Bài học của tổ tiên
>> Cùng một tác phẩm
- Một vấn đề ngôn ngữ học
Tết là một cuộc nguyện cầu. Mặc những tiếng pháo nổ vang để xua đuổi các oan hồn và ma quỷ ra khỏi khuôn viên gia đình cũng như để biểu lộ niềm vui đón năm mới, mặc những lời chúc tụng và những cuộc viếng thăm, đối với dân tộc này Tết trước hết là một dịp long trọng để cộng cảm cùng những người đã chết trong một cuộc nguyện cầu sùng tín.
Tất cả những chuẩn bị tỉ mỉ bắt đầu từ hai tuần trước ngày lễ lớn đó, tất cả những chăm chút không sao kể hết để xếp đặt bàn thờ trang trí nhà cửa, dán đầy các bức tường bao nhiêu câu đối viết trên giấy điều, và cắm đầy các lọ những cành đào và các thứ hoa đủ màu sắc, cho đến những món ăn được chuẩn bị và để dành từ nhiều ngày trước, và những khuôn mặt sáng bừng, những nụ cười rạng rỡ, tất cả đều là nhằm để đón tiếp một cách thật xứng đáng các vị tổ tiên, trong ba ngày có thể nói sẽ đến sống cùng con cháu của mình.
Giữa những người chết và những người sống, giữa người sống và người chết, trong những ngày này có một dòng chảy siêu nhiên kết nối họ lại với nhau, khiến cho các nghi thức và có tính chất lễ hội gia đình này mang một ý nghĩa thật tôn nghiêm. Bởi chính tính vĩnh cửu của gia đình và nòi giống, sự kế truyền của các thế hệ trong dòng tiến hóa vĩnh hằng được biểu hiện trong các động tác phục tùng thành tâm và tôn kính đầy trìu mến của cả nhà trước bài vị tổ tiên. Và khi còn giữ được ý nghĩa cốt yếu và sâu xa của các động tác đó thì bài học của những người đã mất để lại cho chúng ta sẽ còn sống mãi.
Bài học ấy là gì? Hẳn sẽ không phải là vô ích khi đặt ra câu hỏi đó trong những ngày này, những ngày đối với hàng vạn người nước Nam, những ai còn chưa muốn chối bỏ quê hương và những người thân đã mất của mình, là những ngày dành để suy gẫm và cầu khấn, những ngày tưởng niệm.
Vậy đấy, mỗi người đều có thể hỏi những người thân đã mất của mình. Tôi cũng vậy, tôi đã hỏi những người thân đã mất của tôi, và sau đây là những điều họ đã trả lời tôi:
- Ta hiểu những hoài nghi và lo âu của con. Nếu không hiểu được những điều đó thì ta đâu có còn là hồn ma. Dù trong cuộc sống trước đây ta đã làm gì, thì ngày nay ta cũng đang sống trong một thế giới siêu linh và bằng những ăng ten huyền bí, ta vẫn thông giao với những người ta đã để lại khi đi xa và là những người thân của ta. Ta vẫn tiếp tục tham dự vào cuộc sống của họ. Ta đau nỗi đau của họ và vui với niềm vui của họ. Họ sống bằng ta nhiều hơn là họ vẫn tưởng. Khi họ nghĩ rằng họ tách ra khỏi ta xa nhất, thì thật ra họ vẫn bước đi trên những dấu mòn của ta. Họ đã đúng khi đôi lần quay nhìn lại ta trong những lúc gian nan hay lúc phân vân. Nếu họ biết lắng nghe được ta họ sẽ tìm được niềm vui và yên lòng.
Nhưng, đáng buồn thay, họ thường ngỡ rằng họ tinh quái hơn ta. Quả đúng là con cái được coi là thông minh hơn bố mẹ. Đấy là quy luật ở đời hay đúng hơn là một ảo tưởng, một sự an ủi. Dường như ta sẽ ít tiếc nuối cuộc đời hơn nếu ta có ảo tưởng rằng ta sẽ sống tốt hơn những tiền bối của mình. Chúng ta là những người biết rằng mọi sự chỉ là tương đối, và, chẳng hạn mỗi dân tộc đều được phú một tiềm lực tinh thần sẽ phát triển ít hay nhiều tuỳ thuộc những ngẫu nhiên của cuộc sống chung quanh. Là những người vượt thoát khỏi mọi ngẫu nhiên của trần thế, chúng ta phát triển tiềm lực của chúng ta đến cùng cực, và do vậy chúng ta thực hiện được tất cả các khả năng của giống nòi, những khả năng phần lớn còn tiềm ẩn trong những cá nhân hiện tại. Nhưng đấy là một lý thuyết quá ư siêu việt để chúng ta có thể hiểu thấu được. Cái cốt yếu là ta biết rằng có rất nhiều điều ta còn có thể học được ở các bậc tổ tiên của chúng ta mà linh hồn vẫn sống cùng chúng ta.
Ở đời có bao nhiêu con đường và chúng đưa ta đến những phương hướng khác nhau. Chọn đi đường này thay vì con đường khác nào có phải là chuyện người ta không hề quan tâm. Có những con đường đưa đến hạnh phúc, bởi chúng hợp với những ngưỡng vọng của giống nòi; có những con đường khác tất phải dẫn đến tai họa bởi chúng chống lại hay ngăn trở những ngưỡng vọng ấy. Bởi có một đòi hỏi của giống nòi mà không một lực lượng nào của con người có thể cưỡng lại được.
Hẳn con cũng quá biết, chúng ta là một nòi giống những con người đứng đắn và ngoan cường, cứng rắn trong lao động và gian khó cũng như đối với chính mình và đối với người khác. Chúng ta coi cuộc sống là điều nghiêm túc; ta không đùa với nó, và nó cũng không đùa với ta. Nó được chi phối bởi những nguyên tắc có một giá trị tuyệt đối đối với chúng ta, những nguyên tắc mà tổ tiên xa xưa đã truyền lại cho chúng ta và đến lượt mình chúng ta lại truyền lại cho con cháu.
Nguyên tắc cao nhất trong số đó là thờ phụng gia đình và giống nòi. Chẳng phải là người xưa đã từng nói: “Con người vừa lọt khỏi lòng mẹ đã có hai bổn phận: một bổn phận đối với vị vua của mình, một bổn phận đối cha mẹ của mình” (Xuất mẫu hoài, tiên thị hữu quân thân)! Vua, tức là quốc gia, là đất nước, là giống nòi; cha mẹ, tức là gia đình, là tế bào đầu tiên và cuối cùng của xã hội; đó là đơn tử nguyên ủy từ đấy sinh ra tất cả và tất cả lại trở về đấy.
Cá nhân tách khỏi gia đình và nòi giống của mình, tự coi mình là cái rốn của vũ trụ, đấy là một khái niệm vô đạo, dị giáo, mà ta không hề biết đến. Nó được du nhập từ nước ngoài vào. Người ta đã muốn tìm mọi cách cấy cắm nó vào đất này, nhưng sẽ chẳng ăn thua gì đâu, hoặc nếu được thì sẽ là tai họa lớn cho dân tộc này. Có những kẻ lẻ loi tách rời khỏi môi trường và nòi giống của mình, lầm tưởng về chính mình và tự thổi phồng mình lên, quy tất cả mọi thứ vào cái cá nhân phù du và mờ ảo của họ, đấy thuần tuý chỉ là điên rồ. Cá nhân chỉ là một mắt xích trong mạch chuỗi dài là gia đình và nòi giống. Các cá nhân chỉ có một ý nghĩa nào đó nếu chúng là thành phần gắn bó của toàn thể. Thoát ra khỏi cái khung ấy, bị băng mất rễ đi, chẳng mấy chốc chúng sẽ bối rối và lạc hướng.
Ôi! Ta biết lắm, chúng ta là những người lạc hậu. Chúng ta chẳng biết những lý thuyết đẹp đẽ về tiến bộ và phát triển. Tiến bộ, cái từ mới đẹp làm sao? Nhưng cũng thật dối trá và lừa đảo! Người ta đã phạm phải những điều kinh khủng nhất nhân danh cái từ to lớn, thường là vô nghĩa đó. Con có tin rằng nhân loại ngày nay tốt hơn thời Khổng Tử không? Về cơ bản, thế giới cứ quay vòng quanh; sau mỗi chu kỳ tiến hoá, mọi sự lại bắt đầu và cứ tiếp tục như vậy mãi. Không hề có sự tiến bộ tuyệt đối. Đấy là một trong những điều mê tín của thế kỷ này vốn tự cho rằng mình đã thoát ra được khỏi mọi định kiến và nếp cũ. Có những tiến bộ nhỏ, những bước đi tới nhỏ về phía trước trên con đường dài vốn, như chúng ta vừa nói, cứ quay vòng tròn. Điều đó gây nên ảo tưởng, chỉ có vậy thôi. Thường đấy là một ảo tưởng tốt lành, khiến cho ta giữ được lòng can đảm và khuyến khích nỗ lực, bao giờ cũng là điều tốt, nhưng chớ nên quá bám lấy ảo tưởng ấy, như là một sự mê tín nó che mờ tâm trí ta và làm mờ tối trí thông minh của ta.
Vậy nên, gia đình và tổ quốc phải là hai cực trong hoạt động của con, nếu con muốn hành động và mong muốn giúp ích được chút nào đó. Bởi đó là hai chân lý tích cực và sống động duy nhất; mọi thứ khác chỉ là mơ tưởng và hão huyền.
Đấy là bài học lớn nhất mà tổ tiên của con có thể dạy cho con; nó đã từng ích dụng cho chính họ, nó cũng sẽ ích dụng cho con và con cháu của con cho đến các thế hệ cuối cùng.
Bài học này có thể ít nhiều thiển cận, ít nhiều chật hẹp; quả là nó thiếu chất thơ và chẳng hề bay bổng; nó chẳng hay ho gì cho cái thói phóng đãng lãng mạn vốn là đặc điểm của những đầu óc vô độ và những tâm hồn vô chính phủ. Nhưng sức mạnh cũng như sự thanh cao của con người, là ở chỗ biết tự áp đặt cho mình một kỷ luật. Khi tự áp đặt cho mình một kỷ luật, thì chính do điều đó người ta đã hạn chế tự do của mình, hay cái mà người ta ngỡ là tự do, bởi còn hơn là tiến bộ tuyệt đối nữa, tự do tuyệt đối là một điều không hề tồn tại. Người ta chọn lấy một phía, bám giữ lấy đó, và tự mình không cho phép mình nghĩ đến những phía khác khả dĩ hay có thể mơ tưởng. Người ta coi đấy là nguyên tắc của cuộc sống, và là khôn ngoan nhất.
Nhưng đấy là một thứ khôn ngoan rất chật hẹp, rất thấp kém. Nó sẽ chỉ tạo nên những con người tầm thường, tự bằng lòng với sự tầm thường của mình và do vậy chẳng còn bao giờ thoát ra được khỏi tình trạng đó nữa. Với một thứ khôn ngoan như vậy, lại càng cố sao cho có mức độ và phải chăng, cuối cùng mọi phẩm cách lỗi lạc và mọi sự thanh cao sẽ mất đi hết, những tâm hồn cao thượng, những nhân vật đặc sắc, những tính cách ưu tú sẽ tàn lụi và không bao giờ có thể phát triển và bộc lộ toàn vẹn. Sẽ ngự trị thời đại của sự tầm thường phổ quát.
Vâng, nếu toàn thể nhân loại chỉ gồm có những thiên tài và những đầu óc ưu tú. Nhưng thiên tài, thiên tài thật sự, cũng hiếm như rồng hay phượng hoàng. Còn những kẻ tự coi mình là thiên tài bị lãng quên - và họ đông vô số - tốt hơn cả là làm nhụt chí tham vọng của họ đi còn hơn là khuyến khích họ bằng một thứ chủ nghĩa tự do chẳng chút giá trị gì. Ngăn họ tự lừa mình là giúp cho họ đấy. Khổng Tử nói: “Người thường muốn được hướng dẫn và dìu dắt và không đủ sức biết và hiểu”. Và chính là để hướng dẫn và dìu dắt những người thường mà các quy tắc đạo đức đã được các bậc hiền nhân ngày xưa đặt ra và truyền lưu từ thế hệ này sang thế hệ khác, với uy tín của những giáo điều đã được coi là thiêng liêng. Những nguyên tắc đó không phải áp đụng hoàn toàn cho những con người đặc biệt, nổi bật lên hẳn bên trên những người thường: thiên tài, cũng như trí tuệ, bay về đâu là tuỳ theo ý muốn của nó. Nhưng thiên tài không nhiều, và theo như cách nói dân gian, ngay những người ưu tú cũng thưa như sao buổi sớm. Chính số đông, chính những người thường là điều những người sáng lập quốc gia, những nhà sáng tạo đạo đức và luật pháp quan tâm. Chính nhằm vào số đông đó mà họ ban bố nền hiền minh thực hành to lớn của họ. Và sự hiền minh đó vẫn còn đủ cho các ích dụng hằng ngày của cuộc sống.
Mà, tất cả các con, những hậu duệ của nòi giống Việt, các con nào có phải là những thiên tài, còn lâu lắm! Các con chỉ là những người thường, với đôi đức tính và không ít lỗi tật. Các con không bằng lòng khi người ngoại quốc nói thẳng điều đó với mình. Các con cũng vậy, các con có cái thói tự ái dân tộc nhỏ nhoi của mình, và không phải ta là người sẽ trách móc các con về điều đó. Nhưng cần nói thẳng, như người xưa từng nói, phải biết ta biết người (Tri kỷ tri bỉ). Các con tưởng mình là những con người mới, bởi vì các con biết lặp lại đôi khái niệm học được một cách khó nhọc trong sách. Các con lầm rồi: không thể trở thành con người mới dễ dàng đến thế đâu. Vả chăng, chẳng bao giờ có ai trở thành một con người mới hoàn toàn. Những con người, không phải chỉ trở bàn tay mà tạo ra được, không thể ứng tác một lúc mà thành. Cần nỗ lực của nhiều thế hệ nối tiếp. Muốn làm gì thì làm, ta vẫn là con của bố ta. Các con là con và cháu của ta, và các con sẽ mãi mãi là như vậy. Thật là may mắn cho các con bởi nếu các con không còn là thế nữa, các con sẽ là những vật trôi giạt vật vờ theo những dòng chảy ngược chiều nhau: như người ta vẫn nói, các con sẽ là những sinh linh không có liên hệ vào đâu cả và không cội rễ, mà mỗi ngọn gió nhẹ đều xô ngả nghiêng, và một cơn lốc nhẹ cũng cuốn đi mất.
Sự hiền minh xưa cũ của chúng ta như vậy chẳng là vô ích như người ta có thể tưởng. Trong những lúc hoài nghi và lưỡng lự con vẫn có thể dựa vào đó mà chẳng trở ngại gì. Đã từng có bằng chứng, bởi chính nó đã làm nên sức mạnh và sức sống của giống nòi. Nó vẫn còn có thể đem lại sức mạnh cho các con nếu các con biết tìm ở đấy nguồn cảm hứng cho hành động của mình. Ta không có ý định áp đặt tất cả những điều ấy cho các con. Trái lại các con phải vận dụng chúng trong những điều kiện của cuộc sống hiện đại. Nhưng nó chứa đựng những nguyên lý không thể suy suyển bất cứ thời nào cũng giữ nguyên hiệu lực và giá trị. Một trong những nguyên lý đó, như ta đã nói, là việc thờ phụng gia đình và nòi giống, hai thực thể duy nhất còn lại, sáng rỡ và vững chắc, giữa tất cả những mớ bòng bong lõng bõng dày đặc trong các hệ tư tưởng lù mù hiện đại. Hãy bám chặt lấy hai thực thể đó như là những chiếc phao cứu sinh, để không phải trôi trượt trên những làn sóng xao động dưới chân các con và kéo các con lao xuống vực thẳm.
Có những kẻ sẽ nói với các con rằng đó là những khái niệm lỗi thời, những quan niệm của một thời đã qua, rằng con người hiện đại cần phải là một con người cá nhân chủ nghĩa toàn vẹn, hay một người xã hội chủ nghĩa hoàn chỉnh nghĩa là hắn ta chỉ phải chăm lo cho hạnh phúc cá nhân và riêng rẽ hay, ngược lại phải làm việc vì hạnh phúc của toàn nhân loại, và gia đình với tổ quốc, đấy là những điều nhảm nhí cũ kỹ chỉ để thoả mãn những đầu óc câu nệ của đám tiểu tư sản ù lì trong những định kiến phản động của chúng. Những kẻ sẽ nói với các con như vậy, thì đấy là những người cuồng tưởng nguy hiểm hay những tên hề xấu xa. Chớ mà nghe theo họ...
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành