Một giấc Xuân
Nhiều khi Tết bắt đầu bằng những điều đơn sơ của ngày thường được nâng cấp lên một chút. Nửa đêm về sáng, mùi cà phê bay vào tận nơi tôi ngủ, dậy mùi thơm lừng. Cà phê thì ngày nào ba chẳng dậy sớm để nấu nước pha một phin để uống. Nhưng hôm nay nó là mùi cà phê Moka của tiệm Đồng Xương, một tiệm cà phê lâu đời ở gần ngã tư Phú Nhuận.
Nói tiệm cho oai, nó là một lối vào nhà nhỏ hẹp, bề ngang khoảng một mét rưỡi, phía trong là nơi ở của gia chủ. Nhưng không gian này sạch sẽ, ngăn nắp với một bên là những hũ keo thủy tinh đựng bánh kẹp xốp, bánh lạt, bánh champagne... Một bên là những keo chứa cà phê Arabica mà ba tôi gọi là là cà phê Chè, cà phê Robusta túc cà phê Vối. Hũ cà phê Moka, để riêng, giá cao hơn. Chỉ có tháng giáp Tết ba mới rộng rãi mua cà phê Moka uống, thói quen từ những ngày còn khó khăn.
Nhiều khi Tết bắt đầu bằng sự hiện diện của con vịt ở cái hẻm bên hông nhà. Nó là con vịt xiêm mà người Bắc gọi là con ngan. Thấy nó là anh em tôi nghĩ đến nồi vịt hầm với những miếng thịt vịt vàng nâu, thơm và đậm vị. Miếng bánh tráng được nhúng nước cho mềm và dẻo, bỏ thêm miếng xà lách, chút dưa giá chua mát, miếng củ kiệu chua cay, miếng thịt kho nước dừa béo thơm và một miếng thịt vịt màu nâu có sớ dài. Nước mắm pha sẵn, chấm nhẹ thôi kẻo mặn và cho cái hỗn hợp thực phẩm tinh túy ấy vào miệng. Sao nó ngon và hài hòa đến vậy!
Má khoe củ kiệu ngâm giấm năm nay trắng tươi và con lại nhớ mấy ngày đầu tháng Chạp, suốt ngày chạy theo ánh nắng, lo đảo mấy cái rá phơi kiệu từ góc này đến góc khác trên cái sân thượng của ngôi nhà phố nhỏ. Năm nay má làm tỏi chua hơi ít nghen má. Bầy con trai hồi nhỏ mê ăn kiệu giờ khoái tỏi ngâm hơn vì đã đi làm mấy năm nay, thích uống bia nhai tỏi chua với nem, chả lụa nên đợi dịp chiêu đãi đám bạn cùng sở làm. Riêng con vịt này thì có năm nào mà bầy con trong nhà chẳng ngán ngẩm. Sáng Hăm Chín, ba cắt cổ vịt xong nhúng nước sôi để mây đứa con nhổ lông. Giữa cái lạnh dịu của tháng Chạp, mùi thịt vịt còn sống tuy ngai ngái vẫn dễ chịu hơn việc rứt từng cái lông ống, lông măng cho đến sạch bong. Hết cả buổi trưa mới xong để còn làm bao nhiêu việc.
Hai hôm nay đám con mới bắt đầu nghỉ làm, nghỉ học sau mấy buổi tất niên lu bù. Còn nhiều khung cửa sổ chưa lau. Nhà người ta của kiếng lau cái ào là xong. Nhà mình ba vẫn ham mấy cái cửa lá sách làm bằng gỗ căm xe đã lên nước bóng loáng mà lúc làm ăn được ba bỏ tiền thay hết vào chỗ bộ cửa cũ... Cửa lá sách thoáng mát nhưng bụi bám rất sâu vào kẽ. Tay đứa nào cũng đỏ rần vì bị đau khi thúc mạnh nùi giẻ vào những hóc kẹt, nhăn nhúm vì nhúng tay nhiều trong nước. Vậy rồi cũng xong, màu gỗ nâu hiện ra tinh tươm và có vẻ đẹp sâu lắng. Mấy bà chị lo lau cái tủ lạnh, than thở là cái tủ mình nhỏ và bị má la là chỉ có Tết mới như vậy, quanh năm toàn chúa nước lọc không chứ có gì đâu.
Vợ chồng đứa em út xa xứ mới về ăn Tết đã đòi đi xem mai cùng mấy ông anh. Má bảo: "Cần gì xem trước cho cực hả con, người ta sẽ chở về tận nhà cho mình mà!". Đúng là vậy, nhưng đi Thủ Đức xem mai là mơ ước của đứa em rể xa quê hương cả chục năm, luôn nhớ hoài cảnh đi xem Mai Tết ở cầu Gò Dưa. Hai bên lề đường Kha Vạn Cân còn bày bán mai chậu không? Tết này triều cường có bị ngập mây vườn mai không? Ra tới nhà chú Long ở Hiệp Bình Phước, mấy anh em vui mừng vì vườn khô ráo. Cây mai gửi chăm sóc phô vẻ sung mãn, hứa hẹn những chùm bông đẹp nở đúng ngày mồng Một và dài dài sau đó. Nắng chiều cuối năm còn vuông trên mái lá cái chái nhỏ. Chú em rể ra sân sau ngồi trên cái võng ngó bà má già nấu nồi bánh tét to đùng dưới góc dứa. Đến khi mọi người quay ra tìm, thấy chú đã ngủ thiu thiu. Làn khói mỏng từ củi dưới đáy nồi tỏa lên ngọn dứa. Dưới mương, những cánh hoa mai rụng lấm tấm vàng trôi nổi giữa làn nước trong. Không gian chợt thanh bình và êm ả như những ngày xưa trong truyện ngắn của Hồ Trường An đậm đặc không khí Tết miệt vườn Nam bộ.
Chiều Ba Mươi Tết, chị giúp việc chào mọi người để về quê ăn Tết. Quà và tiền thưởng đã lo trước đó rồi, hôm nay má tặng thêm ít bánh tết, trái cây. Anh em trong nhà mỗi người tặng cho ít tiền lì xì mấy đứa nhỏ dưới quê. Trưa nay cúng rước ông bà xong, chị tranh thủ lau nhà buổi cuối năm. Mấy cái tủ kiếng chưng ly tách sáng bóng. Bức tranh sơn mài Trần Hà màu son cánh gián được dời ra chỗ sáng gần cửa sổ nhà chợt lộng lẫy trong cái nhìn tái khám phá vẻ đẹp của nó. Ba nói đó chính là sự xa xỉ duy nhất của ba trong bao nhiêu cái Tết ở đất Sài Gòn này. Bức tranh như một kỷ niệm những ngày còn tuổi trung niên, vất vả nuôi đàn con ăn học. Dù sao đó là những cái Tết hạnh phúc và tự tin khi làm ra được đồng tiền, có thể lo cho con tấm áo mới, có tiền đưa vợ mua sắm khá khẩm thức ăn, đồ uống, trái cây cúng ông bà, đãi khách khứa trong nhà.
Đón bao nhiêu cái Tết trong đời, nhiều lúc thấy vui khi đào xới một ký ức, một hoài niệm. Có thể nó không bao giờ trở lại nữa như là tiếng pháo và mùi diêm sinh. Có khi là một thoáng bâng khuâng riêng tư những ngày giáp Tết, lang thang ở xứ người, ngậm thanh kẹo Hồ lô mà trông ngày bay về Sài Gòn với ba má, anh chị em hay vợ con. Nên nhiều khi mong báo Xuân chỉ để đọc những kỷ niệm về cái Tết của ai đó, có thể không trau chuốt văn chương nhưng cần chân thành chứ không phải là chuyện làm ăn, chính trị đã mệt nhoài. Cuộc đời đáng sống và nhẹ nhõm, nhiều khi không tính được bằng những thành công trong cuộc đấu tranh gầm rú mà là bằng những cái Tết sum họp thiêng liêng và đầm ấm bên người thân thương trong đêm trừ tịch, thơm hương trầm và thơm mùi trà cúng Giao thừa giữa trời khuya.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005