Chính trị
“Ôi, chính trị, ta căm thù ngươi. Ta căm thù ngươi, bởi vì ngươi thô tục, bất công, gây hận thù, om sòm và ba hoa; bởi vì ngươi là kẻ thù của nghệ thuật và lao động; bởi vì ngươi được dùng làm chiêu bài cho đủ điều ngu ngốc, cho mọi thứ tham vọng, và cho mọi chuyện lười nhác. Mù quáng và mê muội, ngươi chia rẽ những trái tim đôn hậu sinh ra là để gắn bó với nhau; trái lại, ngươi gắn kết những con người hoàn toàn trái ngược với nhau. Ngươi là kẻ phá hoại ghê gớm lương tâm con người, ngươi tạo thói quen dối trá, mưu mẹo, và nhờ có ngươi, những con người tử tế trở thành bạn hữu của những phường ranh ma miễn sao chúng nằm cùng bè cánh...”
Đáp lại lời chỉ trích dài này qua ngòi bút của đại văn hào ALPHONSE DAUDET đối với chính trị cùng tính vô đạo đức hay là lòng ác tâm của chính trị, là câu trả lời ngắn như một mệnh lệnh, đanh như một lưỡi thép và nhanh như một tia chớp, là khẩu hiệu kiêu hùng của CHARLES MAURRAS(*), người cùng với con trai của tác giả những Lá thư viết từ Cối xay gió đã chiến đấu suốt nhiều năm ròng cho thắng lợi của “chủ nghĩa dân tộc toàn vẹn” và sự trở lại của ngôi vua nước Pháp, khẩu hiệu đó là Chính trị trên hết.
Vậy “chính trị” là cái gì vậy mà kẻ ngợi ca người bêu xấu, và liệu nó có thực sự xứng đáng với sự thái quá cả điều hay lẫn tiếng xấu này? Liệu những người có lương tâm có phải ngừa chúng như đề phòng bệnh dịch, hay ngược lại, phải hiến thân cho nó như một nghĩa vụ, thứ nghĩa vụ quan trọng và cấp bách hàng đầu bên trên mọi nghĩa vụ? Và đặc biệt liệu người Nước Nam có nhiệm vụ phải làm chính trị và có khả năng làm chính trị? Thái độ họ thế nào là phù hợp đối với cái thực thể vừa mơ hồ, vừa đáng ngại, lại vừa nguy hiểm và quyến rũ này?
Trước khi tìm hiểu xem cần phải tôn vinh nó hay kết tội nó và có thể hành xử với nó như thế nào cho phù hợp, cần phải định nghĩa chính trị là gì đã. Và, trái với những gì người ta có thể tưởng tượng, định nghĩa nó tương đối dễ.
Vì chính trị cũng có ba bảy hạng, cũng như người ba bảy đấng, vật ba bảy loài, và giữa cái vẫn được mọi người gọi chung chung là chính trị, giữa cái mà mọi người gắn cho nó hay là những gì nấp sau cái tên của nó, với cái chính trị đích thực như nó phải là thế, ít ra trên lý thuyết cũng tương đối dễ thực hiện. Vậy chính trị theo định nghĩa ở từ điển là gì? Đó là tất cả những gì liên quan đến công việc cai quản Nhà nước, đến công việc quản lý có hiệu quả mọi việc công cộng, đến việc bảo vệ lợi ích tối cao của dân tộc.
Vậy thì, vì lẽ gì một công dân xứng với danh hiệu này, cho dù danh hiệu đó đã bị hạ thấp ít nhiều, - và đó chính là trường hợp của kẻ đang muốn trở thành công dân ở xứ Đông Dương hay ở nước Nam - lại có thể không quan tâm đến công việc của đất nước mình, nghĩa là quan tâm đến chính trị, cái chính trị như một nghệ thuật quản lý mọi công việc của đất nước sao cho tốt đẹp? Vì lẽ gì một người nước Nam biết lo lắng cho sự phồn thịnh và tương lai của tổ quốc mình, lại có thể không tìm hiểu xem tổ quốc mình được cai quản như thế nào, lại không tự hỏi liệu các thể thức hành chính hay cai quản hiện nay có phù hợp với đất nước mình không, và nếu cần, thì phải tiến hành những cải cách, những cải tiến, những sửa đổi hoặc những cải tạo hữu ích hoặc cần thiết nào? Và nếu cái người nước Nam ấy phát hiện thấy có những lạm dụng, những sai sót hoặc những vi phạm, liệu cái người nước Nam ấy có thể tự buộc mình không tố cáo chúng ra?
Tất cả những điều đó chính là chính trị, và đó không chỉ là quyền được làm mà còn là nghĩa vụ phải làm của người công dân. Và nếu, trong khi tranh luận về những vấn đề lợi ích chung này, công dân nước Nam kia chỉ duy nhất bị thúc đẩy bởi ước vọng được có ích cho đất nước và đồng bào mình, nếu như công dân ấy không bao giờ mất bình tĩnh, mất khả năng làm chủ hoàn toàn bản thân, mất cái trung lập về tinh thần hay tính "trung dung" đã thành thói quen trải qua nhiều thế kỷ văn hóa Khổng giáo, nếu như công dân ấy không đem vào đó bất kỳ định kiến nào, bất kỳ sự nóng nảy nào, và hơn thế nữa, nếu công dân ấy luôn luôn giữ mình trong phạm vi hợp pháp và tôn trọng trật tự, thì có cái chính phủ nào, dù có yếu bóng vía đến mấy, lại có thể coi hành vi và thái độ như thế của công dân kia là một tội ác?
Ngược lại, một chính phủ quan tâm đến việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình sẽ phải biết ơn những con người có thiện chí này, những người làm hết sức mình để soi tỏ cái niềm tin đó của chính phủ. Nếu được được hiểu theo nghĩa này và thực hiện theo cách này, thì chắc chắn chính trị không đáng chịu những lời lên án mạnh mẽ của Alphonse Daudet.
Phạm Quỳnh - hiệu Thượng Chi, bút danh: Hoa Đường, Hồng Nhân - là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn (Việt Nam). Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu. Ông chủ trương chiến đấu bất bạo động nhưng không khoan nhượng cho chủ quyền độc lập, tự trị của Việt Nam, cho việc khôi phục quyền hành của Triều đình Huế trên cả ba kỳ (Bắc, Trung, Nam), chống lại sự bảo hộ của Pháp và kiên trì chủ trương chủ nghĩa quốc gia với thuyết Quân chủ lập hiến. Các tác phẩm chính: - Thượng Chi văn tập (5 tập) (Bộ Quốc gia giáo dục, Sài Gòn, 1962) >> Trang tác giả: Phạm Quỳnh |
Nhưng chẳng cần phải đi tìm trong sách cổ của Trung Hoa và của nước Nam những tấm gương về việc đặt chính trị lên vị trí hàng đầu, chỉ cần nhìn vào xã hội Pháp - Việt hiện thời thì chẳng thấy là chính trị đang quy định tất cả đó sao? Chẳng lẽ chúng ta không thấy, chẳng hạn như vấn đề dân tộc Pháp và dân tộc Việt xích lại với nhau, vấn đề mà chính tôi lúc này đang đề cập đây, đâu chỉ là một vấn đề con người, mà trên hết và trước hết đó là một vấn đề chính trị? Và cả vấn đề giáo dục, mà chúng ta sẽ nghiên cứu một ngày nào đó, trước khi là một vấn đề kỹ thuật, một vấn đề sư phạm, thì trước hết đó chính là vấn đề chính trị, thậm chí là vấn đề chính trị còn quan trọng hơn mọi thứ chính trị khác nữa.
Và trong hoàn cảnh này, các bạn lại muốn người nước Nam không làm chính trị hay sao? Như thế chẳng khác gì các bạn muốn họ thờ ơ với số phận của đất nước họ, đến tương lai con cháu họ, đến hạnh phúc gia đình họ, đến cuộc sống của chính họ! Nhưng, bên cạnh cái quan điểm về chính trị như thế, một thứ chính trị tuy không đạt đến trình độ lý tưởng yêu cầu những người thực hành nó phải có những tính chất mà các bậc hiền triết Khổng Tử và Mạnh Tử đòi hỏi, nhưng chứa đựng một quan niệm về lợi ích chung, một mức độ văn hóa và đạo lý nhất định, một tinh thần đạo đức, một độ trưởng thành trí tuệ nhất định và chỉ có thể là kết quả của kẻ tinh hoa, còn có một dạng chính trị khác, cái chính trị mọi người đều có thể với tới, mà tấm gương chính trị đó - sao lại chẳng nói toạc ra đây nhỉ? - đã từ Phương Tây đến với người nước Nam chúng tôi.
Chính các xã hội mị dân Phương Tây đã truyền bá ra thế giới dạng chính trị này, một dạng chính trị nhằm khêu gợi và khai thác các đam mê của dân chúng, chia rẽ dân tộc thành các bè phái đối lập, khích họ chống lại nhau, khơi dậy các bản năng thấp hèn nhất của dân chúng để thỏa mãn các tham vọng của một thiểu số sẵn sàng làm tất cả. Dưới cái cớ kiếm tìm hạnh phúc cho nhân dân, người ta ru ngủ và lừa dối nhân dân bằng các ảo tưởng nguy hiểm hoặc giả trá. Với chiêu bài chính trị này, những kẻ tầm thường nhờ vào những con người tốt đẹp hơn họ để giành lấy chiến thắng, những người cuồng nhiệt nhất thì vùng vẫy và đứng ra trục lợi là những kẻ láu cá nhất hạng hoặc là những kẻ ít biết hổ thẹn hơn cả thì đứng ra trục lợi.
Các quốc gia Phương Tây đã tiết ra cái chất độc mị dân và hứa hão này luôn luôn có thuốc giải độc khá mạnh để, trong một chừng mực nào đó, làm mất tác dụng các hiệu ứng độc hại của loại chính trị này. Họ làm được như vậy vì có kinh nghiệm lâu đời trong tổ chức cuộc sống công cộng và thực hành quyền tự do. Nhưng nếu cái chất độc này lan truyền, len lỏi vào trong các tổ chức xã hội rệu rã hoặc quá non trẻ, do đó mà ít có khả năng kháng lại những tác hại của chất độc đó, thì lúc đó sẽ sinh ra hỗn loạn, vô chính phủ với tất cả những hệ lụy kéo theo.
Đất nước sẽ ra sao nếu bỗng chốc những thanh niên trẻ vừa ra trường, thậm chí còn là trẻ con, cũng cảm thấy dám làm chính trị dựa trên niềm tin vào cái ý thức hệ mù mờ du nhập từ nước ngoài, và chúng định tìm mọi cách hất đổ tất cả để xây dựng lại Nhà nước và xã hội trên các nền tảng mới?
Nhưng có thể còn nguy hiểm hơn những giấc mộng cuồng tưởng này, đó là thứ chính trị được hiểu là một sự khai thác các dục vọng tầm thường, nhanh chóng trở thành một nền công nghiệp trong tay những kẻ sống nhờ vào đó, coi đó là nghiệp sống, và người ta gọi bọn họ là các chính trị gia.
Bọn họ duy trì trong xã hội một tình trạng siêu kích động triền miên thuận lợi cho sự bùng nổ mọi loại hằn thù, oán hận, mọi loại tình cảm xấu vốn đang ngủ yên trong đám đông. Đó chính là chính trị “làm chiêu bài cho đủ điều ngu ngốc, cho mọi thứ tham vọng, và cho mọi chuyện lười nhác” như Alphonse Daudet đã nói. Chính vì thế nó trở thành “chất hoà tan cực mạnh ý thức con người”, trở thành yếu tố làm bại hoại tình cảm và phong tục. Cái thứ chính trị đó luôn luôn đi kèm với những cách thức thực thi ít nhiều được đem dùng phổ biến, bao gồm từ những lời dối trá ngu xuẩn nhất đến những dọa dẫm trơ trẽn nhất, từ các mưu mô xảo quyệt nhất đến hành động mua chuộc công nhiên nhất. Lợi ích chung, lợi ích của nhân dân, lòng ái quốc, sự hòa hợp xã hội, đó là những lời lẽ được dùng để biện hộ cho sự buông thả mọi loại dục vọng và mọi thói ích kỷ.
Dạng chính trị này, vốn dĩ mọi người đều có thể tiếp cận được, tự nhiên làm nảy nở mọi sự tầm thường. “Thô bạo, bất công, gây hận thù, và to mồm”, nó làm những con người có giá trị tránh.xa, nhưng lại phô ra những nét hấp dẫn đặc biệt cho đám người bất tài, mưu mẹo, tham vọng, ba hoa. Sở thích này bắt đầu lan truyền trong một số giới người nước Nam. Nhưng nếu đồng bào chúng ta được tiếp xúc sâu rộng với loại chính trị này, - và dường như đó là quy luật để “tiến bộ” lên - thì chúng tôi mong muốn sự tiếp xúc để tiến bộ đó càng xảy ra muộn càng tốt.
Kết luận phải rút ra từ sự so sánh như thế giữa hai dạng chính trị là rành rành rồi. Người nước Nam có thể và cần phải làm chính trị, nhưng đó là chính trị theo nghĩa thứ nhất đã đem ra phân tích: cái chính trị của lợi ích chung đòi hỏi một sự toàn tâm toàn ý cho việc công. Ngược lại, người nước Nam phải tránh cái chính trị có xu hướng mị dân, nó ve vãn nhân dân để lừa dối nhân dân, và bất chấp thực tế, khiến nhân dân lao vào các ảo tưởng nguy hiểm và không thể thực hiện được**).
(1929)
(*) Charles Maurras (1868- 1952) nhà báo, nhà thơ, nhà hoạt động chính trị Pháp, đứng chủ trương báo Action Francaise (Hành động Pháp), cơ quan ngôn luận của Liên đoàn hành động Pháp (Ligue de l'Action francaise). Trong các hành động chống phát xít của Charles Maurras có bài báo viết năm 1936 kết án chủ nghĩa Quốc Xã Đức, yêu cầu cấm đưa cuốn Mein Kampf của Hitler vào nước Pháp. Nếu ta biết rằng Phạm Quỳnh viết bài báo này năm 1929, tức là bảy năm trước bài báo năm 1936 của Charles Maurras, thì thấy Phạm Quỳnh không chỉ yêu người Việt Nam và yêu đất nước Việt Nam, mà còn có nhãn quan chính trị thế giới khá xác đáng (BT).
(**)Phạm Quỳnh suốt cuộc đời, lúc viết bài báo này năm 1929 cho lúc mất tháng 8-1945 đều chưa được tận mắt chứng kiến sự đổi thay của đất nước khi giành được độc lập; các quyền con người về chính trị, dân sự... của mọi người dân được quy định rõ ràng trong Hiến pháp của quốc gia.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh