển kinh tế thị trường không chỉ làm nảy sinh quá trình xâm nhập, bổ sung lẫn nhau giữa các hệ thống giá trị, các chuẩn mực đạo đức, các quy tắc ứng xử truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế...
  • Cải cách văn hóa

    17/09/2005Nguyễn Trần BạtVăn hóa hình thành một cách khách quan, tự nhiên và mang trong mình tính lạc hậu tương đối. Cải cách văn hóa là giải pháp duy nhất để ngăn chặn những yếu tố lạc hậu tương đối của văn hóa xâm nhập và ảnh hưởng tiêu cực đến mọi lĩnh vực của đời sống....
  • Bản sắc văn hoá - tính tương đối của sự đa dạng

    25/08/2005Ngô Tự LậpThế nhưng chúng ta cũng không thể không nói đến niềm hân hoan khi tiếp xúc với những miền đất lạ, những tiếng nói lạ hay những giai điệu xa xôi. Những gì diễn ra trong quan hệ giữa các nền văn hoá vào phút giây gặp gỡ gieo trồng những cảm xúc giống như tình yêu trai gái khi lần đầu ánh mắt giao nhau. Tất cả nói lên điều gì? Bản sắc đóng vai trò như thế nào trong đời sống nhân loại? Và sự đa dạng về bản sắc có cần đạt đến bằng mọi giá hay không?
  • xem toàn bộ