Viết tiểu thuyết lịch sử không nên lệ thuộc vào chính sử
Hai bộ tiểu thuyết lịch sử về nhà Trần và nhà Lý được hoàn thành trên cơ sở những nguồn sử liệu nào, thưa ông?
- Kho sách Hán Nôm của Viện Viễn Đông Bác cổ, đó là nguồn quan trọng nhất. Hiện tại ở đấy vẫn còn 3.000 cuốn sách về lịch sử chưa có người dịch. Một nguồn khác cũng quan trọng không kém là tài liệu của Phật giáo. Không có nó, tôi không hoàn thành nổi bộ tiểu thuyết lịch sử về nhà Lý. Ngoài ra, chính sử của Trung Hoa, Nhật Bản, Ba Tư… đều có đề cập đến một số sự kiện diễn ra tại nước ta. Tuy nhiên, độ chính xác không cao. Bởi vậy, tôi đã tham khảo thêm một nguồn tư liệu có thể tin cậy được là các cuốn hồi ký, bi ký, thần phả, gia phả, và cả những câu chuyện được dân gian lưu truyền.
Theo ông, nhà Trần và nhà Lý có những điểm nhấn quan trọng nào mà những người muốn tìm hiểu lịch sử nước nhà không nên bỏ qua? Và kinh nghiệm trị quốc nào của hai triều đại phong kiến này các nhà lãnh đạo hôm nay nên triệt để học hỏi?
- Điểm nhấn của nhà Lý là tam giáo đồng nguyên, văn hoá và dân sinh. Nhà Lý đã tổng hợp được những nét tinh tuý nhất của ba tôn giáo lớn - Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo thành định hướng chính trị, đưa xã hội phát triển theo ba tiêu chí: Kỷ cương; Thiện hoá; Hoà hợp với thiên nhiên. Các vua nhà Lý luôn có ý thức xây dựng một cuộc sống thân thiện với thiên nhiên. Chẳng hạn, mùa xuân cấm không được chặt cây non, mùa cá đẻ cấm không được đánh bắt cá, mùa thú động hớn cấm không được săn bắn… Nhắc đến nhà Lý là nhắc đến tính nhân văn, thể hiện ở chính sách thân dân. Thời Lý, đạo Phật là quốc đạo. Nhà chùa giữ vai trò cực kỳ quan trọng. Người tu hành cũng đồng thời là người hướng dẫn tâm linh; khai trí (dạy học cho người dân) và là thầy thuốc. Từ những lớp học trong chùa, khi điều kiện cho phép, nhà Lý mở khoa thi tiến sĩ. Không quá lời khi nói rằng, các vị vua nhà Lý đã đặt cơ sở cho nền văn hiến Việt Nam. Điểm thú vị là trong thời đại ấy, nếu như nhà Lý có thể tam giáo đồng nguyên thì tại châu Ấu, chiến tranh tôn giáo diễn ra triền miên.
Điểm nhấn của nhà Trần là giữ nước, đồng thời tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu nhà Lý đạt được. Vẫn dùng đạo Phật làm quốc đạo. Vẫn dùng chính sách “Ngụ binh ư nông”. Thậm chí thực hiện bán chịu ruộng cho dân. Ngoài ra, nhà Trần hết sức chú trọng mở khoa thi tiến sĩ, đào tạo nhân tài.
Rất nhiều bài học lịch sử có thể rút ra từ hai triều đại này. Điểm quan trọng nhất là: muốn đất nước cường thịnh thì trước hết phải an dân. Và phải làm cho dân tin. Nói chung, lịch sử Việt Nam có nhiều trang oanh liệt, để lại biết bao bài học quý giá cho hậu thế. Nhưng không phải thời đại nào, người lãnh đạo nào cũng lĩnh hội hết được. Có điều chắc chắn, nếu biết tiếp thu bài học lịch sử thì trí khôn và sức mạnh của chúng ta sẽ tăng lên gấp bội.
Ông có cho rằng, dân ta chưa thông thạo sử ta, một phần do thiếu các tiểu thuyết lịch sử hấp dẫn?
- Đúng vậy. Phổ cập lịch sử, nhiệm vụ ấy không thuộc về giới sử học, mà chủ yếu đặt lên vai các nhà văn. Một ví dụ về hiệu quả của chủ trương tích cực văn chương hoá lịch sử, điện ảnh hoá lịch sử là nước láng giềng Trung Quốc. Truyền hình của chúng ta, ngày nào cũng có ít nhất 20 kênh chiếu phim Trung Quốc. Còn về sách, thị phần sách Trung Quốc chiếm ít nhất 40% thị trường sách Việt Nam. Đừng hỏi vì sao giới trẻ Việt Nam đa số thuộc sử Trung Quốc hơn sử Việt Nam. Đấy chính là nguy cơ xâm lấn văn hoá. Nhà nước phải có chính sách phổ cập hoá lịch sử trong nhân dân thì mới khiến dân ta thông thạo sử ta được. Mà muốn phổ cập hoá lịch sử, không gì bằng văn chương hoá nó.
Hai bộ tiểu thuyết lịch sử “Tám triều vua Lý” và “Bão táp triều Trần” của nhà văn Hoàng Quốc Hải
Theo ông, cái khó nhất khi văn chương hoá lịch sử là gì?
- Phải vẽ cho ra một bức tranh toàn diện về thời đại lịch sử ấy.
Người ta nói rằng, sở dĩ các nhà văn né đề tài lịch sử, là vì khó viết cho hay?
- Đi vào tiểu thuyết lịch sử có nhiều cản trở. Trước hết là tư liệu. Ngoài ra, nhà văn phải có khả năng cảm thụ lịch sử. Và quan trọng hơn, phải có đủ năng lực để thông qua trang viết, truyền tải lịch sử đến bạn đọc.
Hầu hết các nhân vật lịch sử lỗi lạc của chúng ta đều đã được huyền thoại hoá. Nhà văn sẽ phải làm gì để có thể vừa trung thành với lịch sử, vừa không làm tầm thường hoá những hình tượng đã in sâu trong tâm trí nhiều thế hệ?
- Muốn giải quyết được bài toán đó thì phải giải mã được lịch sử. Muốn giải mã được lịch sử chỉ có cách đi vào lịch sử. Trước tiên phải cố gắng hình dung ra cả một xã hội trong thời đại đó. Rồi trên cơ sở ấy, mới tìm cách thâm nhập vào. Tức là, để hiểu rõ về nhân vật và các sự kiện lịch sử, nhà văn phải tái hiện thực tế lịch sử đến hai lần. Các nhân vật lỗi lạc như Lý Công Uẩn, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn… thường hay được huyền thoại hoá, được thiêng hoá, chứ thực ra họ đều có một lý lịch rất rõ ràng. Nếu biết cách khai thác, chính những chi tiết rất “người” ấy lại làm tăng độ hấp dẫn cho nhân vật.
Ông đã bao giờ phải dùng dằng giữa việc tôn trọng chính sử và phổ biến đúng sự thật lịch sử?
- Nhà văn khác với nhà sử học. Họ cần lịch sử làm chất liệu, nhưng không nhất thiết phải lệ thuộc vào lịch sử. Độ tin cậy của chính sử, tôi nghĩ rằng cũng không hẳn là tuyệt đối. Ví dụ, chiến thắng Bạch Đằng thời Trần, sử ta chép lại, quân ta bắt sống được Thoát Hoan. Nhưng điều này không chính xác. Nếu cứ khăng khăng bám sát chính sử thì tức là, tôi đã phổ biến sai lịch sử. Vì vậy, nhà văn mới cần phải mất công đối chiếu chính sử với các nguồn sử liệu nước ngoài.
Sau hai bộ tiểu thuyết về nhà Trần và nhà Lý, ông sẽ văn chương hoá tiếp những triều đại phong kiến khác, những nhân vật lịch sử khác?
- Tâm trạng của tôi sau khi hoàn thành xong hai bộ tiểu thuyết này là… buồn, buồn vô cùng. Hụt hẫng và trống vắng. Có lẽ vì phải chia tay với những nhân vật của mình. Còn viết tiếp, hiện giờ tôi chưa nghĩ đến, và cũng chưa dám. Biết dừng lại đúng lúc có lẽ hay hơn.
Khá lâu sau khi hoàn thành, hai bộ tiểu thuyết lịch sử của ông mới có thể ra mắt độc giả. Phải chăng xuất bản sách lịch sử hiện tại vẫn gặp khó khăn?
- Đương nhiên là có những lý do tế nhị.
Sinh năm 1938 tại thành phố Hải Dương, nhà văn đã bước sang ngưỡng thất thập Hoàng Quốc Hải là tác giả của nhiều tiểu thuyết gây chú ý: Chiến luỹ đá, Sau mùa lá rụng, Chờ đến ngày mai, Đêm qua làng…, nhiều tác phẩm nghiên cứu về văn hoá phong tục Việt Nam, phê bình tiểu luận, tạp văn… Ông cũng là một trong số ít nhà văn chuyên sâu vào đề tài lịch sử với hai bộ tiểu thuyết đồ sộ nhiều tập, dày 6.442 trang giấy in khổ lớn: Tám triều vua Lý, Bão táp triều Trần, khắc hoạ bức tranh toàn cảnh về hai thời đại huy hoàng trong lịch sử dân tộc. 4 tập đầu tiên của Bão táp triều Trần (trọn bộ 6 tập) xuất bản lần đầu năm 2003, tái bản nhiều lần, đã giúp nhà văn Hoàng Quốc Hải giành được giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội năm 2008
Nguồn:Sài Gòn tiếp thị
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá