Ký ức chính là một phần của lịch sử
Nếu phải tìm một cái mốc thì có lẽ có một tác động nào đó từ cuốn tự truyện của nghệ sĩ Lê Vân. Cách suy nghĩ của một người đã đụng chạm đến quan điểm của nhiều nguời, nhất là về những vấn đề chung như đạo lý, lối sống...
Kể từ đó, không chỉ dư luận xã hội quan tâm đến loại hình này mà các nhà quản lý cũng cảm thấy dường như đã có một giọt nước sắp làm tràn cốc nước.
Thời gian vừa là chất cường toan huỷ hoại trí nhớ lại vừa là thứ thuốc hiện hình để làm rõ hơn những sự thật. Thời gian còn là sự tích tụ để có nhiều người cảm thấy cần nhìn lại và suy ngẫm để nói lại với con cháu những gì họ biết, nhất là những gì họ thấy chưa sáng tỏ. Độ lùi thời gian đã đủ, lại đúng lúc xã hội cởi mở hơn... Đó là lý do vì sao mà loại sách khai thác từ ký ức (hồi ký, nhật ký, ghi chép...) ngày một nhiều, ngày càng được xã hội quan tâm, và tất nhiên cũng làm cho các nhà quản lý quan tâm.
Cách đây đã hơn một thập kỷ, tôi được tiếp xúc với vị lão thành cách mạng Lê Văn Hiến, khi đó cũng đã ngoại tám mươi. Nhờ đó tôi được biết đến những cuốn nhật ký viết trên những quyển vở hay quyển sổ đã ngả màu. Bắt đầu từ ngày Toàn quốc kháng chiến bùng nổ (12.1946) trong điều kiện kháng chiến gian khổ, vị Bộ trưởng gần như ngày nào cũng viết. Kiểm lại trong 5 năm ấy, số ngày bị “nhảy cóc” không viết, đếm được không đầy số ngón của hai bàn tay.
Nhật ký là dành để viết chuyện riêng tư. Nhưng trong một hoàn cảnh nhất định, nó lại trở thành ký ức chung của nhiều người khác. Giá trị của tập nhật ký ấy thực sự là một cuốn biên niên đáng tin cậy. Do vậy, được sự đồng ý của cụ Hiến, chúng tôi đã cho biên tập kỹ thuật và xuất bản thành một bộ “Nhật ký Bộ trưởng” dày cả ngàn trang, đến nay đã được tái bản.
Gặp cụ Hiến tôi hỏi tại sao việc viết nhật ký của cụ bỗng dưng lại dừng lại vào thời điểm của năm 1951? Lúc đầu cụ Hiến tỏ ý tránh trả lời, nhưng rồi cuối cùng cụ tâm sự thật rằng, vào đầu những năm 50 của thế kỷ trước, ta cũng bắt đầu bị những sức ép buộc phải thay đổi hàng loạt những quan niệm về đời sống cá nhân cũng như quan điểm chính trị. Sống cho thật tình ngày càng khó, nói cho thật bụng ngày càng nguy, càng giấu cái riêng tư càng an toàn...
Những cuộc chỉnh huấn, những đợt rèn quân chỉnh cán... khiến mọi người khôn ngoan đều từ bỏ dần thói quen bộc lộ tính cách và quan điểm riêng tư. Cũng từ đấy cụ Hiến bỏ việc ghi nhật ký. Có lẽ cụ Hiến không phải là người duy nhất làm việc đó.
Vậy mà cùng với thời gian chúng ta thấy thói quen ấy không mất hẳn và dường như chỉ mất ở những nhân vật có một cương vị nào đó... Cùng với thời gian cho sự chín muồi một nhu cầu hồi cố và sự cởi mở của công cuộc Đổi mới, các cuốn nhật ký cứ như “mọc” lên từ quên lãng, bù đắp cho nhu cầu muốn chia sẻ của những thế hệ hiện tại đối với những thế hệ của quá khứ.
Nếu nhật ký là ghi chép cập nhật thoả mãn riêng tư thì viết hồi ký lại là sự mong muốn được cộng đồng chia sẻ và để lại cho đời sau. Gần đây mới có những người trẻ sớm thành danh viết hồi ký hoặc để đánh bóng hình ảnh của mình, hoặc để thoả mãn một nhu cầu của đời sống thị trường, còn trước kia người ta dường như phải bước qua tuổi “tri thiên mệnh” hay hơn nữa mới cầm bút viết như để tổng kết cuộc đời, như để phân bua, thanh minh hay “lật tẩy” những mù mờ của quá khứ...
Nhưng cùng với độ lùi thời gian, nhu cầu làm cho rõ sự thật ngày càng trở nên thôi thúc và đôi khi tạo thành những phản ứng dây chuyền. Bắt đầu là hồi ký của các tướng lĩnh. Rồi không chỉ các tướng lĩnh cùng các chủ đề về chiến tranh. Đương nhiên hồi ức liên quan đến những nội dung lịch sử của các nhà hoạt động chính trị đã đề cập tới những vấn đề ngày càng hấp dẫn và nhạy cảm, đương nhiên cũng bổ ích hơn...
Đến đây thì có bắt đầu có sự e ngại...
“Khi một người già qua đời là người ta chôn theo một thư viện”, hàm ý của câu ngạn ngữ cổ Ảrập ấy nói về sự mất mát của ký ức như một di sản của con người. Ký ức là một loại hình văn hoá “phi vật thể” và ghi chép lại ký ức ấy chính là “vật thể hoá” nó, để thuận lợi cho việc bảo tồn và trao truyền.
Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, các phương thức ghi chép ngày một phong phú, bằng các phương tiện nghe nhìn... với sự hình thành “thế giới mạng” thì điều kiện cho việc lưu giữ và truyền bá những suy nghĩ, quan điểm riêng tư mà về ý nghĩa lâu dài là ký ức trở nên vô hạn và sự kiểm soát cũng trở nên vô vọng. Sự xuất hiện các trang blog dường như là sự phục hồi ở dạng thái mới nhu cầu tự bộc lộ mình, tự khẳng định mình.
Đã từng có cách định nghĩa rằng “lịch sử là sự nối dài ký ức của cả xã hội”. Vậy thì hiện tượng con người tự tin bày tỏ những suy nghĩ riêng tư cũng như luôn có ý thức hồi cố chính là làm cho lịch sử ngày một phong phú hơn, chân thực hơn và làm cho lịch sử không trở nên vô nhân xưng.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá