Thơ Baudelaire
Thơ có hai phần: một là âm điệu, hai là tình tứ. Âm điệu là phần hình thức, tình tứ là phần tinh thần. Âm điệu tức là cách dùng chữ xếp vần, cho có âm hưởng tiết tấu để đọc cho êm tai vui miệng. Tiếng mỗi nước một khác thì âm điệu cũng không giống nhau, nên thi luật của nước nào là riêng cho nước ấy, không thể chuyển dịch sang tiếng nước khác được. Đến như tình tứ thì tức là cảm hứng. Cảm hứng thuộc về lòng người, lòng người thì dẫu nước nào, đời nào cũng là một, cũng sướng, cũng khổ, cũng vui, cũng buồn như nhau, cũng đem bấy nhiêu tình cảm mà thổ lộ ra lời hát câu ca. Song cảm hứng có khi sâu, có khi nông, có khi cao, có khi thấp, có khi rộng, có khi hẹp; trình độ phạm vi kể cũng sai biệt nhau lắm. Cùng một tình cảm mà mỗi người cảm ra một cách, tùy theo tư tưởng, học vấn, giáo dục, kinh lịch của mỗi người. Bởi thế nên thơ cũng ví như cây đàn trăm giây, gẩy ra nhiều khúc kỳ kỳ lạ lạ, tiếng bổng, tiếng trầm, tiếng khoan, tiếng nhặt, âm hưởng biến hóa vô cùng.
Như thơ nôm ta thì âm điệu liền với tiếng ta, không thể bắt chước tiếng khác mà thay đổi được. Nên muốn sửa lối thơ cũ phải dần dần tùy theo tiếng nói trong nước, không thể một ngày phá được cái khuôn đã dùng từ xưa đến nay. Nhưng đến tình tứ của thơ nôm ta thì có lẽ không được dồi dào lắm, cảm hứng không được phong phú bằng thơ các nước; tuy không phải là không có cái thú thanh tao, cái giọng thâm trầm, nhưng dường như “ngắn hơi” không hô hấp được mạnh, đọc lên có cái cảm giác như con chim con chưa bay lên đã mỏi cánh, mong sao mà vượt bể lên ngàn được?
Ngày nay muốn cho thơ nôm phát đạt, chưa cần sửa lại âm điệu vội, cốt nhất nuôi lấy cảm hứng trước. Đã có cảm hứng thì tức tìm được âm điệu xứng đáng; không có cảm hứng thì dẫu âm điệu xứng đáng; không có cảm hứng thì dẫu âm điệu hay, chẳng qua cũng mới chỉ là thợ, chưa gọi là thơ được. Ở nước ta hạng “thợ thơ” vẫn có nhiều, mà thi nhân chân chính thì ít lắm.
Làm thế nào gây được những hạng thi nhân mới cho quốc âm ta? Thiết tưởng không gì bằng giới thiệu cho biết các thi gia có tiếng của Âu châu, nhất là nước Pháp, vì văn chương Pháp ta có thể trực tiếp mà thưởng thức được.
Từ xưa đến nay ta thuần chịu ảnh hưởng của thơ Tàu, ảnh hưởng ấy lâu ngày sâu quá làm mất cả đặc sắc của thơ ta, thành ra lắm khi thơ nôm cũng chỉ là những “bức vẽ” của thơ Tàu mà thôi. Nhưng bấy lâu ta đã bắt chước hình thể âm điệu của thơ Tàu rồi, nay thử quay về Âu tây mà đón lấy cái luồng tư tưởng, gió cảm hứng mới. Cảm hứng của thơ Tây cũng có lắm vẻ li kỳ tuyệt thú, xưa nay ta chưa từng được biết bao giờ. Người Tây dùng lời thơ vẽ được hết cảnh vật trong trời đất, diễn được hết tâm lý trong người ta. Nếu các nhà thơ ta bắt chước mà gây lấy những mối cảm hứng mới mẻ đó để thay vào mấy cái sáo cũ xưa nay, thì thơ nôm mới có tấn tới được.
Nay hãy tạm giới thiệu một thi nhân nước Pháp về thế kỷ trước: Baudelaire.
Baudelaire mất năm nay vừa được năm mươi năm, mới rồi bên Pháp làm lễ kỷ niệm, nhân đó các báo Tây có bàn về thơ ông nhiều lắm. Theo pháp luật hiện hành, bản quyền về tác phẩm của các nhà làm sách sau khi chết rồi còn giữ được năm mươi năm nữa, ngoài hạn ấy mới thuộc về của chung, ai muốn in muốn dịch cũng được. Từ nay thơ văn của Baudelaire thành của chung của thiên hạ, các nhà xuất bản sẽ đua nhau mà in lại những tác phẩm của ông, lưu truyền được rộng. Văn chương có giá trị, văn chương thật “bất hủ” là kể tự cái kỳ hạn năm mươi năm này mới có thể định luận được. Nhà văn nào qua được các “hạn” này mà hậu thế còn đọc đến sách vở mới có thể mong liệt vào hạng “bất tử” được.
Baudelaire là một nhà thơ có tài nhất ở nước Pháp về thế kỷ thứ 19. Kể từ khi tạ thế đến giờ, thanh danh mỗi ngày một tăng lên, hiện bây giờ không ai là không đọc đến tên. Tác phẩm của ông không có mấy: trừ mấy quyển bàn về mỹ thuật, một bộ dịch đoản thiên tiểu thuyết của văn hào nước Mỹ Edgar Poe, một tập đề là “Những chốn thiên đường nhân tạo” (les Paradis artificiels) tả cái khoái lạc của nha phiến, rượu bồ đào, thuốc Ả-rập (1), toàn là những thứ làm cho mê mẩn tinh thần, gây nên những cuộc mộng lạ, văn chương rất là kỳ diệu, một tập “Thơ vắn bằng tản văn” (Petils poèmes en prose) cũng kỳ thú mà khác thường lắm; trừ bấy nhiêu bộ, duy chỉ có tập thơ đề là “Ác hoa” (Fleurs du mal), là tuyệt tác hơn cả. Túng sử bình sinh chỉ để lại một tập thơ ấy cũng đủ hưởng vinh dự đời đời. Tập thơ ấy như luyện như đúc không biết bao nhiêu tư tưởng kỳ lạ, phản chiếu cho ta những chốn thâm sơn cùng cốc trong chân thân mộng cảnh của người đời. Lắm bài ý tứ thâm trầm, lúc mới đầu không mấy người hiểu, cho ông là người hiếu kỳ, người điên, người cuồng. Nhưng càng đọc càng nghĩ càng thấy thấm thía, mới biết là bậc thiên tài, đã từng thông thuộc hết những khóe u ẩn trong cõi lòng người. Bởi thế nên đọc thơ ông có cái cảm sâu xa vô cùng.
Ông hoài bão rất cao thượng, nhất sinh chỉ mê các “tuyệt phẩm”. Trông thấy những sự xấu xa ô uế của người đời, trông thấy những thói đê tiện hèn mạt của xã hội, trong lòng khinh bỉ và chán nản vô cùng. Như thế thì sống ở đời này chịu sao cho được? Nên ông coi đời người là một cái nghiệp báo, không biết lấy gì làm thú nữa. Lại thêm từ thuở trẻ đã khánh kiệt gia tài, mang lấy tật bệnh, cái nợ sống nặng nề mà đau đớn biết dường nào! Thân thế ông là một cuộc thảm thê vô cùng. Suốt đời không được một lúc nào sướng, mấy năm cuối cùng lại là những năm khổ hơn nhất. Các thi nhân khác cũng lắm người khổ sở nhiều, nhưng thường gặp được chút ái tình của người tri kỷ, cũng làm cho nguôi sự phiền não ở đời. Đến như ông thì ái tình cũng trắc trở và gian nan. Còn cái vinh dự thì sinh thời chưa từng được hưởng bao giờ, họa là gặp mấy bạn tri âm cảm phục mà thôi.
Ông vốn người thảng thích, không hề đem lòng oán giận căm tức bao giờ. Nhưng thơ văn của ông cực tả cái cảnh éo le của mộng hồn đối với chân cảnh một trời một vực xa nhau. Các nhà phê bình Tây thường nói thơ ông đã cống hiến cho người đời một cái “rùng mình mới lạ” (un frisson nouveau). Cái “rùng mình” ấy chính là sự cảm sâu xa mà đau đớn về cái cảnh éo le rất bi thảm kia.
Bìa tập thơ "Ác hoa", |
Ông lại là bậc thiên tài, nên đã tìm được những giọng tuyệt diệu trong tiếng Pháp để diễn cái cảm lạ, cái kỳ thú, cái mộng ghê, cái nhớ thảm ấy. Vả xưa nay tình tứ lạ với lời thơ hay vẫn do một nguồn mà ra vậy.
Các nhà phê bình bàn về thơ ông thật nhiều, vì nhiều người khâm phục tài ông. Nhưng chưa ai khám phá được cái bí quyết của văn chương ông. Thơ ông là thơ tuyệt diệu, mà lại có cái đặc sắc không lẫn với thơ người khác được .Thơ vừa có tính cách như “vẽ”, vừa có tính cách như “đàn”, nghĩa là đọc lên không những vui tai như tiếng đàn hay, mà lại hình như trông thấy cảnh hiển hiện ra trước mắt như bức tranh đẹp nữa.
Một thi nhân như thế là một nhân vật chung của cả thế giới, không phải riêng của một nước nữa. Vì cái đầu bài trong văn chương người ấy cũng chỉ có một không hai là thân thế con người ta, là cảnh khổ ở đời này. Thân thế ấy, cảnh khổ này, người ấy đã giãi bày ra cho ta một cách thảm thiết thâm trầm. Dẫu người đời nào, người nước nào đọc những câu thơ ấy cũng hình như vẳng nghe tiếng đông vọng ở trong lòng vậy.
Sau này lục mấy bài thơ của Baudelaire dịch nôm na ra quốc ngữ, để phụ vào lời giới thiệu ở trên.
Một bài đề là “U uất” (Spleen)
Quan le ciel bas lourd pèse comme un couvercle
Sur l’esprit gémissanten proie auux lóng ennuis,
Et que l’horizon embrassant tuot cercle
Il nous verse un juor noir plus triste que les nuits
Quand la terre est changée en un cachot humide,
Oùu l’Escpérance comme une chauve-souris
S’ven va battant les nurs de son aile timide
Et se cognant la tête à des plafonds puorris;Quand la pluie estalant ses immenses trainees
D’une vast prion imite les barreaux,
Et qu’un peuple muet d’infâmes araignées
Vient tendre ses filets au fond de cerveaux;Des cloches tout à coup sautent avec furie
Ei lancent vers le ciel un affreux hurlement,
Ainis se mettent à geindre opiniâtrement.Et de longs corbillards sans tambours ni musique
Defilent lentement dans mon aame; l’Espoir,
Vaincu, pleure et l’Angoisse atroce, despolique,
Sur mon crâne incliné plante son drapeau noir.
Dịch nghĩa:
“Những khi trong lòng ai oán buồn bực không dứt trời thấp nặng chình chịch như cái vung, bao lung cả chân mây góc bể mà trút xuống cho ta một cái ngày tối thảm hơn là đêm;
Những khi mặt đất biến thành địa ngục tối, để giam cái thần hi vọng ở trong, khác nào như con dơi bay trong nhà hoang, đập cánh vào tường ẩm, đâm đầu vào trần mục;
Những khi mưa trút nước xuống tựa như đặt dóng sắt vào cái nhà tù lớn, mà trong tâm não ta thì hình như có vô số nhưng con nhện xù uế đến chăng dây mắc mạng;
Những khi ấy, tiếng chuông tiếng trống ở đâu bỗng nổi lên đùng đùng, tung lên trời những tiếng kêu gầm thét, như một lũ oan hồn chưa thác đồng thanh mà rền rĩ thiết tha.
Bấy giờ tôi tưởng như trong hồn tôi đương trẩy lũ lượt những đám ma, không kèn không trống, lẳng lặng mà đi. Thần Hi Vọng bị thất bại khóc dưng dức, thần Sầu khổ được đắc khổ đắc thắng ra tay tàn ác dầm đầu tôi xuống mà chôn lá cờ đen trong óc”.
Lời thơ kỳ thay! Hợp những câu tỉ dụ rất ghê rất thảm mà hình dung ra cái “U sầu”ở trong lòng, nó gặm nhấm gan đục óc người ta; thật là một giọng thơ quái lạ.
Một bài đề là “Chuộc mình” (La Rancon):
L’ homme , pour payer sa rancon
Deux champs au tuf profond et riche,
Qu’il faut qu’il remue défriche,
Avec le fer de la raison:Pour obtenir la moindre rose,
Pour extorquer quelques épis,
Des pleurs salés de on font gris
Sans cesse il faut les arrose.L’un est l’Art et l’Amour,
- Puor rendre le juge propice,
Lorsque de la stricte justice
Paraitra le terrínble juor.Il faudra lui montrer des granges
Pleines de moissons, et des fleurs
Dont les formes et les couleurs
Gagnent le suffrange des Anges.
“Trời đã cho người ta để lấy mà chuộc mình, hai cánh đồng đất sâu và tốt, phải bừa, phải sới, bằng cái cày cái cuốc của linh tính;
Muốn cho mọc được một bông hồng nhỏ, muốn cho nảy được mấy bông lúa sơ, phải lấy mồ hôi nước mắt trên trán đen mà tẩm tưới không dời.
Một cánh đồng là Mỹ thuật, một cánh đồng là Ái tình. Muốn cho đến ngày ghê gớm là ngày “xử án” sau cùng được lòng Thượng Đế.
Thì bây giờ phải có những lẫm thóc đầy, những cụm hoa nở, hình đẹp sắc tươi, để đẹp mắt ưng lòng các vị thiên thần ngồi thẩm phán.”
Bài thơ này ý nghĩa cũng thâm trầm lắm. Ý nói rằng người ta sống ở đời như để làm trọn một cái nghiệp báo, không phải có sung sướng gì. Muốn cho trọn nghiệp báo ấy, chỉ nên thờ cái “Đẹp” ở trong trí, nuôi cái “Yêu” ở trong lòng, có thế thì ngõ hầu mới mong chuộc được mình trong cõi sầu khổ này.
Một bài đề là “Bình tĩnh” (Recueillement)
Sois sage, ô ma Douleur et tiens- toi plus tranquille,
Tu resclamais le soir; il descend; le voici;
Une atmosphère obscure enveloppe la ville,
Aux uns portant la paix, aux autres le souci.Penant que des mortels la multitude vile
Sous le fouet du Plaisir, ce bourrean sans merci,
Va cueillir des remords dans la fête servile,
Ma douleur, donne-moi la main; viens par ici.Loin d’eux. Vois se pencher, les défuntes Années
Sur les balcons du ciel en robes surannées;
Surgir du fond des eaux le Regret souriantLe soleil moribond s’endormir sous une arche,
Et comme long linceul trainant à l’Orient.
Entends, ma chère, entends la douce Nuit qui marche.
Dịch nghĩa:
“Hỡi bạn đau đớn của ta ơi! Nên lẳng lặng mà chớ băn khoăn. Mình muốn cho chiều tối: Chiều đã đến, tối đây này. Khi tối bao bọc nơi thành thị, khiến cho kẻ này được bằng dạ, kẻ kia phải rối lòng.
“Trong khi lũ người đời hèn mạt bị cái thần khoái lạc tàn ác nó thúc nó giục, xô nhau vào chốn ăn đê tiện để chuốc lấy cái ăn năn trong lòng, hỡi bạn Đau đớn của ta ơi! Mình đưa tay ta dắt, lại đây với ta,
Xa chúng nó. Mình trông lên chốn bao lơn trên trời kia, thấy những thần năm xưa tháng cũ, còn mặc áo cựu thời, cúi nhìn xuống với ta; mình trông ở nơi đây nước kia, cái thần Thương tiếc mỉm cười với ta;
Mình trông vầng mặt trời tàn sắp lặn dưới bóng hào quang. Mình nghe, hỡi mình nghe thần Đêm đương lẳng lặng đi, như kéo về miền Đông một tấm dạ phủ quan dài.”
Từ xưa đến nay những bậc đại thi nhân vẫn lấy cái Đau đớn làm bạn, mà dễ ở đời không có bạn nào thủy chung bằng bạn ấy. Phàm người đã mang tấm lòng cao thượng mới biết bạn ấy là quí. Nhưng khi bóng chiều đã xế, cảnh vật thê lương, cái sầu vô hạn chan chứa trong lòng trông thấy lũ người đời vô tri vô giác xô đẩy nhau vào chốn ăn chơi, bấy giờ muốn ôm muốn cầm, muốn bồng muốn bế lấy cái bạn đau đớn kia mà cùng nhau nguyện ước trăm năm cho cam cái thân bất tục ở đời!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành