Tâm tư nghệ thuật của Xuân Phái

08:13 SA @ Thứ Năm - 29 Tháng Chín, 2005

Bùi Xuân Phái là một trong số ít những họa sĩ Việt Nam, ngoài xây dựng hệ thống tư liệu vẽ cẩn thận còn liên tục ghi nhật ký. Những gì ông viết chỉ là suy tưởng riêng của bản thân, song tất cả đều toát lên những trăn trở về nghệ thuật, những suy tư để làm sao vẽ cho đẹp hơn, đi gần đến bản chất nghệ thuật hơn.

Những suy nghĩ khác về cuộc sống cũng chỉ làm thế nào để miếng cơm manh áo không can thiệp vào sáng tạo nghệ thuật. Ông mong không nên để nghệ sĩ nghèo khổ quá lâu.

Tình yêu hội hoạ giúp Bùi Xuân Phái thêm nghị lực vượt qua những năm tháng không chỉ khó khăn nhất về kinh tế, đe dọa của bom đạn, mà còn có cả thói đạo đức giả, nghệ thuật giả, chủ nghĩa cơ hội; sự ấu trĩ và cả những kẻ ưa chụp mũ lên người khác. Ông tự khép mình để được sống trung thực và được vẽ. Có màu vẽ màu - không có màu vẽ bút chì, thiếu giấy vẽ lên phong bì, bao diêm, vỏ thuốc, bìa sách... vậy mà qua những trang nhật ký dường như ông không bao giờ than thở, trách móc hoặc đổ cho số phận. Có chăng chỉ trách mình vẽ chưa đẹp, chưa nhiều như các danh họa. Bùi Xuân Phái tự nhủ "Picasso vẽ được 25.000 bức tranh... còn ta làm được bao nhiệu?"...

Từ năm 1958-1974 nhật ký và ghi chép của Bùi Xuân Phái được ghi trên 14 quyển lịch tay thường niênvà 5 cuốn sổ tay. Từ năm 1975 đến lúc mất (24/6/1988) ông tiếp tục ghi chép trên 13 cuốn lịch tay và nhiều mẩu giấy, lề tranh bầt kỳ. . . tất cả những tài liệu trên đã được gia đình lưu giữ. Nhân kỷ niệm 85 năm ngày sinh của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái qua báo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần, xin gửi đến bạn đọc một số ghi chép của họa sĩ.

  1. Vẽ không phải là chép, không phải là đo cho đúng, ghi cho đúng, ghi cho chính xác... Nếu chỉ có thế thì mới là đang học vẽ, còn nếu muốn bước lên nữa, tiến tới ngưỡng cửa của nghệ thuật thì còn phải nhiều gian khổ rèn luyện lao động nghệ thuật thật sự... con đường sáng tác không dễ dàng, không có một lối tắt nào nếu anh muốn nhanh chóng để trở nên xuất chúng! Chỉ có một con đường rất là dài, rất là vất vả và cũng dễ thất bại, dau khổ.
  2. Tìm cái đẹp qua thiên nhiên, hiểu kỹ thiên nhiên để thấy cái cốt lõi. Vẽ bịa là đi vào cái hời hợt, dễ dãi.
  3. Đừng băn khoăn nhiều lúc vẽ. Đừng đặt ra một tiêu chuẩn gì về cái đẹp. Cứ vẽ như người không biết vẽ cũng được chứ sao? Mà lại khó nữa nếu lại cố tình làm ra không biết vẽ! Chính cái hồn nhiên mới đem lại cái tươi mát trong tranh.
  4. Tôi không còn nghĩa gì về nghệ thuật nữa thì tôi mới tự do được mà vẽ.
  5. Một thế giới riêng. Một cái nhìn riêng. Nghệ thuật làm người xem thú vị ở chỗ đó.
  6. Vẽ giống người khác không có gì đáng chú ý vì đó là một “hoạ sĩ” không có gì.
  7. Vượt lên trên những cái làm hỏng nghệ thuật. Nghĩ đến một sự nghiệp lớn lao của cả một đời nghệ thuật. Đừng để chính bản thân mình phải ân hận đã làm những bức tranh không ra gì, không đáng kể. Chính những bức tranh tồi, tranh dở, tranh xoàng sẽ làm hại uy tín của mình đó.
  8. ... Cái đẹp tồn tại được có lẽ lúc nào nó cũng mới.
  9. Không ngại gì làm đi làm lại để tìm ra cái hay hơn nâng mình lên, không hài lòng với những cái dễ dãi. Đừng sợ không được quần chúng thích mà đi tìm lối này lối nọ. Chính cái hay nhất của anh mới làm quần chúng thích được (Tôi không nói quần chúng ở mức độ kém)
  10. ... Đừng gò bó – đừng lo không giống – đừng rụt rè. Vẽ hỏng thì bỏ đi, không sao cả. Càng vẽ nhiều càng nhiều kinh nghiệm. Đáng buốn khi người vẽ không nhìn thấy thất bại, thành công ở mức nào. Cần làm việc rất nghiêm túc và thoải mái.
  11. Cứ vẽ đi, thiên nhiên là một nguồn cảm hứng vô tận. Đừng sợ không làm nổi, cứ là mình mà vẽ, bằng lòng với “tài năng” dù còn kém của mình.
  12. Đúng, cái hồn nhiên trong tranh thật là dễ và cũng thật là khó! Hồn nhiên giả thì chán biết bao! Hãy vẽ với một tinh thần chân thật và thoải mái. Đừng làm bác học trong lúc vẽ, đừng làm nhà giáo trong lúc vẽ, đừng làm một học sinh làm bài trong lúc vẽ... không! Cứ tự do vẽ, vẽ hỏng thì xoá đi, vứt đi... vẽ khá thì giữ lại.
  13. Không nên đi tìm cái “riêng” để tỏ ra mình có chất độc đáo. Rất dễ rơi vào con đường lập dị và hình thức.
  14. Ai vẽ mà không muốn tranh của mình đẹp – nhưng điều đó có phải là dễ đâu. Ai thấy đẹp, ai thấy không đẹp? Lôi thôi lắm chứ! Cái chủ quan cũng dễ đánh lừa ngay cả bản thân người vẽ.
  15. Có thể có những người rất chịu khó vẽ nhưng không có tâm hồn nghệ thuật thành ra họ chỉ giữ những kỹ thuật, những công thức, những luật lệ. Bởi thế tranh của họ dù có kỹ xảo đến mấy đi nữa thì vẫn cứ khô khan tầm thường. Những hoạ sĩ dân gian vẽ thường rất hồn nhiên và thoải mái. Họ không bị lúng túng bởi những khó khăn của kỹ thuật.
  16. Văn là người thì vẽ cũng là người thôi, người làm sao thì vẽ làm nấy (thế nấy). Nếu cố tình bắt chước người khác thì cũng chỉ thành đồ giả thôi. Cần phải vẽ một cách chân thành. Không giả mạo, đừng vay mượn để che đậy cái... kém của mình mà cũng có người đi làm cái giả tầm thường, trong khi chính bản thân mình có cái hay thì lại không khai thác! Thế có đáng tiếc không cơ chứ!
  17. Cái đẹp đến hay không đến là do người vẽ nhìn thấy. “Cái nhìn” cho hay để vẽ cho hay. Cả hai đều khó cả. Phải khổ công rèn luyện để bớt khó.
  18. Đừng tiếc thì giờ mất đi cho một cái tranh, càng mất nhiều thì giờ, bức tranh càng xem được lâu.
  19. Cứ cãi nhau về cái đẹp thì vô cùng thật! Nhưng thời gian, thời gian sẽ công bằng với những cái đẹp chưa được công nhận.

Là một họa sĩ đích thực, Bùi Xuân Phái luôn khao khát được mở rộng, tự do trong sáng tạo. Không bao giờ họa sĩ chấp nhận việc hạ thấp nghệ thuật cho dễ hiểu với số đông, trái lại ông mong muốn trình độ thẩm mỹ của quần chúng sẽ dần được nâng cao. Họa sĩ không bao giờ tự thỏa mãn mình trong nghệ thuật. Một bức tranh bán được, có được ít tiền vẫn làm ông băn khoăn. Ông vẫn muốn làm tốt hơn, vẽ đẹp hơn nữa. Bùi Xuân Phái thương người yêu nghệ thuật dã bỏ tiền mua tranh, dù chính gia đình mình luôn túng thiếu. Sau nhũng năm 1980, ông là họa sĩ bán tranh được nhiều và cũng là người sớm băn khoăn về sự ảnh hưởng của thương mại đối với nghệ thuật. Với họa sĩ, giá trị bức tranh khôngphụ thuộc vào đồng tiền và tin rằng con đường nghệ thuật dài lâu, cũng cần phải có thời gian mới cảm nhận hết được.

  1. Say mê vẽ, giữ lửa liên tục, nguội lạnh là chết. Vẽ là sống là thở. Ngày mai không còn giống ngày nay. Nghệ thuật không thay đổi tức là không có sức sống mới nữa.
  2. Tôi nghĩ về nghệ thuật phải là vô tư, không nên vì không ưa người ta mà không ưa nốt cả tranh, nếu tranh của người ta đẹp.
  3. Đừng tham tiền mà bán rẻ những tranh chưa vừa ý, tai hại, để lại nhiều tranh dở thì nó sẽ át đi mất những tranh hay. Nhưng than ôi! Làm sao đủ sống nếu “chẳng may” một gánh gia đình đông đúc nặng trĩu trên vai?! Đôi khi ta cũng phải kiếm tiền, mà kiếm tiền thế nào để đó là điều tha thứ được?
  4. Chao ôi đáng thương thay những “bức tranh” dở mà nhiều người lại tha thiết chơi. Lỗi tại người vẽ hay lỗi tại người chơi?
  5. Không phải vì tiền mà chúng ta lao vào nghệ thuật. Nhưng nếu có tiền thì dễ chịu biết bao khi chúng ta lao vào nghệ thuật. Mọi phương tiện tốt đều phải có tiền để tạo ra. Mà không có tiền thì không có phương tiện! Buồn thay! Có khi vì cần làm việc (phải có tiền để làm việc) mà anh phải bán rẻ một cái tranh! Điều này có đáng trách không? Thật là khó nói.
  6. Làm nghề “phổ biến cái đẹp” mà vô tài thì thật là tai hại. Như thế có khác gì phổ biến cái xấu ! Bi đát thay và đáng trách thay! Lưu lại những cái dở, cái xấu không khác gì những tên hại dân, hại nước lưu lại cái “tên tuổi” xấu xa! Hãy vì tương lai đất nước, vì lợi ích cho con cháu, hãy làm những cái đẹp chân chính.
  7. Cứ phải đọc phải xem, tìm hiểu nhiều các nghệ sĩ lớn. Họ giúp mình khiêm tốn và tiến lên.
  8. Đáng buồn cho những đầu óc buôn bán, nó làm hỏng dần những quý giá trong nghề nghiệp.
  9. ... Một cái tranh đẹp vẫn cứ có giá trị thật của nó dù nó không được trưng bày, không được đăng báo hoặc không bán được. Con người hiếu danh hám lợi mà muốn thành một nghệ sĩ ư? Chao ôi!
  10. Hãy quý trọng nhân tài, một cách thực sự. Đừng để họ khổ sở kéo dài, chính những con người này sẽ làm vẻ vang cho đất nước. Không quý trọng nhân tài thì sẽ không có nhân tài!
  11. Theo đuổi cái đẹp không phải đơn thuần trong tranh mà còn phải luôn luôn trau dồi tư cách đạo đức của một con người nghệ sĩ chân chính.

Những trang nhật ký của Bùi Xuân Phái giúp ta hiểu giá trị các tác phẩm và con người tác giả hơn. Những gì ông viết ra thường không đế dạy ai về nghệ thuật mà khuyên ta tu dưỡng nên người, nhất là làm người nghệ sĩ trong cuộc đời cụ thể. Tinh thần ấy làm ta nâng niu quý trọng những dòng nhật ký của Bùi Xuân Phái. Xin cảm ơn ông, người hoạ sĩ suốt đời hiến trọn trái tim trong sáng cho nghệ thuật và đã sống đầy đủ yêu thương, kính trọng đối với những giá trị con người.


KỶ NIỆM NGÀY SINH HỌA SĨ BÙI XUÂN PHÁI (01.9.1921)
Có chàng Tư Mã tương tư phố...
16:05' 01/09/2004 (GMT+7)

Suốt đời họa sĩ tương tư Phố...

Chợt như phố kia không người
Còn lại tôi bước hoài...

1. Có một người đã từng "bước hoài" như vậy trên 36 phố phường của Hà Nội, đã im lặng ngắm nhìn, suy tư và vẽ... Như câu chuyện về chàng Tư Mã áo xanh nghìn năm thương nhớ hình bóng kinh thành, ông - họa sĩ Bùi Xuân Phái, trong suốt cuộc đời mình đã trở thành một người tình - kẻ tương tư "Phố". Bằng những dự cảm mang đậm chất bản năng của người nghệ sĩ, ông dường như đã nhìn thấy trước thời khắc tàn phai của những hình hài phố cổ và bằng những âu lo, thôi thúc của một kẻ tương tư cùng tài năng của người họa sĩ, ông đã lưu giữ mãi mãi những hình bóng, linh hồn của phố phường Hà Nội trên khung vải. Từ khi đó, phố phường Hà Nội đã có thêm một cuộc sống mới, trong một không gian mới mang tên Phái. Và cũng từ đó, ông đã cùng với phổ cổ Hà Nội trở thành bất tử...


2. Tôi được sinh ra ở Hà Nội, lớn lên giữa lòng Hà Nội. Ký ức tuổi thơ tôi tràn ngập những hình ảnh của một Hà Nội cổ kính, xinh xinh, nho nhỏ, buồn buồn... Một Hà Nội ẩm ướt rêu phong và lung linh cổ tích... Rồi tôi xa Hà Nội, thật xa, thật lâu... mà vẫn chưa có dịp quay về... Nhưng Hà Nội luôn trở về trong những giấc mơ của tôi. Tự lúc nào tôi đã trở thành một kẻ tương tư Hà Nôi, đêm đêm như kẻ mộng du - trong mơ thấy mình được quay về, chạy nhảy, nói cười giữa lòng phố cũ... và cũng như bao người tương tư khác, tôi luôn tìm kiếm cơ hội để được nhìn thấy những bóng hình Hà Nội của tôi... Những năm xa xứ, đã có những khoảnh khắc hạnh phúc gặp lại Hà Nội của mình trong văn Thạch Lam, Tô Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Khải... Rồi tôi cũng nhận ra rằng nếu chỉ được đọc, nghe... về Hà Nội thôi thì vẫn là chưa đủ, tôi vẫn muốn được nhìn thấy chính Hà Nội của tôi... Trở về Hà Nội sau bao năm xa cách, tôi thật sự sững sờ trước những đổi thay và ngậm ngùi nhận ra rằng hình như những hình ảnh của một Hà Nội mà tôi vẫn hằng thương nhớ đã mãi mãi không còn nữa... Biết tìm đâu Hà Nội của tôi?


3. Ngày tôi được gặp những bức tranh vẽ Phố của ông, tôi xúc động đến bàng hoàng nhận ra đây chính là Hà Nội của tôi, Hà Nội mà tôi đã bao năm thương nhớ, kiếm tìm, Hà Nội của những ký ức tuổi thơ và huyền thoại phố phường... Một Hà Nội với chập chùng mái ngói liêu xiêu xô dạt trên phố Hàng Bạc, những mảnh tường vôi trăm tuổi rêu phong của phố Hàng Mắm, ánh đèn vàng cô độc hắt qua khung cửa sổ trên phố Mã Mây, mảnh trăng non trong đêm lạnh của phố Hàng Giầy, những cột đèn mang đầy tâm trạng trên phố Hàng Bè, khoảnh khắc suy tư cổ tích của chú bò vàng trong một buổi trưa phố Hàng Phèn, ngọn đèn đường chao đảo trước một thẳm sâu của phố Trần Nhật Duật, những khoảnh khắc giao mùa trên phố thuốc Bắc. Mùa xuân xôn xao lá non, mùa hạ ẩm ướt với cơn mưa vừa chợt tắt, mùa đông với mây xám chì và gió buốt... Những sắc màu của một ngày trên phố Hàng Giày: tươi tắn trong buổi sáng, gắy gắt ban trưa và dịu dàng một màu trắng lung linh trong một đêm trăng lạnh... Những con phố của ông còn chứa đựng những điều không nhìn thấy: hình bóng những con người của một thời xa vắng, những tâm tư phố, những hoài niệm ngõ... Những con phố trong tranh của ông vẫn ngày đêm rầm rì kể chuyện, trăn trở sinh sôi, đang sống đời sống cũ trong một không gian mới mang tên ông: không gian Phố Phái.


4. Bằng cách nào ông đã vẽ nên những bức tranh Phố đẹp và cuốn hút đầy ma lực như vậy? Bằng tài năng của một họa sĩ bậc thầy? Điều này đương nhiên đúng vì dường như trong ông đã hội tụ nỗi buồn sâu lắng của Levitan, sự bạo liệt trong nét cọ và khát vọng thể hiện tất cả của Van Gogh, sự tinh tế trong màu sắc của Monet, sự đa dạng trong bố cục và nhịp điệu tranh của Mondrian, sự cảm thông tâm - trạng - phố - phường của Marquet... Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, chúng ta sẽ mãi mãi không thể nào có được "Phố Phái". "Phố Phái" được ra đời không chỉ bằng tài năng của họa sĩ mà bằng cả một nỗi niềm tương tư Phố trong một tâm hồn thuần Việt, đây chính là điều đã khiến ông và tranh Phố của ông không lẫn với những tài năng khác. Bùi Xuân Phái đã vẽ với một tâm hồn Việt, một tâm hồn luôn tỏ rõ không chỉ trong những bức tranh về phố mà còn dễ dàng nhận ra trong những bức tranh làng quê, những "lúng liếng" của tranh chèo... kể cả những thể nghiệm trừu tượng của ông cũng mang đậm một điều gì đó rất Việt Nam. Trên tất cả, ông đã vẽ phố phường bằng tình yêu mãnh liệt của một người suốt đời tương tư phố. Một tình yêu có lẽ đã manh nha ngay từ khi mới chào đời, bắt đầu khi ông hai mươi tuổi với bức tranh vẽ phố đầu tiên và chỉ kết thúc lúc 2 giờ 40 phút rạng sáng ngày 24.06.1988 khi thần chết đã buộc ông phải buông rơi cây bút vẽ bên cạnh bức họa cuối cùng của đời ông: hình ảnh đôi bàn chân của chính mình và chiếc bình huyết thanh - vật thể duy nhất nằm trong tầm nhìn của ông khi nằm trên giường bệnh...

5. Nhà phê bình nghệ thuật Thái Bá Vân có lần đã nêu câu hỏi: Hội họa Việt Nam sẽ ra sao nếu không có Bùi Xuân Phái? và ông đã tự trả lời: "Hội họa Việt Nam sẽ có một khoảng trống lớn lao không thể nào bù đắp được". Riêng tôi, tôi luôn nghĩ rằng ngày ngày ông mất có lẽ phố phường Hà Nội đã khóc ông nhiều lắm! Không khóc làm sao được khi một người tình tri kỷ, thủy chung, và tuyệt vời đến vậy đã vĩnh viễn ra đi? Không khóc làm sao được khi từ đây khó mà tìm được một người thứ hai yêu phố, hiểu phố và vẽ phố hồn nhiên, vô thức như ông?

Xin mượn cách nói của một đại sư về sự giác ngộ của kẻ thiền qua cái nhìn núi và sông để nói về ông và phố:

Khi ông chưa ra đời, phố đã là phố nhưng lại chưa là Phố
Khi ông nhìn, phố không còn là phố, ông không còn là ông
Khi ông vẽ, phố thực sự là Phố, ông thực sự là ông
Khi ông ra đi, phố mãi mãi là Phố, ông mãi mãi là ông...

...

Có thể hôm nay, trong ngày sinh nhật của mình, ông - chàng Tư Mã áo xanh suốt đời tương tư phố - đang trở về dạo bước lang thang trên những đường phố Hà Nội thân quen để được ngắm nhìn, trò chuyện, hỏi han người - tình - phố - cổ của mình...

THU PHONG

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Định nghĩa về cái đẹp

    20/08/2017Hầu hết những người cố gắng định nghĩa cái đẹp đều nhất trí rằng nó dính dáng đến sự đáp ứng của ý thích. Chúng ta gọi một cái gì đó là đẹp khi nó làm chúng ta vui thích hay hài lòng ở một phương diện đặc biệt nào đó. Nhưng cái gì gây nên sự đáp ứng này từ phía chúng ta? Nó có phải là cái gì trong chính bản thân đối tượng ...
  • Tranh Nguyễn Thái Tuấn và con mắt Internet

    08/03/2013Không vẽ được là chết tươi. Không mới hơn, chết héo. Nguyễn Thái Tuấn đã vẽ trong nỗi sợ “chết” không ngừng đó. Những con mắt to với những đường viền đậm quanh mi đang nhìn, liếc vào cuộc đời từ trên mặt toan (toile), là những cánh cửa mở ra mời gọi ta bước vào thế giới tranh của Nguyễn Thái Tuấn. Và bây giờ, khuất lấp đâu đó là những con mắt hình chữ @: Con Mắt Internet..
  • Ẩn ngữ nghệ thuật thời tiền sử

    21/07/2005Đỗ Kiên CườngTháng 12/1994, Jean-Marie Chauvet và hai người bạn khám phá hệ hang động vùng Ardèche nước Pháp. Thật may mắn, họ đã tìm thấy các bức bích họa sinh động về ngựa, sư tử, bò tót, tê giác cũng như voi ma-mút. Một số hình ảnh được vẽ, số khác được “chạm” vào vách hang...
  • Bản chất của nghệ thuật có giống với kỹ năng không?

    21/07/2005Một lúc nào đó trong thế kỷ 19, từ “nghệ thuật” bắt đầu được dùng chủ yếu cho một loại hình nghệ thuật – cái gọi là “nghệ thuật tạo hình”. Người Hy Lạp và La Mã cổ đại không loại trừ những ngành như điêu khắc, âm nhạc, và thi ca khỏi danh sách các nghệ thuật của họ, nhưng họ cũng không tuyên dương những ngành nghệ thuật này như nghệ thuật tới mức loại bỏ hết mọi sự tạo tác khác của con người.
  • Từ cái thực chuyển sang cái mơ

    06/07/2005Họa sỹ Thái TuấnCon đường nghệ thuật chính là những cơn mơ, giấc mộng, giúp cho con người một tầm nhìn rộng rãi, sáng sủa hơn về đời sống...
  • Văn hoá mỹ thuật không thể không sốt ruột

    24/05/2005Nhà phê bình Nguyên HưngKhông được dẫn dắt bởi một cách thức tư duy mới, số đông nghệ sĩ, đã không biết khai thác năng lượng ở đâu cho sự sáng tạo, không biết làm thế nào để bảo toàn nguồn năng lượng vốn có...
  • Họa sĩ THANH TRÍ : giữa thế giới sắc màu tâm ảnh

    24/05/2005Mỹ thuật là nghệ thuật của cái đẹp và họa sĩ là người đem những sắc màu và cảm xúc từ trong tâm thức của chính mình để sáng tạo thế giới: Một thế giới mang tính tượng trưng vừa hiện thực, vừa mơ mộng của cái đẹp.  Do đó, mỗi tác phẩm hội họa là một vũ trụ thu nhỏ tâm ảnh của người họa sĩ.  Mỗi họa phẩm là một mảnh tâm hồn của họa sĩ.  Màu sắc, đường nét, bố cục của mỗi bức tranh, do đó, vừa mang tính khách quan của thế giới hình tướng nhưng cũng vừa mang tính chủ quan sáng tạo của người nghệ sĩ...
  • Mỹ thuật Việt Nam — Nhân vật còn thiếu...

    24/05/2005Nguyên HưngĐến lúc này, dường như, chúng ta đã có thể nói về một sự đứt đoạn trong các quan hệ văn hóa mỹ thuật. Hầu như ai cũng cảm thấy mỹ thuật là cần thiết như một nguồn năng lượng làm gia tăng giá trị cuộc sống, làm gia tăng các khả năng thích nghi với cuộc sống đương đại..., nhưng đồn
  • xem toàn bộ