Công minh lịch sử và công bằng xã hội đối với tự lực văn đoàn
Tự lực văn đoàn là một tổ chức văn học ra đời tại thị trấn Cẩm Giàng, Hải Dương trong thời gian 1932-1939. Về tổ chức và công lao của Tự lực văn đoàn, đã từng có nhiều đánh giá khác nhau cả về các mặt tích cực lẫn về mặt tiêu cực. Nhưng đến thập kỷ 80 thế kỷ thứ XX, nhất là sau Đại hội lần thứ VI của Đảng với phương châm: “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam đã xác định rõ về cơ cấu tổ chức và nhất trí nhận định về những hoạt động và cống hiến của tổ chức này đối với lịch sử văn học Việt Nam. Sử học cũng từ đó mà có căn cứ để đánh giá cống hiến của Tự lực văn đoàn đối với Lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung.
Về tổ chức, các nhà nghiên cứu văn học đã nhất trí xác định:
Tự lực văn đoàn gồm 8 thành viên chính là: Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), Khái Hưng (Trần Khánh Dư), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân), Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ - Lê Ta), Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu), Trần Tiêu và Xuân Diệu(l). Ngoài các thành viên chính thức ra còn có những cộng tác viên thân thuộc như Huy Cận, Đoàn Phú Tứ, Trọng Lang và các hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Cát Tường, Tô Ngọc Vân(2).
Tự lực văn đoàn ra đời vào năm 1932 (khi Nhất Linh mua tờ Phong Hoá làm cơ quan ngôn luận cho tổ chức này). Đây là một tổ chức văn học độc lập, có tôn chỉ, mục đích, có cơ quan ngôn luận, có giải thưởng văn học riêng, văn chương có những đặc điểm riêng về nội dung tư tưởng, về hình thức và phong cách nghệ thuật. Về cơ quan ngôn luận, Tự lực văn đoàn có báo Phong Hoá (1932-1936) và báo Ngày Nay (từ 1936 đến khi bị đình bản), có nhà xuất bản Đời Nay in ấn các tác phẩm của tổ chức này. Về Giải thưởng, được xét trao 2 năm 1 lần vào các năm 1935, 1937, 1939 và đã trao cho các tác giả và tác phẩm như:
Vi Huyền Đắc “Kim tiền”; Nguyên Hồng “Bỉ vỏ”; Nguyễn Bính “Tâm hồn tôi”; Anh Thơ “Bức tranh quê”; Tế Hanh “Nghẹn ngào”…
“Tôn chỉ” của Tự lực văn đoàn được công bố trên báo Phong Hoá số 101 ngày 8 tháng 6 năm 1934 gồm 10 điểm:
1. Tự sức mình làm ra những sách có giá trị về văn chương chứ không phiên dịch sách nước ngoài nếu những sách này chỉ có tính cách văn chương thôi, mục đích để làm giàu văn sản trong nước.
2. Soạn hay dịch những sách có tư tưởng xã hội, chú ý làm cho người và xã hội ngày một hay hơn.
3. Theo chủ nghĩa bình dân, soạn những cuốn sách có tính cách bình dân và cổ động cho người khác yêu chủ nghĩa bình dân.
4. Dùng một lối văn giản dị dễ hiểu ít chữ Nho, một lối văn thật sự có tính cách An Nam.
5. Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ.
6. Ca tụng những nét hay, vẻ đẹp của nước nhà với tính cách bình dân. khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân. Không có tính cách trưởng giả, quý phái.
7. Trọng tự do cá nhân.
8. Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa.
9. Đem phương pháp khoa học Tây ứng dụng vào văn chương An Nam.
10. Theo một trong 9 điều trên đây cũng được, miễn là đừng trái ngược với những điều khác.
Đứng trên góc cạnh Sử học mà nhìn, ngoài điểm 8 (“Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa”) là có phần hơi cực đoan, vì cho đến nay nhân loại vẫn coi Khổng học là di sản văn hoá thế giới, có cái còn cần kế thừa và phát huy trong thời đại mới. Còn các điểm khác đều là tiến bộ, tỏ rõ tinh thần yêu nước, trọng dân (bình dân), ca ngợi “Tự do cá nhân” và chí tiến thủ, không bài ngoại coi trọng tiếp thu ảnh hưởng của văn hoá phương Tây thời Phục hưng, giữ gìn bản chất văn hoá dân tộc, coi trọng bảo tồn và làm trong sáng tiếng Việt, góp phần vào tiến trình hiện đại hoá nền văn hoá dân tộc.
Thời gian hoạt động thực sự có hiệu quả là từ năm 1932 đến nằm 1939. Tuy thời gian tồn tại có 7 năm, nhưng thành tựu của Tự lực văn đoàn là rất đáng trân trọng, bao gồm các thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vuốt kịch và thơ, có cả thơ trào phúng.
Về nội dung tư tưởng, Lịch sử dân tộc ta không thể không coi đây là một dòng văn học dân tộc đáng ghi, dầu là thuộc ý thức hệ tư sản, đứng trên lập trường cải lương tư sản và nhiều tác phẩm có phong cách lãng mạn tiểu tư sản. Cũng chính vì coi đó là mặt tiêu cực so với văn học vô sản hiện đại nên đã một thời bị hạn chế công bố và giảng dạy.
Nay, nhờ kết quả nghiên cứu của cả giới văn học nên công trình “Văn chương Tự lực văn đoàn”, đã có thể khái quát nhận định:
“Tuy các tác giả trong Tự lực văn đoàn mang ý thức hệ tư sản và lập trường cải lương tư sản nên ở một số tác phẩm không tránh khỏi những hạn chê nhất định, nhưng nhìn chung sáng tác của họ từ 1932 trên 1939 mang nhiều phẩm chất cách tân, nhiều giá trị ưu việt so với văn chương nhà Nho trước đó.
Về mặt nội dung tư tưởng, các tác phẩm của Tự lực văn đoàn thấm đượm tinh thần nhân văn, tinh thần chống lễ giáo phong kiến, chống các hủ tục. Cùng với ý thức đả kích những kẻ xu phụ thực dân, châm biếm thói hư tật xấu trong xã hội là tinh thần cảm thông với những nỗi khổ cực, sự lam lũ bần cùng của người lao động; tinh thần đề cao tự do cá nhân, giải phóng phụ nữ, hướng theo những tư tưởng nhân đạo, bình đẳng, bác ái của thời kỳ Mặt trận Dân chủ”(3)
Với phương châm “Nhìn thẳng vào sự thực, đánh giá đúng sự thực”,phải coi đây là cầu nối không thể thiếu được giữa văn học nghệ thuật phong kiến trung cổ với văn học nghệ thuật vô sản hiện đại trong lịch sử văn học nghệ thuật Việt Nam. Không thể lấy văn học nghệ thuật thực dân thay thế vào đây được.
Cả về tư tưởng lẫn về nghệ thuật văn chương, Tự lực văn đoàn đã được nhiều nhà nghiên cứu văn học, đặc biệt là cuộc Hội thảo về Văn chương Tự lực văn đoàn do Khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội phối hợp với nhà xuất bản Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp tổ chức tháng 5-1989, thảo luận nghiêm túc, sâu sắc và đánh giá đầy đủ.
Tại Hội thảo này, nhà thơ Huy Cận, với tư cách là cộng tác viên thân thiết của Tự lực văn đoàn, vừa đứng trên góc cạnh văn học, vừa đứng trên góc cạnh lịch sử và chính trị, đã có những đánh giá đúng mức:
“Ta đã có đủ thời gian để đánh giá sự đóng góp của Tự lực văn đoàn. Có thể nói là Tự lực văn đoàn đã đóng góp lớn vào văn học sử Việt Nam. Họ có hoài bão về văn hoá dân tộc. Họ có điều kiện nhưng không thích con đường làm quan, làm giàu mà đi vào văn chương. Đáng phê phán nhất ở Tự lực văn đoàn cũng như ở Nhất Linh, Khái Hưng là chặng cuối đời. Nhưng cũng đừng vì lăng kính đó mà đánh giá sai họ. Lúc đầu họ có lòng yêu nước thực sự nhưng chọn nhầm đường và cuối cùng là phản động Tự lực văn đoàn đã góp phần lớn vào nghệ thuật tiểu thuyết, vào tính hiện đại của tiểu thuyết, đóng góp vào tiếng nói và câu văn của dân tộc với lối văn trong sáng và rất Việt Nam"(4).
Lời nhận xét này của nhà thơ Huy Cận là sự coi trọng tính “Công minh lịch sử” để mong có được “Công bằng xã hội” đối với Tự lực văn đoàn (như nhà thơ đã nói với tôi trong cuộc nghiệm thu Biên niên Lịch sử Chính phủ, tổ chức ở Hạ Long năm 2001)
Những hoạt động chính trị đi tới phản động của Nhất Linh, Hoàng Đạo, là thuộc về thời kỳ “Sau Tự lực văn đoàn” tức từ năm 1940 trở đi, khi Tự lực văn đoàn không còn tồn tại toàn vẹn nữa nên chúng ta không nên kể đó là tội của Tự lực văn đoàn để “cân công, cân tội” đối với tổ chức này.
Còn nói về “Địa - Lịch sử, Địa - Văn học” thì Tự lực văn đoàn ra đời và hoạt động sôi nổi ở thị trấn Cẩm Giàng, Hải Dương nơi cư trú của gia đình Nhất Linh (gốc từ Quảng Nam ra), nhưng là nơi “chôn nhau cắt rốn” của 2 trong 8 thành viên chính của Tự lực văn đoàn là Nhất Linh, Hoàng Đạo.
Hơn nữa chính mảnh đất này, kể cả cảnh quan, môi trường, cuộc sống, với những con người nông dân, tiểu thương, công chức, dân nghèo ở đây, đã là những chất liệu thực tế sinh động cho các tác phẩm của ba nhà văn này, nhất là các tác phẩm của Thạch Lam, ra đời. Ngay cả Khái Hưng (Trần Khánh Dư) và Trần Tiêu cũng không phải từ đâu xa lạ đến, mà cũng là người thuộc đất Hải Dương xưa (Vĩnh Bảo - sau thuộc Hải Phòng) cũng như các thành viên chính thức và các cộng tác viên thân thuộc khác của Tự lực văn đoàn đều đã về Trại sáng tác văn học của gia đình Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam trên đất Cẩm Giàng, Hải Dương và cũng đã có phần nào cảm thụ hồn thơ, chất văn từ mảnh đất này.
Đến nay lịch sử của Tự lực văn đoàn đã được xác minh rõ ràng. Bộ sách Văn chương Tự lực văn đoàn 3 tập đồ sộ tới hơn 3500 trang (16 x 24) đã được Nhà xuất bản Giáo dục cho ra mắt độc giả năm 1999.
Đứng trên góc cạnh Sử học, thiết nghĩ chúng ta nên:
1. Đánh giá một cách công minh giá trị lịch sử (cả ưu lẫn khuyết, nhược điểm) của Tự lực văn đoàn trong văn học và sử học nước nhà, chính thức công bố trong các giáo trình giảng dạy văn học, lịch sử của cả nước.
2. Ghi công Tự lực văn đoàn bằng một nhà lưu niệm ở thị trấn Cẩm Giàng, Hải Dương nơi khai sinh ra tổ chức văn này, trên nền “Nhà khách văn chương” của gia đình Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam cạnh đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, đã từng là nơi trao các giải thưởng của Tự lực văn đoàn kể trên(5) .
3. Đặt tên là phố Tự lực văn đoàn cho một đường phố thuộc khu phố mới thành phố Hải Dương và một đường phố tại quận Tây Hồ, Hà Nội. Có thể xây dựng khách sạn lấy tên là Khách sạn Tự lực văn đoàn ở thành phố Hải Dương - thành phố kết nghĩa với tỉnh Viên Chăn (Lào) và với thành phố Mông tờ-rơi (Pháp) cũng như ở Thủ đô Hà Nội (Thủ đô vì Hoà bình) - để đón các du khách văn chương cả nước và thế giới. Việc làm này vừa tỏ rõ tính “công minh lịch sử và công bằng xã hội” đối với Tự lực văn đoàn, vừa đáp ứng lòng ưu ái của văn đàn, báo giới sử gia và của du khách bốn phương đối với văn học cận hiện đại Việt Nam nói chung và đối với Tự lực vân đoàn nói riêng khi tới tham quan Thủ đô Hà Nội và Hải Dương - quê hương Tự lực văn đoàn.
Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2005
(1) Xuân Diệu là thành viên thứ tám, thành viên cuối cùng. Vì vậy, lúc đầu chỉ có “Thất tinh” sau thêm Xuân Diệu thành “Bát tứ”.
(2) Viện Văn học “Văn chương Tự lực văn đoàn” Tập 1. NXB Giáo Dục. 1999. H. 11.
(3) Viện văn học "Văn chương Trước văn đoàn" Tập 1. NXB Gío Dục. 1999. H. Lời giới thiệu "Vài nét về Tự lực văn đoàn" PTS Phan Trọng Thưởng tr.12.
(4) Như trên, tr. 15.
(5) Theo ông Trần Vĩnh An, hiện ở thị trấn Cẩm Giàng, khi nhỏ tuổi thường được ra vào nhà tiếp khách này kể lại thì: Khu đất nền nhà hiện nay vẫn còn do ngành đường sắt mượn làm kho nay có thể giải toả được.
Từ phố huyện Cẩm Giàng (đi về phía Văn Thai) đến ngã ba rẽ vào đường Thạch Lam khoảng hơn 100 thước thì thấy nền nhà cũ này ở phía tay trái. Trước mặt là đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Lối vào trước đây là con đường hai bên trồng hoa dẫn vào biệt thự nhỏ một tầng hình lục lăng. Mái ngói tường toóc xi. Trước mặt là hồ nhỏ thả sen. Phía tay phải là một nhà phụ 4 gian. trong sân có trồng hoa hồng và mấy cây liễu rủ...
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015