Triết học là gì?
Nói triết học, ai cũng nghĩ đến một môn học nghiêm trang, cao kỳ, huyền bí, bàn những nghĩa cao xa, xét những lẽ thâm thúy, người thường không thể hiểu được. Có người nghe đến tên triết học mà sợ, tưởng như cái yêu thuật của một phái cuồng nho dùng để huyễn diệu người đời. Bởi nhiều người hiểu lầm về triết học như thế, nên triết học đã hầu coi như một món không đàm, không có quan hệ gì đến sự thực, đến việc đời, mà nhà triết học thành nhà thuyết lý suông, chỉ biết mơ màng trong cõi lý tưởng. Ngoài những nhà chuyên môn về triết học, ít người hiểu rõ mục đích của triết học là gì, phương pháp của triết học thế nào, cùng bởi sao mà triết học chính là một sự học ích lợi thiết yếu cho người đời.
Các nhà triết học từ đời xưa đến nay đã giải nghĩa triết học ra nhiều cách lắm, nếu thuật lại cả thì một quyển sách cũng không hết được. Nhưng trong bấy nhiêu nghĩa tất có một cái gốc chung; Phát biểu được cái gốc chung ấy tức là định nghĩa được triết học rồi.
Nói triết học là nghĩ ngay đến những nghĩa lý giữa đời những nghĩa lý chung trong trời đất, những điều đại thể đại khái. Vậy có thể giải nghĩa triết học một cách sơ lược là: học những lẽ chung trong thiên hạ.
Nhưng mà những lẽ chung, những điều đại khái ấy không có rõ cho ta trông thấy ngay được. Thường lại phản trái hẳn với hiện tượng bề ngoài. Tất phải nghiên cứu sâu mới phát minh tiêu biểu ra được.
Như học lịch sử : lấy thiển kiến người thường mà xét lịch sử chẳng qua là một mớ lộn xộn những công việc của người đã qua. Nhưng lấy con mắt nhà triết học mà xét, thời biết công việc của người đời trước cũng chưa đủ, phải biết nguyên nhân kết quả thế nào, phải biết thời thế nhân tâm thế nào phải đem mỗi việc mà phân tich cho ra manh mối cội nguồn, cho rõ ý nghĩa sâu xa. Nhà triết học cho hiện tượng bề ngoài là tiêu biểu những phép tắc sâu xa, nên phải vượt qua hiện tượng ở ngoài mới tìm được phép tắc ở trong. Bởi vậy Platon ngày xưa nói triết học là sự học cái vô hình, Aristote thời giải triết học là nghiên cứu những “quy tắc đệ nhất” cùng những “nguyên nhân trót cùng” (recher che des premiers principes et des dernières causes).
Những nghĩa lý của triết học đã là siêu việt, ra ngoài hiện tượng trông thấy, thời không có thể tự nhiên, mà biết được. Phải có suy nghĩ mới lý hội được. Nên xưa nay sự suy nghĩ vẫn cho là cái phương pháp tất yếu của triết học mà cả triết học cũng thường giải nghĩa là một cuộc suy nghĩ xa xôi về vạn sự vạn vật.
Vậy thời sự tác dụng của triết học là phải “khái niệm” để gồm lấy những điều đại khái, “nghiên cứu” để tỏ ra những cớ sâu xa, “suy nghĩ” để hội lấy những lý siêu việt. Nhưng vì sao mà phải khái niệm, nghiên cứu, suy nghĩ như thế ? Là vì loài người ta có một cái bản năng đặc biệt với các giống vật khác, là cái tính ham biết, người ta đứng trước vạn vật không chịu lãnh đạm điềm nhiên. Trông thấy cái gì cũng muốn giải nghĩa nó thế nào. Nhìn không chưa đủ: còn muốn hiểu cớ sao nhìn nó ra thế. Triết học chính là cái bản năng của người muốn “thuyết minh” về sự vật vậy.
Phạm Quỳnh - hiệu Thượng Chi, bút danh: Hoa Đường, Hồng Nhân - là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn (Việt Nam). Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu. Ông chủ trương chiến đấu bất bạo động nhưng không khoan nhượng cho chủ quyền độc lập, tự trị của Việt Nam, cho việc khôi phục quyền hành của Triều đình Huế trên cả ba kỳ (Bắc, Trung, Nam), chống lại sự bảo hộ của Pháp và kiên trì chủ trương chủ nghĩa quốc gia với thuyết Quân chủ lập hiến. Các tác phẩm chính: - Thượng Chi văn tập (5 tập) (Bộ Quốc gia giáo dục, Sài Gòn, 1962) >> Trang tác giả: Phạm Quỳnh |
Ở Âu châu, từ cổ đại đến cuối thế kỷ thứ 15, triết học với khoa học thường gồm làm một. Về thời đại Hi lạp cùng về đời Trung cổ, triết học với khoa học không có phân biệt nhau bao giờ. Từ đời “Cổ học phục hưng” (Renaissance), nhất là từ Descartes nước Pháp, thời triết học tức là khoa học ngày nay, mục đích, tôn chỉ, phương pháp cũng thế. Phương pháp của Descartes tức là phương pháp thực nghiệm ngày nay, là phương pháp của khoa học.
Tuy nhiên, nếu xét kỹ, sẽ thấy từ khi triết học Hi lạp mới phôi thai, đã nhóm có hai khuynh hướng khác nhau.
Một bên là những học giả chỉ chủ xét một vấn đề riêng, mà muốn xét cho khắp, tìm cho hết lẽ, dùng đủ phương pháp nghiên cứu cho đến nơi đến chốn. Chắc rằng vấn đề nào, dù đặc biệt đến đâu, cũng tất nhiền phải có kết luận, mà kết luận ấy tất nhiên phải là một kết luận chung. Vì giải quyết một vấn đề nào, tức là có thể suy loại mà giải quyết được cả những vấn đề cùng một loại đó. Nhưng cả loại đó nữa, cũng mới chỉ là một bộ phận nhỏ trong toàn thể những sự những vật nó khêu giục cái lòng ham biết của người ta. Cả loại đó cùng nhưng loại tương tự nhất thế, cũng là chìm đắm trong vũ trụ mênh mông, gồm không biết hằng hà sa số nào là những loại khác nữa.
Bởi thế nên một bên nữa lại thấy những học giả xoay về một phương diện khác, như con bướm bay về nơi ánh sáng vậy. Ánh sáng này là ánh sáng thấu suốt cả toàn thể sự vật. Không muốn nghiên cứu riêng một vấn đề như trên kia, mà muốn nhội, muốn giải nghỉm được cả toàn thể vũ trụ ; không muốn xét một sự một vật, một thể cách riêng của sự vật, mà muốn gồm hết thảy các sự vật, thấu được bản thể của cả vạn vật.
Phương diện trên là phương diện của khoa học, mà khoa học đối với sự thực ví như người thợ mỏ cuốc đống quặng rắn, làm khó nhọc mà chỉ được từng mảnh con con. Phương diện dưới là phương diện của triết học, ví như nhà kỹ sư đứng ngắm hình thể một trái núi để đoán định cái mạch mỏ cùng lượng tính cái giá trị của nó. Hai phương diện rộng hẹp có khác nhau.
Người Hi lạp ngày xưa cũng đã từng phân biệt rõ ràng như vậy. Ngày nay sự phân biệt ấy lại rõ rệt hơn nữa. Phạm vi của khoa học là phạm vi những sự thực nghiệm; phạm vi của triết học là phạm vi nhưng sự lý tưởng. Một bên là những kết quả nhỏ nhặt, nhưng chắc chắn, kiểm điểm kỹ càng, sắp đặt chỉnh đốn, liên tiếp với sự vật nhỡn tiền. Một bên thời muốn dùng tri não mà cai quát cả sự vật khám phá những lẽ huyền bí thâm trầm, kết quả nhiều khi không trông thấy, nhưng không phải là không bổ ích cho thần trí, vì là sự tác dụng tự nhiên của thần trí.
Nói tóm lại triết học là nghiên cứu những nghĩa lý chung cho vạn vật, rất cao xa, rất siêu việt, ra ngoài vòng: sự vật nhỡn tiền. Triết học khác với khoa học là ở đó. Có thể dùng danh từ của nhà nho mà nói rằng: triết học là học về cái thể của sự vật, khoa học là học về cái dựng của sự vật.
Khoa học vẫn là nghiên cứu lẽ chung của sự vật, triết học lại là nglliên cứu những lẽ chung hơn hết cả. Khoa học: nghiên cứu đi hiện tượng bề ngoài; triết học là nghiên cứu cái chân tướng ở trong. Khoa học lấy sự suy lý mà thay vào sự tự nhiên; triết học là lấy sự suy lý mà suy xét cả khoa học. Khoa học là muốn giải nghĩa sự vật; triết học lại muốn giải nghĩa cao hơn, mà giải nghĩa cả khoa học nữa.
Nói tóm lại một câu, phàm sự học không chuyên chú những sự thực nhất định, cách biệt cái nọ với cái kia, mà muốn thuyết minh về toàn thể sự vật, hoặc là về một bộ phận nữa, nhưng cũng là chủ lấy toàn thể làm mục đích, là thuộc về triết học cả.
Đương buổi phong trào chuyên môn của các khoa học thịnh hành như ngày nay, triết học lại rất là cần lắm. Mỗi người chuyên một môn học, vụ lấy học cho đến nơi, cái đó cũng có hay mà cũng có dở. Hay là vì ngày nay các khoa học mỗi ngày một nhiều, một đời người không thể học được suốt tất phải chia ra mà chuyên trị mới có thể đồng thời tấn tới được. Dở là vì các nhà chuyên môn tất chỉ tinh một môn học của mình, tri thức như hạn chế trong một cái phạm vi nhất định, phàm quan sát sự vật hay lấy phương diện riêng của môn học mình làm chuẩn đích, không khỏi hẹp hòi thiên lệch. Vậy cần phải có một cách học cai quát cả các chuyên môn mà bao gồm lấy toàn thể, khái niệm về sự vật để gây lấy một cái quan niệm chung về nhân sinh, về vũ trụ: cách học ấy là triết học vậy.
Vũ trụ ví như một bức cảnh lớn, có núi có nước, có cây cỏ rừng, có hang hốc, có suối khe, có chim kêu vượn hót, có gió thời nước reo, trăm nghìn vẻ kỳ kỳ lạ lạ. Đi len lỏi vào những nơi rừng rậm hang sâu để xét từng hòn đá, ngắm từng cái cây, ấy là nhà khoa học. Trèo chót vút lên đỉnh núi cao, ngửng lên cúi xuống, ngắm nghía bốn bề, để thu lấy đại thể một mảnh giang sơn trong trời đất, ấy là nhà triết học. Chắc đứng cao mà trông thì không tường được bằng người bước đến tận nơi mà nhìn, nhưng thu quát được cả toàn thể, mà nhỡn giới mênh mông biết dường nào!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên Ngọc