Nhà Sử học
Trong một bộ tiểu thuyết của Bernardin de St. Pierre tôi còn nhớ một câu nói như sau: "Chuyện đương thời, ấy là chuyện đã qua, ấy là chuyện sẽ tới" (De ce qui est, c'est l'histoire de ce qui a été et de ce qui cera).
Đó là một câu nói triết lí, nhưng là một thứ triết lý ngược đời, phôi thai cái đầu óc kì chướng của văn hào J. J. Rousseau mà Bernardin de St. Pierre chỉ là một người môn đệ.
Theo cái triết lý đó thì con người nên sống tự nhiên, không cần gì phải có văn học, có nghệ thuật, có lịch sử vì những cái đó chẳng bổ ích gì cho ta mà còn làm cho cái bản chất của ta ngày một hư đốn.
Cái triết lý đó có lẽ thích hợp với những dân tộc dã man, lạc hậu, những dân tộc sống một cách đơn giản ở những nơi rừng rậm, núi cao.
Họ sống ngày nào họ chỉ cần biết tới có ngày đó. Mà chuyện ngày đó, theo họ, có khác gì chuyện những ngày đã qua, hay những ngày sẽ tới.
Ngày nào họ chẳng phải ăn, phải uống, phải làm, phải chơi?
Ta cũng ăn, cũng uống, cũng làm, cũng chơi nhưng ta phiền phức hơn họ đủ thứ, vì ta có một cái bản ngã phong phú hơn họ biết bao nhiêu.
Ta biết nhiều hơn họ nên ta cảm nhiều hơn họ. Cũng như họ, ta sống với bản năng. Nhưng khác với họ, ta sống bằng tư tưởng.
Tâm hồn ta nhờ chịu ảnh hưởng văn hóa nên vừa xúc tích, vừa linh động. Nó không cho ta được sống thản nhiên giữa cõi đời phiền phức, mà nó cũng không cho ta chỉ thân thiết ở hiện tại mà vô tình với những chuyện xa xưa.
Bởi thế nên ta vừa sống rộng ở không gian, vừa sống dài theo thời gian, sống ở xứ mình mà muốn biết bao chuyện của thế giới, sống ở thời này mà bận lòng đến những việc xảy ra trong những thế kỷ qua rồi.
Những chuyện đương thời ta còn có thể biết được một cách dễ dàng. Tới những chuyện quá khứ ta không thể không nhớ đến công phu của những nhà sử học.
Họ cũng là những nhà văn nhưng họ không thèm để mắt đến những tấn kịch của người sống mà lại ân cần săn sóc tới những bóng ma ở những cõi thâm u trong đám sương mù của thời gian bao phủ.
Họ tìm kiếm những trang sách xưa, những câu thơ cổ, những tấm mộ bia, những nơi thắng tích rồi họ ghi, họ chép, họ chắp, họ nối, họ tường thuật những việc đã qua, họ nói về những người đã chết!
Công việc đó nhiều khi chỉ là công việc của những nhà học giả nhẫn nại mà khô khan. Nhưng thỉnh thoảng trong sử giới cũng nảy ra được những thiên tài có tâm hồn nghệ sĩ.
Ở Tàu có Tư Mã Thiên là một nhà văn trước hết đã viết lịch sử bằng ngọn bút thi nhân. Nhà danh nho Mã Tồn đã khen tặng bậc kỳ tài đó bằng những lời trọng hậu mà Phan Kế Bính tiên sinh đã dịch như sau này:
"Tứ Trường bình sinh tính hay chơi, đang lúc tuổi trẻ hăng hái tự phụ, không dừng chân ở nhà mấy khi, không phải là say đắm, mê chơi đâu, nghĩa là xem cho trải hết cảnh lạ lùng thiên hạ để giúp cái khí văn chương rồi mới nhả ra mà làm sách. Nay xem trong sách của ông thì tựa như cảnh lúc đi chơi...
Bơi đò trong sông Nguyên, chèo thuyền trên sông Tương, viếng hồn ông Khuất Nguyên, xót thương bà Nga Hoàng, trông trên đám trúc còn vết nước mắt, mà không biết xương thịt có còn nguyên ở trong bụng cá hay không, cho nên văn chương tức bực mà xót xa, rầu rĩ.
Lại chơi qua phía Bắc, tới gò Đại Lương xem chỗ chiến trường của Hán - Sở khi trước, tựa như còn nghe thấy tiếng Hạng Vương ậm ọe quát tháo, tiếng Cao Tổ chửi mắng om sòm như rồng bay, như cọp nhảy, như có muôn binh, ngàn ngựa, cung to, giáo dài đuổi nhau mà reo lên ầm ầm, cho nên văn chương hùng dũng mạnh mẽ khiến cho người ta phải sởn óc, rùng mình..."
Ở Pháp, từ thế kỷ XIX cũng sản xuất được mấy nhà sử học chan chứa những thi cảm, thi tình.
Augusstuin Thierry đã tận tụy với sự nghiệp cho tới đui hai con mắt mà vẫn không chịu bỏ dở công việc của mình.
Ông nói: "Nay tôi đui mù, đau khổ. Đau mà không hy vọng lành, khổ mà không hồi đứt đoạn, tôi xin làm chứng cho câu nói này mà ở tôi thì không còn nghi ngờ gì được.
Ở đời có một cái đánh giá hơn những thú vui vật chất, hơn cả tiền của và sức khỏe của mình, đó là dự tận tâm với học vấn".
Ông còn nói: "Phải bài trừ những văn sĩ vô học không biết nhìn và những văn sĩ nghèo tưởng tượng không biết tả".
Thế là ý ông muốn học vấn phải đi đôi với nghệ thuật, và muốn bằng những tài liệu cắc chắn, nhà sử học phải cấu tạo nên những công trình linh hoạt đủ cám dỗ mọi người.
Cùng một quan niệm như thế, Jules Michelet còn cho rằng viết sử phải là phục vụ cái đời sống đầy đủ của ký vãng (la resurrection de la vie intégrale du passe).
Ông nói: "Sử học từ trước đến giờ vừa khiếm khuyết về vật chất, vừa thiếu thốn về tinh thần. Về vật chất tuy có nói đến dân tộc mà không nói tới thổ địa, tới thực phẩm, tới bao nhiêu tình trạng về vật lý và sách lý. Về tinh thần có nói tới pháp luật, tới chính trị mà không nói tới ý tưởng, tới phong tục, tới tư trào tấn hóa tiềm tàng của tâm hồn quốc gia".
Ông không công nhận cái lối tham khảo ở các sách in và bắt nhà sử học phải lấy tài liệu ở di văn, ký ức của người trước, phải sát hạch những hình cũ tượng xưa, tóm lại là phải sống trong cái hoàn cảnh của cổ nhân để phcuj sanh lại những đoạn đời đã chết.
Đồng thời với ông có nhiều nhà sử học cho rằng tác giả phải quên mình đặng nhường lời nói cho tài liệu, nhưng ông Micheltet đã chẳng chịu quên mình mà còn để hết tâm hồn tình cảm của ông vào những chuyện ông viết.
Ông nói: "Càng thấu triệt cái đối tượng của mình bao nhiêu càng yêu nó bấy nhiêu. Và có yêu, có thích thì mới có hứng thú mà ngắm, mà nhìn. Nhìn đến lần thứ hai thì tâm hồn phải cảm động rồi khám phá ra được trăm ngàn cái mà thiên hạ vô tình không nhìn thấy. Ở cái ngắm này thì sử gia và lịch sử đã hòa đồng làm một".
Cái tâm hồn thi sĩ của ông Michelet cũng có khi đưa ông đi xa hơn sự thật, nhưng chính đã nhờ nó mà ông thấy được cái linh hồn của những vật vô tri và tìm lại được cái sinh khi của những người thiên cổ.
Thi hào Victor Hugo đã phải khen tặng ông bằng những lời như sau này: "Ông biết lịch sử vì ông biết người đời. Sự nghiệp của ông vô tận như đại dương. ở mỗi chương mà tôi cho là mỗi đợt sóng đều có những ngọc trai hoặc hơn nữa là những phản ánh của các vì tinh tú".
Với những tài liệu chắc chắn, Jules Michelet đã gây dựng nên cái cốt cách của xứ sở, phát biểu nên cái linh hồn của quốc gia. Trong một cuốn sách nhan đề Le Peuple (Dân quần) ông có nói:
"Tôi theo dõi nước Pháp đã lâu. Hằng ngày sống chung với Tổ quốc từ hai nghìn năm nay. Chúng tôi đã thấy những ngày suy bại và tôi đã biết tin rằng nước này là nước của sự hy vọng bất khả diệt...
Với nước Pháp không có gì là hết. Bao giờ cũng trở lại hoài hoài. Khi nông dân nước Gaule dấy lên đuổi người La Mã thành lập đế quốc của người Gaulois thì họ đã biết khắc vào tiền tệ cái chữ đầu tiên và cũng là chữ cuối cùng: chữ Hy vọng".
Nhưng nếu lịch sử Pháp đã chọn người Pháp được tự hào trong những ngày xán lạn, được hy vọng thì lịch sử Việt Nam cũng cho chúng ta được tin cậy ở mình với tấm lòng kiên quyết.
Lịch sử đã để lại cho chúng ta những tấm gương thành bại, những kỷ niệm hưng vong, ta có thể lấy làm những bài học cho con đường xử thế.
Lịch sử đã ghi những công nghiệp hiển hách của tổ tiên, đã phát biểu cái sinh lực hùng cường của nòi giống, chính là những cái nó còn vướng vít ở tâm hồn, tiềm tàng trong máu huyết của chúng ta và làm cho chúng ta không thành nên được những kẻ tịch đàm vong tổ.
Nhưng nếu đọc sách lịch sử ta đã thấy hứng thú và bổ ích thì trong khi sưu tầm tài liệu, chính nhà sử học đã hưởng biết bao nhiêu thú vị trước ta.
Họ mài miệt trong những tàng cổ viện, lần mò tới những bãi tha ma, thơ thẩn trước dòng sông yên tĩnh, lặng ngắm một cảnh rừng hoang vu. Và ở những nơi đó, họ đã thấy diễn ra những tấn kịch linh động mà những người đóng trò đã khuất dạng với non sông.
Với một mối nhiệt tình tha thiết, họ có thể làm sống lại nwhnxg cảnh tượng, những nhân vật và những hành động bị xóa nhòa, bị chìm đắm dưới dòng thời gian vô tận.
Theo họ, ta lần lần thấy rõ cái giá trị thật có của ta. Ta thấy cái vắn vỏi của hiện tại, cái mỏng manh của đời người, cái tầm thường của thế tục và thế nhân, rồi ta muốn đem ra mà hòa đồng với non sông, với đất nước để gây nên một cái gì đẹp đẽ hơn, to lớn hơn, siêu việt hơn.
Ta có thể giả thiết cho Tổ quốc chỉ là một người, nó còn mãi, nó sống hoài vì hết thế hệ này qua thế hệ khác, tâm sự của tiền nhân vẫn sống trong tư tưởng của hiện thế, vẫn còn lưu truyền cho hậu nhân.
Gần đây ta thấy nổi lên một phong trào viết lịch sử trong giới trí thức Việt Nam.
Đó là một triệu chứng đáng mừng, nhưng tôi hy vọng sẽ xuất hiện một vài sử gia có tâm hồn thi sĩ.
Những nhà đó vẫn phải cần cù khắc khổ để tìm kiếm những tài liệu xác thực, những niên biểu đúng đắn, nhưng họ cũng phải là những nhà nghệ sĩ trong cách phô diễn và trình bày.
Lịch sử Việt Nam sẽ không phải chỉ là cảnh vườn riêng của những nhà trí thức mà sẽ còn là công viên to rộng để hấp dẫn mọi người.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự Lập