Chẳng mấy cần đến lịch sử
Prem Shankar Jha: Trong bộ hồi ức Thời đáng ghi nhận (Interesting Times) của ông, khi kể lại vì sao ông thành người cộng sản, ông có đặt ra câu hỏi: “Trong những năm 1930, nhìn mọi điều xảy ra khắp nơi trên thế giới, liệu ta còn biết đi theo hướng nào nữa? Liệu con người còn biết tìm tia hy vọng nào ở đâu nữa?” Tôi xin phép đặt ngược lại câu hỏi đó để hỏi ông, vậy thì cái gì đã xảy ra trên thế giới khiến con người bẵng quên mất nhân loại? Cái gì đã làm phi nhân tính con người đến mức họ có thể đặt kế hoạch và thực thi có hệ thống việc thủ tiêu hàng triệu đồng loại của mình?
Eric Hobsbawm: Tôi nghĩ rằng ta phải lần ngược về những tác động của Thế chiến thứ I. Đó là lần đầu tiên chiến tranh diễn ra theo quy mô công nghiệp. Đó là lần đầu tiên năng lực sản xuất của một nền công nghiệp được giao gánh nặng sứ mệnh tiêu diệt các kẻ thù của ai đó. Người Đức gọi các trận đánh đã diễn ra là “những trận đánh huỷ diệt hàng loạt”. Nhưng việc sử dụng công nghệ hiện đại cũng đồng thời là khởi đầu của một tầm cao man rợ.
Đây đặc biệt là kết quả của chiến tranh ở châu Âu. Thí dụ, hơi độc đã được ông Haber (chẳng may lại là người Do Thái), một nhà khoa học Đức chân thành, làm ra để “giải quyết khó khăn ở mặt trận phía Tây” (nơi cả hai bên tham chiến đều ném vào đó hàng nghìn binh sĩ đánh nhau cho kỳ chết hết, ấy thế mà về cơ bản vẫn chưa chết sạch). Thế là, Thế chiến thứ nhất đã du nhập vào trận chiến và vào xã hội cái nhân tố huỷ diệt vô giới hạn. Khái niệm này đã ăn sâu đến mức được đưa vào ngôn ngữ thành khái niệm “Chiến tranh tổng lực”. Khái niệm này thậm chí còn trở thành trung tâm tư duy của Lenin.
Nhân tố thứ hai là chủ nghĩa quốc gia-dân tộc. Vào hồi chiến tranh đang diễn ra, người ta có niềm tin sâu sắc hiện thân trong tiêu chí coi mục đích chính trị là tạo ra một “quốc gia-dân tộc” dựa cơ sở trên “nhân dân” với thành phần tộc người ít nhiều đồng chất. Điều này cũng lại được củng cố thêm bởi những việc làm sau Thế chiến thứ nhất. Nhà vô địch về tự do là tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson còn hình dung ra việc đem lại tự do cho tất cả các tộc người.
Chủ nghĩa quốc gia-dân tộc một mặt làm mất hết nội dung khái niệm cũ kỹ về nhà nước. Các cường quốc trước đó vẫn quen chung sống với tính đa dạng của các nền văn hoá. Bản chất các cường quốc đó là dung nạp. Thế nhưng đến khi có hình thức quốc gia-dân tộc thì nhà nước này cho rằng có tộc người nằm trong hình thái đó, còn những tộc người khác thì nằm ngoài hình thái đó.
Một thí dụ rất tiểu biểu là sự biến cải Đế chế Ottoman thành một loạt các quốc gia-dân tộc. Bản chất cố hữu của Đế chế Ottoman là khoan dung, nó ít phân biệt giữa người theo đạo Hồi với người Do Thái, người Kurd và người theo đạo Thiên chúa. Thế nhưng tới thời điểm chấm hết đế chế Ottoman và ra đời quốc gia-dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ, thì nó lại theo chính sách nuốt chửng hoặc triệt tiêu. Nó triệt tiêu người Armenian. Nó cũng thu xếp việc xua đuổi hàng loạt người Hy Lạp để đánh đổi dân Hy Lạp lấy dân Thổ Nhĩ Kỳ đang sống trong cái vùng sẽ thành nước Hy Lạp vào năm 1922. Từ đó sự hình thành quốc gia-dân tộc nhất thiết bao hàm khái niệm thanh lọc tộc người. Dạng thức cực đoan nhất của nó là sự diệt chủng đã được hợp pháp hoá.
Nhân tố thứ ba tham gia đóng góp vào thảm hoạ những năm ba mươi và bốn mươi của thế kỷ trước cũng bắt nguồn từ Thế chiến thứ I. Đó là sự cắt đứt với niềm tin tự do khoáng đạt hồi thế kỷ thứ 19 về sự tiến bộ không giới hạn và đa mục tiêu. Vào thế kỷ 19 người ta tin rằng có con đường tiến tới một cách hành xử văn minh hơn. Về chính trị, đó có nghĩa là tính hợp hiến ngày một gia tăng, và trong các mối quan hệ quốc tế, thì đó là sự văn minh ngày càng lớn mạnh khi dàn xếp các công việc giữa các quốc gia với nhau.
Một thí dụ rõ ràng về điều nói trên là việc dần dần không cho dân thường sở hữu vũ khí nữa, và hạn chế quyền hành lối bắt buộc của nhà nước và của các đại diện chính quyền. Một thí dụ khác là sự loại trừ lối tra tấn để moi thông tin. Các nhà nước, dù đó là nhà nước đế quốc chủ nghĩa, cũng tin tưởng rằng có cách khác và là cách thức tốt hơn để thu thập thông tin. Xét xử và hình phạt cũng phải tiến hành theo cung cách khác. Ta hãy nhớ lại đi, truyền thống đó từng mạnh mẽ biết bao. Từng có thời Hoa Kỳ còn không muốn có tổ chức Mật vụ nữa kia. Điều này bắt nguồn từ niềm tin mà bây giờ thì ta thấy rất kỳ lạ, đó là người quý tộc thì không đọc lẫn thư của nhau.
Ở thế kỷ 20, những truyền thống sinh ra trong thời khai sáng này đã dần dần biến mất. Các nguyên tắc hành xử dựa trên các luật lệ văn minh chung được hệ thống hoá trong Công ước The Hague năm 1907. Thế nhưng thế kỷ 20 chứng kiến tận mắt sự thất trận từng bước nhưng luôn luôn là thất trận giữa các công ước này với thực tiễn thi hành chúng của các nhà nước chống lại thần dân của mình và thần dân các nhà nước khác. Cứ mỗi cuộc chiến tranh xảy ra thì lại được thấy các công ước đó bị phỉ báng, và cứ sau mỗi lần chiến tranh thì lại có nỗ lực tái thiết lập những chuẩn mực hành xử đó. Thế là, sau Thế chiến thứ I, chúng ta lại có Công ước Geneva. Sau Thế chiến thứ II chúng ta lại có thêm nhiều công ước Geneva hơn nữa. Thế nhưng sức mạnh thực thụ của các công ước đó đã bị làm suy yếu đều đặn bởi vì người ta không tôn trọng chúng, nhiều khi lại chính là các nhà nước mạnh nhất không tôn trọng chúng.
Nếu bạn kết hợp cả ba nhân tố này với nhau - tất cả đều ra đời từ những trải nghiệm thời Thế chiến thứ I, bạn sẽ hiểu ngay vì sao thế kỷ 20 lại trở thành thế kỷ giết chóc nhất hạng trong lịch sử con người. Mối lo toan trung tâm của con người là chiến thắng bằng mọi giá, và cái giá phải trả thật quả là kinh hoàng.
Giữa những năm 60 và 80 thế kỷ trước, có một thời gian ngắn ngủi dường như chúng ta có thể dần dần tìm ra con đường đi tới một cách hành xử văn minh hơn rất nhiều. Tại Liên Xô, những việc làm thái quá của Stalin đã lùi lại phía sau và thực sự còn rất ít những điều ngược đãi. Tương tự như vậy, ở phương Tây vào thời điểm cao nhất của chiến tranh lạnh, có những chế độ quân sự mọc lên rồi lặn nhanh như mụn mẩn ngứa, nền dân chủ lại dần dần được phục hồi và củng cố. Nhưng khoảnh khắc đó quá ngắn ngủi. Giờ đây, vào cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, cuộc sống man rợ đã sống lại khắp nơi. Tra tấn được hợp pháp hoá. Công ước Geneva bị phớt lờ. Và nạn diệt chủng tái xuất hiện.
PJ. Trong những trang cuối tập Thời cực đoan (The Age of Extremes) ông có đưa ra quan sát mang tính chất tiên đoán: "Thế kỷ 20 kết thúc trong sự hỗn loạn toàn cầu mà bản chất của chuyện đó không ai hiểu rõ và cũng không có một cơ chế rành mạch nhằm hoặc là chấm dứt hoặc là kiểm soát nó... Tương lai không thể là sự tiếp nối của quá khứ, và có những dấu hiệu cả ở bề ngoài và hình như cũng cả ở bên trong rằng chúng ta đã đạt tới đỉnh khủng hoảng lịch sử.” Bây giờ, ông cảm nhận gì về tương lai thế giới 12 năm nữa?
E.H. Chí ít thì cũng đang có ba hình thức kiềm chế khủng hoảng. Một là, hiện đang thiếu một hệ thống quan hệ quốc tế giữa các quốc gia. Cho tới cuối thời kỳ chiến tranh lạnh thì các quan hệ quốc tế vẫn còn ít nhiều dựa trên các nguyên tắc đề ra tại Hội nghị Vienna. Từng có một hệ thống của các đại cường quốc cho phép họ làm mọi điều có thể nhằm hạn chế tiềm năng xung đột. Điều này không có kết quả trừ giai đoạn từ 1914 đến 1945. Tình hình này hiện giờ đã biến mất. Chúng ta biết rằng, một quốc gia đơn độc đứng ra nhận trách nhiệm quản lý thế giới thì không thể làm nổi. Điều này không thể làm được. Bất kể thế nào thì tương quan lực lượng vẫn cứ thay đổi luôn luôn.
Kiểu khủng hoảng thứ hai là sâu sắc hơn cả và nó nảy sinh trong tiến trình toàn cầu hoá. Công cuộc toàn cầu hoá làm suy yếu quốc gia-dân tộc dựa trên lãnh thổ, cái khung căn bản trong đó các công dân sống chung đụng cuộc đời dân sự. Vì nhiều lý do khác nhau, mà toàn cầu hoá chỉ là một lý do thôi, hình thức nhà nước đặc biệt này đang lung lay. Toàn cầu hoá và thị trường tự do tư bản chủ nghĩa đang hạn chế năng lực hành động của quốc gia.
Các nhà nước không còn kiểm soát được tình hình nữa. Vì thế họ cũng không thể có phương thuốc cứu chữa. Con người công dân đã được con người tiêu dùng thay thế. Trong một cuộc thảo luận giữa Francis Fukuyama và tôi ngay tại cuộc họp này, ông ấy đã hỏi tôi: “Nhưng chắc chắn là chẳng có chuyện gì khó khăn hết nếu một công dân bỏ phiếu cho cái anh ta mua”. Nhưng ở đây có sự khác biệt rất lớn. Với người công dân, họ không chỉ có quyền lợi mà còn có nghĩa vụ. Còn người tiêu thụ thì chỉ có quyền lợi mà thôi. Vì nhiều lý do khác nhau, các nhà nước không còn kiểm soát được các thần dân của họ nữa. Điều này là có thật ngay cả ở các nước mạnh. Nước Anh chẳng hạn đã không thể kiểm soát được cuộc nổi dậy ở Bắc Ireland trong suốt ba chục năm. Đây là điều mới mẻ.
Trước đây tình hình đó không khi nào xảy ra hết. Các bạn có những kinh nghiệm tương tự, và người Mỹ đang nhìn thấy chuyện đó khó khăn đến thế nào tại Iraq. Từng có sự phổ biến rộng rãi các vũ khí và chất nổ giết người cỡ nhỏ, và càng ngày các loại đó càng tìm được cách đến tay tư nhân. Giờ đây, nhà nước chỉ còn độc quyền loại vũ khí rất lớn, loại siêu vũ khí mà thôi.
Nhà nước cũng hoàn toàn không có cách gì ngăn chặn việc tạo ra vô cùng nhiều sản phẩm mà kết quả lại là sự bất công trong xã hội. Các cá nhân và các nhóm nhỏ đã tích tụ đựoc quyền lực kinh tế đến mức cao khó mà hình dung ngày xưa lại có thể có đến như vậy. Ngày nay, George Soros, là tôi giả dụ như vậy, tung tiền ra tiêu vào các dự án chính trị và kinh tế mà ông ta tin rằng có nhiều chính phủ cũng chỉ chi tiêu đến thế thôi. Tuyên bố của chính quyền Hoa Kỳ rằng có một quốc gia đứng sau mỗi nhóm khủng bố chẳng còn có thể đúng được nữa.
Không phải bao giờ cũng thấy rõ được sự suy thoái quyền lực của nhà nước trong việc kiểm soát hành động của các cá nhân, bởi vì công nghệ đem lại cho ta quyền lực vô cùng lớn trong việc tích tụ thông tin. Nhưng điều này lại không biến thành quyền lực để tiến hành công việc kiểm soát. Để tiện so sánh, tôi cho rằng Đế quốc Anh tại Ấn Độ biết rõ bang Utta Pradesh thế kỷ 19 hơn là chính phủ Anh biết rõ công việc của mình ngày hôm nay.
Việc mất khả năng kiểm soát như tôi mô tả có nghĩa là các quốc gia riêng rẽ không thể kiểm soát được số lượng lớn và ngày càng gia tăng các vấn đề, mà chúng phải được xử lý một cách tổng thể toàn cầu. Nhưng lại chưa có các phương tiện tổng thể toàn cầu. Toàn cầu hoá đã tác động đến mọi điều, nhưng có một thứ vẫn cưỡng lại toàn cầu hoá. Đó là chính trị. Nghị định thư Kyoto là một thí dụ cực hay. Nghị định thư đó chỉ có thể hoạt động nếu từng quốc gia thực hiện các điều mình cam kết. Nhưng chẳng có thứ quyền lực toàn cầu nào có thể bắt buộc mọi bên thực thi nghị định thư đó.
Nhân tố cuối cùng của khủng hoảng thì dài hơi hơn. Đó là sự bành trướng bất bình đẳng xã hôị. Trong quá khứ, khác nhau chủ yếu là giữa những người đang chết đói với những người không chết đói. Nhưng ngày nay các tầng bậc bất bình đẳng đã tới độ to lớn quá chừng, làm gia tăng nhiều lần sự bất ổn của nền kinh tế quốc tế. Những cuộc khủng hoảng kinh tế chủ yếu vào các năm 1997 và 1998 và những cuộc khủng hoảng kéo theo là trường hợp dễ thấy. Tại châu Mỹ Latin, nhất là tại Argentina, chúng tạo ra thảm hoạ xã hội. Cuối cùng, toàn thể châu Mỹ latin đã chuyển sang phe tả với niềm tin trong đại đa số nhân dân rằng toàn cầu hoá chỉ làm lợi cho người rất giàu và người bên ngoài.
Cuối cùng, tốc độ chuyển hoá xã hội giờ đây diễn ra thật nhanh và mau chóng phá hoại các quy ước của con người. Cho tới một thế hệ trước đây, vẫn còn có những luật lệ chi phối các mối quan hệ. Nay thì không có chỉ dẫn gì cả về cách ứng xử. Xã hội đổi thay lắm khi lại có những kết quả kỳ cục. Thí dụ như sự trỗi dậy của phụ nữ, một thành quả quan trọng bậc nhất của thế kỷ 20: tại Italy, trong vòng 15 đến 20 năm, đã tạo ra tình cảnh phụ nữ từ chối sinh con.
PJ: Có phải vì thế mà ông nói trong Thời cực đoan (Age of Extremes) rằng con người đã mất quan hệ với lịch sử và chỉ còn sống trong một hiện tại bất biến?
EH: Đã có một sự cắt đứt với lịch sử. Thay đổi nhanh tới mức những quan hệ truyền thống giữa quá khứ và hiện tại đã không còn nữa. Nhưng công nghệ hiện đại cũng phải chịu trách nhiệm. Trong thế kỷ 20, công nghệ là một kiểu thức giải quyết vấn đề và coi như không liên quan gì với lịch sử nữa. Chúng ta được dạy dỗ đến độ tin tưởng rằng vẫn đề gì thì cũng có giải pháp công nghệ cho nó, từ việc xây dựng một cây cầu cho tới xây dựng một nền dân chủ. Vậy thì lịch sử chẳng mấy cần đến nữa.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Con người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam Sơn