Lịch sử và chiến tranh
Chiến tranh là một trong những sự thực lịch sử thời nào cũng xảy ra, khi loài người bắt đầu văn minh nó đã không bớt, mà khi chế độ dân chủ xuất hiện, nó cũng không giảm. Trong 3421 năm gần đây chỉ có 268 năm là không có chiến tranh. Chúng ta đã chấp nhận rằng chiến tranh là hình thức phát triển nhất của sự ganh đua, sự đào thải tự nhiên trong loài người với nhau. Triết gia Hi Lạp Héraclite (thế kỉ thứ VI trước T.L) đã nói rằng chiến tranh (hoặc sự ganh đua) là mẹ của mọi sự (Polemos pater panton), nguồn gốc của mọi ý tưởng, phát minh, chế độ, cả của các Quốc gia nữa. Hòa bình chỉ là một thế thăng bằng không bền, và chỉ có thể duy trì được khi hai bên lực lượng ngang nhau, hoặc một bên chịu nhận ưu thế của bên kia.
Nguyên nhân của chiến tranh cũng vẫn là những nguyên nhân của sự ganh đua giữa cá nhân, tức bản năng thủ đắc, tính hiếu chiến, tính tự tôn, tự phụ; nói cách khác, là cái lòng ham muốn chiếm thức ăn, đất đai, nguyên liệu, nhiên liệu và lòng ham thống trị. Quốc gia cũng có những bản năng đó như chúng ta, nhưng lại không có những cấm chỉ của chúng ta. Cá nhân chấp nhận những hạn chế do luân lí và luật pháp đặt ra, bắt mọi người phải theo; cá nhân chịu thôi không đánh nhau nữa mà ngồi thảo luận với nhau, sở dĩ vậy chỉ nhờ Quốc gia bảo đảm cho cá nhân được hưởng một sự bảo vệ tối thiểu về sinh mạng, của cải và quyền lợi. Còn Quốc gia thì không chịu chấp nhận một sự hạn chế quan trọng nào cả, hoặc vì nó khá mạnh để bất chấp mọi sự ngăn cản ý muốn của nó, (l) hoặc vì không có một siêu quốc gia nào có thể bảo đảm cho nó một sự bảo vệ tối thiểu, (2) không có một bộ luật nào, một luân lí quốc tế nào có đủ thực lực.
Ở cá nhân, lòng tự phụ gây ra các cuộc cạnh tranh; còn các dân tộc thì tinh thần quốc gia đưa tới hoặc mưu thuật (ngoại giao) hoặc là chiến tranh. Khi các quốc gia châu Âu đã trút bỏ được sự giám hộ của các Giáo Hoàng (3) thì Quốc gia nào cũng khuyến khích tinh thần quốc gia, để hỗ trợ cho lục quân hoặc hải quân. Khi một nước nào đoán trước sẽ có xung đột với một nước khác thì chính quyền nước đó khêu trong lòng quốc dân ngọn lửa oán ghét nước kia, rồi tìm ra những khẩu hiệu kích thích nỗi oán ghét ấy tới cực độ; đồng thời người ta không ngớt tuyên bố hoài rằng mình chỉ muốn hòa bình.
