Tiếng gõ cửa mùa xuân

08:05 CH @ Thứ Bảy - 24 Tháng Giêng, 2009

“Mùa xuân gõ cửa phương nào
Thời gian như đã dầu hao lại đầy”

Tiếng gõ cửa ấy với tôi có khi là tiếng sột soạt của bức mành treo ngoài cửa sổ, mỗi khi có ngọn gió thổi qua. Nhà ở trên cao, một gợn gió nhẹ cũng có thể gây nên một tiếng động đủ để giật mình. Nhất là vào cứ cuối đông đầu xuân, gió mùa Đông Bắc liên tục viếng thăm, tiếng gõ ấy thường gấp gáp như tiếng những bàn chân lữ thứ vừa từ phương nào ghé tới. Chưa kịp bực mình vì người khách không mời, đã nghe vang trên đầu khóm cây ngoài ban công tiếng hót hồn nhiên tự tại của chú chim chuyền đầu tiên vừa thức giấc. Biết không sao ngủ tiếp, liền ngồi dậy, khẽ mở khung cửa nhỏ nhìn ra, và lần này thì không còn là tiếng gõ cửa dịu dàng của gió, mà là một chùm hoa gioi, hoa mận bên nhà hàng xóm mới qua một đêm mà đã kịp nở tung trắng xóa đến sững sờ. Cái tiếng gõ cửa lặng im này của mùa xuân mới quyết liệt làm sao, nó như bức thông điệp của Trời Đất gửi đến cho con người, báo tin về một cái gì đó đã vĩnh viễn ra đi và một cái gì đó lại đang đợi chờ phía trước.

Với người này, tiếng gõ cửa ấy là một tiếng mời gọi, rủ rê. Với người khác, tiếng gõ ấy có thể là một câu nhắc nhở nhẹ nhàng. Và với người khác nữa, tiếng gõ ấy chắc chắn là một lời giục giã gấp gáp. Còn với tôi, cầm trên tay tờ lịch cuối cùng của năm cũ, ý nghĩ đầu tiên ập đến trong buổi sáng hôm nay là vì sao thời gian lại có thể trôi nhanh đến thế. Mới đó, cũng ngày này năm ngoái, trận rét đậm dai dẳng hơn một tháng ròng đã quét sạch những chiếc lá vàng cuối cùng của mùa đông, vun chúng thành từng đống để cho các bà các chị quán cóc hàng rong có dịp nhen lên những đống lửa giữa hè phố Hà Nội, một cảnh quan hiếm thấy và không thể nói là không thú vị. Có một chiều như thế, tôi lang thang một mình trên phố.

Mưa phùn đầu xuân như những ngón tay tinh nghịch cứ lùa vào trong cổ. Gió từ mạn bên kia sông Cái vẫn hun hút lùa về. Đi giữa phố phường mà chợt nhớ da diết cái không khí đồng không mông quạnh trong bài thơ tứ tuyệt lừng danh của thi nhân Đỗ Mục đời Đường:


Thanh minh lất phất mưa phùn
Khách đi đường thấm nỗi buồn xót xa
Hỏi thăm quán rượu đâu là
Mục đồng chỉ lối Hạnh Hoa thôn ngoài.

Một nỗi buồn ấm áp của cõi người. Không có rượu thì ghé vào đống lửa bập bùng của bà cụ bán nước vắng khách, làm tạm chén trà Thái cũng được chứ sao. Trên đời này dễ có cái thú nào sánh kịp khi giữa cơn rét buốt tái tê được nâng niu trong tay một chén trà nóng, nghe hơi ấm từ những ngón tay tỏa dần khắp cả châu thân, để vị trà đậm đà, ngon ngọt và chan chát ngấm tê tê nơi đầu lưỡi. Giây phút ấy chẳng còn biết là mình đang sống ở đời nào thuở nào, ba mươi sáu phố phường Hà Nội như trở về thời Lý thời Trần, và bà cụ đang luôn tay chuyên nước kia bỗng như hiện lên từ tích chèo Tấm Cám ngày xưa. ôi, lâu lắm rồi, giữa cái Hà Thành cao ốc đèn điện bếp núc sạch bóng, ơn Trời cho trận rét hy hữu (!) mới lại được ngồi bên bếp lửa than hồng quê kiểng của tuổi thơ, hong những ngón tay giá lạnh trên đám tàn lửa đang tí tách nở hoa cà hoa cải mà mơ về nơi xa lắm. Một năm đến lắm là ngày, Nguyễn Bính từng nói thế, ấy vậy mà rồi ra một năm cũng ngắn chẳng tầy gang.

Chưa kịp làm thơ về mưa bụi - Tiếng ve thoắt đã gọi sang hè, lời cảm thán ấy của chính tôi dường như là để giành cho năm Mậu Tý này đây, cái tên năm cổ kính đâu như vọng về từ trong bài hát "Hòn vọng phu”của nhạc sĩ Lê Thương từ thuở đầu tân nhạc, nay cũng đã qua đi chóng vánh với gồm đủ chuyện bi hài. Bi và hài trước hết là vì mấy con vi trùng vi khuẩn vốn là thủ phạm gây nên những trận đại dịch kinh hoàng từng giết hại hàng triệu người trong lịch sử, nay lại xuất hiện giữa Thủ đô ngàn năm văn hiến. Nếu gọi đích danh là " dịch tả " hay " thổ tả " thì nghe khủng bố quá và kể cũng ngại ngùng, bèn gọi bằng tên sách vở khoa học cho sang lên, cho lạ đi một tý, ấy là lũ "phẩy khuẩn tả" vậy. Mà cái lũ có tên chính danh là " phẩy khuẩn tả " này cũng tỏ ra rụt rè rón rén, chỉ mon men rình rập, nay nơi này mai nơi khác, lúc chỗ nọ khi chỗ kia, khiến cho không phải là mấy con vi trùng mà chính là đám khách ẩm thực sành điệu lại tỏ ra nhờn thuốc. Những quán ăn đường phố nhom nhem nhếch nhác vốn là tổ ấm của lũ vi trùng vi khuẩn kia vẫn thản nhiên quay lưng lại với những lời cảnh báo của các phương tiện thông tin đại chúng. Còn ở các bệnh viện, thì thậm chí, vào những ngày cao điểm dịch bệnh, khi cơ sở y tế nào cũng chật cứng như nêm, đã có anh chàng bệnh nhân phát ngôn một câu xanh rờn: Chưa bao giờ đi nằm viện mà vui thế này... Nói theo ngôn ngữ của thế hệ 8X, 9X là bó tay chấm com, hết thuốc chữa.

Bi và hài tiếp theo ắt là chuyện mấy sàn chứng khoán và cuộc nhảy nhót có tên là vũ điệu ngân hàng. Vừa chân ướt chân ráo theo con thuyền đắp - bờ - liu - ti - âu tập đi ra biển lớn, dân ta đã sớm biết thế nào là sóng to gió cả, khi một sáng thức dậy có nhà đầu tư chứng khoán bỗng thấy mình trở thành tỷ phú lúc nào không hay, cứ ngỡ như công cuộc hội nhập dã cho ta phép màu để hóa giải những giấc mơ. Nhưng đúng lúc các con giời chỉ còn cách thiên đường có một bước thì cái thời tiết tài chính toàn cầu vốn đỏng đảnh bỗng quay ngoắt 180 độ. Các sàn chứng khoán bất đầu tụt dốc không phanh, mặc dù ông nhà nước đã ra tay trợ giúp, nhưng biển lớn không phải là cái ao nhà, thiếu nội lực và còn non kinh nghiệm ra khơi thì việc lên voi xuống chó trong thương trường không xẩy ra mới là chuyện lạ.

Những nơi trú ẩn an toàn muôn thuở như vàng và ngoại tệ cũng dần dà phơi ra tất cả thói quen dị mọ tiểu nông. Và cứ mỗi sáng, khi đi qua các ngân hàng thương mại đang mọc lên như nấm sau mưa, mục kích cảnh các nhân viên nhà băng tới tấp thay đổi những tấm biển thông báo lãi suất huy động đang leo thang đến chóng mặt, thì có ai đó đã lăng xê cái thuật ngữ không thể chính xác hơn: Lướt sóng.

Cuộc sống sinh động chính là nhà ngôn ngữ tài ba nhất. Đã có ra biển thì phải có lướt sóng chứ sao. Hết lướt sóng trên sàn chứng khoán lại đến lướt sóng ngân hàng. Các nhà đầu tư theo kiểu chụp giật sáng mua chiều bán, kiếm ăn quanh quẩn mấy tiệm vàng và thu đổi ngoại tệ, tối ngày vác vốn chạy từ ngân hàng nọ đến ngân hàng kia. Cái lối tồn tại và phát triển theo cách đánh đu với thời tiết và may rủi ấy đã để lại những ấn tượng dở khóc dở cười cho một năm tài chính vẫn còn hứa hẹn những hậu quả khôn lường.

Nhưng bi hài nhất hẳn phải là trận mưa lụt lịch sử ở Hà Nội vào những ngày đầu tháng 11 vừa qua. Bi thì đã hẳn, vì những thảm cảnh mà rất nhiều người dân Thủ đô phải hứng chịu trong những ngày dài dằng dặc ấy. Những cái chết bất ngờ đau xót, những tài sản bạc tỷ trôi theo dòng nước, cảnh những người dân Hà Thành lặn ngụp trong nước lạnh hay bị giam lỏng ngay trong chính nhà mình... thậm chí đã làm động lòng trắc ẩn đến cả một con người ở cách xa ta đến mười hai múi giờ, một con người có lẽ đang trong lúc bận rộn nhất thế giới và cũng đang được chú ý nhất thế giới, ấy là ông Barack Obama, ứng cử viên Tổng thống Mỹ, để ông kịp gửi đến người dân Hà Nội một lời chia sẻ đầy cảm thông ngay từ ngày 02/11, khi ông còn chưa có tư cách gì chính danh, ngoài chức thượng nghị sĩ bang Illinois, và cũng là khi ông chỉ còn cách chiếc ghế Tổng thống Hoa Kỳ có hai ngày. Bi là thế, nhưng hài thì cũng chẳng kém. Và người dân Hà Nội cũng như đồng bào cả nước đã thêm một lần chứng minh cái sức sống kỳ lạ của một dân tộc luôn thích cười và biết cười trong mọi nơi mọi lúc, kể cả những khi nước sôi lửa bỏng. Hà Nội mùa này phố cũng như sông, cái rét đầu đông chân em thâm vì ngâm nước lạnh, hoa sữa thôi rơi em tôi bơi cả ngày trên phố, đường Cổ ngư xưa ngập tràn nước sông Hồng... Bật mạng lên nghe một giọng hát trữ tình da diết mà phì cười. Thời buổi bùng nổ truyền thông, các thiết bị nghe nhìn hiện đại nối mạng toàn cầu được dịp tung lên trước mắt bàn dân thiên hạ những nghịch cảnh có một không hai: Cất vó ở phố Nguyên Hồng, úp nơm trên đường Thái Hà, câu cá ở Tân Mai, Trương Định, chèo thuyền trên đại lộ Nguyễn Chí Thanh (ngay trước cổng Đài truyền hình Việt Nam), và ngộ nghĩnh nhất có lẽ là đám cưới chạy lũ, cảnh chú rể xắn quần cõng cô dâu về nhà chồng vừa khôi hài vừa lãng mạn đến kinh điển. Vào ngày cao điểm của nước lụt, ai đó còn tung lên mạng một dòng tin nóng giật gân: Công an Hà Nội vừa triệt phá một tụ điểm tệ nạn, bắt giữ một số thanh niên tụ tập đua thuyền trái phép trên sông " Quang Trung, can tội đua thuyền tốc độ cao, đánh võng lạng lách, lại còn không có bằng lái thuyền, không đội mũ bảo hiểm và không có cả... áo phao? Hahahaaa... người dân Hà Nội được dịp phá lên cười. Và với từng cười có vẻ không phải lúc ấy, chúng ta đã nuốt trôi được trận đại hồng thủy hy hữu, để lại sau lưng bao rác rưởi ngổn ngang trên hè phố bờ đường và cũng bấy nhiêu những trăn trở băn khoăn, những hoài nghi ẩn ức trong lòng người, nếu như quả thật còn có những ai đó nhận ra rằng gây ra tất cả những cảnh bị trật ấy đâu chỉ có lỗi của ông Trời. Cảnh lụt lội ấy rồi cũng qua đi, nhưng tiếng cười thì còn lại. Như sau mưa trời lại nắng, con người ta sống được là nhờ có lúc cũng phải biết quên đi và không nguôi hy vọng. Sau cơn lụt lịch sử ở Hà Nội và trận bão tài chính dấy lên từ phố Wall trung tâm nước Mỹ, người dân xứ Việt lại được thỏa chí tò mò và chung vui với người dân xứ sở Cờ Hoa về việc lần đầu tiên trong lịch sử hơn hai trăm năm lập quốc của Hoa Kỳ, một ứng viên da màu, một người Mỹ lai Phi đời thứ nhất đã trúng cử Tổng Thống với số phiếu áp đảo, trong một cuộc bầu cử gay cấn đến phút chót. ở trên kia, tôi đã nhắc đến cái tên Barack Obama với lời thăm hỏi nhân dân Hà Nội vào cái thời điểm mà thực lòng đã khiến không ít người như tôi kinh ngạc.

Quanh chuyện con người này trúng cử Tổng thống Mỹ, những ai quan tâm đến thời tiết chính trị và xu thế thời đại có vô số điều để bàn luận và đồn đoán. Riêng với câu khẩu hiệu tranh cử của ông cũng đã nói lên tất cả. Đó là một sự thay đổi như một nhu cầu bức thiết của nước Mỹ và cũng là một niềm tin mà ông đặt vào nhân dân Mỹ và chính bản thân mình. Khẩu hiệu vẫn chỉ là khẩu hiệu, nó chưa phải là việc làm và còn lâu mới là thành tựa. Nhưng khi đã nhìn ra bản chất của vấn đề và định ra chính xác con đường phải đi, cùng với đa số cử tri Mỹ, chúng ta, những người cũng đang khát khao một cuộc thay đổi to lớn và triệt để cho chính mình, chúng ta có quyền hy vọng vào những điều tốt đẹp hơn đang chờ đón tất cả loài người ở phía trước.

Trong một thế giới "phẳng" như cách mô tả của nhiều học giả phương Tây hiện đại những điều ngỡ như xa xôi diệu vợi ấy cũng thiết thân với mỗi chúng ta như bát cơm manh áo thường nhật. Và như thế, dù là một bông hoa bất chợt nở ngoài cửa sổ hay một dòng tin mới mẻ đến từ một xứ sở cách ta nửa vòng trái đất, những tín hiệu đầu tiên của một mùa xuân mới đang ùa về gõ cửa căn nhà của mỗi một chúng ta. Dù điều gì sẽ đến, chúng ta hãy cứ hân hoan mở toang cánh cửa nhà mình để đón chào người khách thân quen mang gương mặt của mùa xuân Đông tàn Mậu Tý.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Một thoáng cảm xúc mùa Xuân

    15/02/2018Nguyễn Tất ThịnhXuân là câu chuyện của Trời
    Tết là Tình ý của Ngưới đón Xuân
    Bốn Mùa trải mấy gian truân
    Đợi Giao Thừa đến thả vần Thơ bay…
  • Lời mùa xuân

    02/01/2018Việt VănMùa xuân là khởi đầu, là hy vọng. Lời chúc đầu xuân bay đến bạn vào những thời khắc chuyển giao một năm mới đều là những lời tốt đẹp. Chúc thành công, may mắn. Chúc mọi sự an lành, chúc ước mơ thành hiện thực. Chúc phú quý đại lợi. Chúc an khang thịnh vượng. Và dễ thương nhất là lời chúc "vạn sự như ý"...
  • Tinh khôi như mùa xuân

    24/01/2009Nguyễn Tường BáchMột ngày nọ tại sân bay quốc tế Bangkok, trong khu vực nghỉ ngơi của doanh nhân, kẻ viết bài này bắt gặp một người lạ. Với khuôn mặt nghiêm túc, áo quần tươm tất của một giám đốc công trình, ông vội vã xách cặp bước vào phòng.
  • Mùa xuân khát vọng tình yêu

    22/01/2009Trịnh Trung HòaTừ xưa đến nay, tình yêu luôn luôn là cảm hứng , là đề tài muôn thủa của các loại hình nghệ thuật mà ai cũng biết rằng đối tượng của nghệ thuật bao giờ cũng là cái đẹp, phải chăng tình yêu và cái đẹp luôn quan hệ khăng khít với nhau? Như mùa xuân đang đến, vạn vật thắm tươi, những trái tim dâng trào khát vọng.
  • Tin vào mùa xuân

    18/01/2009Ngọc Thiện AnhĐã rất nhiều cơn gió mùa từ phương Bắc thổi lại. Vẫn chưa thấy mùa xuân trở về...
  • Mùa xuân và văn chương trẻ

    28/01/2006Nguyễn HòaXuân Bính Tuất đã về. Và như là thói quen nghề nghiệp, tôi nghĩ tới những người viết văn trẻ - những người tôi vẫn thường đọc, thường chuyện trò, đôi khi còn hào hứng tranh luận giữa "bãi bia" hay quán cà-phê...
  • xem toàn bộ