Descartes, tổ triết học nước Pháp

08:28 SA @ Thứ Ba - 07 Tháng Bảy, 2009

Xét lịch sử trong thiên hạ, hễ qua một thời đại hắc ám, thường thấy xuất hiện một bậc đại triết biến đổi cả cách tư tưởng cũ mà đặt ra một nền nếp mới.

Nước Pháp suốt đời Trung cổ, cho đến đầu thế kỷ thứ 15, thức đã trải qua một thời kỳ hắc ám; quốc văn chưa thành, kẻ học thức trong nước chỉ thiên trọng chữ la-tinh; triết học thì gồm cả trong tay các giáo sĩ, hoặc là lẫn với khoa thần học, hoặc là biện nạn về mấy quyển sách cổ của La Mã Hi Lạp, tư tưởng người ta như bị giam trong lề lối nhất định, không sáng nghĩ được điều gì mới lạ. Tình trạng sự học nước Pháp đời bấy giờ cũng tức như nho học ở nước ta khi xưa. Ta tôn trọng Khổng, Mạnh thế nào thì người Pháp cũng tôn trọng Platon, Aristote như thế, mà không phải là chuộng hình thức văn chương mà thôi. Lấy một đoạn sách cổ, người kia biện ra thế này, người này nạn ra thế kia, cãi cọ nhau suốt ngày, không thành kết quả gì; đó là cái lối học triết lý đời bấy giờ.

Nhưng bắt đầu từ thế kỷ thứ 15 người Pháp đã biết lấy cái quyền chuyên chế của cổ học La-Hi làm nặng, khái nhiên muốn tự lực học vấn lấy, tư tưởng lấy, không quản gì tương phản với các tiền triệt cổ thời. Bấy giờ mới xuất hiện nhưng văn sĩ như Rabelais, Montaigne, lấy quốc âm làm văn tự, gây thành một nền văn học mới. Chữ la-tinh từ đấy không dùng làm quốc văn nữa, thành một môn “tử văn” chỉ dùng trong kinh nhà đạo mà thôi.

Bởi đột nhiên sinh ra một bậc đại triết, phá đổ cả cái học vấn cũ mà gây dựng ra một nền triết học mới. Đại triết ấy là Descartes, đời sau suy tôn là tổ triết học nước Pháp.

Tuy học thuyết của ông đã có nhiều phần cũ rồi, không hợp với thời nay nữa, nhưng phương pháp của ông đặt ra để nghiên cứu triết lý thì thực là một công trình vĩ đại một cái lâu đài trang nghiêm kiên cố, chưa dễ bao giờ lay chuyển được. Vì phương pháp ấy là do lẽ phải đương nhiên, không phải do thành kiến đời trước, nên người ta còn dùng đến lẽ phải để suy xét sự vật thì không ra ngoài phạm vi phương pháp ấy được.

Bởi vậy mà sách “Phương pháp luận” (Discours de la méthode) của ông, tuy làm tự năm 1637, mà người Âu tây vẫn coi là một bộ sách nhập môn tất yếu của khoa triết học. Ngày nay ta muốn hiểu về cỗi rễ tư tưởng của Tây phương, cũng phải đọc qua sách ấy.

Trước thế kỷ thứ 15, nghĩa là về đời Trung cổ cùng đời Cổ đại, học vấn tư tưởng của Âu châu cũng chẳng khác gì Á châu ta, có lẽ không bằng ta nữa. Âu châu mới bắt đầu tiến bộ mau chóng như ngày nay là tự thế kỷ thứ 15 đến giờ. Bởi đâu mà gây nên cái phong trào cách cựu canh tân như vậy? Thực là bởi công mấy nhà đại triết học xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 15, 16 như Bacon nước Anh, Descartes nước Pháp. Các nhà ấy đã đưa tư tưởng Âu châu vào con đường rộng rãi thênh thang ngày nay mà gây nên văn minh học thuật cận thời.

René Descartes tên la tinh là Cartesius, vốn giống quí tộc (tên ông nguyên viết là Des Quartes). Sinh năm 1596 ở La Haye, trong quận Touraine, tức là hạt Indre-et-Loire ngày nay. Ông là con một ông nghị viên ở Nghị hội thành Rennes. Thủa nhỏ học ở trường của các thầy “Giòng Tên” (Jésuites) lập ra để dạy con nhà quý phái. Sớm ông đã tỏ ra có thiên tư riêng về triết học cùng số học. Thủa thiếu niên cũng là người chơi bời lắm, đến năm 1617 nghe lời cha quyết chí theo nghề quân, bốn năm tòng sự trong quân đội của công tước De Nassau cùng công tước đất Bavière.

Phạm Quỳnh - hiệu Thượng Chi, bút danh: Hoa Đường, Hồng Nhân - là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn (Việt Nam). Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu. Ông chủ trương chiến đấu bất bạo động nhưng không khoan nhượng cho chủ quyền độc lập, tự trị của Việt Nam, cho việc khôi phục quyền hành của Triều đình Huế trên cả ba kỳ (Bắc, Trung, Nam), chống lại sự bảo hộ của Pháp và kiên trì chủ trương chủ nghĩa quốc gia với thuyết Quân chủ lập hiến.

Các tác phẩm chính:

- Thượng Chi văn tập (5 tập) (Bộ Quốc gia giáo dục, Sài Gòn, 1962)
- Pháp du hành trình nhật ký(NXB Hội Nhà văn - H, 2004)
- Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 - 1932(NXB Tri thức, H,2007)
- Một tháng ở Nam Kỳ
- Mười ngày ở Huế
- Luận giải về văn học và triết học (Nxb. Văn hoá Thông tin và Trung tâm văn hoá - ngôn ngữ Đông Tây xuất bản, H, 2003)
- Hoa Đường tùy bút

>> Trang tác giả: Phạm Quỳnh

Sau đi du lịch mấy nước Đức, Thụy Điển, Hà lan, là Thụy Sĩ, Ý Đại lợi, rồi ra Rome mà về Paris năm 1626. Ông đã từng mục kích việc vây thành La Rochelle đánh đảng tân giáo năm 1627-1628. Sau việc ấy, bỏ nghề quân, quyết chí chuyên tâm về triết học, bèn qua ở đất Hà Lan, trước ở Amsterdam, sau ra La Haye, Leyde, rồi sau ở lâu thành Egmont là nơi cảnh trí tịch mịch, có thú thanh nhàn.

Năm 1637, ông xuất bản sách “Phương pháp luận” ở thành Leyde. Năm 1644, in tập “Mặc tưởng lục” (Médi - tations), năm l644 in sách “Triết học nguyên lý”(Principes de philosophie). Trước ông đã định soạn một bộ sách về quang học theo thiên văn học của Copernic (1), sau được tin Galilée(2) phái Giáo hoàng làm tội thì ông bỏ sách ấy không làm nữa, không phải rằng cho là sai lầm, nhưng sợ tội lây đến mình. Tuy vậy, học thuyết của ông vẫn là trái với chính truyền của đạo Thiên chúa. Năm 1666, hồi cải táng di hài ông về nhà thờ Sainte Genevière, có lệnh trên cấm giáo sĩ Lallemand không được đọc văn tế ông. Hồi sách “Phương pháp luận” cùng các sách khác về số học của ông mới xuất bản, ông cũng bị những nhà thần học về đạo La mã cùng đạo Cải lương phản đối nhiều lắm. Nhất là phái tân giáo đối với ông lại kịch liệt lắm. Họ tố cáo ông là không tín ngưỡng Thiên chúa, sách vở của ông đã suýt phải bị đốt.

Ông nhọc vì những sự tranh biện vô ích ấy, lại không chịu đội ơn vua Louis 12, bèn nhận lời bà nữ hoàng Christine nước Thụy Điển (Suède) năm 1649 mới sang ở kinh đô nước ấy là thành Stockholm. Khi đến nơi người Thụy điển rất hoan nghênh, đón rước trọng thể. Nữ hoàng muốn xin ông dạy triết học: ngày ngày cứ năm giờ sáng ông vào cung diễn thuyết về triết lý, những danh sĩ cùng công hầu đến nghe rất đông. Một hôm ông bị cảm hàn, ngày 11 tháng 2 năm 1650 tạ thế, thọ được 54 tuổi.

Ông tính trầm mặc quả giao, thích ở tĩnh mịch, không đi lại với ai, chỉ có một người bạn thân là giáo sĩ Mersenne, phàm thư từ giao thiệp với các bậc danh sĩ Âu châu đời bấy giờ là bởi một tay giáo sĩ cả. Ông không ưa quần chúng, không muốn nhờ cậy ai việc gì, thường nói rằng: “Những người hoặc là muốn biết hoặc là muốn học thêm mà tự ý hiến công để giúp ta, thì không những thường thường là người chỉ biết thứ mà không thực lực giúp được gì, ngồi bàn không thì khôn khéo lắm mà rút lại chẳng lời bàn nào thành công, không những thế lại còn bắt ta phải đền công mà giải quyết cho những điều nghi vấn, không thì cũng bắt ta ngồi cùng mà nói những chuyện không đâu, nơi bao nhiêu là ta mất thì giờ bấy nhiêu.” Bởi vậy ông có việc gì không hề lụy nhờ ai, vì ông nói: “Phàm con nhà nghề, cùng đại để những người có thể trả tiền được, thì mình đối với họ lấy lợi mà đãi, lợi là kế diệu hơn cả, họ ham lợi mình khiến làm gì tất cố sức làm cho vừa ý.” Người ta ở đời đã từng có khi lấy sự giùm giúp của bè bạn làm phiền làm nặng hơn cái công mướn của kẻ làm thuê mới biết lời ông nói là phải. Tuy ông đối với người đời giữ cái thái độ lãnh đạm như thế, mà ảnh hưởng ông trong xã hội đương thời rất là đằm thắm mà sâu xa. Cho hay những bậc đại trí ở đời không hay biết chiều chúng cho chúng yêu, thường bỉ chúng mà chúng phải phục: tài, trí vốn là vật quí của trời đất, dẫu chí ngu cũng phải cảm.

Cái thiên tài của ông lộ từ thủa nhỏ, khi lên tám chín tuổi cha đã thường gọi là “nhà triết học nhỏ” (le petit philosophe), vì cái gì ông cũng muốn hỏi cho biết đầu đuôi ngành ngọn thế nào. Trong lúc còn học ở nhà trường, thường theo tục các con nhà quí phái thời bấy giờ tập cỡi ngựa và đấu gươm; ông liền soạn ngay một bộ sách bàn về nghề đấu gươm (l’Escrime), sách ấy ngày nay đã thất lạc. Ông sở trường nhất là các khoa số học, từ khi còn làm học trò, đã từng so sánh số học với các môn học khác, nhận thấy cái gốc của số học thật là vững vàng chắc chắn, mà lấy làm lạ, cớ sao từ xưa đến nay chưa ai biết căn cứ vào đó để dựng ra một nền triết học mới. Ông bèn hoài bão câu tư tưởng ấy trong mấy mươi năm, kịp đến khi theo quân của công tước đất Bavière ra đóng ở thành Neubourg nước Đức, một đêm đêm ấy là đêm mồng 10 tháng 11 năm 1619 hốt nhiên tỉnh ngộ tưởng như thấu suốt được cả phép tắc của vũ trụ mà thấy phép tắc ấy chỉnh nhiên xác nhiên như trong số học vậy. Tự nghĩ rằng nếu các khoa học chỉ có số học là có cái tính đích xác như thế, thì sao không đem phương pháp của số học ứng dụng ra triết học để xét cùng lý của sự vật? Nhân đó sáng nghĩ ra đại ý sách “Phương pháp luận”. Sách tuy đến mười năm sau mới xuất bản, nhưng thực là khởi điểm tự bấy giờ.

Đại khái sách dạy rằng mục đích triết học là tìm chân lý. Nhưng làm thế nào biết được chân lý? Chân lý là cái gì mình quan niệm xác nhiên, không còn nghi ngờ nữa. Phàm cái gì có xác nhiên mới nên nhận là thực, phàm cái gì đã xác nhiên là sự thực: đó là phép tắc thứ nhất của triết học. Vậy cái gì còn chút mơ hồ mờ ám là chưa đủ tin. Tư tưởng một sự gì, phải nghiền ngẫm cho thực sâu, cho đến khi trong trí mình sáng suốt cả, mới chịu nhận là phải; như thế thời không thể nào lầm được. Nhưng mà cái “xác nhiên” cũng có khi giả dối, cũng có khi lầm mình được. Không kể phái “ngụy biện” (les sophiste) là phái những nhà triết học biết mình là lầm mà vẫn cố cãi cho được, còn từ xưa đến nay phàm những tư tưởng sai lầm của các bậc tiền triết khi phát khởi ra tất cũng cho là phải, cho là xác nhiên lắm. Bởi sao vậy? Bởi sự phán đoán lẽ phải lẽ trái, không phải là do ở trí tuệ, thực là thuộc về ý chí, thuộc về cái chí muốn, sự tự do của người ta. Chắc là phải có trí tuệ mới hiểu được các lẽ, người ngu độn còn biết suy xét điều gì. Nhưng muốn hiểu cho xác nhiên thì phải có chí quyết muốn, có quyền tự do mới được. Là bởi lẽ như sau này: Trong khi ta tư tưởng một sự gì, trí tuệ ta phải nghiền ngẫm cứu xét về sự ấy. Trí tuệ ta không phải là thường siêng năng sáng suốt, lại hay trễ nải biếng nhác và bị che lấp mờ ám. Vậy lắm khi chưa cứu xét tư tưởng ấy đến nơi đến chốn đã trình bày cho ta phán đoán. Nếu ta cũng lười biếng cẩu thả, nếu lòng ta lại thiên lệch nữa, thì phán đoán tất sai lầm, không khỏi được. Người đời thường lầm lẫn sai ngoa, đến điên đảo hắc bạch, lắm khi bởi ý chí nhu nhược, hơn là bởi trí tuệ hôn mê. Cứ lấy một người bình thường, trí não kiện toàn, tâm tư bình tĩnh, không sai, không mê, không thiên, không ỷ lại có ý chí ngay thẳng, quả quyết, vững vàng, thì không lo xét đoán sai lầm được. Trí mình trình bày cho mình sự gì, mình có quyền muốn nhận thì nhận, muốn bỏ thì bỏ, có xác nhiên mới cho là phải, còn mập mờ thì bài bác đi, đó là do ý chí tự quyết định cả.

Nhưng có chí muốn chưa đủ, còn phải có tự do nữa mới được. Vì người ta không những phải đoạt cái tính nhu nhược cẩu thả ở trong mình, lại còn đoạt cái sức kiềm chế áp bách ở bên ngoài nữa, sức này thường ngăn trở cho lý xác nhiên không phát hiện ra được. Cái áp lực ấy là gì? Là những thành kiến thiên kiến của người đời, những thói quen lề lối của xã hội, những quyền lợi thế lực của người ta, họp thành cái sức mạnh vô hình, trở ngại cho tư tưởng tự do. Phải cho sạch lòng cả những nông nỗi ấy mới có thể cứu lấy chân lý xác nhiên. Nhưng muốn phá được sự ám chướng đó cho cõi lòng được sáng sủa trong sạch, phải có nghị lực khác thường mới được, vì phải chống đối ở trong, chống đối ở ngoài, có toàn thắng mới được tự do. Đã tự do, nghĩa là không phải hệ lụy kiềm chế gì nữa, được tự mình phán đoán, lại có chí quyết muốn phán đoán cho đúng, thì không khó gì tới được cõi xác nhiên. “Xác nhiên” là của báu chỉ riêng để cho những người vừa siêng năng sáng suốt, vừa thành thực chính trực, nhất là chính trực, vì nếu bụng không thẳng, trí cong queo thì sáng suốt mà làm gì ?

Nói rút lại, phàm người đã đem thân thờ Chân lý, phải trong sạch trong lòng, sáng suốt trong trí, tình ngay thẳng, ý nghiêm trang, nghĩa là phải có đạo đức mới được. Lẽ xác nhiên không phải là kết quả của đạo đức, nhưng có đạo đức mới đạt tới cõi xác nhiên.

Đó là nền tảng thâm trầm của triết học Descartes, tuy suy rộng ra vô cùng mà rút lại chỉ gồm ở hai chữ đạo đức. Thế mới biết đạo đức là mối thiêng liêng, vẫn ngụ ở nơi nguồn gốc mọi sự mọi vật, là trung tâm của mọi sự tư tưởng. Thần trí ta dù muốn mượn cánh chim bằng của thầy Trang tử mà tiêu dao trong khoảng không vô hạn sớm trưa cũng tất phải quy về đấy. Phàm tư tưởng gì không lấy đạo đức làm gốc là hư tưởng, ngụy tưởng cả. Thánh hiền ta ngày xưa vẫn dạy như thế, mà các bậc đại triết của Tây phương cũng khuyên như vậy.

Vả lại, thông tục nói đến nhà triết học, tất nghĩ đến người có đức tính hơn người. Nhà triết học vốn vẫn đồng nghĩa với người quân tử. Người ta thành tâm mà theo đuổi chân lý, thì dù chẳng tới được, cũng hay thêm người ra. Xưa nay thiếu gì kẻ gian hùng tranh quyền cướp nước, thiếu gì người nham hiểm hại người lợi mình. Nhưng thử hỏi đã từng trông thấy bao giờ một người phẩm hạnh kém dù thông minh tài giỏi đến đâu mặc lòng, mà nổi danh nhà triết học không? Quyết rằng không.

Nếu triết học bồi thực được đạo đức, bổ ích cho thế giáo như thế, thì triết học nên học, mà sách triết học nên xem vậy.

(1917)


(1) Nicolas Copernic là nhà thiên văn học người Ba lan (Pologne). Phát minh ra trước nhất rằng các hành tinh vừa quay quanh mình, vừa quay quanh mặt trời. Sau bị Giáo hoàng bắt tội vì lý thuyết ấy trái với nghĩa Thánh kinh. Sinh năm 1473, mất năm 1543.

(2) Galilée, chính tên là Galiles Galilee, là nhà số học, lý học, thiên văn học, người ý đại lợi, sinh ở thành Pise năm 1561. Ông chế ra hàn thử châm, thiên lý kính mà theo thiên văn học của Copernic xướng lên rằng chính mặt trời chứ không phải địa cầu là trung tâm của thế giới ta, địa cầu thực là quay quanh mặt trời. Giáo hội làm án học thuyết ấy là trái với Thánh kinh, bấy giờ ông đã 70 tuổi phải ra trước tòa Thẩm phán xin lỗi mới được khỏi tội thiêu.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Mối liên quan của Toán học với Triết học

    08/08/2018Trong việc giáo dục khoa học ngày nay, người ta đã dành cho toán học nhiều sự chú ý. Tôi cũng đã nhìn thấy các triết gia đã đánh giá cao tư duy toán học. Vậy thực chất của toán học là gì, và tại sao nó đóng một vai trò quan trọng như thế trong khoa học và triết học?
  • Đưa vào triết học (phần 2)

    08/01/2016Nguyễn Văn TrungTrong lớp triết, chỉ tìm hiểu với một thái độ như thái độ ở lớp khoa học, không thể thực sự hiểu được triết lý. Chỉ có thể hiểu được triết lý từ thái độ sống đó mà thôi...
  • Triết học nước Pháp

    08/11/2014Henri Bergson - Phạm Quỳnh dịchCái tính hiếu triết học đó thực là tiêu biểu cho tính tình cao thượng của người Pháp, chỉ ưa những nghĩa lý công minh chính đại ở đời. Như vậy thì hồn nước Pháp với hồn triết học tất có thanh khí với nhau, không phải không.
  • Khái luận về văn minh học thuật nước Pháp

    04/07/2009Phạm QuỳnhVăn minh học thuật một nước là tiêu biểu cho tinh thần nước ấy. Tinh thần ấy phát hiện ra nhiều cách, nhưng rút lại có mấy cái đặc tính nó phân biệt nước ấy với các nước khác, khiến cho nước ấy có một cái hình dạng riêng trong vạn quốc, một cái địa vị riêng trong thế giới.
  • Phạm Quỳnh (1892 - 1945)

    29/06/2009Một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn. Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu...
  • Triết học là gì?

    04/06/2009Phạm QuỳnhNói triết học, ai cũng nghĩ đến một môn học nghiêm trang, cao kỳ, huyền bí, bàn những nghĩa cao xa, xét những lẽ thâm thúy, người thường không thể hiểu được. Có người nghe đến tên triết học mà sợ, tưởng như cái yêu thuật của một phái cuồng nho dùng để huyễn diệu người đời. Bởi nhiều người hiểu lầm về triết học như thế, nên triết học đã hầu coi như một món không đàm, không có quan hệ gì đến sự thực, đến việc đời, mà nhà triết học thành nhà thuyết lý suông, chỉ biết mơ màng trong cõi lý tưởng.
  • Triết học là gì?

    16/03/2007Đặng Phùng QuânKhi thông tin sự cáo chung, triết học cũng mang ý nghĩa đặt định nhiệm vụ của tư tưởng của thời đại mới. Có thật sự một thời đại đã chấm dứt và một thời đại mới bắt đầu?
  • Tư duy tự do

    29/11/2006Lương Xuân HàKhó có thể chối cãi, ngôn ngữ là một trong những vấn đề xuất hiện ở tiền cảnh của đời sống văn hóa hiện đại. Ngôn từ là cái làm nên tính người. Nó là sản phẩm của con người. Nó quyết định cách con người nhìn, thụ cảm và lý giải thế giới. Nó vừa có tính xã hội, vừa có tính lịch sử và vì có tính lịch sử nên nó cũng có một chu trình sinh thành và già cỗi...
  • Vị thế và ảnh hưởng của triết học Đêcáctơ trong lịch sử triết học

    07/11/2006Lê Thanh SinhMuốn hiểu rõ giá trị của triết học Đêcáctơ không gì bằng đem học thuyết ấy đặt vào trong tiến trình chung của lịch sử triết học. Khi so sánh nó với những hệ thống triết học khác trong sự phát triển của tư tưởng nhân loại, chúng ta sẽ thấy rõ những đóng góp và hạn chế của nó.
  • Descartes và niềm hy vọng sống lâu trăm tuổi

    18/11/2005Nguyễn Hoàng lược dịch từ La RechercheMặc dù có một sức khỏe yếu ớt ngay từ khi sinh ra, René Descartes đã chiến đấu suốt cả cuộc đời để đem lại cho cuộc sống nhiều ý nghĩa hơn. Ước muốn lớn nhất của ông là con người có thể sống lâu và hạnh phúc. Ngày nay, nhờ các tiến bộ trong y học, việc duy trì một cuộc sống thọ hơn và mạnh khỏe hơn không còn là điều quá khó khăn, đặc biệt ở các nước phát triển. Tuy nhiên, khái niệm này ở thời của Descartes là một điều hoàn toàn mới mẻ.
  • xem toàn bộ