Sự khiêu động, điều lí tinh thần bài ngoại ấy chỉ xảy ra trong những cuộc xung đột tầm thường nhất; ở châu Âu người ta ít khi dùng tới cách đó từ những chiến tranh tôn giáo ở thế kỉ XVI tới những chiến tranh của cuộc Cách mạng Pháp thế kỉ XVIII. Trong khoảng thời gian đó, dân chúng các nước lâm chiến được tự do tôn trọng nền văn minh của nhau; Pháp đánh nhau với Anh mà người Anh vẫn được đi lại thong thả trên đất Pháp; trong chiến tranh bảy năm [chiến tranh giữa Anh, Phổ và Pháp, Áo, Nga: 1756-63] người Pháp và đại đế Frédérick [vua Phổ, bạn thân của Voltaire] vẫn tiếp tục ngưỡng mộ lẫn nhau. Ở thế kỉ XVIII và XIX, chiến tranh là sự xung đột giữa các quí tộc (tức các vua chúa), chứ không phải là giữa các dân tộc.(4) Tới thế kỉ XX, do sự cải thiện các phương tiện giao thông, chuyên chở, cải thiện khí giới và các cách tuyên truyền nhồi sọ, mà chiến tranh thành sự xung đột giữa các dân tộc, chẳng những chiến sĩ ở mặt trận mà cả thường dân ở hậu tuyến cũng phải liên lụy, và từ đó "chiến thắng" có nghĩa là tiêu diệt một cách triệt để mọi của cải và sinh mạng. Ngày nay chỉ một chiến tranh thôi cũng đủ phá hủy trọn kết quả của mấy thế kỉ xây dựng: thị trấn, nghệ phẩm và tất cả những ích lợi của văn minh. Để bù lại, và cũng tựa như để được miễn tội, chiến tranh làm cho khoa học và kĩ thuật tiến bộ, và những phát minh sát nhân có thể một ngày kia (5) giúp cho các thực hiện vật chất trong thời bình mau phát triển, miễn là từ nay tới đó, thế giới không bị tàn phá hoàn toàn, nhân loại không trở về tình trạng dã man mà các phát minh đó không bị chôn vùi luôn, không còn ai nhớ nữa.
Ở thế kỉ nào cũng vậy, các tướng lĩnh và các quốc trưởng trừ vài trường hợp rất hiếm như Acoka và Auguste,(6) đều chế giễu các lời phản kháng rụt rè của các triết gia đối với chiến tranh. Theo thuyết giải thích lịch sử bằng chiến tranh thì chiến tranh là sự điều đình tối hậu;(7) nó được mọi người, trừ bọn hèn nhát ngây thơ, cho là tự nhiên, cần thiết. Charles Martel [Charlemagne] thắng quân Hồi giáo ở Poitiers (732) đã chẳng tránh cho Pháp và Y Pha Nho khỏi bị Hồi hóa đấy ư? Nền văn minh cổ điển của chúng ta nếu không được bảo vệ bằng khí giới, chống với các cuộc xâm lăng Mông Cổ và Hung Nô thì phương Tây chúng ta đã ra sao? Chúng ta mỉa mai các tướng lĩnh chết trên giường bệnh giữa vợ con (mà quên rằng sống, họ có ích cho ta hơn là chết chứ), nhưng chúng ta dựng tượng cho họ khi họ hạ được một Hitler, một Thành Cát Tư Hãn. Bọn tướng lĩnh bảo có biết bao thanh niên chết trên chiến trường, điều đó đáng tiếc thật, nhưng số thanh niên chết vì tai nạn xe hơi còn nhiều hơn, mà nhiều thanh niên vì thiếu kỉ luật mà hay chống đối chính quyền, nổi loạn hoặc sống một đời trụy lạc; tính ham chiến đấu, mạo hiểm, ghê tởm cuộc sống bình thường của họ cần có một lối thoát; mà sớm muộn gì họ cũng sẽ chết thì tại sao lại chẳng để họ say mê chết cho quốc gia trong sự vinh quang rực rỡ? Ngay một triết gia nếu thuộc sử tất cũng phải nhận rằng hòa bình mà kéo dài lâu quá thì tinh thần chiến đấu của một dân tộc có nhiều phần chắc sẽ suy giảm không sao cứu được. Hiện nay luật pháp quốc tế còn thiếu sót quá, ý thức bốn bể một nhà còn ít được phổ biến quá, vậy thì dân tộc nào cũng phải chuẩn bị sẵn sàng để tự bảo vệ bất kì lúc nào; và khi những quyền lợi cốt yếu cho sinh mệnh của mình bị làm nguy thì mình phải có quyền dùng bất kì phương tiện nào thấy nó cần thiết cho sự sống còn của mình. Thập giới [Thượng Đế ban cho Moise] phải làm thinh đi, khi giết người là một vấn đề sinh tử. (8)
Bọn tướng lĩnh nói tiếp: hiển nhiên là ngày nay Mĩ phải lãnh cái - nhiệm vụ mà Anh đã làm một cách rất hoàn hảo ở thế kỉ XIX: bảo vệ văn minh phương Tây khỏi bị những tai họa từ ngoài vô. Các chính quyền cộng sản nhờ giữ được mức sinh suất cũ (9) và có được những khí giới mới, không giấu giếm gì cả, nói thẳng ngay rằng họ quyết tâm diệt chế độ kinh tế và sự độc lập của các nước không cộng sản. Các quốc gia tân lập vẫn ao ước một cuộc cách mạng kĩ nghệ để giàu mạnh lên, bị mê hoặc và chữa mắt khi thấy Nga áp dụng chính sách kinh tế do Quốc gia chỉ huy mà kĩ nghệ phát triển rất mau; chế độ tư bản phương Tây rốt cuộc có thể là sản xuất được nhiều hơn, nhưng phương pháp của họ có vẻ chậm chạp hơn; những chính quyền mới muốn sử dụng tài nguyên và nhân lực trong nước, dễ bị sự tuyên truyền của cộng sản cám dỗ, hậu quả là cộng sản xâm nhập lần lần rồi phá hoại. Vậy nếu không ngăn chặn lại bước tiến của cộng sản thì Á, Phi và Nam Mĩ sớm muộn gì cũng sẽ đứng vào khối cộng mất, chỉ là một vấn đề thời gian thôi. Trong hoàn cảnh ấy, Úc, Tân Tây Lan, Bắc Mĩ và Tây Âu sẽ bị kẻ thù bao vây mọi phía. Ta thử tưởng tượng tình trạng ấy sẽ ảnh hưởng tới Nhật, Phi Luật Tân và Ấn Độ, hoặc tới đảng cộng sản mạnh mẽ ở ý ra sao; mà một thắng lợi của cộng sản Ý sẽ tác động tới phong trào cộng sản ở Pháp ra sao? Anh, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Hòa Lan, Tây Đức sẽ phải tùy thuộc một lục địa đại đa số theo cộng, cộng bắt sao họ phải chịu vậy Bắc Mĩ hiện nay quyền lực lên tới tột đỉnh, có chịu qui phục, nhận tai họa ấy không, thu hình trong cái vỏ sò, để cho các nước kình địch kia bao vây, chặn đường tiếp tế nguyên liệu, cắt đứt các thị trường và như mọi dân tộc bị bao vây, bắt buộc phải bắt chước kẻ thù, thiết lập chế độ độc tài về mọi khu vực kinh tế mà kinh tế hết được tự do, kích thích nữa, Bắc Mĩ có chịu nhận tình thế ấy không? Các chính quyền Mĩ có nên chỉ quan tâm tới ý kiến của thế hệ hiện nay chỉ ham hưởng lạc, không chịu nhìn thẳng vào vấn đề sinh tử đó; hay là cũng nên nghĩ tới những thế hệ sau này nữa, mà hành động như họ ao ước ông cha họ hành động? Chống cự lại ngay đi có phải là khôn hơn không? Đem ngay chiến tranh vào nội địa của địch đi, chiếm đất tại nước họ, nếu cần thì hi sinh một trăm ngàn sinh mạng Mĩ, và có lẽ một triệu thường dân không chiến đấu nữa, để được trở lại thành một nước Mĩ tự do, sống theo ý mình, trong sự độc lập và an toàn, như vậy có phải là khôn hơn không? Chính sách dài hạn đó chẳng hoàn toàn phù hợp với những bài học của lịch sử đấy ư?
Phe triết gia đáp: Phải, phù hợp đấy, nhưng hậu quả tai hại cũng sẽ phù hợp với lịch sử nữa, chỉ khác là những hậu quả ấy sẽ tăng lên theo số đông và tốc độ di động của các lực lượng chiến đấu và theo sức tàn phá kinh khủng phi thường của các khí giới. Còn có cái gì lớn lao hơn lịch sử nữa chứ. Có những lúc mà nhân danh nhân loại, chúng ta phải từ chối không bắt chước cả ngàn những việc đáng tiếc đã xảy ra, và can đảm áp dụng Hoàng kim qui tắc (l0) vào các dân tộc như vua Phật giáo Acoka đã làm năm 262 trước T.L. hoặc ít nhất thì cũng như Auguste khi ông ra lệnh cho Tibère (11) đừng tiến sâu vào xứ Germame nữa (năm 9 sau T.L.). Dù phải trả giá nào chăng nữa, chúng ta cũng không được phạm cái tội gây ra cả trăm vụ Hiroshima ở Trung Hoa. Edmund Burke đã nói: "Về chính trị, đức đại độ nhiều khi mới thực là khôn khéo, sáng suốt, và không có một sự thích hợp giữa một đại đế quốc và một tinh thần ti tiểu, (12) Chúng ta thử tưởng tượng một vị tổng thống Mĩ nói với các nhà lãnh đạo Nga và Trung Hoa:
"Nếu chúng tôi cứ theo những luật truyền thống của lịch sử thì chúng tôi phải tuyên chiến với các ông liền, vì e rằng chỉ trong một thế hệ nữa, các ông cũng sẽ tuyên chiến với chúng tôi. Hoặc giả nếu không vậy thì chúng tôi phải noi cái gương ô nhục của Đồng Minh Thần thánh năm 1815 (13) mà dùng tiền bạc cùng tinh hoa của thanh niên chúng tôi để đàn áp mọi cuộc nổi loạn chống trật tự hiện tại trên khắp thế giới.(l4) Nhưng chúng tôi đã quyết định thử một giải pháp khác. Chúng tôi tôn trọng dân tộc và nền văn minh của các ông mà chúng tôi cho là vào hàng đáng chú ý nhất trong lịch sử. Chúng tôi sẽ ráng tìm hiểu cảm nghĩ cùng ý muốn thực hiện chế độ cộng sản của các ông, mà không sợ bị các ông tấn công. Phía các ông và phía chúng tôi, chúng ta đừng nên để cho niềm sợ sệt lẫn nhau thúc đẩy mà gây ra chiến tranh, vì sức hiệu nghiệm phi thường của khí giới đôi bên sẽ làm cho vấn đề mang một yếu tố chưa từng thấy. Đây, chúng tôi đề nghị với các ông như vầy: các nhà đại diện của các ông và các nhà đại diện của chúng tôi sẽ họp nhau trong một hội nghị thường trực để giải những mối xung đột của chúng ta, chấm dứt hành động cừu địch, phá hoại lẫn nhau, và tài giảm binh bị. Mỗi khi chúng tôi ganh đua với các ông để thu phục một nước thứ ba nào thì chúng tôi chịu tuân theo kết quả cuộc đầu phiếu tự do của dân chúng nước đó. Chúng ta mở cửa nước chúng ta cho nhau vô, chúng ta tổ chức các cuộc trao đổi văn hóa để hiểu biết thêm nhau. Chúng tôi không sợ chính sách kinh tế của các ông thay thế chính sách của chúng tôi, và các ông cũng đừng sợ chính sách kinh tế của chúng tôi một ngày kia sẽ thay thế chính sách của các ông; chúng tôi tin rằng mỗi chính sách hễ tiếp xúc với chính sách kia thì sẽ tự cải thiện đi và cả hai có thể sống chung với nhau, hợp tác một cách hòa bình với nhau nữa. Có thể mỗi nước chúng ta vừa giữ những phương tiện tự bảo vệ thích đáng, vừa kí kết với các nước khác những hiệp ước bất tương xâm, bất tương phá hoại; những hiệp ước như vậy có thể tạo nên một sự thăng bằng trên khắp thế giới, mà mỗi quốc gia được tự chủ, độc lập, chỉ phải giữ những lời cam kết mà mình đã tự do kí thôi. Chúng tôi mời các ông hợp sức với chúng tôi để chống lại cái luật định mệnh lịch sử, để đem các luật lễ độ, văn minh áp dụng vào sự giao thiệp giữa các Quốc gia xem sao. Chúng tôi lấy danh dự thề trước toàn thể nhân loại rằng chúng tôi hoàn toàn tin tưởng và thành thực thử mạo hiểm xem sao. Dù chúng tôi có thua trong cuộc đánh cá lịch sử này thì tương lai cũng không thể tệ hơn cái tương lai nó chờ đợi chúng tôi nếu chúng tôi cứ khăng khăng theo chính sách truyền thống. Nhưng nếu các ông và chúng tôi mà thành công thì chúng ta đáng được hậu thế mang ơn.
Tới đây phe tướng lĩnh mỉm cười: "Các ông quên tất cả những bài học của lịch sử, ngay đến bản tính con người như các ông đã tả, các ông cũng quên nữa. Có một số xung đột sâu sắc quá không thể giải quyết bằng cách thương nghị được; vả lại lịch sử cho ta thấy rằng trong các cuộc thương nghị kéo dài, hai bên cũng vẫn tiếp tục phá hoại lẫn nhau. Một trật tự cho cả thế giới không thể thành lập bằng một gentleman's agreement (giao ước bằng lời lấy danh dự bảo đảm) mà chỉ có thể thành lập sau một cuộc đại thắng có tính cách quyết định tới nỗi một đại cường có thể bắt buộc các quốc gia khác phải theo luật của mình đưa ra như một luật quốc tế tựa như La Mã từ thời hoàng đế Auguste tới thời hoàng đế Marc Aurèle.(l5) Những màn thế giới thanh bình đó trái với tự nhiên, vậy là lệ ngoại, chẳng bao lâu lại có một sự phân phối mới về vũ lực và cảnh thanh bình phải chấm dứt. Các ông đã nói với chúng tôi rằng phải chấm dứt. Các ông đã nói với chúng tôi rằng bản tính con người là thích ganh đưa, rằng những xã hội loài người thành lập nhất định cũng mang tính cách ganh đua ấy và luật đào thải tự nhiên từ nay chuyển lên cương vị quốc tế. Chỉ khi nào các quốc gia đều bị tấn công từ ngoài vào thì họ mới đoàn kết với nhau và hợp tác từ căn bản.
Có lẽ ngày đó đương tiến lại gấp đấy; có thể chúng ta sẽ phải đương đầu với những giống người tham lam, có dã tâm, từ các hành tinh khác hoặc từ các thái dương hệ khác đổ bộ xuống địa cầu chúng ta; rồi ngay sau đó sẽ có một chiến tranh giữa các tinh cầu. Lúc đó và chỉ lúc đó, loài người trên địa cầu này mới đoàn kết với nhau mà đồng cam cộng khổ.
Ngay triết gia Bergson năm 1936 cũng viết: "Cứ để cho nữ thần ái tình Vénus hành động thì chúng ta sẽ thấy thần chiến tranh Maro xuất hiện"; nghĩa là loài người sinh sản nhiều quá thì sẽ có chiến tranh.
Chúng tôi nhớ Napoléon sau một cuộc bại trận ở Áo (?) thấy sĩ tốt chết nhiều quá, bảo: "Không sao! Chỉ một đêm ái ân của dân Paris là đủ bù được".
Và Bouthoul kết luận rằng tài giảm binh bị không có hiệu quả bằng "tài giảm sinh sản"; (désarmenent démogtaphique - trang 137) vì ông cho sự thăng hoa (sublimation) bản năng ganh đua, chiến đấu, nghĩa là hướng tinh thần chiến đấu của loài người vào những mục tiêu cao cả, không có hiệu quả lớn: nguyên nhân của chiến tranh không do bản năng ganh đua chiến đấu, mà do bản năng tự sát, tự hủy kia. Nếu vậy thì bi đát thật!
(1)Như Nga, Mĩ ngày nay.
(2) Như Israel và các quốc gia Ả Rập ngày nay.
(3) Cuối thế kỉ XVIII và đầu thế kỉ XIX.
(4) Tác giả chỉ xét riêng ở châu Âu. Ở Đông Á chúng ta, cho tới thế kỷ XIX, chỉ có chiến tranh xâm lăng. Trung Hoa khi mạnh thì xâm lăng các nước chung quanh (trừ Nhật Bản vì cách biển) để mở mang bờ cõi; khi yếu thì bị các dân tộc chung quanh - nhất là các dân tộc du mục ở phía Bắc và phía Tây - xâm lăng. Dân tộc ta đời Lý, thừa lúc nhà Tống suy vi, cũng tính chiếm Hoa Nam nhưng không thành công.
Trung Hoa thời đó vì đất đai quá rộng, vì thiếu phương tiện hoặc vì chưa giỏi tổ chức, nên không biết bóc lột, khai thác triệt để các nước bị họ chiếm, và cơ hồ chỉ chú trọng tới sự đồng hóa các dân tộc chung quanh thôi. Rồi từ thế kỉ XIX, Đông Á (kể cả Trung Hoa) lại bị những chiến tranh xâm lăng của người da trắng, tàn nhẫn hơn nhiều, hiện nay chưa dứt.
(5) Tác giả viết cuốn này năm 1967, vậy lúc đó ông còn cho rằng thế giới vẫn chưa hòa bình, thế chiến thứ nhì vẫn còn tiếp diễn dưới một hình thức khác.
(6) Acoka là một ông vua Ấn Độ rất mộ đạo Phật; dưới triều đại ông (273-232) đạo Phật thịnh hành nhất, bành trướng nhật. (Coi Lịch Sử Văn Minh ấn Độ - Lá Bối 1971).
Auguste là ông vua đầu tiên của La Mã, sinh năm 63, chết năm -14 . Cả hai ông vua ấy mới đầu đều dùng binh lực để thống nhất quốc gia, thành công rồi thì trị dân một cách nhân từ và không ưa chiến tranh.
(7) Nghĩa là chỉ có chiến tranh mới giải quyết được mọi sự.
(8) Vì trong Thập giới (Mười điều cấm), giới thứ năm cấm giết người.
(9) Vì họ không cấm sự ngừa thai, không hạn chế sinh dục, sinh suất của họ vẫn vào khoảng từ 2 đến 3% mỗi năm, còn ở Âu Mỹ chỉ vào khoảng 1%. Nhờ vậy, dân số họ tăng mau hơn, gấp hai gấp ba. Nhưng ở Trung Hoa hiện nay người ta đã bắt đầu áp dụng chính sách ngừa thai rồi.
(10) Tức qui tắc: kỉ sở bất dục, vật thi ư nhân (điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người).
(11) Vừa là tướng, vừa là con rể của Auguste, kế nghiệp Auguste, thành Hoàng đế thứ nhì của La Mã (-42-37).
(12) Do Seebolm dẫn trong cuốn The age of Johnson (Thời đại Johnson) - Chú thích của Durant. Đại ý câu ấy là nước lớn đừng nên tính những chuyện nhỏ mọn.
(13) Sau khi thắng Napoléon ở Waterloo rồi đày ông ta ra đảo Thánh Hélène, các đồng minh Nga, Anh, Áo, Phổ họp nhau ở Vienne (Áo) năm 1915, tự ý chia cắt châu âu với nhau rồi Nga, Áo, Phổ lập ra Đồng minh Thần Thánh để giữ tinh thần huynh đệ giữa ba quốc gia "mà Thượng Đế đã giao cho thiên chức đem lại hòa bình cho châu Âu', nói thẳng ra là để duy trì hiện trạng ở châu Âu sau khi họ đã chia phần với nhau, mà bất chấp quyền lợi của các dân tộc khác.
(14) Mĩ, Anh, Úc dã dùng chính sách đó.
(15) Auguste: coi chú thích ở trên. Marc Aurèle, một hoàng đế kiêm triết gia La Mã, sinh năm 121, mất năm 181. Trong hai thế là đầu kỉ nguyên, từ Auguste tới Marc Aurèle, đế quốc La Mã cực thịnh, sống trong cảnh thanh bình.
Lời người dịch
Gaston Bouthoul, nhà xã hội học nổi danh ở Pháp hiện nay trong cuốn Le phénonène guerre (Hiện tượng chiến tranh) Payot 1962, tiến thêm một bước nữa, cho rằng nhân loại không những có bản năng tàn phá mà còn có bản năng tự sát, mà nguyên nhân các cuộc tự sát đại qui mô, tức chiến tranh, là để lập lại một sự thăng bằng về nhân khẩu (équilibre démographique - trang 97) và ông nhận thấy rằng - ít nhất là trong các thế kỉ đã qua - cứ sau một thời có nạn nhân mãn là có một chiến tranh lớn (trang 144) để loài người chết bớt đi, đỡ phải dùng chính sách giết trẻ con (infanticide différé - trang 151). Nếu có thể di cư được để bớt nạn nhân mãn thì chiến tranh có thể tạm tránh được.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn