Sự công bằng lịch sử được trả lại (*)
>> Các bài đã đăng:
- Tục thờ cúng tổ tiên ở nước Nam Một vấn đề ngôn ngữ học
- Cuộc tiến hóa của tiếng nước Nam
- Tâm lý ngày Tết
- Vấn đề phương Đông và phương Tây
- Tinh thần bất ổn
Chủ nghĩa dân tộc - Phương Đông và phương Tây
- Một nền văn hóa dân tộc
- Cải cách trí tuệ và luân lý
- Bài học của tổ tiên
- Những lời tâm sự
Khác với các tác phẩm khác của ông đã được in lại trong những năm qua đều viết bằng tiếng Việt (**) , tập tiểu luận lần này vừa được dịch và xuất bản của Phạm Quỳnh vốn được viết bằng tiếng Pháp. Có lẽ trước hết cho tôi nói điều này: Cách đây mấy mươi năm một người tự coi mình là rất bác học và cũng đầy quyền lực, đã chế giễu: Tiếng Pháp của Phạm Quỳnh chỉ vừa đủ để loè người An Nam, chữ Hán của Phạm Quỳnh chỉ vừa đủ để bịp người Tây!
Là một trong những người dịch ông, tôi thấy có lẽ Phạm Quỳnh là một trong những người Việt viết tiếng Pháp hay nhất, một thứ tiếng Pháp trong sáng, sang trọng, trang nhã và đầy âm vang, chỉ có thể có được trên cơ sở một vốn tri thức uyên thâm về văn hóa và văn minh không chỉ của Pháp mà còn của cả phương Tây cổ kim. Và vốn Hán học cùng tri thức về phương Đông của ông cũng rộng sâu không kém. Những người dịch đã rất cố gắng để mong chuyển được một phần vẻ đẹp văn chương Pháp, thỉ riêng điều này thôi đã rất quý rồi, trong tác phẩm này.
Vì sao ông viết bằng tiếng Pháp? Vì đối tượng mà ông muốn nhằm đến: người Pháp ở chính quốc và ở Việt Nam. Ông muốn nói với họ ở tầm cao nhất, quan trọng nhất và do vậy cũng nghiêm trọng nhất của vấn đề, ở tầm cuộc va chạm chấn động giữa phương Đông và phương Tây trong thời cận đại và hiện đại trong đó có số phận của dân tộc ta mà suốt đời ông tha thiết trăn trở. Rất sáng suốt ông nói: “Các dân tộc đụng chạm với nhau trước hết qua những con người cứng rắn nhất, háo danh nhất, hay những người xác quyết nhất trong việc áp đạo các học thuyết của mình và chỉ cho chứ không nhận,. . . không hề lấy sự bình đẳng trong các trao đổi làm đối tượng và vai trò của họ chẳng bao giờ là tôn trọng sự thư thái, tự do, các niềm tin hay những điều hay của những người khác…” Lại cũng rất thực tế, ông bảo rằng: “Quá khứ đã nằm im trong lịch sử. Nó như thế nào thì nó vẫn cứ như thế, không phụ thuộc vào bất cứ ai trong chúng ta để có thể khác đi. Hiện tại với những đòi hỏi của hiện đại, tương lai với những hy vọng của tương lai là đủ để chúng ta quan tâm…” Hãy để cho những đại diện chân chính và ưu tú của các nền văn hóa nói với nhau, có thể có một con đường đi và một tương lai được thiết kế như vậy giữa các dân tộc. Ông mong muốn các dân tộc đến với nhau trong hiểu biết và tôn trọng các giá trị của nhau, ông muốn nói với người Pháp về dân tộc mình, những chiều sâu thăm thẳm đã tạo nên sức sống ngàn đời của dân tộc này, nền văn hóa mềm dẻo mà bất diệt của nó, số phận nó có thể và cần được có. Chính vì vậy mà cuốn sách viết cho những người mà lịch sử đã đặt vào một vị trí thống trị chẳng hay ho gì trên đất nước này, thậm chí có thể đi ra ngoài ý định của tác giả nữa, đã trở thành một công trình nghiên cứu súc tích, sâu sắc, tinh tế, toàn diện, khách quan, vừa lâu dài vừa nóng hổi tính đương thời về đất nước và dân tộc ta mà ông da diết muốn tìm một con đường đi ra trong những điều kiện lịch sử cực kỳ khó khăn và éo le.
Ảo tưởng chăng? Hẳn rồi. Bởi vì lịch sử đã đi một con đường khác, số phận dân tộc đã được giải quyết một cách khác. Song cũng rất có thể chính vì đã đi một con đường khác đó, đi tắt, nhanh hơn, gọn hơn, mà như bao giờ cũng vậy, lịch sử lại vẫn còn để lại đấy những nan đề chưa được giải quyết, không hề nhỏ. Chính trong ý nghĩa đó mà mong muốn ảo tưởng, và những trăn trở tìm tòi mà một người đã thất bại trong lịch sử đã cố tạo nên để làm nền tảng cho những mong ước đó, lại có thể rất có ích cho hôm nay. Đọc cuốn sách này, do vậy, sẽ có thể rất ngạc nhiên về tính cập nhật bất ngờ của nó trên không ít phương diện, cả tổng quát lẫn cụ thể.
Lịch sử, trên con đường đi tới của nó, vốn rất dửng dưng và tàn nhẫn. Phạm Quỳnh, như chúng ta biết, đã có số phận cá nhân bi đát. Nhưng rồi về lâu dài lịch sử cũng lại công bằng. Nó trả lại cho các nạn nhân của nó những giá trị không thể mất của họ. Bạn hãy cầm cuốn sách này trên tay và trân trọng đọc kỹ từng dòng của người xưa. Bạn đang làm một hành động chiêu tuyết đẹp đẽ mà cuộc sống giao cho chúng ta hôm nay đấy.
(*) Về cuốn Tiểu luận bằng tiếng Pháp (1922-1 932) của Phạm Quỳnh. Do Nguyễn Xuân Khánh, Nguyên Ngọc, Ngô Quốc Chiến, Phạm Xuân Nguyên dịch; Phạm Toàn biên tập và giới thiệu. Nhà xuất bản Tri thức & Trung tâm Văn hoá Đông Tây - Quý lV-2007.
(**) Đã có thể tìm thấy các tác phẩm viết bằng tiếng Việt của Phạm Quỳnh được tái bản:Thượng Chi văn tập, Luận giải văn học và triết học, Mười ngày ở Huế, Pháp du hành trình nhật ký.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành